Chuyện về cái móng nhà, hay chuyện về người có chức danh là nội tướng

Chuyện về cái móng nhà, hay chuyện về người có chức danh là nội tướng post thumbnail image

Tôi hiện đang làm việc và sinh sống tại Úc. Nói ‘’làm việc’’ nhưng công việc chủ yếu của tôi không phải là công việc có thể kiếm ra tiền đều đặn trong 10 năm kể từ khi làm mẹ. Đối với tôi, định nghĩa về việc làm không gói gọn ở số tiền hàng tuần tôi kiếm bao nhiêu, dù trong 10 năm qua, tôi đã trải qua những công việc ngồi ở văn phòng với bộ đồ công sở gọn gàng thanh lịch, mỗi buổi sáng dậy trang điểm để mình trở nên tươm tất trong mắt các đồng nghiệp, hay ra tòa với vai trò là thông dịch viên. Tôi cũng có thời gian dạy học ở Úc, có học trò để gọi mình là cô giáo. Thế nhưng, công việc ý nghĩa nhất, hạnh phúc nhất của tôi lại là nghề làm mẹ và nội trợ.

Có phải ở nhà nuôi con là ”ăn bám” và ”thấp kém”?

Rất nhiều chị em bỉm sữa, sau khi có con, ở nhà chăm con một thời gian lại cảm thấy mặc cảm, tự ti vì lâu rồi không đi làm, có cảm giác mình là người vô tích sự, ở nhà ăn bám chồng. Trong khi đó, không ít anh chồng coi thường vợ mình, thứ nhất là kém xinh hơn, thứ hai là không kiếm ra tiền và ‘’có mỗi việc nuôi con mà làm không xong.”

Vậy, ở nhà nuôi con là một công việc thấp kém, không đáng được trân trọng hay sao?

Tôi ở nhà được vài năm, trong thời gian đó có đi học để củng cố kiến thức. Lấy xong bằng Thạc sĩ cũng là lúc con thứ 3 của chúng tôi được 5 tháng. Tôi nói với chồng “Em muốn đi làm, làm ít thôi, chứ học cho đã rồi ở nhà cũng phí anh ạ.’’ Ông xã ủng hộ, thế là tôi tranh thủ đi làm, mỗi lần đi làm quả thật hạnh phúc sung sướng lắm. Ở bên này, vợ chồng tự lực với nhau là chính, thi thoảng có ông bà hỗ trợ cũng là điều may mắn không phải ai cũng có được. Nếu một người đi làm toàn thời gian (full-time) thì người kia phải ở nhà lo cho con; vì vậy chúng tôi phân công ra, ai cũng được đi làm, và ai cũng được ở nhà chăm con. Anh là Bác sĩ Đông y, có phòng mạch riêng, làm việc theo hẹn nên công việc cũng linh động. Trước khi nhận hẹn khám hoặc lịch đi làm, chúng tôi đều kiểm tra thời khóa biểu của nhau để tránh trùng lịch. 

Một lần vào group các mẹ bỉm sữa ở Úc, tôi đọc được một bài của một mẹ vào hỏi cách duy trì sữa mẹ khi đi làm, trong bài cô ấy có nhắc đến chồng mình, đại khái là “Con tôi bị dị ứng sữa bò, tôi không muốn người chồng tuyệt vời của tôi phải khổ sở về chuyện ăn uống của con.” Cô nói mình rất biết ơn chồng vì chịu ở nhà trông con để cô đi làm. Có một thời gian hầu như tôi là người đi làm chính, mỗi lần nghỉ giải lao tôi đều nhắn tin hoặc gọi điện cho chồng, tuy gọi là hỏi thăm con nhưng mục đích chỉ để được nói chuyện với ba chúng nó. “Cám ơn ông xã đã lo cho con để em yên tâm đi làm.” Chiều nào tôi về nhà cũng là lúc cơm nước xong xuôi, nhà cửa ngăn nắp, con cái đứa nào đứa nấy đều được tắm táp sạch sẽ; mà trông anh chẳng có vẻ gì mệt mỏi hay căng thẳng cả. Không khí gia đình rất yên bình, trật tự cho tới khi…mẹ về nhà! Đứa thì níu, đứa thì đu, đứa thì kéo cổ áo mẹ xuống, thò tay vô cổ áo mẹ đòi bú.

Phải chăng giá trị của con người nằm ở chỗ họ kiếm được bao nhiêu tiền hay có danh phận gì trong xã hội?

