Phụ nữ sướng hay khổ là do ai?

Phụ nữ sướng hay khổ là do ai? post thumbnail image

Cách đây hơn 10 năm trên một chuyến tàu buổi tối để về nhà sau một ngày làm việc, tôi ngồi cạnh một người phụ nữ có vẻ là người Ý. Khuôn mặt bà vẫn còn vẻ hoảng sợ, ngồi được một lúc thì bà òa khóc. Tôi lập tức hỏi: “Bà có ổn không? Bà đang có chuyện gì thế? Tôi có thể giúp được gì cho bà?” Trong nước mắt, bà nói rằng bị chồng đánh và đuổi ra khỏi nhà. Lúc đó là 10g tối. “Ồ không được rồi. Bà phải báo cảnh sát. Bây giờ tối rồi bà sẽ đi đâu?” Nghe tôi nói sẽ báo cảnh sát, bà ấy lật đật xua tay “Ôi xin đừng! Ông ấy đã bảo sẽ giết tôi nếu như tôi báo cảnh sát!” Nghe đến đó, tôi liền đáp “Ông ta dám sao? Bây giờ bà không ở bên cạnh ông ta, tôi sẽ cùng đi với bà, đồn cảnh sát ở ngay đây thôi, sát bên ga.” Tàu dừng ở ga Fairfield (NSW) và người phụ nữ lập tức hòa vào đám người đang hối hả bước xuống tàu, mất hút. Bà ta hình như sợ tôi thuyết phục đến đồn cảnh sát nên mới vội vã đi như vậy. Tôi bước lên taxi về nhà mà lòng thẫn thờ, đến nỗi bác tài xế phải nhắc là đã đến nhà rồi.

Khi ấy tôi còn độc thân nên cũng ít tiếp xúc với chị em đã có gia đình, và cứ nghĩ ở xứ Nữ Hoàng này, phụ nữ sung sướng lắm, vì ra đường, khắp nơi đều có những thông tin về các đường dây nóng phòng chống bạo hành. Tôi nghĩ nếu chị em phụ nữ bị bạo hành thì sẽ lập tức được giúp đỡ.

Nhưng không, họ chỉ được giúp đỡ khi họ KÊU CỨU hoặc người khác nhìn thấy và gọi cảnh sát, cũng như mình kêu đau thì người ta mới biết mình đau. Vì nỗi đau, chỉ có chính mình mới cảm nhận được, và cũng chính mình mới là người đầu tiên cứu mình.

Sau này, khi tôi đi làm, có những lúc tôi phải thốt lên “Trời ơi, phụ nữ Việt ở Úc cũng bị bạo hành không khác gì ở Việt Nam.” Tôi không ngờ là ở cái xứ tự do này, rất nhiều chị em người Việt lại khổ sở như vậy. Vì đâu?

Bị chồng đánh, nhưng chưa có PR nên đành cắn răng chịu. (PR: Thường trú nhân).

Bị chồng đánh, nhưng mới có một lần à, chưa đủ bằng chứng, nên phải thu thập chứng cớ (chắc đợi nó đánh cho rụng răng hoặc gãy chân gãy tay mới gọi là bằng chứng hay sao?  Hoặc nó lấy mạng mình luôn.)

Chồng không đánh, chỉ chửi, nên không có bằng chứng. (Bạo hành tinh thần cũng là bạo hành).

Chồng không đánh, chỉ coi mình như cỗ máy tình dục thôi (Bạo hành tình dục cũng là bạo hành).

Nhiều chị em sợ không dám báo cảnh sát, vì ngôn ngữ bất đồng, sợ cảnh sát không hiểu. Tuy nhiên dịch vụ thông dịch hoàn toàn miễn phí ở xứ này. Tại sao nhiều chị em sẵn sàng lên Google để tìm thông tin về nuôi dạy con (bằng tiếng Việt) nhưng lại không biết tìm những dịch vụ trợ giúp cho chính mình?

Nhiều người nói phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng. Gặp chồng không ra gì coi như số mình nó thế. Ủa tại sao lại tước đi cái quyền tự chủ của mình thế? Phụ nữ là phải chịu đựng. Luật nào bảo thế? Phụ nữ là phải hi sinh. Không có gì là ‘’phải’’, là ‘’nghĩa vụ’’ ở đây hết các bạn ạ. Lấy chồng thì phải theo chồng, Tết phải về nhà chồng? Nhiều chị em mấy năm trời không được ăn Tết với cha mẹ đẻ ra mình, vậy có phải mấy má từ dưới đất chui lên không?

