‘Ron, Rô, NÓI TIẾNG VIỆT! Nãy giờ tiếng Anh quài à!’
Tiếng anh Hai Rơm nhắc ai thằng em, mẹ nháy mắt giơ ngón tay cái lên tỏ vẻ đồng ý. Không hề giao phó nhiệm vụ này cho Rơm mà tự nhiên ảnh đặt cho mình trách nhiệm phải làm ‘cảnh sát ngôn ngữ’ cho mấy đứa em sanh ra ở Úc này (và kể cả ảnh nữa chứ).
Hồi 2 tuổi Rơm bị chẩn đoán là ‘significant speech delay’ (chậm nói trầm trọng), nhưng ba mẹ vẫn kiên trì nói chuyện với con mỗi ngày. Vì gia đình mình sống trong môi trường đa ngôn ngữ nên từ nhỏ mình luôn dùng 2 thứ tiếng khi giao tiếp với con, câu tiếng Anh sẽ đi sau câu tiếng Việt. Ví dụ mẹ cầm trái táo và nói ‘Đây là trái táo nè con, trái táo tiếng Anh là apple’. Rơm bắt đầu nói nhiều là sau khi mình sinh Ron, và thật ngoài mong đợi của mình, Rơm nhớ được rất nhiều từ cả Việt lẫn Anh mà ngày trước ba mẹ vẫn nói hằng ngày với mình.
Giữ gìn tiếng mẹ đẻ với rất nhiều gia đình Việt ở Úc hay các nước khác không phải lúc nào cũng là câu chuyện dễ dàng nếu như điều đó không phải là thói quen. Không ít mẹ có con mang hai dòng máu (lấy chồng nước khác) than thở rằng con họ chỉ quen nói tiếng Anh mà không chịu nói tiếng Việt. Tuy nhiên mình có biết 2 người bạn lấy chồng Tây nhưng luôn nói tiếng Việt với con, một người thậm chí còn dạy chồng mình nói tiếng Việt. Trong những lần gặp gỡ, mình chỉ thấy cô vợ nói tiếng Việt với chồng, thậm chí còn tổ chức gói bánh chưng và kêu chồng gói chung nữa. Những đứa con tóc vàng mắt nâu cũng nói tiếng Việt rất dễ thương. Mặc dù vai trò của người mẹ chiếm 50% trong việc hình thành ngôn ngữ cho con, nhưng không phải ai cũng tận dụng cơ hội đó.
Tại sao trẻ không chịu học tiếng Việt? Làm sao để con em cũng yêu tiếng Việt?
Câu này rất nhiều người thắc mắc, nhưng thật ra cách làm thật đơn giản như hơi thở vậy. Hãy tự hỏi mình những câu sau:
Cha mẹ có yêu tiếng Việt không?
Cha mẹ có nói tiếng Việt không?
Cha mẹ có tự hào vì mình nói tiếng Việt không?
Rất nhiều cha mẹ Việt nhưng lại nói tiếng Anh với con, cố học tiếng Anh với con. Điều đó tốt. Tuy nhiên trong những sinh hoạt hằng ngày thì họ vẫn dùng tiếng Anh với con. Một điều cần phải chấp nhận rằng, một khi con lớn thì vốn tiếng Anh của bạn sẽ không bao giờ bằng con bạn được! Từ giọng điệu (accent) đến cách diễn tả (expression) và kể cả tư duy ngôn ngữ cũng sẽ không thể nào bắt kịp các con. Chúng ta học ngoại ngữ khi đã ‘có sạn trong đầu’ nên việc tiếp thu những điều mới mẻ có thể bị hạn chế. Thậm chí bản thân mình đây là Thông Biên dịch viên mà còn không dám cho mình đã đạt được đến trình độ của người bản ngữ (native speaker) nữa.
Trong quá trình làm việc, mình gặp không ít trường hợp phải thông dịch cho cha mẹ và con cái trong những tình huống hết sức đau lòng dẫn đến việc mất kết nối giữa cha mẹ và đứa con. Cụ thể, khi con đến tuổi dậy thì, việc mất kết nối càng nghiêm trọng hơn khi mẹ không thể hiểu khi con nói tiếng Anh và con không hiểu mẹ khi mẹ nói bằng tiếng Việt trong khi nó thấy buồn cười với vốn tiếng Anh hạn chế của mẹ, ngay cả phát âm cũng chẳng chuẩn nữa. Một số tình huống đó là con bị trầm cảm và có ý định tự tử nhưng nhà trường là nơi đầu tiên phát hiện và gọi về cho cha mẹ để cảnh báo, sau đó là các buổi tham vấn và hỗ trợ cho hai bên; thông dịch viên (là mình) được gọi tới để làm cầu nối ngôn ngữ cho hai mẹ con! Mình cũng từng được gọi đến một bệnh viện tâm thần và đến nơi, đứa con từ chối gặp mẹ ‘vì có nói gì bà ấy cũng chẳng hiểu’. Mình ám ảnh nét mặt đau khổ thẫn thờ của người mẹ. Hãy nghĩ mà xem, chính mình mang nặng đẻ đau nó, mình cho nó bú, mình tắm rửa chăm sóc nó từ khi nó còn bé xíu, mình đút nó từng muỗng cơm…để rồi bây giờ nó từ chối gặp mình!
