Mẹ dùng thuốc và cho con bú

Mẹ dùng thuốc và cho con bú post thumbnail image

Tác giả: Bác sĩ Jack Newman

Dịch và hiệu đính: Nguyen N Dao

Đây là một trong những câu hỏi thường xuyên nhất mà tôi nhận được: “Tôi sử dụng thuốc x và họ bảo tôi không thể cho con bú. Điều đó có đúng không?”

Câu trả lời ngắn gọn là: Hầu như không có loại thuốc nào mà mẹ uống đòi hỏi cô ấy phải ngưng hoặc gián đoạn việc cho con bú cả. Tuy nhiên, câu hỏi thực sự là ‘’Cái nào an toàn hơn cho em bé? Cho con bú với chút xíu thuốc trong sữa và số lượng sữa thực ra cũng chút xíu, hay là cho bú nhân tạo?” Câu trả lời hầu như luôn luôn à, ‘’cứ tiếp tục cho bú, điều đó tốt hơn cho con bạn, và cho bạn, tức là cho mẹ.’’

Điều này là thật, mặc dù bác sĩ bảo các bà mẹ là họ không thể cho con bú vì không có nghiên cứu nào được thực hiện ở hầu hết các loại thuốc đối với việc cho con bú. Câu phản hồi này hoàn toàn là một điều thất bại. Nói với một người mẹ là không có nghiên cứu nào đối với một loại thuốc cụ thể thường là không đúng đâu. Thông thường là có nghiên cứu đấy, trên số nhỏ mẹ và bé thôi, nhưng đây là cách nói có vẻ tiện lợi và hợp lý mà bác sĩ hoặc dược sĩ nói với người mẹ rằng cô ấy không thể cho con bú được. Tuy nhiên, có những cách để quyết định liệu thuốc một người mẹ dùng có tương thích với việc tiếp tục cho con bú hay không. Những nghiên cứu tin cậy trên nhiều người mẹ và bé nếu có được thì tốt, nhưng không phải lúc nào cũng cần thiết.

Thực tế, có những thông tin khoa học và rất hữu ích liên quan đến phần lớn thuốc. Và trong phần lớn các trường hợp thì  thông tin có sẵn để có thể nói với người mẹ là: “Vâng, cứ cho con bú đi, điều đó tốt cho em bé và cho cô nữa đấy.” Một cuốn sách hay là cuốn Sữa mẹ và Thuốc của Thomas Hale. Nhưng bạn thực sự không cần phải mua sách đâu. Bạn có thể có tất cả những thông tin mình cần về hầu hết các loại thuốc trên Wikipedia. Và bằng cách gửi câu hỏi cho tôi. 

Có phải việc tiếp tục cho con bú hầu hết là an toàn hơn cho em bé không?

Lý do là cái từ nhỏ bé ‘’chút xíu’’ đó. Với đa số các loại thuốc thì có quá ít lượng thuốc vào sữa mẹ, đó là khi so sánh nguy cơ của việc không cho con bú với nguy cơ hầu như không tồn tại là lượng thuốc nhỏ bé đó trong sữa mẹ, rõ ràng là tiếp tục cho bú mẹ là an toàn hơn cho em bé và cho người mẹ nữa.

Trong khi lượng nhỏ thuốc tiết vào sữa chỉ hiếm khi có bất kỳ nguy cơ nào cho em bé thì những nguy cơ không cho con bú lại được ghi nhận khá nhiều, không chỉ cho em bé, mà còn cho người mẹ nữa, vì vậy cũng cần xem xét nguy cơ đối với người mẹ. Những nguy cơ gì? Đương nhiên, có nguy cơ đau nhức của việc cương sữa và viêm tuyến vú mặc dù vẫn hút sữa ra. Nhưng tôi đang nói chuyện lâu dài: nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư tử cung thấp hơn ở người mẹ cho con bú. Nguy cơ bị cao huyết áp, cao mỡ trong máu, và kháng insulin cũng thấp hơn ở cô ấy. Và càng cho bú lâu thì nguy cơ càng thấp.

