Những can thiệp y tế gây bất lợi khi cho con bú

Những can thiệp y tế gây bất lợi khi cho con bú post thumbnail image

Không cần phải có ‘bằng chứng khoa học’ nào chứng minh, một điều chắc chắn rằng tất cả phụ nữ mang thai đều tin tưởng và hi vọng rằng mình có một thai kỳ khỏe mạnh và một cuộc chuyển dạ suôn sẻ để chào đón đứa con của mình. Trước đây khi chưa có can thiệp y tế, hoặc khi y tế chưa phát triển, những ca tử vong trong quá trình chuyển dạ không phải là hiếm. Ngày nay, y học phát triển hơn, tỉ lệ tử vong trong quá trình sinh nở giảm rất nhiều, nhưng nó lại kéo theo những hệ lụy khác từ sự ‘tiến bộ’ đó. Trong đó có việc cho con bú. Bài này sẽ đưa ra một số biện pháp can thiệp y tế ảnh hưởng đến việc cho con bú.

  • SINH MỔ

Từ năm 1985, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến nghị tỉ lệ sinh mổ lý tưởng là 10 – 15%. Trong Tuyên bố của WHO về tỉ lệ sinh mổ, WHO nhấn mạnh rằng việc sinh mổ là ‘hiệu quả để cứu sống mẹ và con, nhưng chỉ khi nào điều đó được yêu cầu vì lý do y tế. Về mặt dân số, tỉ lệ sinh mổ trên 10% không liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh.’ Thế nhưng, theo một nghiên cứu mới đây của WHO, được đăng vào ngày 16 tháng Sáu năm 2021 trên website của WHO thì con số thực tế là 21% và có xu hướng tăng lên 29% vào năm 2030. Tại năm nước có tỉ lệ sinh mổ cao nhất thế giới là Dominican Republic, Brazil, Cyprus, Egypt (Ai Cập) và Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) thì tỉ lệ sinh mổ hiện cao hơn tỉ lệ sinh thường. Tính riêng ở Việt Nam, con số này đã tăng từ 3.4% vào năm 1997 đến 27.5% vào năm 2014. Úc (Australia) và Việt Nam nằm trong top 50 nước có tỉ lệ sinh mổ cao nhất thế giới theo một nghiên cứu của The Lancet vào năm 2018.

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ sinh mổ ít cho con bú hơn phụ nữ sinh thường. Một số lý do có thể kể đến là: trì hoãn việc tiếp da với con, đau do vết mổ, thời gian hồi phục từ thuốc tê/mê và khó khăn khi vận động xung quanh vào những ngày đầu khiến việc cho bú ít thường xuyên hơn.

Vì vậy, nếu mẹ mong muốn nuôi con bằng sữa mẹ nhưng có chỉ định sinh mổ vì lý do y tế, hãy cố gắng tiếp da với con càng nhiều càng tốt, chọn tư thế phù hợp để cho con bú để tránh làm đau vết thương: tư thế ôm bóng, tư thế nằm, hoặc tư thế nửa nằm nửa ngồi (reclining position). Tốt nhất, hãy có một kế hoạch cụ thể trước khi sinh, trong đó có việc tìm tư vấn viên sữa mẹ có đào tạo để đồng hành trong quá trình cho con bú.

  • CÁCH LY MẸ VÀ CON NGAY SAU KHI SINH

Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh được da tiếp da không gián đoạn 90 phút ngay sau khi sinh có tỉ lệ được nuôi bằng sữa mẹ cao hơn nhiều những trẻ bị cách ly khỏi mẹ sau khi sinh.

Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích lớn lao của việc tiếp da sau sinh. Trong đó, vào những năm 1970, Ann-Marie Widstrom, một Tiến sĩ và là Y tá người Thụy Điển đã bắt đầu quan sát thấy có một chuỗi những hành vi của trẻ sơ sinh sau khi chào đời. Bà bắt đầu nghiên cứu và xuất bản những quan sát của mình vào năm 1990, ghi lại 9 giai đoạn bản năng của trẻ, trong đó giai đoạn bú mẹ xuất hiện vào khoảng phút thứ 40 sau khi sinh nếu bé được tiếp da không gián đoạn. Vào năm 2011, Healthy Children Project (Dự án Trẻ em Khỏe mạnh), một tổ chức về sức khỏe trẻ em đã ghi lại 9 giai đoạn này qua một phim tài liệu có tên là “Skin to Skin in the First Hour After Birth: Practical Advise for Staff after Vaginal and Cesarean Birth” (Da tiếp Da giờ Đầu tiên sau khi sinh: Lời khuyên thực tế dành cho Nhân viên sau Ca sinh Thường và Mổ). Việc bú mẹ diễn ra trong. vòng 60 phút sau khi sinh, nên giờ đầu tiên được gọi là “Giờ thần kỳ” (The Magical Hour). Hơn nữa, những mẹ được tiếp da với con ngay sau khi sinh được cho là tự tin hơn khi cho con bú.

