Viết cho những bà mẹ có con bị bệnh

Viết cho những bà mẹ có con bị bệnh post thumbnail image

Có nghĩa là viết cho tất cả những người làm mẹ! Có đứa trẻ nào mà không bệnh, có bà mẹ nào mà không lo khi con bệnh. Thử hỏi trong chúng ta đây, có ai lớn lên mà chưa từng bệnh không? Có ai còn nhớ khi bệnh thì cha mẹ đã lo lắng như thế nào không?

Bệnh là chuyện bình thường của bất kỳ ai, bất kỳ đứa trẻ nào. Bệnh là một tình huống cho thấy cơ thể đang chống lại “ngoại bang” tức là virus vi trùng dám xâm nhập vào cơ thể của bé. Hệ miễn dịch (immune system) của bé đóng vai trò như người lính đang giữ biên cương. “Thằng nào” đột nhập trái phép thì sẽ bị “quân ta” đánh cho tơi bời. Trong lúc đánh nhau đương nhiên sẽ có thương tổn, nhẹ thì quân ta chỉ bị thương, nặng thì sẽ có hi sinh. Sau khi quân ta thắng trận thì cũng một vài ngày mới hồi phục, các anh lính mới bắt đầu bớt đau nhức và khỏe lại để bắt đầu ăn uống bình thường. Sau khi xông pha trận mạc thì quân ta có kinh nghiệm hơn, mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn và nếu “thằng khác” xông vào thì sẽ bị “xử đẹp” ngay lập tức. Do đó, nhìn con khỏe mạnh không có nghĩa là không có “ngoại xâm” tấn công mà là đã bị quân ta quýnh cho chết mà không kịp ngáp.

Nhiều bé khi bệnh đã bị cho uống kháng sinh vô tội vạ mà không cho cơ thể cơ hội chống lại bệnh tật một cách độc lập. Thật ra, kháng sinh chỉ có tác dụng chống lại các bệnh do vi trùng (bacteria) gây ra và vô dụng với các bệnh do virus (sẽ viết một bài về kháng sinh). Sử dụng kháng sinh đối với các bệnh không do kháng sinh gây ra giống như đổ nước vào bình xăng đã hết vậy, hoàn toàn không có tác dụng làm cho xe chạy mà còn góp phần làm xe mau hư nữa. Kháng sinh có rất nhiều tác dụng phụ trong đó phổ biến nhất là tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa và ói mửa. Cho bé uống kháng sinh đối với các bệnh hoàn toàn có thể tự khỏi chẳng khác gì đưa gươm cho một anh lính có sở trường…thọt lét đối phương. Chỉ cần bị thọt lét là đối phương có thể cười mà chết, nhưng đưa cái gươm cho anh lính thì ảnh sợ quá không biết cầm ra sao, bất cẩn một chút là đứt tay như chơi.

Nói thì nói vậy, nói bệnh là bình thường, biết sau khi bệnh thì cơ thể của con sẽ khỏe hơn, nhưng không có bà mẹ nào muốn chấp nhận điều đó! Ai cũng muốn con khỏe, ai cũng muốn con lớn lên mà không cần phải đi gặp bác sĩ hay bệnh viện.Nhưng cho dù người mẹ có 72 phép thần thông thì cũng không thể biến tất cả các bệnh của con sang cho mình (nhiều mẹ nói ước gì mẹ bệnh thay con).

Vì vậy, hãy để cho cơ thể của con có kinh nghiệm chiến đấu! Chỉ có thực hành mới có kinh nghiệm. Thay vì quáng quàng cho con uống đủ loại thuốc mà bản thân mình không biết rõ tác dụng thế nào, có thực sự cần thiết hay không, mẹ hãy bình tĩnh và sáng suốt tìm hiểu.

Đừng nói: “Ước gì mẹ có thể bệnh thay con!” Hãy nói: “Có mẹ đây con yêu! Mấy thằng giặc này (bệnh) nhằm nhò gì. Cứ yên tâm có mẹ lúc nào cũng ở bên con để động viên con “đấu” với tụi nó. Đây, nước đây con hãy uống để chống mất nước. Nếu con sốt trên 38.5 độ, đây là thuốc hạ sốt. Có mẹ đây, mẹ ôm con đây; con tiếp da với mẹ sẽ làm con cảm thấy yên tâm vì có mẹ bên con. Con không thích ăn cũng không sao, nhưng mẹ sẽ cố cho con bú mẹ nhiều hơn, cho con uống nước. Khi nào khỏe con sẽ ăn trả bữa cho mẹ không sao con ạ!”

Nếu bác sĩ cho thuốc, hãy hỏi cặn kẽ loại thuốc, để ý xem thuốc có thành phần dị ứng với con không. Mẹ cần biết nếu phải uống thuốc thì những tác dụng phụ đối với con sẽ như thế nào, cách đối phó ra sao. Nếu con bị tiêu chảy sau khi uống thuốc, hãy cho con bù nước; cho bác sĩ biết tình hình và hỏi xem có loại thuốc thay thế nào khác hay không.

Vì mẹ sinh ra con, con là khúc ruột của mẹ, nên mọi sự an nguy của con mẹ phải là người đầu tiên bên con. Mẹ có quyền được biết và hiểu rõ con uống thuốc gì, có tác dụng gì với con, có cần thiết phải uống hay không; mẹ có quyền được biết con cần ăn cái gì, phải làm sao để con có thể mau khỏi bệnh.

Mẹ hoàn toàn có thể làm được những điều trên, thông qua việc không ngừng học hỏi và tìm tòi. Tiếng Anh mẹ không rành, mẹ có thể nhờ Google Translation, dò từ điển, hoặc nhờ ai đó giúp, bằng cách này hay cách kia, miễn mẹ hiểu và ngày càng có thêm kiến thức để nuôi con, đồng hành cùng con.

Không gì mẹ không làm được nhé, vì mẹ là mẹ của con.