Khi một em bé lớn bú mẹ, vấn đề khác nảy sinh. Nhiều em bé lớn rất ghiền bú mẹ, và cho dù ai đó có đồng ý hay phản đối chuyện cho con bú (ủa có gì sai sao?), việc ép con bỏ bú có thể gây ra tổn hại cảm xúc nghiêm trọng. Bất kỳ người mẹ nào từng đối mặt với ‘’nhu cầu’’ bỏ bú một em bé 18 tháng, và đã thử làm như thế, biết rằng điều này là đúng.

Tại sao nồng độ của hầu hết các loại thuốc trong sữa thấp như vậy?

Số lượng thuốc vào sữa mẹ phụ thuộc trước hết và đầu tiên nhất là vào việc nó có ở trong máu. Nếu thuốc không vào máu thì nó không thể vào sữa được. Chẳng hạn, điều này quan trọng khi người mẹ được bảo rằng họ không thể cho con bú nếu dùng thuốc nhỏ mắt. Bao nhiêu thuốc có thể vào máu vì giác mạc của mắt không hề có nguồn máu? Một số thuốc xuống tuyến lệ để vào miệng người mẹ hả? Điều đó thật là nực cười. Điều này tương tự đối với thuốc làm trắng răng. Tôi nhận được một số lượng khá ngạc nhiên các email hỏi về thuốc làm trắng răng.

Một loại thuốc không hấp thụ vào máu người mẹ từ đường ruột hay nơi nào khác cũng không thể vào sữa được.1. Botox là một ví dụ hoàn hảo và một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà chúng tôi nhận được. Botox được tiêm ở đâu thì nó sẽ ở chỗ đó, nếu không thì nó không có tác dụng gì cả. Nó không vào máu, vì thế không thể vào sữa được.

2. Một nhóm thuốc khác mà chúng tôi nghe nói đến thường xuyên là thuốc dùng để trị chứng suy giản tĩnh mạch chân varicose veins. Điển hình là, người mẹ bị bảo là họ không được cho con bú sau khi tiêm những hóa chất khá kích ứng này vào tĩnh mạch. Nhưng nếu thuốc vào hệ tuần hoàn toàn thân thì vấn đề sẽ xảy ra cho người mẹ. Nhưng chúng lại không thể vào được hệ tuần hoàn của cơ thể, nên chúng không thể vào sữa được.

Vậy có những thông tin nào?