  • GIỤC SINH (INDUCTION)

Đôi khi việc giục sinh là cần thiết để đảm bảo sự an toàn của mẹ con sản phụ. Tuy nhiên, thực tế đây là một can thiệp có thể gây ảnh hưởng không tốt đến việc cho con bú.

Đối với những trường hợp giục sinh, người ta sử dụng hormone oxytocin nhân tạo, được biết đến với tên gọi là syntocinon ở Úc và pitocin ở Mỹ. Ngoài việc ‘bắt chước’ oxytocin trong việc kích thích tử cung co bóp để đây em bé ra thì syntocin/pitocin không thực hiện được những chức năng khác. Theo một số nghiên cứu, oxytocin nhân tạo có thể khiến việc cho con bú trong giờ đầu khó khăn hơn, đặc biệt ở những phụ nữ béo phì, một trong những lý do là nó không tạo ra cảm giác gắn kết (bonding) với con như oxytocin tự nhiên.  Ngoài ra, một yếu tố khác là oxytocin tự nhiên có thể làm cho một loại hormone khác là Endorphins được giải phóng. Endorphins được biết đến như là một chất giảm đau tự nhiên, khiến người mẹ tập trung hơn trong quá trình chuyển dạ và có thể chịu đựng được cơn đau. Trái lại, syntocinon hoặc pitocin thì mặc dù có tác dụng làm tăng cơn gò nhưng không làm cho cơ thể sản xuất ra endorphins để giảm đau. Do đó, phụ nữ chuyển dạ bằng phương pháp giục sinh thông thường phải chịu đau hơn khi sinh thường không can thiệp y tế, nhưng lại không được giảm đau tự nhiên mà sẽ cần đến thuốc giảm đau – một trở ngại tiếp theo khiến việc cho con bú gặp khó khăn hơn.

  • THUỐC GIẢM ĐAU THUỘC NHÓM OPIOD (CÓ THỂ GÂY NGHIỆN)

Còn được gọi là thuốc giảm đau gây nghiện, được dùng để giảm đau trong quá trình sinh nở. Một số loại có thể kể đến như là meperidine (Demerol®), morphine, fentanyl, butorphanol (Stadol®) và nalbuphine (Nubain®), được sử dụng ở dạng truyền dịch (intravenously) hoặc tiêm (intramuscularly). Thuốc có thể được tiết vào bánh nhau và vào máu em bé, khiến khi chào đời, bé vẫn còn bị tác động của thuốc nên sẽ rất buồn ngủ và không thể đưa ra tín hiệu đòi bú (hunger cues). Nếu thuốc được sử dụng quá gần với lúc bé được sinh ra thì có thể bé sẽ không thải ra hết thuốc và do đó sẽ bị cách ly mẹ để điều trị, gây trở ngại rất lớn cho việc bú mẹ.

  • THUỐC TRUYỀN TĨNH MẠCH (IV FLUIDS)

Khi người mẹ bị truyền quá nhiều thuốc qua đường tĩnh mạch, toàn bộ cơ thể của cô ấy sẽ bị ứ nước, kể cả bầu vú, khiến việc ngậm vú của bé khó khăn và khó bú hiệu quả. Mặt khác, trong quá trình mẹ tiếp nhận thuốc, một lượng khá lớn chất lỏng cũng được truyền sang con thông qua bánh nhau khiến em bé cũng bị ứ nước và do đó được sinh ra với trọng lượng lớn hơn thực tế. Một vài ngày sau, khi lượng chất lỏng này được đào thải qua đường nước tiểu thì em bé sẽ trông như bị sụt cân quá mức và sẽ được cho rằng cần phải ‘bổ sung gấp’. Đây là các bé có nguy cơ bị sử dụng sữa công thức.

  • EPIDURAL

Epidural được sử dụng khá phổ biến để giảm đau khi sinh ở bệnh viện. Tuy nhiên, việc sử dụng Epidural lại có thể dẫn đến một loạt các biện pháp can thiệp y tế khác, chẳng hạn như truyền dịch, giục sinh và việc liên tục theo dõi tim thai bằng máy monitor.

Hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc liệu sử dụng epidural có liên quan gì đến tỉ lệ sinh mổ gia tăng hay can thiệp sinh nở bằng dụng cụ y tế (Instrumental delivery) hay không, nhưng đây có thể xem như một yếu tố phụ thuộc vì người mẹ bị mất cảm giác và không di chuyển được nhiều trong giai đoạn rặn (pushing stage). Mặt khác, một trong những phản ứng phụ của thuốc là sau khi sử dụng, sản phụ có thể bị sốt khiến em bé cũng cần được kiểm tra và do đó sẽ bị cách ly với mẹ. Chưa hết, epidural còn được cho là có liên quan đến tỉ lệ vàng da sau sinh của trẻ, mặc dù chưa có giải thích rõ ràng về mối liên quan này, nhưng có lẽ là do một loạt các yếu tố như: mẹ (có thể) phải sinh mổ, sau khi sinh bé vừa bị ngấm thuốc mê và mẹ còn đau nên không cho bú đúng được, bé không bú đủ nên không thải kịp billirubin nên bị vàng da; hoặc bé sinh ra bằng biện pháp dùng dụng cụ (forceps) nên tạm thời bị thương các dây thần kinh ở đầu nên bú mẹ khó khăn, không bú đủ nên bị vàng da.

