Chuyện ăn uống của con

Chuyện ăn uống của con post thumbnail image

Mỗi lần về Việt Nam, không riêng gì tôi mà đa số các mẹ sinh sống ở nước ngoài đều gặp ánh mắt hoặc lời chê bai của bà con chòm xóm là “Con Việt Kiều gì mà ốm nhách! Còi dí!” Có người thậm chí còn nói với tôi luôn: “Bộ bên đó thiếu ăn hay sao vậy? Ở xứ Tây sao không bự như Tây? Bên đó sữa nhiều lắm mà, sao không mua cho con nó uống?” Nói chung trong mắt họ, tôi là một mẹ đoảng, chỉ được mỗi một việc là “Ủa sao dạy con hay vậy? Sao tới giờ ăn là nó ngồi im một chỗ để ăn hay vậy? Nó tự xúc ăn được hả? Hay vậy? Nhà này mỗi lần tới giờ ăn là phải mở ti vi quảng cáo cho nó coi, hay là ẵm nó đi vài vòng, người này làm trò người kia đút mới xong.”

Tôi dẫn con đi checkup, lúc nào cũng được y tá khen là biết chăm con, cho con ăn uống khoa học, nhưng về VN trở thành một mẹ đoảng chưa từng thấy, nói chung là chẳng biết nấu nướng gì cho con ăn cả. Mẹ gì đâu mà cho ăn món nào ra món đó, không cho ăn nhiều món cùng lúc, không xay đồ ăn cho con gì hết trơn. Nói chung là quá đoảng, đoảng thấy hoảng luôn hehe. Ban đầu nuôi Rơm tôi cũng bị phiền lòng vì những người xung quanh, họ nói riết tôi cũng thấy con mình còi thiệt. Nhưng suy cho cùng vì tôi không biết thế nào là “không còi” nên mất tự tin. Nuôi con, cần thời gian, sự kiên nhẫn và học hỏi nữa. Học làm mẹ là học cả đời mà.

Khi con đi childcare (nhà trẻ) hầu như tôi chẳng cần chuẩn bị đồ ăn thức uống gì cả vì gửi cả ngày nên nhà trẻ họ lo hết, chỉ có bé nào bị dị ứng với thức ăn nào đó mới cần thực đơn đặc biệt thôi. Các cô cũng chẳng phải ngồi đút từng muỗng cho từng bé, chỉ giúp một vài lần thôi, các bé ăn bao nhiêu cô ghi vào sổ bấy nhiêu. Có bé không ăn, chỉ nếm đồ ăn thì cô sẽ ghi vào sổ là “chỉ nếm, không ăn”. Vì ngoài giờ ăn thì các bé còn những hoạt động khác như vui chơi và học tập (chủ yếu là học qua việc chơi) cũng như giao tiếp với bạn bè và cô giáo. Chính vì vậy mà tới nhà trẻ lần nào cũng thấy cô trò chơi với nhau rất vui, đời còn nhiều thứ để làm để học mà, đâu chỉ mỗi việc ăn!

Lên Kinder (mẫu giáo) thì phụ huynh phải chuẩn bị đồ ăn cho con, gồm có Morning Tea (ăn nhẹ buổi sáng) và Lunch (bữa trưa). Đồ ăn thức uống của con phải là những đồ lành mạnh (healthy), khuyến khích trái cây và rau củ, bánh mì nguyên cám (wholemeal) hoặc nguyên hạt (whole grain), sữa lạt (không đường) và nước uống. Phụ huynh nào đem cho con nước trái cây (fruit juice) hoặc sữa có hương vị (flavoured milk, có đường), bánh ngọt là y như rằng con sẽ đem nguyên xi về nhà. Ban đầu tôi không biết nên cảm thấy giận cô giáo lắm, tôi lên nói với cô là vì tôi không biết, cô cứ để cháu nó ăn chứ, sao để nó đói vậy, lần sau tôi sẽ đổi chứ có gì đâu mà cô không cho cháu ăn. Cô nói vì muốn tập cho cháu thói quen ăn uống lành mạnh, không được ăn lần này thì cháu sẽ nhớ, lần sau mẹ có quên mà pack theo đồ không healthy thì sẽ nhắc mẹ.

