Con mình không đậu vào trường chuyên

Con mình không đậu vào trường chuyên post thumbnail image

Cứ mỗi dịp cuối năm học, nhiều cha mẹ lại bắt đầu khoe những thành tích của con, không chỉ là việc học tập mà những hoạt động khác nữa. Cũng là một người mẹ, mình hoàn toàn đồng cảm với sự tự hào đó. Ai chẳng muốn con cái thành công. Hôm nay, mình lại làm một việc khác, đó là ‘khoe’ việc con mình đã không đậu vào trường chuyên.

Tiểu bang Victoria hiện có 4 trường chuyên (selective schools):

1. Melbourne High School (trường chuyên nam) ở South Yarra

2. The Mac Robertson Girls’ High School (trường chuyên nữ) ở Melbourne

3. Nossal High School ở Berwick

4. Suzanne Cory High School ở Werribee

Thật ra mình không đặt ra tiêu chuẩn hay làm áp lực cho Rơm phải thi vào trường chuyên, mà mình chia sẻ với con những lợi ích của việc học trường chuyên. Ban đầu ảnh cũng không hứng thú lắm nhưng cuối cùng vào cuối năm lớp 7, Rơm mới quyết định nói cho ba mẹ biết là ảnh muốn thử sức xem sao. So với nhiều gia đình có dự định cho con thi vào trường chuyên thì mình biết lúc đó có thể hơi trễ để chuẩn bị, nhưng điều quan trọng với mình không phải chuyện con có thi đậu hay không, mà là quyết định của con là hoàn toàn tự nguyện và khát khao của con đủ lớn để quyết tâm. Mình cho Rơm học ở một trung tâm chuyên luyện thi vào trường chuyên, học phí cũng không rẻ. Khi bắt đầu học rồi, ảnh mới nhận ra là chương trình ảnh học ở trường là ….quá dễ và quá nhẹ so với những yêu cầu cần có ở một trường chuyên. Hơi choáng váng vào tuần đầu vì sự khác biệt về mức độ học, nhưng sau đó Rơm bắt đầu cảm thấy được thử thách và từ đó ảnh học rất hăng say. Mỗi tuần Rơm đến trung tâm vào thứ Bảy, và những ngày khác trong tuần thì miệt mài học và làm bài. Gần tới ngày thi, khi ba mẹ hỏi ‘Con cảm thấy đủ tự tin để đi thi chưa?’ thì ảnh kêu là ảnh rất tự tin, xong nói là có một bạn trong lớp của con cũng đi thi, nhưng bạn đó học không bằng con, vì khi làm bài chung trong lớp, bạn không nhanh và đúng như con.Rồi ngày ấy cũng đến. Có đến tận nơi mới thấy mức độ cạnh tranh vào trường chuyên như thế nào. Mình không nhớ tỉ lệ cạnh tranh như thế nào, nhưng thí sinh thì phải đến HÀNG NGÀN trong khi chỉ tiêu chỉ VÀI TRĂM cho 4 trường. Rơm chọn thi vào Suzanne Cory High School vì gần nhà, và đây cũng là trường mà chị Karmil con bác Phương-Hồng Nhất Lê đã học.

Hết buổi thi, khi được hỏi là con có thấy tự tin không thì ảnh nói là con rất tự tin.Thế nhưng, qua 2 vòng kết quả mà Rơm vẫn không nằm trong số những người thi đậu. Điều làm ảnh cảm thấy bất mãn nhất là ‘Con không hiểu là tại sao bạn kia đậu (bạn cùng thi với Rơm), trong khi bạn ấy học dở hơn con’ và ‘Con cảm thấy thời gian con bỏ ra và tiền bạc của ba mẹ đầu tư cho con học thi là một sự lãng phí.’Mình nói với Rơm: ‘Ừ mẹ hiểu là con cảm thấy thất vọng và chán nản lắm. Con đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, đối với mẹ thì đây không phải là sự thất bại của con. Mẹ thấy từ khi con quyết tâm thì con đã có nhiều thay đổi, đó là con đã kỷ luật hơn, cam kết với bản thân mình hơn. Con cảm thấy con được thử thách và bằng chứng là con dần thấy được là chương trình học ở trường thật ra quá dễ dàng với con. Mẹ thấy thực ra con được chứ không phải mất.’Ảnh nói ‘Ủa con đâu có được gì đâu? Bạn kia được chứ đâu phải con?’

