Viết là một sở thích của mình, mình viết để chia sẻ. Bạn có thể chia sẻ thoải mái, nhưng vui lòng trích dẫn nguồn Webcuame.com nhé.
Nguyen Dao
Tựa đề này thực ra không phải do mình sáng tạo ra. Đây là một lần hiếm hoi mình đặt tựa đề bài viết “ăn theo” người khác để làm cảm hứng cho bài viết của mình. Nhưng, quan trọng không phải là cái tựa, mà là nội dung bài viết như thế nào! Đây là bài viết “ăn theo” từ bài “CHUYÊN GIA” có thực sự là chuyên gia???” đã được đăng trên Hội Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ – Việt Nam, sau khi đăng bị thành viên vào ném đá dữ quá nên đã xóa. Tuy nhiên bài viết vẫn yên vị ở Facebook của Nguyễn Tú Anh – là tác giả của bài viết này.
Nhớ cách đây không lâu, mình đã thẳng thừng từ chối lời mời kết bạn của một người, lý do rất đơn giản: vì mình không có thiện cảm với tên của người ấy. Nói đúng ra không phải là cái tên, mà là một nickname do người ấy tự đặt cho mình. Nhưng trong vô số những cái tên đẹp, tại sao không lấy mà lại đi lấy một cái tên mà nghe qua chỉ muốn … xách roi rượt thôi. Đó là cái tên: SỞ KHANH.
Có một câu nói quen thuộc: “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào.” Có thể mình khó tính, nhưng nếu mình nhận lời kết bạn với Sở Khanh thì Facebook sẽ thông báo vầy: “Nguyen Dao and Sở Khanh are now friends.”
Gần đây có một account Facebook có từ “Chuyên gia” đã đem lại không ít bức xúc cho một số người có học vị tiến sĩ. Ngày xưa có “tiến sĩ giấy” thì ngày này có “tiến sĩ Internet”. Một chút tiếng Anh căn bản, một chút siêng năng và chịu khó bới móc là những điều kiện căn bản để trở thành tiến sĩ Internet.
Cái áo không làm nên thầy tu, chỉ một cái tên “Chuyên gia” không nói lên được người ta có thực sự là chuyên gia hay không. Nhưng rõ ràng việc đặt tên “Chuyên gia” gây khó chịu cho một vài thành phần gọi là Tiến sĩ Internet, trong khi đó hiếm ai khó chịu vì cái tên “Sở Khanh” kia (mình nằm trong số hiếm ấy).
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao phải khó chịu vì một cái tên mà người mang tên này mong muốn làm điều tốt đẹp cho cộng đồng? Đó là góp phần thức tỉnh cộng đồng về tầm quan trọng của sữa mẹ mà bấy lâu đã bị lãng quên? Cái anh Sở Khanh kia muốn chọn tên gì là quyền của anh ấy, nhưng “Chuyên gia” thì không được đặt tên theo sở thích của mình.
“Chuyên gia/chuyên viên tư vấn sữa mẹ” nghe có vẻ quá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đây là một nghề khá phổ biến ở nước ngoài. Trong bài phản đối cái tên “Chuyên gia”, tác giả đã liên tục đưa ra các dẫn chứng để bảo vệ cho ý kiến của mình.
Lấy một ví dụ thôi, bạn này nói “sữa chảy vào tai không viêm tai” là không có căn cứ (bạn không dùng từ này nhưng qua cách viết ai cũng hiểu là như vậy). Với vốn tiếng Anh của mình, bạn này đã một vài lần dịch các bài viết từ Kelly Mom, nhưng bạn chắc chưa đọc tới bài “Will lying down to nurse cause ear infections?” (Nằm cho con bú có gây viêm tai không?)
