Thuốc tiêu sữa BROMOCRIPTINE

Thuốc tiêu sữa BROMOCRIPTINE post thumbnail image

Thông tin chung

Thuốc Bromocriptine, còn có tên thương mại là Parlodel, Bromolactin, Kripton. Theo Vinmec, ‘Bromociptin là chất chủ vận thụ thể D2, kích hoạt các thụ thể dopamin sau Synap và đối kháng một phần thụ thể D1. Thuốc Bromocriptin được chỉ định trong nhiều bệnh lý như u tuyến tiết prolactin, bệnh to đầu chi, Parkinson,…’

Đây là loại thuốc hiện nay vẫn được dùng khá phổ biến ở Việt Nam để tiêu sữa. Tuy nhiên, từ năm 1995, FDA đã thu hồi việc cấp phép cho Bromocriptine được sử dụng để ức chế tiết sữa vì không an toàn.

Vào năm 2015, chương trình cảnh giác dược của Pháp đã công bố một đánh giá về các tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng bromocriptine để ngừng cho con bú. Nhóm này đã báo cáo 105 tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm các tác dụng phụ về tim mạch (70,5%), thần kinh (14,4%) và tâm thần (8,6%). Ngoài ra còn có hai trường hợp tử vong, một phụ nữ 32 tuổi bị nhồi máu cơ tim kèm rối loạn nhịp tim và một phụ nữ 21 tuổi bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Theo Tiến sĩ Thomas Hale trong xuất bản của mình vào năm 2021, sách Medications & Mothers’ Milk™ (Thuốc và Sữa mẹ), những tác dụng phụ của thuốc gồm có: Chóng mặt, nhức đầu, ảo giác, rối loạn tâm thần, nhầm lẫn, đột quỵ, hạ huyết áp, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, buồn nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy. Một số trường hợp tử vong có liên quan đến sản phẩm này và nó không còn được chấp thuận sử dụng sau khi sinh để ức chế tiết sữa. Thuốc được xếp ở mức L5 trong thứ hạng rủi ro khi cho con bú (Lactational Risk Category), tức là mức độ rủi ro cao nhất, tương đương với thuốc hóa trị trong điều trị ung thư.

LactMed, Thư viện Thuốc Quốc gia của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia (Hoa Kỳ), cũng có thông tin về thuốc này. ‘Bromocriptine thường không được sử dụng trong thời gian cho con bú vì nó ức chế tiết sữa. Chỉ định ức chế tiết sữa đã bị rút lại ở Hoa Kỳ và không được khuyến khích ở các quốc gia khác vì nó làm tăng nguy cơ đột quỵ ở mẹ, co giật, rối loạn tim mạch, tử vong và có thể là rối loạn tâm thần.’

Những câu hỏi thường gặp

  • Lỡ uống Bromocriptine rồi thì có cho bé bú lại được không?

Sau khi uống, BROMOCRIPTINE (bromocriptine) được hấp thu nhanh và tốt. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được trong vòng 1-3 giờ. Một liều uống 5mg bromocriptine dẫn đến Cmax (Nồng độ thuốc tối đa) là 0,465ng/ml. Tác dụng hạ prolactin xảy ra 1-2 giờ sau khi uống, đạt tối đa trong khoảng 5 giờ và kéo dài 8-12 giờ. Chất này được chuyển hóa rộng rãi ở gan. Việc loại bỏ thuốc ban đầu khỏi huyết tương xảy ra theo hai giai đoạn, với thời gian bán hủy cuối cùng khoảng 15 giờ. Thuốc gốc và các chất chuyển hóa được bài tiết gần như hoàn toàn qua gan, chỉ có 6% được thải trừ qua thận. Liên kết với protein huyết tương lên tới 96%.

Ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan, tốc độ đào thải có thể chậm lại và nồng độ trong huyết tương có thể tăng lên, cần điều chỉnh liều.Về mặt lý thuyết, sau khi uống liều cuối cùng 24 tiếng thì bé bú lại an toàn. Tuy nhiên, thực tế cần tư vấn cụ thể của bác sĩ hoặc người có chuyên môn y tế.

  • Lỡ ức chế Prolactin bằng Bromocriptin thì có dùng thuốc khác để kích thích Prolactin để kích sữa lại được không?

Domperidone là thuốc dùng để kích sữa được dùng khá phổ biến. Mặc dù Úc, Canada và một số nước khác vẫn cho sử dụng, tuy nhiên thuốc này đã bị cấm dùng tại Mỹ từ năm 2004 để kích sữa vì những rủi ro liên quan đến tim mạch.

Tương tự như Bromocriptine, Domperidon cũng được chuyển hóa rộng rãi ở gan. Do đó, mọi chỉ định dùng thuốc phải có hướng dẫn y tế chuyên môn.

  • Tôi có mất sữa luôn không sau khi sử dụng bromocriptine?

Sữa mẹ được tạo ra theo cơ chế cung cầu dưới tác động của prolactin (hormone tạo sữa) và oxytocin (hormone vận chuyển sữa). Nếu mẹ đổi ý muốn cho con bú lại sau khi dùng bromocriptine, thì việc khôi phục lại lượng sữa có thể khó khăn.

Do đó, để khôi phục lại lượng sữa, mẹ cần sự hỗ trợ của tư vấn viên sữa mẹ, hoặc chuyên gia tư vấn sữa mẹ.

  • Thời gian để giảm sữa tự nhiên mà không cần phải dùng thuốc là bao lâu?

Thời gian trung bình để giảm sữa tự nhiên mà không cần phải dùng thuốc, không gây tác dụng phụ cho mẹ và bé là khoảng 4 tuần; bắt đầu bằng việc giãn cữ, vắt để ngực đỡ căng, không vắt kiệt và tránh việc kích thích núm vú.