Mình: ‘Con được một bài học. Đó là cách nhìn và đánh giá người khác. Giả sử bạn kia không thi đậu, mà là con, thì có phải hẳn là bạn ấy cũng đã nỗ lực giống như con không? Mẹ chắc chắn rằng không ai bước vào kỳ thi đó mà không chuẩn bị gì cả. Vậy thì điều con cần làm đó là CÔNG NHẬN sự nỗ lực của bạn đó, cũng như con công nhận rằng con đã rất cố gắng. Ở đây, mẹ không nói là ai giỏi ai dở mà là sự nỗ lực của mỗi người. Con có biết rằng có rất nhiều người là y tá, bác sĩ, nữ hộ sinh và họ giỏi hơn mẹ rất nhiều, nhưng họ thi 4 lần vẫn chưa đậu IBCLC như mẹ. Vậy có phải mẹ giỏi và dày dạn kinh nghiệm hơn họ không? Không hề đâu. Và vì mẹ biết mẹ chẳng là gì với họ nên cách mẹ học cũng sẽ khác họ một chút. Cũng giống như người bạn kia của con, có lẽ bạn ấy cũng biết rằng bình thường con vốn đã giỏi hơn bạn ấy nên cách bạn học có thể đã thận trọng hơn, kỹ càng hơn con. Còn con, có thể con vì sự chủ quan mà đã không đánh giá bạn đúng, không tôn trọng đối thủ, nên con đã sơ suất và đây là kết quả con nhận. Điều đó chẳng sao cả, nếu như con nhận ra đây chính là bài học của mình. Còn chuyện ba mẹ bỏ tiền ra đầu tư cho con, hay con đã dành thời gian ra học, mẹ thấy hoàn toàn xứng đáng và mẹ tự hào vì sự nỗ lực của con.’

Mỗi ngày, mình đều quan sát con, thấy ảnh ít nói hẳn trong hai tuần. Tiếp đó, những kỳ thi tới tấp tại trường trung học khiến Rơm bận rộn hơn. Một ngày kia, Rơm về thông báo với mẹ là được thầy Toán giao cho nhiệm vụ sửa bài cho các bạn khác trong lớp. Trong kỳ học này, Rơm tiếp tục tham gia những hoạt động ngoại khóa sau buổi học, tiếp tục học võ 5 ngày/tuần cùng với các em. Mình nói với con rằng chuyện học thuật (academy) chỉ là một phần, con còn phải trang bị những kỹ năng khác cho mình nữa, đó là những kỹ năng giao tiếp xã hội (social skills), kỹ năng sinh tồn (survival skills). Con học giỏi và xuất sắc về một môn nào đó mà con không có kỹ năng giao tiếp để chia sẻ và phụng sự những giá trị con có thì chẳng khác nào một viên ngọc bị vùi sâu dưới lòng đất và viên ngọc đó chẳng khác nào một cục đá tầm thường. Nhưng nếu một cục đá tầm thường mà được mài giũa thì có thể nó vẫn chẳng có màu xanh như ngọc bích, nhưng nó chắc chắn không còn tầm thường nữa. Nếu con bị kẻ xấu tấn công, con không thể đứng đó dùng phép toán để thương lượng mà phải xuất chiêu để tự vệ. Nếu con không từng thất bại thì con sẽ chẳng thể nào hiểu được sự thất vọng và đau khổ của những người thất bại để có thể giúp họ đứng dậy được.Hôm qua, Rơm thử thách bản thân bằng cách tham gia đấu võ và được giải nhì. Điều mình thấy được đó là thái độ của con khi đứng trước đối thủ, con thể hiện sự trân trọng với bạn và nhất là đối với bạn nữ đối thủ (Rơm đấu 5 vòng với 3 bạn nam và 2 bạn nữ). Mặc dù khi thi thì ảnh không nhân nhượng, không nhường bạn nữ đâu, nhưng cách ảnh đỡ bạn dậy, ôm bạn và xin lỗi vì làm bạn đau khiến mình rất cảm động. Rơm rất ra dáng là một gentleman, điềm đạm và chững chạc.

Cuối năm học này, Rơm là học sinh xuất sắc nhất của lớp vì sự nỗ lực toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ việc học đến các hoạt động ở trường. Còn chuyện Rơm có thành tích gì thêm nữa ở trường thì cho đến nay mình vẫn chưa biết cho đến cuối tuần này và điều đó đối với mình không tự hào bằng việc con mình đã trưởng thành hơn.

Rơm nói rằng sang năm Rơm muốn thử sức một lần nữa cho kỳ thi lớp 10 vào trường chuyên dù mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn nhiều so với kỳ thi vào lớp 9. Mình nói không sao, nếu con muốn thì ba mẹ sẽ đồng hành với con tới cùng luôn, bất kể kết quả thế nào.Thắng hay thua chỉ là những cột mốc trong đời, điều quan trọng là mình bước qua những cột mốc đó như thế nào và nhận ra được những giá trị còn gấp nhiều lần hơn việc thành bại. Con mình đã không đậu vào trường chuyên, và điều đó không sao cả.

P/S: Bà Ngoại nói với Rơm rằng nếu con thi đậu thì ngoại sẽ mở tiệc chúc mừng con thi đậu. Còn nếu con không đậu thì ngoại cũng sẽ mở tiệc chúc mừng con không phải học trường chuyên như bạn kia. Học trường chuyên khó lắm chứ có phải giỡn chơi đâu. 😁