Tôi đã cắt “chỗ ấy” như thế nào?

Tôi đã cắt “chỗ ấy” như thế nào? post thumbnail image

(Tên gọi khác: Hồi ký những ngày ở bệnh viện)

Thứ tư, ngày 18 tháng 04 năm 2007

Gửi bạn,

Nếu hỏi tôi cách đây mấy tháng về “vụ án” này thì tôi sẽ đỏ mặt và lắc đầu nguầy nguậy vì rất xấu hổ, nhưng nay cái dây thần kinh mắc cỡ của tôi đã bị đứt cái phựt rồi nên tôi mới mạnh dạn mà kể cho bạn nghe, hay nói khác hơn là tôi đang hồi tưởng lại những ngày tháng đã qua: Những ngày tháng nằm viện.

Hoặc nếu bạn là người thẳng tính, tôi sẽ đặt cho bài viết này một cái tên thực tế hơn: “Tôi đã cắt “chỗ ấy” như thế nào?”

Chuyện kể rằng một ngày nọ, BS phán một câu xanh rờn trong bệnh án của tôi: “Trĩ hỗn hợp. Bệnh nhân có chỉ định nhập viện phẫu thuật.” Hic, trời đất như quay cuồng trước mặt tôi “Thế là tôi sẽ bị cắt ư…”. BS nhẹ nhàng bảo: “Nếu em không phẫu thuật bây giờ thì sau này có em bé sẽ mệt đó. Nhìn em anh đoán là chưa có gia đình phải không?”

Sau khi nghe tôi “Dạ”, BS bảo: “Đây là số điện thoại của anh, khi nào cần em cứ gọi nhé.” Hơi bất ngờ vì sự nhiệt tình của bác (tôi hay gọi các BS bằng cái từ “bác” + tên BS), nhưng tôi vẫn lưu số điện thoại và cám ơn lia lịa trước khi ra về.

Hôm sau, tôi có điện thoại: “Chào em, BS. Long đây. Em khỏe không? Àh như thế này, để anh cho em uống loại thuốc này rồi hẵng tính sau nhé!” Tôi chột dạ nghĩ: “Trùi, không biết bác ấy đang làm gì, hay là tiếp thị thuốc?”. Đúng là tôi lo xa quá, vì ngay sau đó bác liền bảo: “Em có BHYT nên không phải lo đâu, yên tâm.” Lòng tôi cảm động khôn tả, trùi ui phải chi ai có thẻ BHYT cũng được ưu ái như tôi thì tốt biết mấy! rooling:

Rốt cuộc thì tôi vẫn nhận thuốc, vẫn uống thuốc; nhưng vẫn phải mổ. Hôm đi xét nghiệm để chuẩn bị mổ, tôi rụt rè hỏi BS nhận bệnh: “Anh ơi, thế em phải mổ thật à?”

BS trợn mắt: “Thế có mổ không? Không mổ thì thôi nhé?” Tôi hoảng vía: “Dạ ý em không phải vậy. Ý em là bệnh của em nhất định phải mổ không, hay là uống thuốc có thể khỏi được?” Có lẽ động lòng trước vẻ mặt thê thảm của tôi, BS bảo: “Vì em bạn gái của BS Long (?) nên anh nói tình cảm để em nghe: phải mổ thôi.”

Tôi tròn mắt: “Hả, anh nói gì? Ai nói anh em là…”

“Chứ còn gì nữa! Không là bạn gái sao anh í lại gửi gắm cho tôi đủ điều thế?” BS cười trêu chọc… Hic…. Lúc đó tôi chả thèm thanh minh nữa, vì đang tưởng tượng ra cái viễn cảnh bị “cắt” là hãi hùng lắm rồi.

Tối Chủ nhật. Tôi nhập viện để Thứ Hai mổ sớm. Trong lòng vô cùng lo lắng nhưng trước khi đi ngủ, tôi không quên nhắn tin cho con bạn thân của mình: “T2 tao mổ, tao nhập viện rồi, đang nằm ở phòng 205, lầu 2, khoa Ngoại.”