  1. Trong một số trường hợp, thuốc không hề vào sữa một chút nào cả, con số là zero. Đây là vài ví dụ:
  • Các kháng thể đơn dòng chẳng hạn như etanercept (Enbrel) và infliximab (Remicade) và nhiều loại thuốc mới hơn hiện nay được sử dụng phổ biến để trị các bệnh về viêm và những bệnh khác như bệnh xơ cứng rải rác (multiple sclerosis), bệnh vẩy nến (psoriasis), viêm thấp khớp (rheumatoid arthritis), bệnh viêm đại tràng (Crohn’s disease) và nhiều bệnh khác được cho rằng là do phản ứng miễn dịch bất thường. Những kháng thể đơn dòng này, còn được gọi là những sinh vật học (biologicals), là những kháng thể thiết yếu và như thế chúng là những phân tử rất lớn với trọng lượng phân tử khoảng 150.000. Bất kỳ thuốc nào có trọng lượng phân tử từ 800 trở lên quá lớn để vào sữa.
  • Heparin là thuốc chống đông máu, các phân tử của nó quá lớn để vào được sữa. Thậm chí heparin với ‘’trọng lượng phân tử thấp’’ cũng nặng 4 500 so với loại heparin thường với trọng lượng phân tử là 15 000.
  • Thuốc Interferons, dùng để trị nhiều bệnh kể cả bệnh xơ cứng rải rác cũng có trọng lượng phân tử từ 20 000 đến 30 000, quá lớn để vào được sữa. Một thuốc kháng được dùng một cách phổ biến để trị bệnh xơ cứng rải rác là glatiramer (Copaxone) cũng không tiết vào sữa bởi vì phân tử lớn quá. Ngoài ra, glatiramer không hấp thụ ở đường ruột.
  • Hormon kích thích hoàng thể (Luteinizing hormone) và Hormon kích thích nang noãn (Follicle Stimulating Hormone) thường được sử dụng để kích thích trứng rụng lại có trọng lượng tính bằng hàng ngàn, vì vậy quá lớn để vào được sữa.
  1. Một yếu tố quan trọng quyết định bao nhiêu thuốc được tiết vào sữa là bao nhiêu thuốc được bám vào protein. Chỉ có những loại thuốc không bám vào protein mới có thể vào được sữa; chỉ có thuốc “tự do” mới vào sữa được. Dưới đây là danh sách ngẫu nhiên những loại thuốc được sử dụng phổ biến có độ bám vào protein khá cao:
  • Ketorolac (Toradol): 99 %thuốc trong máu người mẹ bám vào protein, vì vậy chỉ có 1% của lượng thuốc nhỏ bé trong máu người mẹ mới thực sự có thể vào được sữa. Ibuprofen (Advil) là >99% bám vào protein. Meloxicam (Mobic) thì >99% bám protein. Diclofenac (Voltaren) thì 99.7 %  bám protein. Thực tế, với thông tin trên thì hầu hết các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có tính bám protein tương tự.
  • Những loại khác: warfarin (Coumadin), thuốc chống đông máu (99% bám protein), diazepam, thuốc chống lo lắng (99% bám protein), propranolol một loại thuốc chẹn beta dùng để trị cao huyết áp, đau nửa đầu, các dấu hiệu của cường giáp trạng (90% bám protein).

Warfarin được dùng hàng chục năm nay để chống đông máu và nếu thời gian prothrombine của bệnh nhân (một phương pháp để xem bệnh nhân dễ chảy máu như thế nào) được theo dõi và giữ ở giới hạn nhất định thì nó an toàn cho bệnh nhân. Và an toàn cho em bé. Nhưng đây là một ví dụ hoàn hảo của việc bác sĩ đã không xem việc cho con bú quan trọng thế nào hoặc không hề xem xét đến nó gì cả. Có nhiều loại thuốc chống đông máu mới. Và bác sĩ thích thuốc mới. Họ rất thường tin vào “sự thổi phồng” của quảng cáo từ những đại diện của hãng dược và sau đó sau đó vài năm người ta phát hiện ra nó không an toàn cho người lớn như những gì được nói với bác sĩ. Nhưng thay vì kê toa warfarin cho người mẹ vào theo dõi thời gian prothrombin, họ lại kê toa cho thuốc mới và bảo người mẹ ngưng cho con bú bởi vì “chưa có nghiên cứu nào cả.”

