Vào một group nọ đọc câu chuyện cai sữa mẹ và những ám ảnh sau đó, mình thấy thương quá nên viết bài này. Mẹ dùng băng keo đen dán vào đầu ti và nói vú mẹ bị chuột cắn đen thùi lùi rồi nên bé sợ. Sau đó bé vô tình xem một clip ghi lại hình ảnh những em bé bị dán băng keo đen chữ thập ở miệng không được ăn kẹo. Thế là từ đó bé bị ám ảnh bởi tất cả những gì có hình chữ thập và rất sợ vì chữ thập có ở muôn nơi, từ khung cửa sổ, khung tranh hay thậm chí là những hình ảnh của gạch lát sàn nhà.
Mình tự hỏi điều gì đã khiến quan hệ bú mẹ (breastfeeding relationship) đã phải kết thúc trong sự khiếp sợ và tổn thương của con trẻ, cũng như dằn vặt và lo lắng của người mẹ như vậy? Điều đó giống như một cuộc tình dang dở để lại nỗi đau cho những người chia tay. Nhưng đâu phải cuộc tình nào cũng phải kết thúc như vậy, nhất là cuộc tình bú mẹ.Quan hệ bú mẹ (breastfeeding relationship) là một quan hệ qua lại (mutual relationship) và có sự đồng thuận của hai bên để có thể diễn tiến và kết thúc trong vui vẻ. Khi người mẹ muốn cai sữa cho con, nhưng phải miễn cưỡng tiếp tục vì con chưa sẵn sàng, thì quan hệ đó đã bắt đầu trục trặc và mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Mẹ miễn cưỡng đến một lúc nào đó không chịu được thế là ‘bùng’ một phát. Trái lại, ít có trường hợp mà em bé đột nhiên từ chối bú mẹ hẳn luôn. Mẹ nào có con đột nhiên thôi bú hẳn đã có cảm giác hụt hẫng và bất lực xen lẫn một cái gì đó rất tổn thương mà không diễn tả được. Cảm giác như vừa mới chia tay người yêu vậy đó. Kể cả những mẹ ngưng cho con bú trong êm đẹp cũng không tránh khỏi cảm giác đó.
Khác với việc chia tay người yêu, ta chia tay người này để đến với người khác. Nhưng em bé thôi bú mẹ đâu có tìm mẹ khác để bú, hay mẹ thôi sữa cho con mình đâu có tìm đứa trẻ khác để cho bú. Vì thế, quan hệ bú mẹ là một mối quan hệ rất đặc biệt. Quan hệ bắt đầu rất đặc biệt nên cũng cần kết thúc một cách đặt biệt. Em bé vừa chui ra khỏi bụng mẹ đâu có bị nhét ti vào miệng và bắt bú liền đâu, người ta được tiếp da, được làm quen với mẹ rồi từ từ mới bú chớ.Thế nên, tất cả những biện pháp hay mẹo nào có thể đem lại sự tổn thương cho con và sự hối tiếc cho mẹ, PHẢI NÊN TRÁNH.
Tại sao em bé trong câu chuyện kể trên phải nhìn bầu vú từng nuôi lớn mình một cách sợ hãi như vậy?
Dưới đây là cách mà mình đã chuẩn bị cuộc tình bú mẹ gần nhất của mình kết thúc:
Mình cho con bú liên tục từ năm 2013, mang thai và nuôi bú song song 2 lần. Tự nhiên đến lúc mình cảm thấy là mình đã làm đủ rồi, nên mình bắt đầu vào việc giãn các cữ/ngày bú ra. Thói quen của Roy trước khi ngủ là bú mẹ, đơn giản chỉ là muốn gần bên mẹ chứ không phải vì nhất định phải bú mới ngủ. Trước đó, thi thoảng mình cho Roy vào nằm với anh Rô, nghe kể chuyện, sau đó ảnh tự ngủ; hoặc mình cho ảnh nằm chơi với ba rồi tự ngủ. Nửa đêm nằm với mẹ, khi nào ảnh trực giấc cần bú lại để ngủ thì mình cũng để ảnh bú, nhưng để ý thời lượng, tức là mỗi ngày giảm dần thời gian. Hôm nào Roy ngủ với mình, nếu ảnh có đòi bú thì mình nói là ‘Mẹ làm việc cả ngày mệt rồi nên cái dzú cũng mệt, hôm nay con để cái dzú đi ngủ luôn nha. Con nằm sấp lại mẹ gãi lưng cho ngủ.’ Dần dà, Roy thấy việc bú để ngủ là không cần thiết nữa. Thế là tối tối trước khi chìm vào giấc ngủ, ảnh lại vén áo giơ lưng lên cho mẹ gãi. Roy thôi sữa mẹ rất nhẹ nhàng luôn. Bây giờ, đôi khi ảnh cũng thò tay vô áo mẹ, nhưng là để ‘con chỉ muốn thơm cái dzú thôi à’. Có lúc ảnh kêu là muốn bú mẹ, nhưng rốt cuộc chỉ rúc mặt vô ngực mẹ để hít hà mùi của mẹ thôi.
Nếu như việc thiết lập quan hệ bú mẹ ban đầu cần có thời gian để tìm hiểu, tìm sự trợ giúp và hỗ trợ, thì việc ‘thanh lý hợp đồng’ cũng phải có thời gian và sự trợ giúp tương tự để việc ‘kết thúc nhiệm kỳ’ không đem lại những dấu ấn tổn thương cho cả hai.