Mặc cảm của người mẹ

Mặc cảm của người mẹ post thumbnail image

Thế giới này không có những người mẹ hoàn hảo, mà chỉ có những người mẹ tốt. Những người mẹ tốt đó đôi khi cũng có những mặc cảm và áy náy, mình tin như vậy.

Chắc hẳn bạn đã từng tự so sánh mình với một người mẹ nào đó, và thấy mình dường như thua họ nhiều thứ. Tại sao tôi không nấu ăn ngon như họ, tại sao tôi không dịu dàng với con như họ, tại sao tôi lại không giỏi giang như họ. Bạn lấy họ làm khuôn mẫu để phấn đấu mà quên mất rằng chính bạn cũng là một viên ngọc cần mãi dũa. Hôm nay mình kể lại 2 sự kiện gọi là ‘tổn thương con lớn’, tức là cảm giác tổn thương của con khi mẹ sinh em.

Rơm vốn rất trầm tính, biết lắng nghe. Hồi mình sinh em cũng đã chuẩn bị tinh thần cho ảnh. Ron chào đời khi Rơm chừng ba tuổi rưỡi. Trước mặt mẹ, Rơm tỏ ra rất thương em, ôm ấp hun hít em đủ kiểu. Một lần kia, mình để Ron nằm trong phòng khách chơi với anh Rơm để đi tắm. Trên đường bước ra, mình khựng lại khi thấy cảnh Rơm chằm chằm nhìn em rồi đột nhiên véo em một cái vào tay. Một hành động rất nhanh, phải để ý mới thấy. Tự nhiên tim mình nhoi nhói và mình cũng vừa bước ra, Rơm biết bị mẹ bắt quả tang nên cúi mặt xuống vẻ áy náy. Mình lại gần con, nói trong thảng thốt ‘Sao con lại nhéo em? Em còn nhỏ quá mà. Tội em lắm đó con!’ Ảnh cũng lặng im không nói gì. Mình ôm Rơm lại, thủ thỉ ‘Mẹ xin lỗi con. Vì mẹ mới sanh em, em còn nhỏ quá, giống như con hồi xưa vậy, nên tạm thời mẹ dành thời gian cho em nhiều hơn một chút. Mẹ biết con cảm thấy hụt hẫng, nhưng mà chỉ tạm thời thôi con ạ.’ Từ đó về sau, mỗi lần làm gì cho Ron mình cũng nói ‘Nè mẹ đang thay tã cho anh Rơm hồi nhỏ nè. Mẹ cho anh Rơm hồi nhỏ bú nè. Rồi bây giờ anh Rơm lớn giúp mẹ lấy giấy lau cho anh Rơm hồi nhỏ đi…’ Mình cho Rơm tham gia vào những hoạt động chăm sóc em và luôn cảm ơn con khi được giúp đỡ. ‘Không có anh Rơm thì mẹ biết làm sao đây, một mình mẹ phải chăm sóc 2 đứa con luôn sao được. Anh Rơm là number one luôn đó nha.’ Mình luôn lo rằng đôi khi vì vô tình, mà mình làm cho con lớn mặc cảm và từ đó sẽ ghen tị với em.