Bài dịch:
Có thể bạn đã nghe rằng cho con bú nằm sẽ gây viêm tai. Các nghiên cứu cho rằng điều này không đúng. Cho dù bạn cho con bú ở tư thế nào thì sữa mẹ thực ra có tác dụng làm giảm tỉ lệ viêm tai. Đây là một trong những quan niệm sai lầm đến từ việc nhầm lẫn thông tin của việc bú sữa công thức với việc bú mẹ. Bằng chứng cho thấy nếu bé bú sữa công thức khi nằm thì sữa sẽ chảy vào ống tai và tai giữa và gây viêm nhiễm. Tuy nhiên, có hai vấn đề khi áp dụng thực tế này vào việc nuôi con bằng sữa mẹ:
1. Sữa mẹ và sữa công thức không giống nhau – vì sữa mẹ ngăn cản sự hình thành của vi khuẩn trong khi sữa công thức khuyến khích vi khuẩn phát triển.
2. Nuôi con bằng sữa mẹ và nuôi con bằng sữa công thức không giống nhau – sữa không chảy tràn vào miệng khi bé bú như khi bé bú bình.
Và cũng nên nhớ rằng hầu hết các tư thế bú thì dẫu sao bé cũng bú nằm – cho dù mẹ có nằm hay không!
Nhân tiện vừa nhận được email khuyến mãi của Health E-learning nên mình quote lại ý của tác giả:
Ngạc nhiên chưa? Khóa học của người ta có giá hiện tại là $1250 (chưa tính thuế) mà bạn ấy phù phép thành khóa học 90 giờ ở Malaysia với giá 2,5 triệu. Cái giá 2,5 triệu là giá tiền MỘT MÔN HỌC trong 10 môn của chứng chỉ này thôi đó nha, có tiền chưa chắc học được, có bằng bác sĩ ở Việt Nam chưa chắc học được nha, và có tiếng Anh thôi thì chưa chắc học được đâu nha! Nếu chỉ có 2,5 triệu thì rẻ quá, giỏi thì học thử xem sao, rẻ quá mà! Chỉ có những người có ĐAM MÊ và NHIỆT HUYẾT mới bỏ tiền ra học một khóa học mà theo bạn ấy chỉ là “khóa học làm nền” để rồi ngồi viết lại để chia sẻ MIỄN PHÍ cho cộng đồng.
Còn nữa, không phải cứ hễ bác sĩ là BIẾT TUỐT. Khá nhiều bài báo ăn theo nhau kiểu như “Hiểm họa từ việc vắt sữa non trước khi sinh” đã nêu ý kiến của bác sĩ A, bác sĩ B nhằm làm cho bài viết có “chút xíu trọng lượng”. Nhưng thực sự đây là một cách đặt tựa ngu xuẩn nhằm tăng lượng độc giả vì chuyện vắt sữa non trước khi sinh quá mới mẻ ở Việt Nam. Thử gõ vài từ chính bằng tiếng Anh chẳng hạn như “Dangers from prenatal colostrum expression” hay “Risks from antenatal expression of colostrum” thử xem có hiện ra kết quả tìm kiếm nào không. Trong khi đó, tại hội thảo Liquid Gold Conference diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 8 năm2014 tại Melbourne, Australia, trong báo cáo của Tiến sĩ Wendy Brodribb (người đã biên tập cho cuốn Breastfeeding Management in Australia) có từ 1/5 đến 1/3 GPs (General Practictioners – Bác sĩ) ở Úc và Canada không hiểu rõ về sữa mẹ. Ở Việt Nam, nơi không có ngành sữa mẹ, tỉ lệ này chắc chắn nhiều hơn. Thậm chí bác sĩ Việt Nam ở tại Úc còn khuyên cai sữa cho bé lớn khi mẹ mang bầu nữa.
Dưới đây là ảnh chụp màn hình của một slide trong bài thuyết trình có tựa đề “Breastfeeding and general practice: Perceptions of mothers and GP.”