Thật ra, nói tiếng gì không quan trọng, mà quan trọng chính là sự kết nối. Tuy nhiên, hãy thực tế một chút, nếu không là tiếng Việt thì là tiếng gì? Liệu cha mẹ Việt có nói tiếng Anh đủ giỏi bằng con mình không? Một người mình quen biết ở Việt Nam thậm chí còn đặt tên tiếng Anh cho con mình, cho con học trường quốc tế vì nhà có điều kiện mà, cho con ăn món Tây, dùng hàng ngoại.
Vậy thì nguồn gốc Việt Nam có lỗi gì?
Nếu bạn không tự hào mình là người Việt Nam, thì đừng mong con bạn cũng như vậy.
Một người tóc đen da vàng dù cho có nói tiếng Anh giỏi cỡ nào thì người đó vẫn là dân châu Á. Một người da trắng tóc vàng ở Việt Nam, dù nói tiếng Việt giỏi cỡ nào thì cũng là ‘người ngoại quốc’.
Việc trẻ em người Việt sinh ở nước ngoài có xu hướng nói tiếng Anh nhiều hơn là điều dễ hiểu vì đó là môi trường các con sinh ra và lớn lên. Nhưng làm thế nào để con nói tiếng Việt? Ngoài việc nói chuyện bằng tiếng Việt với con hằng ngày, thì khuyến khích sự tự hào vì mình có 2 ngôn ngữ trở lên là điều cực kỳ quan trọng. Có lần trong một buổi sinh hoạt gia đình, mình nói với các con là “Hôm nay mẹ làm việc ở tòa án. Các con có biết ở tòa thì ai là người có quyền lực nhất không?”
Người đầu tiên tụi nó nhắc đến ‘tất nhiên là quan tòa rồi mẹ, vì quan tòa xử án mà’.
Mẹ lắc đầu, tiếp đó là những người như ‘luật sư – vì luật sư cãi cho bị cáo’, ‘cảnh sát – vì cảnh sát bắt tội phạm’.
Cuối cùng sao nhắc tới ai mẹ cũng lắc nên tụi nó hỏi ‘Vậy người đó là ai?’
Lúc đó mình mới trả lời ‘Là mẹ nè, mẹ là người có quyền lực nhất luôn. Quyền lực hơn quan tòa, quyền lực hơn tất cả. Bởi vì chỉ có mẹ là nói được cả 2 thứ tiếng, còn mấy người kia đâu có ai nói được 2 thứ tiếng đâu. Mẹ kêu ông tòa nhắc lại lời ổng nói là ổng phải nhắc lại, mẹ kêu ổng nói ít thì ổng phải nói ít để mẹ dịch được chớ. Phiên tòa không thể diễn ra nếu không có mẹ vì không ai hiểu người khác nói gì hết. Đó thấy chưa, thấy mẹ quyền lực ghê chưa? Thế nên tụi con biết được hai ngôn ngữ là tụi con hơn rất nhiều người luôn đó. Đó là lý do tụi con cần học tiếng Việt, không những phải nói được mà còn phải đọc viết được nữa.’
Một gia đình cha mẹ là người Việt Nam nhưng đứa con thì chỉ nói tiếng Anh, có điều gì sai sai ở đây? ‘Con tôi không chịu nói tiếng Việt’ là do ai? Đừng đổ thừa đứa con, đừng đổ lỗi môi trường vì chính chúng ta cũng đang tạo ra môi trường cho con phát triển mà.
Tụi nhỏ gặp nhau nói tiếng Anh là điều dễ hiểu, vì các con đi học ở trường, gặp bạn bè cũng nói toàn tiếng Anh mà. Nhưng khi tụi nó còn trong tầm kiểm soát của cha mẹ thì việc nhắc nhở các con chính là trách nhiệm của chúng ta.
Thế nên, đừng bao giờ tự hào ‘con tôi nói tiếng Anh giỏi lắm’ vì tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, ai cũng phải biết và cần biết, nên nó ‘thường’ lắm rồi. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu nắm bắt một ngôn ngữ cơ bản, cụ thể là tiếng mẹ đẻ, thì việc trẻ em học giỏi những ngoại ngữ khác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Cái gốc có vững thì cái ngọn mới khỏe. Tình cờ mình đọc tin nhắn của cô bạn đồng nghiệp của chồng, cô nói tiếng Anh rất hay, y chang người bản xứ luôn, nhưng hai vợ chồng ngồi ‘dịch’ hoài tin nhắn của cổ mới hiểu cổ nói gì! Vì cô ấy dùng sai ngữ pháp, đánh vần sai lung tung luôn.
Cuối cùng, đừng bao giờ làm mất kết nối với con bằng một yếu tố ‘ngoại lai’ nào đó, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay môi trường vì chính chung ta cũng góp phần tạo ra hoàn cảnh hay môi trường đó. Tiếng Việt còn, thì còn người Việt!