  1. Nhiều loại thuốc cho mẹ có thể tiết vào sữa, nhưng em bé sẽ không hấp thu thuốc và vì thế an toàn cho con bú.
  • Một tình huống đặc biệt là các loại thuốc ức chế bơm proton (PPI, proton pump inhibitors), được hàng triệu người dùng để trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD); ví dụ như pantoprazole (Tecta) và lansoprazole (Prevacid). Những thuốc này lập tức bị acid dạ dày phân hủy, nhưng bởi vì chúng có một lớp màng bảo vệ nên chúng được bảo vệ khỏi bị phân hủy trong bao tử của người mẹ và được người mẹ hấp thụ tốt. Tuy nhiên, cho dù bất kỳ lượng thuốc nào vào được sữa (và con số rất nhỏ) thì nó không còn lớp màng bảo vệ nữa và do đó bị phân hủy trong dạ dày của em bé. Nếu bạn đang dùng loại thuốc như vậy, hãy kiểm tra nhãn hộp thuốc. Thường thì nó sẽ câu đại loại như “Không được bẻ, nhai hoặc đập nhỏ’’. Tại sao? Nếu lớp màng bảo vệ của thuốc bị gián đoạn thì thuốc sẽ bị phân hủy trong bao tử của người mẹ.
  • Nhiều thuốc trụ sinh có thể tiết vào sữa nhưng không được hấp thụ bởi em bé. Getamicin và tobramycin thuộc họ hàng của thuốc trụ sinh gọi là aminoglycosides. Vancomycin là một loại thuốc khác có thể tiết vào sữa nhưng không hấp thụ vào đường ruột của em bé. Mức độ hấp thụ của chúng ở ruột chắc chắn là zero. Vì thế, lượng thuốc tí xíu vào sữa sẽ ra tã em bé thôi. Một số người tranh luận rằng thuốc trụ sinh có thể làm thay đổi hệ khuẩn ruột của em bé, nhưng nếu người mẹ bị bảo là không thể cho con bú mẹ mà cho con bú sữa công thức thì hệ khuẩn ruột của em bé cũng thay đổi luôn. Chẳng lẽ thay đổi hệ khuẩn ruột của bé bằng sữa công thức thì tốt hơn sao? Không! Bởi vì cùng một lúc chúng ta sẽ làm gián đoạn việc cho con bú và một tuần hay 10 ngày không cho con bú thì hầu như chắc chắn là hồi kết của chuyện cho con bú rồi. Người ta nói với những người mẹ rằng con của họ có thể bị dị ứng với thuốc trụ sinh. Không hề có chuyện đó. Ngoài ra, các bác sĩ hiếm khi chần chừ kê toa kháng sinh cho em bé, mà lại kê rất thường xuyên cho những bệnh không cần đến kháng sinh. Và nếu em bé tiếp tục bú sữa công thức thì bé có thể bị dị ứng với các thành phần của sữa công thức.
  • Một ví dụ thú vị khác là tetracycline, một kháng sinh phổ rộng (broad spectrum antibiotic) mà ngày nay chủ yếu được dùng để trị mụn. Có vẻ như mọi người đều tin rằng tetracycline chống chỉ định với việc cho con bú bởi vì nó chống chỉ định trong thai kỳ ở trẻ em dưới 8 tuổi (có người nói 12 tuổi) bởi vì nó có thể làm răng và xương đang phát triển của các cháu bị ngả màu. Nhưng dược sĩ sẽ bảo bạn là không được uống tetracycline với sữa. Tại sao? Bởi vì tetracelycline kết hợp với canxi trong sữa và không được hấp thụ. Nếu người mẹ cho con bú uống tetracycline thì làm sao em bé sẽ nhận tetracycline? Với sữa!

Thế còn về doxycycline hiện giờ không dùng thường xuyên lắm cho bệnh Lyme, dự phòng bệnh sốt rét, điều trị mụn và bệnh rosacea (bệnh mụn đỏ mặt) và nhiều lý do khác nữa thì sao. Liệu nó có chống chỉ định trong thời gian cho con bú không? Thuốc không chống chỉ định trong thời gian cho con bú, mặc dù một số chuyên gia khuyến nghị rút ngắn thời gian trị liệu từ 3 đến 6 tuần, điều này có thể là vấn đề cho người mẹ dùng thuốc để trị mụn hoặc trị rosacea, bởi bệnh này đòi hỏi điều trị lâu dài.

  1. Nhiều loại thuốc vào máu mẹ rất thấp bởi vì phần lớn lượng thuốc đã vào nơi khác trong cơ thể mẹ hơn là máu. Ví dụ, hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm như sertraline (Zoloft), citalopram (Celaxa), và hầu hết các thuốc khác cùng loại, đều ở trong não để tác động đến tâm trạng của người mẹ, và không ở trong máu ngoại trừ những số lượng rất ít ỏi.
  1. Nhiều thuốc hấp thụ kém trong đường ruột của em bé, vì thế thậm chí nếu một số thuốc tiết vào sữa thì chỉ có rất ít sẽ được hấp thu vào máu của em bé.

