Tầm quan trọng của việc tiếp da (skin-to-skin contact)

Tầm quan trọng của việc tiếp da (skin-to-skin contact) post thumbnail image

Một trong những bài viết về tầm quan trọng của việc tiếp da của Jack Newman, một bác sĩ người Canada chuyên Hỗ trợ và vận động NCBSM. 
Ông đã viết rất nhiều về các vấn đề liên quan đến sữa mẹ. Sách và videos chuyên về sữa mẹ của ông đã được xuất bản và sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới bởi các trung tâm tư vấn, hỗ trợ và vận động NCBSM. Ông là người mở trung tâm chuyên về sữa mẹ đầu tiên tại Canada năm 1984, là khách mời thường xuyên tại các hội nghị của La Leche League, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế hoạt động vì sữa mẹ và là cố vấn của chương trình “Bệnh viện thân thiện với trẻ em” của Unicef.

Hiện nay có khá nhiều nghiên cứu cho rằng mẹ và bé nên ở bên nhau, da tiếp da (không mặc đồ, không quấn bé) ngay sau khi sinh, cũng như sau này. Bé sẽ vui hơn, nhiệt độ của bé ổn định và bình thường hơn, nhịp tim và nhịp thở của bé ổn định và bình thường hơn, và đường huyết của bé được tăng cao. Không những thế, da tiếp da ngay sau khi sinh cho phép bé tiếp xúc chung với vi khuẩn của mẹ. Điều này, cộng với việc cho bé bú mẹ, được cho là quan trọng trong việc phòng tránh các bệnh về dị ứng. Khi bé bị đặt vào lồng kính, da và ruột bé thường phải tiếp xuc với vi khuẩn khác với vi khuẩn trên người mẹ.
Chúng ta biết rằng điều này không những đúng cho bé sinh đủ tháng khỏe mạnh mà thậm chí còn cho bé sinh non nữa. Da tiếp da và chăm sóc bé theo kiểu Kangaroo có thể đóng góp rất nhiều trong việc chăm sóc trẻ sinh non. Thậm chí bé phải thở bằng oxygen cũng có thể được tiếp da, và điều này giúp giảm bớt sự cần thiết phải dùng thêm oxygen, và giữ cho bé ổn định hơn (mẹ nào biết tiếng Anh có thể tham khảo về Kangaroo Care).
Để ghi nhận sự quan trọng của việc giữ cho mẹ và bé được tiếp da với nhau càng lâu càng tốt trong vài tuần đầu sau khi sinh (không chỉ tiếp da khi cho bú), sẽ hữu ích để hiểu rằng một em bé, như bất kỳ động vật có vú nào, có môi trường sống tự nhiên là được gần mẹ (hoặc cha). Khi một em bé hay bất kỳ động vật có vú nào bị tách khỏi môi trường tự nhiên đó thì sẽ bộc lộ tất cả những dấu hiệu sinh lý rất căng thẳng. Một em bé không được gần mẹ (hoặc cha) về mặt khoảng cách (ví dụ như dưới đèn chiếu hoặc trong lồng kính) hoặc quấn trong khăn, có thể sẽ buồn ngủ, mệt mỏi, không muốn tiếp xúc với ai hoặc khóc nhiều vì cảm thấy không an toàn. Khi bé bị quấn, bé không thể tiếp xúc với mẹ, cách mà tạo hóa đã dự định. Với việc tiếp da, mẹ và bé trao đổi thông tin cảm xúc với nhau và thông qua đó kích thích và khơi gợi hành vi “trẻ con”: rúc vào vú và kiếm bầu vú mẹ, yên lặng, thở tự nhiên hơn, được giữ ấm và giữ nhiệt độ cơ thể cũng như duy trì đường huyết.

Từ quan điểm nuôi con bằng sữa mẹ, các bé được tiếp da với mẹ ngay sau khi sinh ít nhất một tiếng, có xu hướng ngậm vú đúng mà không có sự trợ giúp nào và có khả năng ngậm tốt, đặc biết nếu người mẹ không phải truyền thuốc trong thời gian chuyển dạ hoặc sinh bé. Bé nào ngậm đúng sẽ bú dễ dàng hơn bé ngậm không đúng. Khi bé ngậm đúng thì mẹ ít có nguy cơ bị đau núm vú. Khi mẹ nhiều sữa, bé có thể ngậm không đúng mà vẫn bú được nhiều sữa dù cữ bú có thể lâu hoặc thường xuyên hoặc vừa lâu vừa liên tục và mẹ dễ gặp những vẫn đề như tắc tuyến sữa hoặc viêm vú. Tuy nhiên trong vài ngày đầu, dù mẹ có đủ sữa nhưng không nhiều, bé cũng cần ngậm đúng mới bú được lượng sữa ấy. Sữa mẹ vẫn trong bầu vú cho dù bạn không hút ra được bao nhiêu. Sữa được hút ra nhiều hay ít không chứng minh được gì cả. Nhiều mẹ có lượng sữa dồi dào vẫn gặp khó khăn khi vắt ra cho dù chỉ là một lượng sữa nhỏ. Hãy lưu ý rằng, bạn không thể nói sữa nhiều hay ít chỉ bằng cách bóp vú. Khớp ngậm đúng rất quan trọng để giúp bé bú sữa có sẵn trong vú mẹ. Nếu bé ngậm không đúng, mẹ sẽ bị đau và nếu bé không bú đủ, bé sẽ muốn bú lâu và điều này càng làm cho mẹ đau thêm.

