Liệu một bình sữa mẹ vào ban đêm có giúp bé ngủ lâu hơn không?

Liệu một bình sữa mẹ vào ban đêm có giúp bé ngủ lâu hơn không? post thumbnail image

Một câu hỏi khá phổ biến đến từ không ít mẹ đang thiếu ngủ, đặc biệt là các mẹ chọn hút sữa hoàn toàn hoặc một phần.

Một trong những lý do khiến nhiều mẹ chọn hút sữa cho con ti bình thay vì ti trực tiếp vì muốn đong đo được lượng sữa cho con và để đảm bảo con bú đủ, thậm chí bú nhiều hơn cho mau lên cân. Đặc biệt, lâu nay vẫn có một niềm tin rằng em bé bú bình bằng sữa mẹ sẽ ngủ sâu hơn. Vậy điều đó đem lại những lợi ích hay bất lợi gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

BÉ CẦN BÚ BAO NHIÊU SỮA MẸ?

Lượng sữa mẹ trung bình mà các bé từ 1 đến 6 tháng tuổi bú là như nhau, tầm 750ml/ngày. Con số này dao động từ 570 đến 900ml tùy bé. Cách tính lượng sữa nạp vào của các bé bú mẹ không dựa vào cân nặng mà phụ thuộc vào nhiều yếu khác nhau, chẳng hạn như tình trạng sức khỏe, giới tính và mức độ hoạt động của bé. Cách tính lượng sữa nạp vào dựa trên cân nặng là dành cho các bé bú sữa công thức nên không áp dụng với bé bú mẹ.

Tuy nhiên, đối với các mẹ cho bú trực tiếp thì không biết chính xác là con mình đã bú bao nhiêu sữa. Do đó, cách nhận biết vẫn là quan sát ‘đầu ra’ của bé, gồm có số lượng tã, màu tã. Ngoài ra, các chỉ số khác như cân nặng (tăng hay giảm), chỉ số vòng đầu và các cột mốc vận động và phát triển khác cũng cần được lưu ý.

Xem thêm các bài về cách quan sát lượng sữa bú cũng như cách bé sử dụng năng lượng.

NHỊP SINH HỌC HẰNG NGÀY (Circadian rhythm)

Khi còn trong bụng mẹ, em bé nhận được những tín hiệu thời gian thông qua nhiệt độ cơ thể, các chất chuyển hóa và hormone của mẹ. Hẳn bạn đã từng ‘nói chuyện’ với con và cảm nhận được những cái quẫy đạp của con vào thai kỳ rồi chứ? Tuy nhiên, bạn có thấy rằng sự ảnh hưởng này đã bị gián đoạn khi con chào đời không? Vào những tuần đầu sau khi sinh, em bé hầu như không phân biệt được ngày và đêm, vì bé không sản xuất ra được malatonin và nhịp sinh học của bé vẫn còn non yếu. Tuy nhiên, tự nhiên đã đem lại giải pháp cho vấn đề này thông qua sữa mẹ. Sữa đầu tiên (sữa non) rất giàu các yếu tố hoạt tính sinh học, miễn dịch và các oligosaccharide phức hợp giúp thiết lập hệ khuẩn ruột, rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh. Các hormone, chẳng hạn như glucocorticoid và melatonin, chuyển từ huyết tương của người mẹ sang sữa, và sau đó bé tiếp xúc với các tín hiệu sinh học từ mẹ. Ngoài ra, các thành phần chất béo, protein, acid amin và cannabinoid nội sinh trong sữa, trong số những thành phần khác, có nồng độ khác nhau rõ rệt giữa ngày và đêm. Prolactin trong sữa mẹ ban đêm cao hơn ban ngày, giúp giấc ngủ về đêm dễ dàng hơn cho cả mẹ lẫn con.

Trong khi đó, sữa công thức không có những đặc tính kể trên của sữa mẹ, nồng độ các chất trong sữa công thức không thay đổi và vì thế không mang nhịp sinh học như sữa mẹ.

SỮA MẸ – DINH DƯỠNG THEO TRÌNH TỰ (CHRONONUTRITION)

Chrononutrition là một thuật ngữ nói về chế độ dinh dưỡng theo đồng hồ sinh học của cơ thể. Thuật ngữ này xuất hiện vào năm 1986 bởi một chuyên gia dinh dưỡng người Pháp là Dr Alain Delabos cùng với Giáo sư Jean-Robert Rapin. Chrononutrition được cho là có nguồn gốc từ hệ thống y học Hindu truyền thống của người Ấn Độ là Ayurveda và từ Y học Trung Quốc Cổ đại. Ayurveda xem thời điểm các bữa ăn là một công cụ quan trọng cho sức khỏe, trong khi đó Y học Trung Quốc cho rằng từng bộ phận trong cơ thể chúng ta có nhịp điệu riêng của nó. Đó là lý do tại sao các Thầy thuốc Đông y đưa ra cách chữa trị theo những giờ cụ thể trong ngày. Có nghĩa rằng, nếu chúng ta tuân theo nhịp điệu sinh học của cơ thể thì sức khỏe sẽ được cải thiện.