Propranolol nhắc đến ở trên vì có 90% bám protein, là một ví dụ để làm thế nào mà chúng ta có thể kết hợp nhiều thông tin lại với nhau, thậm chí nếu ‘’không đủ nghiên cứu được thực hiện’’. Chúng ta cũng biết rằng chỉ có 30% propranolol trong ruột được thực sự hấp thu vào máu, không chỉ cho mẹ mà cho con nữa. Hơn nữa, chúng ta biết rằng rất ít propranolol tuần hoàn trong máu người mẹ. Vậy, propranolol có an toàn khi cho con bú không? An toàn!

Nitrendipine (Baypress), thuốc trị cao huyết áp thì sao? 98% bám protein, và hấp thụ ở miệng thấp hơn 20%. Nefedipine, cùng nhóm thuốc với Nitrendipine có 92 đến 98% bám protein, và tỉ lệ hấp thu ở đường ruột là 50%. Cả hai đều an toàn.

Những thuốc khác? Các thuốc kháng sinh đơn dòng (đã đề cập ở điểm 1) cũng không hề được hấp thu tại đường ruột chút nào cả bởi vì hầu như chúng chắc chắn bị phân hủy ở dạ dày em bé. Nhưng ngay từ đầu thì kháng sinh đơn dòng cũng không vào được sữa.

Cho con bú sau khi gây mê toàn bộ 

Các mẹ thường được bảo rằng họ sẽ phải ngưng cho con bú từ 24 đến 48h sau khi phẫu thuật có gây tê toàn bộ. Gần đây một mẹ liên lạc với tôi còn được bảo rằng phải ngưng cho con bú 8 ngày sau khi mổ. Điều này hoàn toàn không cần thiết. Rốt cuộc thì em bé nào được phẫu thuật cũng được cho loại thuốc y chang cơ mà.

Hai loại thuốc thường được dùng khi gây mê toàn bộ, một số được tiêm vào tĩnh mạch, thường để làm bệnh nhân thả lỏng, và/hoặc giảm sự bài tiết và làm cho bệnh nhân ngủ, khí được hít qua mặt nạ hoặc thông qua một cái ống để vào phổi. Đối với thuốc được tiêm vào tĩnh mạch thì vấn đề không có gì khác so với bất kỳ thuốc nào được uống hoặc tiêm khác. Nồng độ thuốc ở máu người mẹ qua đường tiêm, đặc biệt là tiêm qua tĩnh  mạch, sẽ tăng nhanh chóng và sau đó bắt đầu hạ ngay lập tức sau khi tiêm. Với việc cho con bú, nồng độ thuốc trong sữa sẽ vẫn thấp và sẽ rất thấp vào thời điểm người mẹ tỉnh dậy.

Đối với khí khi người mẹ hít vào thì tác dụng của khí xảy ra khi hít vào. Thậm chí nếu một ít vào sữa thì khi cũng chẳng có tác dụng nào trong dạ dày em bé. Nó phải được hít vào.

Điểm mấu chốt là gì? Người mẹ có thể và nên cho con bú ngay sau khi thức dậy và tỉnh táo để không làm rơi con. Nếu người mẹ tỉnh lại, và nếu thậm chí thuốc đã vào sữa đi chăng nữa, thì chúng đã mất tác dụng và không còn vào sữa nữa.

Một số thuốc khác

  1. Chất cồn. Cồn không khác gì so với các loại thuốc khác ở chỗ rất ít tiết vào sữa. Nó rất khác ở chỗ có một số người hoang tưởng nói rằng một giọt rượu mà em bé tiêu hóa là độc hại và nguy hiểm. Điều này là vô lý. Những lý do người ta uống rượu thì phức tạp, nhưng nói chung, người ta, kể cả những người mẹ đang cho con bú, uống các chất có cồn vì tác dụng của chất cồn đối với họ. Người ta, kể cả những người mẹ cho con bú, tận hưởng cảm giác thư giãn mà một lượng nhỏ vừa phải chất cồn tác động lên họ, và ‘’chất bôi trơn xã giao’’ mà thức uống có cồn có ở việc tụ tập mọi người.