Bác sĩ có chuyên môn mà bác sĩ chọn. Bác sĩ sản chuyên khoa sản, bác sĩ chấn thương chỉnh hình sẽ rành về xương khớp, bác sĩ thú y chuyên trị bệnh cho thú vật, người học về sữa mẹ chắc chắn sẽ có hiểu biết về sữa mẹ hơn bác sĩ không có kiến thức về sữa mẹ. Vì vậy, đừng đem bác sĩ ra để làm cho bài viết của mình “nặng đô”.
Để kết thúc bài viết nhằm nói xấu người khác để tự dìm mình xuống, tác giả nêu rất ngắn gọn vầy:
Câu hỏi đặt ra:
1. Thi IBCLC để làm gì? Phải có mục đích cụ thể mới thi IBCLC chứ. Bằng cấp này rất có giá trị ở nước ngoài, một ví dụ là Úc, vì họ có ngành sữa mẹ. Có bằng này thì họ có thể làm Lactation Consultant và được trả lương rất cao. Ở Việt Nam, làm thiện nguyện, làm tình nguyện để chia sẻ những kiến thức sữa mẹ cho cộng đồng, lấy cái bằng này để làm gì? Tự nhiên lại đi thi để lấy chứng chỉ hành nghề cho một nghề không có ở Việt Nam? Tương tự, nếu không đi du học hay xin học bổng, thi IELTS hay TOEFL để làm gì vì hai bằng cấp này chỉ có giá trị trong 2 năm? Bạn có IELTS hay TOEFL không có nghĩa là bạn biết hết mọi thứ về tiếng Anh, và hai cái bằng này có thể cất vô tủ làm kỷ niệm sau 2 năm; nhưng kiến thức bạn có vẫn luôn ở với bạn nếu bạn thường xuyên trau dồi và thực hành.
2. IBCLC đúng là quãng đường gian nan, nhưng không cần phải là bác sĩ hay y tá hay có chuyên môn y khoa mới học và thi được. Quan trọng là phải chứng minh mình CÓ KHẢ NĂNG để học và thi. Rất nhiều Lactation Consultants mình biết là nhà báo và luật sư. Trong đó có cô Simone Casey hiện cũng là Chuyên viên tư vấn sữa mẹ của ABA.
3. Sữa mẹ và nuôi con bằng sữa mẹ là điều tuyệt vời.
Chà, câu nói hay nhất, ý nghĩa nhất trong bài viết! Tại sao bạn ấy cũng nghĩ như vậy, mà không làm được như vậy? Tại sao không dùng khả năng và đam mê của mình để góp phần làm việc tốt mà thích đi bới móc và nói xấu người khác như vậy?
Có kiến thức thôi, chưa đủ! Có học thôi, chưa xong!
Có kiến thức, thì cần trau dồi ngày đêm.
Có học, thì học cho tới nơi tới chốn.
Có đọc, thì đọc cho tới chốn tới nơi.
Và quan trọng là phải có CÁI TÂM mới bỏ ngoài tai những thị phi và xúc xiểm dành cho mình, để tiếp tục làm công việc mà mình yêu thích và có lợi cho cộng đồng.
Để đáp trả cho những lời bôi nhọ dành cho mình, “nhân vật chính” trong bài viết vẫn im lặng làm công việc của mình, để hỗ trợ và giúp đỡ những người mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ. Gần đây chị còn sang tận Úc để dự Hội Thảo về Sữa Mẹ lớn nhất từ trước đến nay có tên gọi Liquid Gold Conference nhằm chia sẻ những kiến thức quý báu về sữa mẹ cho mọi người.
Vậy, “CHUYÊN GIA” có thực sự là chuyên gia???
Lâu nay những người hiểu được công việc chị làm chẳng còn quan tâm đến việc tìm kiếm câu trả lời này nữa, vì công việc chị làm chính là câu trả lời.
Chỉ có mình, trong một phút không rảnh rỗi mà cũng chả nông nổi, để ngồi viết một bài về Tiến Sĩ Internet mà thôi.