Theo một nghiên cứu do Jennifer Hahn-Holbrook và cộng sự thực hiện, đăng trên PubMed vào ngày 11 tháng Ba năm 2019, không phải lúc nào các bé bú bình bằng sữa mẹ vắt ra cũng tuân theo nguyên tắc dinh dưỡng này, bởi vì thông thường sữa được vắt/hút nhiều lần trong ngày, có khi được trộn lẫn với nhau trước khi cho vào tủ trữ đông để dành sau này cho bé bú. Các cữ buổi sáng thường có nhiều cortisol, một loại hormone kích thích sự tỉnh táo. Trong khi đó, melatonin ở các cữ sữa buổi tối hầu như không được phát hiện trong các mẫu sữa được vắt vào ban ngày. Lượng cortisol trong sữa mẹ vào buổi sáng/ban ngày gấp 3 lần lượng cortisol trong sữa mẹ vào buổi tối.

Sữa ban đêm cũng chứa hàm lượng cao hơn của một số DNA nhất định giúp ngủ ngon. Vitamin E đạt đỉnh vào buổi tối. Sữa ban ngày có nhiều acid amin thúc đẩy hoạt động hơn, các khoáng chất như magnesium, kẽm, potassium và sodium đều cao nhất vào buổi sáng. Lượng sắt cao nhất trong sữa mẹ được xác định là vào khoảng giữa trưa.

Trong lịch sử loài người nói riêng và các loài động vật có vú nói chung, sữa mẹ được tiêu thụ trực tiếp từ vú mẹ, bất kể là loài nào. Tuy nhiên, từ khi máy hút sữa ra đời, đây không còn là điều hiển nhiên nữa. Theo một khảo sát vào từ năm 2005 đến 2007 tại Mỹ, hơn 85% mẹ chọn cách hút sữa cho con bú.

Bạn đã từng thắc mắc tại sao con mình đã bú một bình đầy trước khi đi ngủ vào buổi tối, nhưng vẫn thức dậy nhiều lần trong đêm? Đọc đến đây, có thể bạn đã tìm ra câu trả lời cho mình rồi. Vậy, giải pháp cho tình trạng này là gì? Đương nhiên, lý tưởng nhất vẫn là cho con bú trực tiếp. Cách khắc phục thứ hai là hãy ghi giờ hút sữa cụ thể vào túi/bình đựng sữa và sử dụng vào giờ giấc phù hợp với nhịp sinh học.

Trong một bối cảnh khác, có thể bạn muốn con bú bình ban đêm để mình có thể ngủ thêm được một tí. Hoặc bạn có thể muốn cho con bú một cữ sct để con ngủ sâu giấc hơn. Tuy nhiên, theo một khảo sát đăng trên Tạp chí Nuôi con bằng Sữa mẹ Quốc tế, hầu như không có sự khác biệt đáng kể về thời gian ngủ giữa những người cho con bú sữa công thức và những người nuôi con bằng sữa mẹ. Thậm chí, mẹ cho con bú có thể còn được ngủ nhiều hơn những mẹ cho con bú sữa công thức là 30 phút. Bên cạnh đó, nếu cho con bú sữa mẹ vắt ra về đêm để mẹ có thể ngủ thêm được giấc dài hơn thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn có thể giảm sữa vì để lâu không hút/vắt.

Vậy nếu thay vì sữa mẹ, thì một bình sữa công thức có tạo nên sự khác biệt gì không?

Câu trả lời là không.

Bởi vì nếu không xét đến yếu tố dinh dưỡng nói chung mà chỉ đề cập về dinh dưỡng theo trình tự (chrononutrition) thì sct không hề mang đặc điểm này. Sữa công thức không phải là một thực phẩm sống (living food) và do đó các chất trong sct không thay đổi theo ngày/giờ như sữa mẹ. Thậm chí, nếu nói về dinh dưỡng theo trình tự trong sữa bò nói chung, thì không ai biết người ta đã hút/vắt sữa của con bò vào ngày/giờ nào trước khi nó được chế biến/điều chỉnh thành sữa bột cho em bé uống.

Hi vọng rằng bài viết này đã cung cấp một số thông tin mà có thể bạn thấy hữu ích.

Tài liệu tham khảo:

  1. Breast Milk and the Importance of Chrononutrition
  2. Human milk as “chrononutrition”: implications for child health and development
  3. Infant sleep and night feeding patterns during later infancy: association with breastfeeding frequency, daytime complementary food intake, and infant weight