Chất cồn cũng đặc biệt ở quan điểm cho con bú ở chỗ là nó cứ tới lui giữa máu và sữa mẹ và sau đó quay trở lại từ sữa vào máu như thể nó là nước vậy, có nghĩa là khi lượng cồn trong máu giảm (nếu người mẹ không uống nữa) thì lượng cồn trong sữa cũng sẽ di chuyển ra máu để ‘’cân bằng’’ mức độ. Điều đó có nghĩa rằng người mẹ không nên hút sữa ra để ‘’bỏ chất cồn đi’’. Mức độ cồn trong sữa thấp đến nỗi việc hút sữa ra chẳng hữu ích gì cả. Vì sao nó không hữu ích?

Hầu hết các luật lệ ở Bắc Mỹ, Úc và Châu Âu, lượng cồn trong máu để một người bị xem là không có khả năng lái xe là 0.05% hoặc ở một số nước là 0.08%. Bây giờ, nếu trong máu người mẹ chứa 0.08% cồn thì trong sữa của mẹ ấy cũng chứa 0.08% cồn. Nếu ai đó cho rằng bia không cồn thật ra chứa 0.6% cồn, gấp gần 8 lần 0.08% thì rõ ràng rằng nồng độ cồn trong máu người mẹ là không đáng kể. Và sẽ không hại em bé.

Vấn đề là trong hầu hết các gia đình thì đúng là mẹ là người chăm sóc cho em bé, và trong các gia đình cho em bé bú thì cũng đúng như vậy. Người mẹ phải chăm được con mà không được mất khả năng nhận định nhu cầu của con. Đó là tất cả. Vì vậy, người mẹ không nên uống nhiều đến nỗi mất khả năng nhận định của mình.

Hãy đọc bài này: Basic Clinical Pharmacology and Toxicology (Dược Lý và Độc học Lâm sàng Căn bản) 2014;114:168-173. Một kết luận: “Về mặt sinh học thì việc thỉnh thoảng uống những lượng như vậy mà lại đem lại hậu quả lâm sàng đáng kể cho em bé bú mẹ thì có vẻ vô lý. Ảnh hưởng của việc sử dụng chất có cồn đối với việc sản xuất sữa là nhỏ, tạm thời và không có khả năng liên quan đến lâm sàng. Nhìn chung, có ít chứng cứ về mặt lâm sàng để đề nghị rằng trẻ bú mẹ bị ảnh hưởng nặng nề dù thực tế rằng hầu hết một nửa phụ nữ cho con bú ở các nước phương Tây thỉnh thoảng có uống rượu.”

Cuối cùng, không có bằng chứng rằng những trẻ bú sữa mẹ có lượng cồn không đáng kể sẽ là tiền đề để nghiện rượu sau này.

  1. Những loại thuốc giải trí khác. Những thuốc này, chẳng hạn như marijuana và cocaine, có liên tưởng tiêu cực như chất có cồn và ngoài ra hầu hết luật lệ thì việc sở hữu là bất hợp pháp. Nhưng những gì tôi nói về chất có cồn thì cũng đúng với những chất này. Đó là, nếu là người mẹ mất khả năng đến nỗi không thể nhận định đúng đắn con mình cần gì thì nguy hiểm cho em bé. Chẳng hạn nếu như người mẹ say marijuana và em bé bị bệnh và bệnh nặng hơn thì liệu cô ấy có nên chở con tới bác sĩ hay bệnh viện không?

Tetrahydrocannabinol (THC), hợp chất trong marijuana, bám protein khá cao, 99.9% bám protein. Hơn nữa, nếu dùng bằng đường miệng (cũng như em bé) thì nó hấp thụ rất thấp ở đường ruột với chỉ 6 đến 20% thôi. Với việc bám protein cao như thế thì chuyện số lượng đáng kể sẽ tiết vào sữa là không thể. Nhưng xin hãy lưu ý lần nữa, rằng “cơn phê thuốc” mà người mẹ trải qua có thể kéo dài vài giờ, và như vậy sự nhận định của cô ấy cũng sẽ bị suy yếu.