Sáng Thứ hai. Tôi hồi hộp và lo lắng vô cùng vì sắp bị vô lò mổ, ý quên, bàn mổ. Nếu bạn là tôi, thì sau đây là những thảm cảnh sẽ xảy ra với bạn:

Này nhé, bạn được bảo là ngồi lên cái bàn mổ, sau đó bạn duỗi chân thẳng ra, cúi gập người xuống. BS sẽ chích một mũi thuốc gây tê vào màng cứng sau lưng bạn (phần cột sống gần xương cụt), bạn sẽ tái mặt và toát mồ hôi vì sợ và vì đau, có khi bạn sẽ khóc. Lúc ấy, BS sẽ bảo: “Có gì đâu mà khóc, nhẹ hều à. Không sao đâu em.”

Thuốc đi tới đâu thì các ngón chân của bạn sẽ tê liệt đến đó, và sẽ tới lúc phần cơ thể bên dưới của bạn sẽ “đơ” ra và bạn sẽ không còn ngồi được nữa. Khi ấy, BS sẽ tới, nắm hai bàn chân của bạn, và thản nhiên tước đoạt cái quần của bạn. Bạn có chống cự cũng vô ích vì khi đó bạn đã bị chích thuốc tê, bạn có xấu hổ cũng vô tác dụng vì khi đó dây thần kinh xấu hổ của bạn cũng bị tê theo, chỉ còn lại cảm giác sợ hãi mà thôi.

Tiếp theo, BS sẽ lấy một miếng vải màu xanh lá cây che đi phần cơ thể bên dưới của bạn, sau đó các bác tha hồ “tùng xẻo” mà bạn không có cảm giác gì cả, bạn sẽ không biết gì cả, chỉ nghe tiếng kéo cắt “két két” và tiếng “xịt xịt” kèm một mùi giống như mùi thịt cháy.

Thời gian mổ là 30 phút, trong 30 phút ấy bạn sẽ nghe được những câu chuyện như sau:

– Anh mua miếng đất ấy hơn 500 triệu hả? Rẻ đấy, mua trễ một tí là đất sốt lên đấy.
…….

– Nghe nói em chơi chứng khoán hả? Được không? Anh cũng muốn thử vận may một tí.
…..

– Trời ạ hôm qua bị chồng con Hương quậy ngủ chả được, nó cứ điện thoại vào mà chửi liên hồi.
– Ủa, nghe nói là li dị rồi mà?

– Thì đó, tại li dị rồi nên nó mới chửi…
Và đại loại như thế.

Sau khi mổ xong, bạn sẽ được chuyển tới phòng hậu phẫu và nằm ở đó khoảng 3 tiếng. Khi bạn đang nằm thì sẽ có một lão BS (hay kỹ thuật viên gì đó) đi ngang qua, giở tấm đắp lên (khi bạn chẳng có quần) và hỏi: “Mổ gì đấy em?” Bạn sẽ thều thào và trả lời: “Dạ, mổ cắt trĩ.” Tiếp theo, sẽ có một tên nữa, cũng giở tấm đắp lên, hỏi: “Em co chân được chưa?” Và vì bạn chặc lưỡi tự nhủ rằng chẳng có gì “dưới ấy” mà hắn phải xem nên bạn sẽ bảo hắn: “Bây giờ em đá anh cũng được nữa!”

Công đoạn tiếp theo là bạn sẽ được mang về phòng bệnh. Lúc ấy bạn vẫn chưa thấy đau vì thuốc tê vẫn còn. Khi thuốc tê hết, bạn sẽ thấy đau khủng khiếp, bạn sẽ nhận ra rằng người ta đã nhét một miếng gạc vào “chỗ ấy” của bạn và bao bọc nó bằng một miếng gạc khác “hoành tráng” hơn. Tối đến, bạn sẽ van nài y tá truyền thuốc giảm đau cho bạn, mặc cho lời răn đe “Truyền nhiều sẽ hư gan”. Bạn sẽ tự nói với mình rằng: “Thà chết còn hơn.” Nếu bạn là người huyết áp thấp thì bạn sẽ xỉu ngay sau khi đặt chân xuống đất để đi vì máu chưa lưu thông kịp cho nên tốt nhất bạn phải nằm im một chỗ cho tới khi bạn cảm thấy cái bàng quang mình căng tức lên thì bạn sẽ hiểu là mình có nhu cầu.. đi tè.

Vì bạn không thể tự đi được nên sẽ rất là khốn khổ cho người yêu/chồng của bạn phải vác bạn từ giường bệnh vào toilet. Nếu bạn chưa có gia đình thì đương nhiên người giám sát sẽ là mẹ hiền yêu quí của bạn, và người yêu của bạn chỉ có thể nhìn thẳng và nhìn ngang chứ không được nhìn xuống.