Năm nay Rơm lên lớp Prep (lớp chuẩn bị vào Tiểu học), nghĩ chắc cũng dễ hơn rồi nên có lần tôi bỏ hộp juice cho con. Một thời gian sau đó khi tôi cho juice vào hộp thức ăn của Rơm thì con nhắc là “Mẹ ơi cô nói không nên đem nước juice, chỉ là plain fruit thôi.” Đồ chiên xào tôi rất hạn chế chuẩn bị cho con. Ở nhà mỗi lần cho con ăn vặt xong, bao giờ tôi cũng kêu con súc miệng bằng nước thật sạch, vì răng sữa rất dễ hư. Chính vì vậy răng của Rơm rất khỏe mạnh, đều và đẹp chứ không xỉn màu như răng của mẹ.

Nhớ có lần nói chuyện với cô giáo dạy Kinder, cô nói là phải tập thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ nhỏ cho con, kẻo nó lớn lên bị béo phì tội lắm. Ở bên này, bé nào béo phì thường là nạn nhân hay bị ăn hiếp ở trường, bị bạn bè chọc ghẹo rất tủi thân, tội lắm. Con nít mà, đứa nào chả khoái McDonald, KFC, chocolate, kem và kẹo bánh các loại, nhưng đây là những món mà chỉ những dịp thật đặc biệt mình mới cho con ăn. Những junk food hay fastfood giá thường rẻ hơn những thức ăn organic và tươi, thông thường gia đình có thu nhập thấp mà lại đông con thường không xoay sở đủ cho con nên mới cho con ăn đồ ăn không lành mạnh, chứ không phải “con nhà giàu bon chen” và “bự con mới tốt”.

Bữa nào chuẩn bị đồ ăn cho con mà thấy có ít rau củ là mình thấy mình tệ lắm luôn, có khi vì bận chưa đi chợ kịp hoặc sức khỏe không tốt nên lười. Béo phì gây ra nhiều hệ lụy lắm nên bản thân tôi cũng đã sợ rồi, huống hồ gì sợ cho con. Con nít mà phải kiêng ăn tội lắm, sao không tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ nhỏ.

Tôi cũng chẳng bao giờ ép con ăn, Rơm nói tới lần thứ ba là “Con no rồi!” thì cho dù nó ăn chưa tới một nửa tôi cũng kêu con uống nước, rửa miệng rửa tay rồi đi chơi. Tất nhiên mẹ mìn mà, cũng càm ràm một vài ba câu để chứng tỏ quyền lực “Con ăn thêm hổng được sao?” Ron dạo này không thích mẹ giúp nữa, tới bữa là đòi xúc ăn, bữa nào ăn xong cũng bị mẹ mắng “Sao giống con heo quá vầy nè?” Có bữa Ron không ăn miếng nào luôn, mẹ cho uống nước rồi đi chơi. Ừ đi chơi cho đã đi con, để coi chiều nó có đói không, thấy đồ ăn là nhào tới lủm lia lia đó chứ. Lâu nay cũng chẳng cân hai con heo, chỉ cân con mẹ sề thôi, thấy cái cân nhích lên một chút là rầu rĩ rồi. Đó là mục đích sử dụng của cái cân.

Trời đánh tránh bữa ăn, ép dầu ép mỡ ai nỡ ép ăn, ăn mà vui mới tiêu hóa tốt, ăn trong tiếng khóc thì tiêu tùng mà mẹ cũng bị căng thẳng nữa.

Làm sao sống được mà không ăn? Nhưng ăn bao nhiêu kệ tui chớ. Nhiệm vụ của mẹ là nấu đồ ăn, còn ăn hay không là quyền của tui. Con người có quyền tự do vậy mới vui vẻ khỏe mạnh được.

Nói chung tôi là mẹ đoảng trong mắt ai cũng được, trong mắt thiên hạ cũng chả sao, điều quan trọng là con tôi vui vẻ khỏe mạnh. Hạnh phúc của người mẹ, thực ra, chỉ đơn giản vậy thôi!