Câu chuyện với Ron lại khác một chút. Rô sinh ra và bị eczema từ ngày thứ 10. Những ngày tháng vô cùng khổ sở mà mình chưa bao giờ kể lại. Trên mạng xã hội, mình chỉ đăng những câu chuyện của người mẹ hạnh phúc bên những đứa con khỏe mạnh nhưng hầu như rất hiếm khi kể về những nỗi nhọc nhằn của bản thân. Da Rô khô và bong tróc như những cánh đồng khô hạn. Chỉ cần lơ là một chút là máu tóe ra khắp người. Kem dưỡng ẩm Rô dùng phải tính bằng ký. Tuy bị nặng như vậy, nhưng Rô chỉ bị nhiễm trùng da một lần duy nhất, vì mình để mắt đến con từng giây từng phút và liên tục dưỡng ẩm. Buổi sáng thức dậy, khi mình cởi lớp wet dressing thì da chết của con rơi từng mảng lả tả như ai vứt một nắm bột mì vào người con vậy. Mình dùng bao tay sơ sinh để may luôn vào tay áo dài của Rô, để con có gãi cũng không bị trầy xước. Mùa đông, trong phòng chỉ có 15 độ C, nhưng mình không dám bật sưởi. Đang ngủ mà giật mình thì điều đầu tiên mình làm là lấy tay chụp ngay hũ kem dưỡng ẩm trên đầu giường. Cho dù có chuẩn bị cho Ron cách mấy thì mình cũng không thể nào bù đắp được sự hụt hẫng của Ron khi đêm không được ngủ với mẹ, ngày cũng phải nhường mẹ cho em. Một lần nọ, khi đang cho Rô bú thì Ron đột nhiên chạy đến từ đâu không rõ, dùng tay đánh mạnh vào đầu em một cái. Mạnh lắm, mạnh vô cùng, mạnh như nỗi uất ức từ lâu không được giải tỏa, mạnh như sự bất bình và tổn thương mà ngôn ngữ của một đứa trẻ 2 tuổi không thể diễn tả được. Mình sốc, đến nỗi không biết làm gì hơn vào việc gào lên ‘Trời ơi, Ron, sao con đánh em?’ Cảm giác không phải là tức giận, mà là tội lỗi. Mẹ có lỗi với con quá con ơi. Bà Ngoại đứng đó chứng kiến cũng nghẹn ngào, bà chỉ nói nhỏ với Ron ‘Con lại đây với Ngoại’. Ron được Ngoại ôm dỗ rồi dẫn ra ngoài chơi một lát mới vào với mẹ. Mình ngủ rất ít, giấc ngủ liên tục bị gián đoạn, mình kiệt sức và căng thẳng. Có những lần Ron bất ngờ tông cửa vào phòng với mẹ khi em vừa mới ngủ, để rồi nhận lại một ánh mặt giận dữ của mẹ rồi sợ hãi chạy ra. Mình mất mấy năm trời để cố gắng bù đắp cho con, vì Ron là người rất nhút nhát, luôn luôn bám mẹ mỗi khi ra ngoài. Mình phải cho Ron nghỉ học Mẫu giáo vì không chịu được cảnh gào thét đòi mẹ của con. Mình quyết định chậm lại một chút và theo con. Kể cả khi con chưa có dấu hiệu sẵn sàng để vào Tiểu học, mình cũng sẽ cho con ở nhà thêm một thời gian.

Điều giúp mẹ con mình vượt qua những thử thách đó chính là CHẬM LẠI. Mỗi lần bị mất phương hướng hay hoảng hốt, mình đều dừng lại để hít sâu, thở chậm; chuyện cũng đã xảy ra và mình phải chấp nhận nó.

Mình sống trong nỗi dằn vặt một thời gian dài, luôn tự trách mình là một người mẹ chưa đủ tốt. Một thời gian sau đó, mình nhận ra rằng ‘Mình làm gì có khả năng làm tốt hơn nữa? Mình đã làm TỐT NHẤT trong khả năng của mình rồi.’

Ron từng là một đứa trẻ rất khó kiểm soát cảm xúc – điều đó khiến mình cảm thấy mặc cảm ơn và cho rằng mình chính là người gây ra chuyện đó. Dần dà, mình nhận ra việc tự trách mình không làm cho mọi việc tốt hơn. Thay vào đó, mình cảm thấy Ron khá hơn nhiều mỗi lần được mẹ ôm ấp và tỉ tê. Mình hay tâm sự với con, công nhận những cảm xúc của con, nhắc nhở cho con nhớ rằng bản thân con chính là ông chủ của cảm xúc đó. Mình là ông chủ, nên mình kiểm soát được những cảm xúc đó thông qua việc kiểm soát hành động của mình.

Ron của ngày hôm nay (10 tuổi) khác với Ron của ngày 2 tuổi rất nhiều; và người mẹ mặc cảm ngày ấy cũng trưởng thành nhiều từ những điều thiếu sót ấy.