Vì bạn phải nằm một chố nên tay chân bạn sẽ tê cứng, tê như có ai vác một tảng đá bự mà đè lên. Người thân của bạn sẽ xúm lại xoa bóp nhưng tất cả đều vô dụng cho tới khi bạn phải tự tập lấy cho máu lưu thông.

Vì người ta nhét miếng gạc vào hậu môn của bạn nên bạn sẽ cảm thấy vừa đau đớn, vừa khó chịu. Bạn sẽ van nài BS cho bạn lấy ra. Làm sao bạn lấy ra được vì khi ấy bạn đau khủng khiếp, bạn sẽ phải nhờ đến bàn tay của mẹ hiền yêu dấu để tống khứ cái của nợ ấy đi giùm bạn.

Bạn được khuyên là phải ăn nhiều để đi ngoài sớm, càng đi ngoài sớm thì bạn càng chóng lành. À, đi ngoài ở đây tức là đi ị đấy ạ.

Khi bạn đi ị, bạn sẽ đau đớn vật vã vô cùng. Khi ấy bạn sẽ thấm thía câu nói: “Khi vui thì người ta sẽ vui giùm bạn, còn khi đau bạn chỉ đau một mình.” Nếu bạn chưa tin, cứ tưởng tượng đi, bạn sẽ hãi ngay mà.

Hãy tượng tượng đi, mỗi lần đi ị xong là tướng đi của bạn rất đặc biệt và chỉ…bò thì bạn mới bớt đau. Hoặc bạn sẽ có tư thế “ngực quận Tân Bình mà mông thì ở tận… Thủ Đức”. Chỗ vết thương của bạn sẽ ra máu và đêm đến bạn sẽ phải lót một miếng thấm ở chỗ nằm.

Rồi một ngày sau thì bạn sẽ gặp “tai nạn hàng tháng” nếu bạn là phụ nữ. Rốt cuộc, tất cả các “entry” của bạn đều “hộc máu” và bạn thì vô cùng lo lắng vết mổ sẽ bị nhiễm trùng. Và vì tò mò, trước khi nhập viện bạn có thủ sẵn một tấm gương, bạn soi xuống sẽ thấy vết mổ để lại một cái cục to bằng đầu ngón tay út, sưng tấy, đỏ mọng.

Mỗi lần đi ị, bạn sẽ nói với mình rằng: “Thà….đau đẻ còn hơn” vì theo bạn đau đẻ bạn còn lời được một em bé, chứ còn đi ị kiểu này bạn chả lời lộc gì cả, chỉ thấy đau đớn vô cùng mà thôi.

Bảo đảm khi đau bạn sẽ rên la khắp phòng, bạn không còn nghĩ tới chuyện xấu hổ, mà chỉ nghĩ đến cơn đau của mình thôi. Bạn vừa đau vừa tủi thân, vừa giận tím mặt tím mũi vì mấy đứa bạn thân nhất của bạn không đứa nào thăm bạn. Vì sao ư? Ai bảo bạn nhắn tin cho tụi nó vào ngày 1.4 chứ? Mặc dù bạn chưa bao giờ lừa tụi nó vào ngày này cả.

Bạn không tin ư?

Nếu bạn muốn nếm trải đau thương như tôi, hãy làm theo những điều sau:

1. Lười vận động

2. Uống ít nước

3. Không ăn rau, chất xơ

4. Ngồi nhiều

5. Nín ị mỗi khi bạn mắc ị

6. À, đặc biệt khi bạn mang thai và sinh con thì bạn sẽ có 70% nguy cơ bị bệnh này cho dù bạn có muốn hay không.

Còn nếu bạn có những triệu chứng sau:

1. Táo bón

2. Đi cầu ra máu

Thì hãy nhanh nhanh xem lại chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình, sau đó gặp BS khám ngay. Vì việc đi cầu ra máu có thể vừa là bệnh, vừa là triệu chứng của bệnh.

Nếu là bệnh thì thông thường là bệnh trĩ.

Nếu là triệu chứng thì thông thường là triệu chứng của bệnh ung thư trực tràng. Hãy coi chừng sức khỏe của bạn.

Cuối cùng, tôi mong rằng bạn sẽ không bao giờ giống như tôi.