Tóm lại, da tiếp da ngay sau khi sinh ít nhất một giờ (và nên tiếp tục càng lâu càng tốt mỗi ngày trong vài tuần đầu) có những hiệu quả tích cực vì bé:

• Biết ngậm vú
• Biết ngậm đúng
• Duy trì nhiệt độ bình thường tốt hơn thậm chí khi ở trong lồng ấp
• Duy trì nhịp tim, nhịp thở và huyết áp bình thường
• Có đường huyết cao hơn
• Ít khóc
• Có khả năng được bú mẹ hoàn toàn và lâu hơn
• Sẽ cho mẹ biết khi nào bé cần bú

Không có lý do nào cho việc phần lớn trẻ sơ sinh không được tiếp da với mẹ ngay sau khi sinh ít nhất một tiếng. Những thủ tục của bệnh viện như cân bé chẳng hạn, không nên ưu tiên làm trước.
Bé cần được lau khô và đặt lên người mẹ. Không ai nên thúc bé làm gì, cũng không nên giúp bé ngậm vú vào lúc này. Bé có thể được đặt dọc bụng và ngực mẹ và để cho bé tự nhiên tìm đến vú, mẹ có thể giúp bé nếu cần thiết. Tất nhiên là mẹ sẽ giúp bé một vài lần và không nên ngăn cản mẹ làm việc đó. Đây là hành trình ngoài đời đầu tiên của bé, mẹ và bé nên được bình yên ở cạnh nhau để tận hưởng giây phút của mẹ và con. (Tuy nhiên, mẹ và bé không nên ở riêng trong phòng, nhất là khi mẹ đang truyền thuốc, và quan trọng là không chỉ có ba bé mà y tá hoặc cô đỡ hay bác sĩ thỉnh thoảng cũng nên kiểm tra để phòng hờ có chuyện gì xảy ra). Việc tiêm vitamin K hay nhỏ mắt cho bé có thể làm vài giờ sau đó cũng không sao. Thậm chí tiếp da ngay sau khi sinh có thể thực hiện sau khi sinh mổ, lúc mẹ đang được may vết mổ, trừ khi có lý do y khoa để không làm việc đó.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thậm chí với trẻ sinh non, nặng chỉ chừng 1.2kg, vẫn có quá trình trao đổi chất ổn định hơn (bao gồm mức đường huyết) và hô hấp tốt hơn nếu như được tiếp da với mẹ ngay sau khi sinh. Việc tiếp da khá tương thích với các biện pháp được sử dụng để giúp bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu bé quá yếu thì sức khỏe của bé không nên bị tổn thương hơn, nhưng bất kỳ trẻ sinh non nào không có vấn đề gì về hô hấp đều có thể tiếp da với mẹ ngay sau khi sinh. Quả thật, đối với trẻ sơ sinh, cũng như với bé sinh đủ tháng, việc tiếp da có thể làm việc hô hấp trở lại bình thường một cách nhanh chóng.

Thậm chí nếu bé không ngậm được vú mẹ trong một hai tiếng đầu, việc tiếp da cũng quan trọng cho cả bé và mẹ vì những lý do đã nêu.

Nếu bé không ngậm vú đúng ngay, đừng hoảng. Hầu như không bao giờ cần phải gấp gáp, đặc biệt đối với bé sinh đủ tháng khỏe mạnh. Một trong những cách nguy hại nhất trong việc nuôi trẻ sơ sinh vốn đã trở thành một điều kỳ dị là phải cho bé bú mỗi 3 tiếng. Thay vào đó, cần cho bé bú khi bé báo cho mẹ dấu hiệu là “con đã sẵn sàng” và nên để con gần bên mẹ thì mẹ sẽ nhận thấy điều đó ngay. Chẳng có cơ sở nhất định nào cho việc phải cho con bú mỗi 3 tiếng hay theo một lịch bú cụ thể nào cả, nhưng cũng vì quan điểm đó mà nhiều bé bị đẩy tới bầu vú đơn giản chỉ vì đã tới 3 tiếng rồi. Bé nào chưa muốn bú có thể phản đối kịch liệt, và vì thế mà bị ép bú nhiều hơn, trong nhiều trường hợp còn dẫn tới hậu quả là bé từ chối vú mẹ luôn bởi vì chúng ta muốn bé bú. Điều này làm cho mọi việc tệ hơn. Nếu bé tiếp tục cưỡng lại việc bị đẩy tới bầu vú và càng cáu bực, thì “rõ ràng bước kết tiếp” là cho bú bình.

Nguồn: International Breastfeeding Centre

 

Tags: