Bài này tôi viết cách đây một năm và đăng trên Facebook cá nhân. Khi tôi chia sẻ lại bài này thì cũng là dịp giỗ đầu của Ông Nội tôi. Ông ra đi sau một năm Ba tôi mất. Đọc lại bài này, thấy nhớ Nội, nhớ Ba, nhớ những điều thân thương và yêu thương luôn đứa trẻ bên trong tôi.
Ngày hôm đó, tôi ngồi trên xe tang để đưa cha mình về nơi xa, có hai dáng người già nua, mặc hai bộ đồ trắng, đứng nép bên nhau để nhìn theo chiếc xe chở linh cữu của con mình. Nước mắt lăn dài trên má, và rơi trong lòng, tôi hỏi: “Ba ơi, Ba có kịp nói lời yêu thương với Ông Bà Nội như con đã kịp làm trước khi Ba ra đi không?”
Tôi thật sự không biết điều đó. Nhưng nếu Ba không kịp nói, thì thật là thiệt thòi cho Ba, và thật là thiệt thòi cho Ông Bà của tôi.
Ông tôi, năm nay U100, và Bà tôi, U90. Hai người có 11 người con cả trai lẫn gái. Rất nhiều người ở cùng thế hệ của Ba tôi, và bản thân tôi, đều có tuổi thơ gắn liền với đòn roi và sự trừng phạt mà người ta thường gọi đó là “thương cho roi cho vọt”. Hay nói cách khác, là bạo lực nhân danh tình yêu.
Ông Nội tôi từng nói rằng, nếu ông không dùng kỷ luật để trừng trị, thì làm sao quản được bầy con 11 đứa. Trong 11 người con không có ai nghiện xì ke ma túy hay làm gì phạm pháp để liên đới đến pháp luật. Với ông, đó là thành quả trong xã hội loạn lạc thời ấy.
Hồi tôi 7 tuổi, tôi từng chứng kiến Ông dùng chổi đánh cô tôi một trận thừa sống thiếu chết ngay trước mặt bạn trai của mình, đánh đến nỗi tè hết ra quần. Cảm giác thật kinh hoàng khi thấy Ông tôi, một người đàn ông cao lớn đang đánh đập đứa con gái của mình khi nó không có khả năng chống cự, và không dám chống cự.
Hình ảnh người cha đó, sau này là Ba tôi. Có những trận đòn mà tôi cắn răng chịu, không một tiếng khóc, không một lời van xin. Tôi chỉ khóc khi cơn giận của Ba đã qua đi, và tôi chỉ còn một mình trong phòng. Đứa bé thương tích đầy mình, là tôi khi ấy, đã thấy thật căm hận khi nghe Ba tôi nói “Mày có biết khi tao đánh mày, tao cũng đau lắm không?”
Không hiểu sao, khi đó trong tôi có một câu nói “Mình sẽ không đối xử với con mình như vậy”. Đó là câu thần chú luôn luôn vang lên khi thân thể và trái tim của tôi vật vã với những vết thương.
Tôi ăn đòn nhiều lắm, nhiều vô số kể, nhiều đến nỗi tôi không nhớ hết tôi đã phạm tội gì, và nhiều đến mức nước mắt không còn có thể rơi trên má, mà rơi ở trong lòng.
Từ rất lâu tôi đã lờ mờ nhận thức được rằng Ba tôi đang nối tiếp cái nghiệp mình nhận được từ thuở ấu thơ. Một đứa trẻ lớn lên trong bạo lực sẽ dùng bạo lực với con cái của mình. Tôi phải chấm dứt nghiệp chướng đó.
Tôi không có ký ức được Ba ôm ấp, nắm tay và nói rằng “Ba thương con.” Tôi chỉ cảm nhận cái gọi là tình thương được đòn roi đại diện.
Nhưng tôi biết Ba có thương tôi. Cha mẹ nào mà chẳng thương con. Ba cứu tôi thoát chết hai lần, một lần suýt chết đuối và một lần suýt chết vì điện giật.
Tôi biết Ba có thương tôi, bằng những trưa hè tất tả bên những cái mô tơ ba sửa để trả cho khách, bằng những đêm căng mắt quấn từng vòng dây đồng cho những thiết bị điện, bằng những bữa cơm Ba nấu để chị tôi ăn cho kịp giờ đi học khi mẹ chưa về kịp.
Tôi biết Ba có thương chị em tôi, bằng những lời tự hào và hãnh diện khi nói chuyện với bạn bè về những tấm bằng khen (mà chúng tôi cố gắng đạt được để làm cha mẹ vui – như bất kỳ đứa trẻ nào thời ấy). Ba bảo chuyện con cái học giỏi là đương nhiên trong dòng họ. Ba, ánh mắt rạng rỡ ngời sáng vào cuối mỗi năm học khi phải thuê cả chiếc xích lô để chở phần thưởng do thành tích học tập của con mình. Phần thưởng, là hàng trăm cuốn vở mà chị em tôi phải đem cho bớt.
Nhưng tôi là một đứa trẻ bị tổn thương.
Và Ba tôi cũng thế.
Sau này, khi tôi trưởng thành và đủ mạnh mẽ để chủ động lội ngược dòng, để gần gũi với Ba, nói chuyện nhiều với Ba, thì tôi vẫn chưa đủ dũng cảm để thành thật chia sẻ với Ba về những tổn thương mà Ba lỡ gây ra cho tôi – một cách vô thức – vì chính Ba cũng là đứa trẻ ấy.
Ba, có một thời gian mấy năm, đã giận Ông Nội của tôi, như một sự phản kháng mà Ba cho rằng đó là sự áp đặt của Ông. Sau này, khi Ba bệnh nặng, Ba mới về với Ông. Được một thời gian, Ba lại đòi đi nữa. Ông nói “Con đòi đi đâu nữa, làm sao có ai chăm sóc con bằng Ba Má được? Mày có giận gì tao, tao cũng không bỏ mày được. Mà lỡ tao có bề gì, thì tao biết mày cũng không bỏ tao đâu. Con đang ở trong vòng tay của Ba Má rồi, nên con cứ ở đây. Có ra đi thì có Ba Má ở bên cạnh con.”
Và Ba đã ra đi, bên cạnh Cha Mẹ của mình, bên Mẹ tôi.
Nhưng tôi không biết Ba có kịp cầm nắm tay Cha Mẹ mình trước khi chìm vào hôn mê sâu rồi ra đi không nữa.
Về phần tôi, để dứt nghiệp chướng từ bạo lực không phải là một điều dễ dàng, để chống lại lời nguyền mà số phận mang lại là một nỗ lực không hề đơn giản. Có những lúc tôi vật vã vô cùng mới quật ngã được cơn giận dữ trong tôi để đừng xuống tay với những đứa con tôi đứt ruột đẻ ra. Có lần tôi phải gào lên, giống như là để cầu cứu con tôi đừng để mẹ nó trở thành kẻ thất bại “Con chạy nhanh vào phòng và đóng cửa lại ngay lập tức, phải đóng chặt lại, khóa lại nghe chưa?” Cơn giận có vẻ kinh khủng, nhưng tuổi thọ của nó rất ngắn, vì nó không có chỗ để xả, và vì nó đã bị câu thần chú đè bẹp “Mình sẽ không đối xử với con mình như vậy.” Rồi khi cơn giận đã chịu thua, tôi đã gọi con ra, để nói rằng “Mẹ ĐÃ giận”, để giải thích cho con hiểu tại sao lại như thế.
Có nhiều đêm tôi tỉnh giấc với hai hàng nước mắt, vì những vết thương thời thơ ấu lâu lâu lại tái phát, và vì tôi biết rằng đứa trẻ bên trong Ba tôi cũng thế; nhưng đứa bé ấy không may mắn có được cơ duyên thức tỉnh như tôi, không được phù trợ bởi câu thần chú mà tôi may mắn được ban cho.
Ba tôi có lần nói rằng “Ba thương ai thì ba chỉ muốn giữ trong lòng thôi. Còn ghét thì phải nói ra, phải ra mặt cho họ biết chứ không có kiểu bày đặt xởi lởi với họ, như vậy là giả dối con có biết không?”
Thật là thiệt thòi cho những người Ba thương, vì họ không có cái quyền được lắng nghe sự thật. Ơ, tại sao kẻ bị ghét thì lại được Ba đối xử công bằng hơn vậy?