Mình càng nhẫn nhịn, càng chấp nhận, thì đương nhiên ‘’xã hội’’ sẽ áp đặt mình lên cái chuẩn mực đó. Mà tiêu chuẩn do ai tạo ra? Tôi còn nhớ những ngày đầu mới lấy chồng, tuy không ở nhà chồng ngày nào  (vì sống ở Úc), nhưng khi chồng bảo về Việt Nam thì PHẢI ở nhà chồng thì tôi bảo: “Em ở vì EM THÍCH chứ không vì EM PHẢI.” Rồi khi anh ca bài “LẤY CHỒNG THÌ PHẢI THEO CHỒNG’’ thì tôi sửa ‘’EM LẤY CHỒNG VÌ EM THÍCH THEO CHỒNG”.

Tôi không cổ súy chị em lúc nào cũng chống chọi với nhà chồng, mà tôi khuyến khích các bạn luôn ý thức được rằng mình là một người độc lập, chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình. Chuyện nhận lời yêu và trở thành vợ ai đó là do bản thân các chị em chủ động chứ không ai bắt ép hay cưỡng bức gì cả. Vậy thì tại sao khi trở thành người vợ, người mẹ thì các bạn lại từ bỏ cái quyền tự chủ đó?

Rất nhiều mẹ tìm đến với tôi để than thở rằng chồng, nhà chồng áp lực chuyện cho con bú, chuyện con còi con béo; rằng thậm chí ông chồng bảo hạnh phúc vợ chồng lung lay vì vợ…cho con bú lâu quá. Các bạn có thấy buồn cười không? Vợ chồng tôi ly hôn vì tôi cho con bú lâu. Gia đình tôi lục đục vì tôi cho con lớn bú khi mang bầu. Ơ hay chẳng lẽ vì lợi ích của con trẻ mà vợ chồng ly tán sao?

Nào, hãy nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo một chút. Chuyện nuôi con, cho con bú bao lâu, dạy con thế nào chỉ là một vài vấn đề trong cuộc sống, trong sự tự quyết của người phụ nữ; mà phải phụ thuộc vào người khác thì người phụ nữ sống trên đời này vì mục đích gì vậy? Có thể, người chồng thấy vợ quá chú trọng vào con mà quên rằng chính họ là người đầu ấp tay gối của mình. Cái thiếu là thiếu sự san sẻ, đồng cảm và lắng nghe của vợ chồng với nhau; chứ không phải chuyện cho con bú làm mất đi hạnh phúc gia đình. Nhiều mẹ rất chủ quan, cứ nghĩ mình chăm con là nghĩa vụ của mình, rồi cứ thế ôm hết cả việc của chồng; nên đương nhiên không có thời gian dành cho chồng, và cho chính bản thân mình nữa. Bao lâu rồi các bạn không đụng đến thỏi son? Bao lâu rồi các bạn không đến tiệm làm tóc?

Một người mẹ bốn con như tôi, bận rộn như bao bà mẹ khác. Có những ngày, thú thật, quên cả chải đầu. Có những ngày, quên mất rằng bộ đồ mình đang mặc trông rất chán; da mình rất khô và đang xuống cấp. Nhưng đó chỉ là TẠM THỜI. Tôi không cho phép mình lúc nào cũng ở trong trạng thái bơ phờ thiếu ngủ, tôi không cho phép mình trở nên kém hấp dẫn trong mắt chồng, tôi không cho phép mình mất đi sự lãng mạn mà ngày xưa yêu nhau đã có. Đừng đợi ông chồng mình lúc nào cũng là người chủ động nắm tay, ôm ấp mình, nói với mình những lời yêu thương. Có khi, chỉ cần một lời nói “Dạo này em chăm con mệt nên chẳng có thời gian dành cho anh. Thôi, ôm đỡ một cái trước nhé.” thì vẫn tốt hơn vẻ mặt khó đăm đăm, cau có vì mệt. Bởi vì chính chị em phụ nữ chúng ta cũng muốn được nghe những lời như vậy. Có những khi, điều làm cho sự nồng nàn ngày xưa nguội dần chính là sự tự ái của bản thân; chứ không phải vì đứa con.

Đừng mặc định sinh ra phụ nữ là khổ, và đừng thấy mình khổ là chấp nhận số phận. Còn nhớ một cuốn sách có tên “Đời thay đổi khi ta thay đổi”. Bạn có muốn thay đổi đời mình không? Muốn, là làm được. Nhưng bạn có làm không? Điều đó phụ thuộc vào bạn.