Cannabidiol (CBD), hiện nay được dùng rộng rãi như là phương pháp điều trị cho nhiều rối loạn sức khỏe khác nhau (marijuana dùng trong y khoa) và như thế không thực sự là thuốc để giải trí. Nó có mức hấp thụ từ miệng thấp, thuốc uống chỉ hấp thụ được 20% mà thôi.

Thế nếu bác sĩ hay dược sĩ của tôi nói là tôi cần phải ngưng cho con bú với một loại thuốc cụ thể thì sao? 

  1. Không may là, hầu hết các bác sĩ, kể cả bác sĩ nhi và bác sĩ sản, và thậm chí cả dược sĩ (vâng, thậm chí cả dược sĩ nữa), nếu họ không thèm kiểm tra công ty sản xuất thuốc nói gì về thông tin thuốc sẽ không có thông tin đúng đắn. Căn bản là, tất cả các công ty dược nói rằng không nên cho con bú khi uống thuốc. Hoặc, tốt nhất, thông tin đi kèm với thuốc sẽ nói rằng mẹ cho con bú nên kiểm tra với bác sĩ. Thế nhưng những công ty này viết như vậy để bảo vệ trách nhiệm pháp lý về mặt y khoa của họ mà thôi. Họ chẳng đưa thông tin gì về mẹ và em bé. Và hỏi bác sĩ để làm gì vì hầu hết các bác sĩ ban đầu không biết gì về thuốc của người mẹ và cho con bú và sẽ đồng ý với bất kỳ điều gì mà hãng dược nói? Đó là, “hãy kiểm tra với bác sĩ”!? 
  1. Nhưng sự thật là nhiều bác sĩ không thèm kiểm tra cả những thông tin nghèo nàn về thuốc từ những nhà sản xuất và chỉ cho rằng bhất kỳ thuốc nào cũng chống chỉ định trong thời gian cho con bú. Có thể họ không nghĩ “Ồ, cách đây 2 tuần tôi đã kê thuốc này cho em bé và tôi đặc biệt chẳng lo lắng gì về nó cả.”

 

 

  1. Trong trường hợp hiếm hoi khi người ta thực sự quan tâm về một loại thuốc thì thường họ có thể dùng những loại khác để thay thế. Ví dụ, người mẹ sử dụng Heparin trong thời gian mang thai có thể chọn tiếp tục dùng heparin sau khi bé sinh ra để tránh thuốc chống đông máu bằng đường miệng. Cô ấy có thể làm cách này để có thể cho con bú, mặc dù bị đau khi chích heparin. Thật không may là quá nhiều bác sĩ đưa ra quyết định của họ về việc dùng thuốc nào dựa vào quảng cáo của hãng dược (dự những hội thảo mà những đại diện được trả tiền của các hãng nói họ rằng thuốc đó tuyệt vời thế này thế kia) và những chuyến viếng thăm 30 phút mỗi vài tháng của đại diện của hãng dược đến văn phòng bác sĩ để cập nhật thông tin cho ông ấy. Ngẫu nhiên là, warfarin, một loại thuốc chống đông máu bằng đường uống vốn vẫn là loại thuốc chống đông máu được dùng phổ biến nhất lại dùng được trong khi cho con bú.
  1. Và tại sao quá nhiều bác sĩ cho rằng bất kỳ và từng loại thuốc đều chống chỉ định khi con con bú vậy? Căn bản là, bởi vì họ không tin rằng nếu người mẹ có cho con bú hay không thì cũng chẳng có chuyện gì cả. Sữa công thức thì cũng giống như sữa mẹ thôi, cho con bú bình thì cũng như cho con bú mẹ thôi, đều giống nhau cả mà. Thực tế, thì không hề.
  1. Thế thì, mặc dù rõ ràng là có những ngoại lệ, không nên tin vào bác sĩ khi họ cho thông tin về thuốc và chuyện cho con bú. Người mẹ nên xem câu “Cô phải dùng thuốc này và cô không thể cho con bú khi dùng nó’’ một cách thận trọng và hãy tìm nguồn thông tin đáng tin cậy.