Tác giả: Simon Casey
Dịch và hiệu đính: Nguyen Dao
Ai nghĩ ra cái từ bú-chơi-ngủ vậy ta? Tôi nhớ là đã đọc về vụ này cách đây 15 năm khi tôi mới làm mẹ lần đầu, và từ đó tới giờ tôi vẫn thường xuyên nghe các bà mẹ bàn tán với nhau – các mẹ đọc các sách luyện ngủ cho con hoặc nghe mấy cô y tá mẫu nhi hay mấy trường luyện ngủ bảo đó là điều “phải như vậy” để luyện cho em bé tự ngủ. Và nè, chắc chắn là một số bé sẽ hợp tác tốt với chuyện đó, và một số mẹ cảm thấy thoải mái với cái quy trình mà nó đưa ra, nhưng với tôi thì toàn bộ lý thuyết này chỉ là sự trùng hợp mà thôi.
Nếu bạn lắng nghe bản năng làm mẹ của mình, dỗ con ngủ thường có nghĩa là làm những chuyện ôm ấp khi chuẩn bị lên giường – ôm, cho bú, ru, bế đi tới đi lui, vỗ - chứ không phải nhấc bổng em bé 4 tuần tội nghiệp nào đó từ tấm thảm chơi, rồi bỏ bé vào cũi rồi bước đi.
Theo kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ của tôi thì lý thuyết bú-chơi-ngủ sai tới hai lần. Về mặt khoa học mà nói thì chúng ta biết rằng có một chất được tiết ra trong lúc bé bú mẹ giúp bé buồn ngủ - tức là chất gây ngủ tự nhiên hay còn gọi là hormone CCK. Tại sao có người lại KHÔNG muốn đưa em bé thứ này trước giờ ngủ để giúp bé ngủ dễ hơn chứ? Tôi không biết tại sao cái chuyện bú-chơi-ngủ lại trở thành thâm căn cố đế trong văn hóa của chúng ta như là cách để làm cho trẻ con lờ đi ước muốn bản năng của mình là được bú và được ấm gần bên mẹ trước khi ngủ (suy cho cùng thì chúng ta là động vật có vú mà, có con chó nào lại không muốn ngủ dưới giường nếu chủ cho phép nó chứ?). Tôi nói chuyện với vài mẹ thử cách này thì họ nói rằng mình thất bại và sau khi họ rã rời rồi thì con họ cũng không bao giờ tự ngủ được nếu như không được bú, chơi hoặc ngủ vào những giờ cố định như vậy. Liệu đây có phải là cách giúp cho người làm mẹ lần đầu tận hưởng con mình? Nó có giúp sự gắn kết của hai mẹ con không? Nó có giúp tạo ra một môi trường không căng thẳng để tránh chứng trầm cảm sau sinh không? Không, không và không.
Khi sử dụng chiến lược bú-chơi-ngủ, một mẹ bảo tôi rằng ‘Tôi thấy bản thân mình bế tắc và hai mẹ con đều kiệt sức’, người khác thì nói chuyện này đem lại ‘nhiều nước mắt và căng thẳng’ và chưa kể có người nói rằng mẹ ấy ‘đã thử làm như vậy nửa ngày nhưng không thể chịu đựng được vì tiếng khóc, và tôi cảm thấy rằng trước đây con tôi là một đứa trẻ vui vẻ và mối quan hệ mẹ con đã chuyển thành sự căng thẳng và có gì đó sai sai.’
Tuần này tôi có nói chuyện với một người mới làm mẹ, người kể lại rằng y tá mẫu nhi nói là em bé 4 tuần tuổi của mẹ ấy bị mệt quá và cần phải áp dụng cách bú-chơi-ngủ. ‘Tôi về nhà và khóc sau buổi hẹn ấy và cảm thấy mình thật tệ vì đã không dạy con mình ngủ đúng cách và vì thế con bị thiếu ngủ,’ mẹ ấy nói. Thật may mắn là mẹ này và những người mà tôi đã kể trên đã gặp gỡ những cha mẹ khác ủng hộ quyết định của họ là bỏ đi lịch bú-chơi-ngủ và họ cảm thấy hài lòng hơn nhiều.
Một lựa chọn khác là điều chỉnh chuyện này để phù hợp với mẹ con bạn. Nếu bé tự nhiên theo lịch bú-chơi-ngủ (thực ra một trong ba đứa con của tôi là như vậy!) và điều đó hiệu quả, thì cứ tiếp tục! Nhưng nếu như bé không hợp tác thì đó không phải là cách duy nhất đâu. Một mẹ tôi từng gặp đã quyết định rằng lịch bú-chơi-ngủ khó quá nên đã đổi thành bú-chơi-bú-ngủ và thành công mỹ mãn! Có lẽ chúng ta nên liên lạc với tất cả những nhà xuất bản sách về ngủ và những tờ thông tin mà mấy bà y tá đứa cho những người mới làm mẹ và cho họ biết rằng thực ra có lỗi đánh máy và đặt thêm từ ‘bú’ vào. Tất cả các bà mẹ sẽ hạnh phúc thế nào chứ? Em bé chỉ là em bé trong thời gian ngắn thôi. Hãy ôm con. Ngửi mùi con. Cứ làm những gì mà mẹ cảm thấy đúng. Con SẼ ngủ thôi.