Đến gần cuối đời, Ba mới trở thành người công bằng qua những tin nhắn yêu thương, qua những dòng chúc thư viết ra khi thể xác bị hành hạ bởi cơn đau. Lòng tôi thảng thốt, trời ơi, lẽ ra chúng tôi đã không phải mòn mỏi đợi chờ như thế. Mà thôi, thà muộn còn hơn không.
Khi tôi từ sân bay trở về nhà vào đêm trước khi đưa tiễn Ba, tôi được nhìn mặt Ba; nét mặt thanh thản và nhẹ nhàng vô cùng. Tôi nói với Ba “Ba ơi, con về đây rồi. Ba hết đau rồi phải không Ba? Ba đã trả hết nghiệp rồi, nên Ba ra đi thật bình yên. Con thật mừng cho Ba. Từ nay, sẽ không còn đớn đau nữa ha Ba.”
Tôi nghĩ, một trong những gốc rễ cho cái nghiệp mà rất nhiều người phải gánh giống như cha con tôi, đó chính là nỗi sợ hãi sẽ làm con cái mình hư khi quá gần gũi và tỏ bày tình thương với nó. Người cha phải đóng vai nghiêm khắc và đại diện cho kỷ luật. Người ta dùng bạo lực để giải quyết nỗi sợ và rất nhiều thứ mà họ cho rằng lời nói sẽ không có giá trị. Còn nhớ, một lần Ba Mẹ đi làm vắng nhà, bọn trẻ con hàng xóm vác một cái thang để leo lên lô-cốt trước nhà tôi. Tôi cũng bắt chước làm theo. Vừa trèo lên nóc ngồi xuống thì Ba về, tôi ở trên đó hét to sung sướng: “Ba ơi con nè! Thưa Ba mới đi làm về.” Ba không nói không rằng, phi thẳng lên và dùng hai tay tát lia lịa vào hai má của tôi. Con bé 10 tuổi là tôi khi ấy khiếp sợ đến nỗi không thể thốt thành lời, không thể khóc, và tôi theo Ba bước xuống đất như một cái máy. Tôi không biết tại sao mình bị đánh tát như vậy, tôi uất ức vì không biết mình mắc phải tội gì; và Ba cũng không bao giờ giải thích cho tôi rằng Ba sợ tôi vì bất cẩn mà ngã xuống đất, Ba sợ mất đi đứa con gái mà Ba đã cầu nguyện và sau đó ăn chay một tháng vì tôi sinh ra được lành lặn bình thường. Ba sợ, và Ba dùng bạo lực để giải tỏa nỗi sợ ấy.
Sau này, khi có con, tôi đã dần dần giải mã được những trận đòn ngày xưa ấy. Tôi hiểu rằng Ba sợ, hiểu rằng đứa trẻ bên trong Ba cũng mong manh và đau đớn biết bao.
Không ít người mẹ mới sinh con bị khuyên là không nên bế con nhiều quá, không nên cho con bú lâu quá. Họ làm, hoặc bị buộc phải làm những chuyện mà bản năng người mẹ của họ cảm thấy có điều gì đó không ổn. Họ khổ sở và làm bộ cứng rắn phớt lờ tiếng khóc của con, để luyện con ngủ riêng, để ép buộc con mình phải sinh hoạt và phát triển vì ý muốn chủ quan của mình, hoặc vì “ai cũng nói vậy, ai cũng làm vậy.”
Sao không thành thật với người mình yêu thương, sao không nói với con “Ba/Mẹ cảm thấy VIỆC LÀM/HÀNH ĐỘNG của con là không đúng” thay vì “Mày là đứa hư đốn, là bất hiếu.”
Là vợ chồng, sao không ngồi xuống chia sẻ cho nhau nghe về việc mình cảm thấy thế nào về hành động của người kia, thay vì xỉ vả và xúc phạm nhau.
Sao không nói với nhau lời yêu thương, sao không ôm và nắm tay nhau, thay vì đợi đến lúc người kia không còn nữa để ân hận và tiếc nuối.
Bài viết của tôi thật dài. Nhưng mong ai đó, nếu đọc được và gặp duyên lành để thức tỉnh và giác ngộ, hãy thử một lần thành thực với mình, để chữa lành cho đứa trẻ bên trong của chính mình. Vì rằng, đứa trẻ nào cũng đáng được yêu thương và che chở.