  • LIÊN TỤC THEO DÕI TIM THAI

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa việc liên tục theo dõi tim thai trong quá trình chuyển dạ dẫn đến tỉ lệ sinh mổ và hỗ trợ sinh bằng dụng cụ gia tăng. Hơn nữa, việc theo dõi nội soi (internal monitoring) có nghĩa là một đầu điện cực (electrode) sẽ được gắn lên da đầu em bé thông qua đường mở của cổ tử cung (cervical opening). Điều này có thể gây tổn thương cho da đầu bé vốn đang rất mỏng manh, hoặc gây khó chịu cho bé khi bú. Hơn nữa, nó cũng có thể khiến mẹ bị sốt vì nhiễm trùng, dẫn đến việc cách ly con để điều trị cho mẹ, gây cản trở cho việc thiết lập quan hệ bú mẹ.

  • SINH NỞ VỚI DỤNG CỤ HỖ TRỢ (ASSISTED BIRTH)

Sinh nở với dụng cụ hỗ trợ có nghĩa là dùng kẹp (forceps) hoặc ventouse (hay còn gọi là vaccuum extractor hay Giác hút sản khoa). Việc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ này có thể gây thương tổn cho các dây thần kinh ở đầu của bé, khiến việc bú mút gặp trở ngại.

Hãy chọn các phương pháp chuyển dạ chủ động, chẳng hạn như ở vị trí thẳng đứng (upright positions) đặc biệt ở giai đoạn rặn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự tham gia của doulas (tạm dịch là người hỗ trợ sinh nở) có thể làm giảm tình trạng sinh nở phải dùng dụng cụ hỗ trợ và giúp ca sinh nở suôn sẻ hơn, đồng thời doulas cũng có thể hỗ trợ rất tốt trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Các khóa học về sinh nở chủ động cũng rất đáng cân nhắc, bên cạnh việc thuê một doula đã được đào tạo.

  • HÚT ĐÀM NHỚT QUÁ MẠNH SAU KHI SINH

Khi bé bị hút đàm nhớt quá mạnh ngay sau khi sinh, đặc biệt việc sử dụng bóng hút mũi (bulb syringe) thường kèm theo những tổn thương những mạch máu trên nóc họng của bé thì em bé có xu hướng từ chối bất kỳ những gì đặt gần miệng của mình, dẫn đến việc từ chối bú mẹ.

Thậm chí, vào năm 2014, một nghiên cứu còn đề nghị chấm dứt việc hút đàm nhớt cho trẻ sơ sinh vì chẳng những nó không lợi ích gì mà còn có thể gây ngưng thở hoặc làm chậm nhịp tim của trẻ.

Trên đây là một số can thiệp y tế có thể gây khó khăn cho việc bú mẹ. Mặc dù đôi khi những can thiệp này có thể cần thiết để bảo đảm an toàn cho mẹ con sản phụ, việc trang bị/chuẩn bị trước hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn để giúp việc nuôi con sữa mẹ có kết quả tốt hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. WHO Statement on Caesarean Section Rates
  2. Caesarean section rates continue to rise, amid growing inequalities in access
  3. Trends and projections of caesarean section rates: global and regional estimates
  4. Global epidemiology of use of and disparities in caesarean sections
  5. The Danger Of Interrupting Immediate Skin-To-Skin Contact
  6. Does skin-to-skin contact and breast feeding at birth affect the rate of primary postpartum haemorrhage: Results of a cohort study
  7. The Sacred Hour: Uninterrupted Skin-to-Skin Contact Immediately After Birth
  8. Skin‐to‐skin contact the first hour after birth, underlying implications and clinical practice
  9. Infant behaviour and maternal adaptation after uninterrupted skin-to-skin contact for 1 hour following birth in northern Uganda
  10. 5 Things Oxytocin Does That Pitocin/Syntocinon Doesn’t
  11. Increased frequency of neonatal jaundice in a maternity hospital
  12. Fetal Monitoring: Creating a Culture of Safety With Informed Choice
  13. Risks of Fetal Monitoring
  14. The risks and benefits of internal monitors in laboring patients
  15. 9 Birth Interventions That Can Affect Breastfeeding
  16. Impact of Doulas on Healthy Birth Outcomes
  17. PURLs: Suctioning neonates at birth: Time to change our approach