1. “Trông người….
Năm 1984, Đạo Luật Chống Kỳ Thị Giới Tính (Sex Discrimination Act 1984) của Chính Phủ Úc đã có hiệu lực. Trong đó, phần 7AA là về kỳ thị việc cho con bú. Như vậy, việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là một việc tự nhiên mà còn được pháp luật bảo vệ. Theo đó, những ai có hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ cho con bú sẽ bị xem là PHẠM PHÁP.
… lại nghĩ đến ta”: Việt Nam có luật như vậy không?
2. “Trông người…”
Khi một người phụ nữ sống tại Úc có vấn đề trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, họ sẽ được một RỪNG người giúp: y tá, bác sĩ, chuyên gia tư vấn sữa mẹ (cả tình nguyện và tư nhân), gia đình, cộng đồng… (họ chỉ việc gào lên: “Có ai giúp tôi không? Tôi nghĩ là tôi không đủ sữa cho con tôi!”)
Khi họ ra ngoài mà nếu có ai đó hỏi: “Oh, chị vẫn còn cho bé bú chứ?” thì người mẹ sẽ trả lời tựa như mình là một bà hoàng “Ừ, tôi vẫn còn cho bú đấy!” thì người hỏi sẽ thốt lên “Thật vậy sao? Chị thật tuyệt!”
… lại nghĩ đến ta:”
Khi một người mẹ Việt có vấn đề trong quá trình cho cho con bú, sẽ có một RỪNG người xúm lại chỉ trích: sữa mẹ sau 6 tháng làm gì có chất, cho bú sữa công thức đi, sữa mẹ nóng con không lên cân là phải… (họ không dám gào lên để nhờ giúp đỡ, thậm chí post vào Hội Sữa Mẹ họ cũng nhờ ẩn danh).
Khi họ ra ngoài mà nếu có ai đó hỏi: “Bé bú sữa gì vậy?” thì người mẹ trả lời “Bé còn bú mẹ”, người hỏi sẽ thốt lên: “Cái gì? Bây giờ mà còn bú mẹ hả? Sao không cho nó bú bình cho quen?”
3. “Trông người…
Trong lớp học về sữa mẹ, đến phần giới thiệu bản thân, các ông chồng sẽ nói “Tôi không biết gì về việc cho con bú cả, tất nhiên rồi. Đó là lý do tại sao tôi muốn tham gia lớp học này, để sau này giúp vợ tôi.” Các ông đặt câu hỏi, đứng rất lâu nhìn mẹ mẫu cho con bú, rồi hỏi về tư thế cho bú; giờ giải lao, các ông sẽ lân la làm quen và nói chuyện với những người dạy, để than thở “Sao vợ tôi ốm nghén dữ quá, tôi phải làm sao đây?”
… lại nghĩ đến ta:” Người vợ đi làm về, lo cơm nước, lo cho con, hút sữa, nhờ chồng giúp thì chồng nói “Em nuôi con không giống ai hết! Sao không cho nó bú bình cho khỏe thân?”
4. “Trông người…
Người chồng được khuyến khích vào phòng sinh lúc vợ chuyển dạ, chứng kiến cảnh vợ đau đớn để sinh ra con. Khi con chào đời, 9/10 ông đều khóc! (ông còn lại không khóc chắc bị ngất vì … sợ máu, hehe)
… lại nghĩ đến ta”
Kể lại chuyện của mình: Lần gần nhất về Việt Nam là mình mang thai Ron được 3 tháng, chồng chở vào bệnh viện Y Dược khám thai. Mình vào phòng khám, chồng vừa mới thò đầu vào hỏi: “Có cho chồng vào không vậy bác sĩ?” thì bị quát té tát vào mặt “Ai cho vào đây? Đàn ông đi ra! Chỗ này là chỗ phụ nữ!” (sẽ viết một bài về vụ khám thai sau).
Câu hỏi là: Không có đàn ông, làm sao … có con? Phụ nữ chắc tự đẻ trứng rồi ấp ra con thì phải?
Muốn giảm bớt tỉ lệ nhậu nhẹt ở Việt Nam dễ lắm, muốn các ông chồng Việt trở thành gương mẫu dễ lắm, cứ mỗi lần vợ đẻ, cho các ông vào phòng đẻ… rặn phụ!
Trông người lại nghĩ đến ta
Mà khi ta nghĩ thì ta lại buồn…