Giá trị con người và ý nghĩa cuộc sống của họ không nằm ở địa vị xã hội mà họ đứng, hay số tiền họ kiếm được. Vì sao? Vì cho dù họ có làm nên chức vụ gì, thì về nhà, họ cũng là người chồng, người vợ, là cha là mẹ của con. Tối vẫn phải đi ngủ, đói vẫn phải ăn, và quần áo họ mặc cũng cần được giặt giũ sạch sẽ. Người có quyền lực trong gia đình không phải là người kiếm nhiều tiền, hay người quản lý tiền bạc. Mà thế nào là quyền lực trong gia đình? Trong gia đình tôi, không ai có quyền lực hơn ai, mà là ai có thể mạnh ở lĩnh vực nào thì sẽ chủ động ở lĩnh vực đó. Chồng tôi giỏi tính toán, cân đối tài chính (thực sự là tôi…lười, và không thích những chuyện tính toán như vậy) nên anh là người kiểm tra các hóa đơn hàng tháng và chi tiêu trong gia đình. 

Người phụ nữ trong gia đình, có phải lúc nào cũng là người luôn nhường nhịn, hi sinh và chịu đựng như khuôn mẫu từ trước đến giờ không? Với tôi, không phải như vậy. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cô ấy phải luôn đấu tranh để chồng đừng lấn lướt. “Hiền đúng nơi, dữ đúng lúc’’ mới là cách hành xử mà bất kỳ người phụ nữ gia đình nào cũng cần nắm rõ và áp dụng. Tuy nhiên, cần phải có những nguyên tắc cho cả hai người.

Nguyên tắc nào để sống hòa hợp với bạn đời?

Hơn mười năm chung sống, có những lúc vợ chồng xung đột nảy lửa, nhưng chưa bao giờ chúng tôi cho phép mình được xúc phạm lẫn nhau, cho dù người kia có vô lý như thế nào. Chuyện gì vợ/chồng mình tốt, cả thiên hạ đều biết; còn cái xấu của nhau thì là bí mật của cả thế giới, trừ hai người trong cuộc.

Tướng lĩnh chiến thắng ở trận mạc không thể gọi là người chiến thắng nếu nội tướng ở hậu cung thất thủ. Vì vậy, vai trò của ‘’người lui về hậu cung’’ không hề tầm thường. Do đó, nếu đứng trên quan điểm ‘’ở nhà chăm con’’ có nghĩa là ‘’ăn bám’’ và ‘’thấp kém’’ hơn thì nền tảng gia đình đương nhiên sẽ lung lay, không sớm thì muộn. Trong rất nhiều gia đình thì người vợ đóng vai nội tướng, nhưng không có nghĩa đó là nghĩa vụ mà cô ấy buộc phải làm, và bị áp đặt phải làm. Lẽ tự nhiên, mẹ là người gần gũi với con hơn, chăm sóc con cái kỹ càng hơn; nhưng điều đó không có nghĩa là đàn ông không thể làm được như vậy. Ngược lại, người đem lại tài chính cho gia đình không phải lúc nào cũng là người chồng và trách nhiệm của người chồng.

Các bạn hẳn biết đến David Beckham, cầu thủ nổi tiếng một thời của Anh. Hiện nay, công việc chính của anh chính là…nội trợ, chăm sóc con cái để vợ là ca sĩ Victoria Beckham đi làm. Điều đó làm anh thấp kém hơn sao? Không hề. Nếu không có Beckham, chắc gì Victoria được như ngày hôm nay và ngược lại. Nếu chồng tôi không chăm sóc con chu đáo và chu toàn việc nhà, chắc gì tôi hoàn thành tốt công việc ở chỗ làm, được người khác nhìn vào ngưỡng mộ và nể trọng? Khi chồng làm việc ở phòng mạch, nếu tôi không đoái hoài gì đến gia đình, liệu anh có bắt mạch và bắt bệnh đúng cho khách hàng hay không?

Lui về hậu cung, không có nghĩa là thụt lùi, mà là đứng sau lưng làm hậu phương vững chắc. Vợ chồng không phải là đối thủ, để kể công ai đóng góp nhiều hơn hoặc ai kiếm tiền nhiều hơn, mà là ‘’bạn đời’’của nhau, tức là mặc cho ngoài kia có giông tố thế nào, mình vẫn là bạn của nhau, mà bạn cả đời chứ không phải chuyện đùa nhé.

Nếu người vợ nào cho rằng chuyện ‘’lui về hậu cung’’ làm giảm giá trị của mình, thì có lẽ cô ấy đã quên mất đi mình có giá trị như thế nào. Nếu người chồng nào coi thường người vợ của mình vì ở nhà trông con, thì anh ấy hẳn đã quên vì sao mình có được ngày hôm nay. Và nếu điều đó xảy ra, thì cái móng vững chắc chúng ta đã đóng nên khi xây dựng gia đình bắt đầu bị lung lay rồi đó.