Tại sao không nên bắt con phải nói lời xin lỗi?

Tại sao không nên bắt con phải nói lời xin lỗi? post thumbnail image

Có một lần Rơm chạy nhảy sao đó rồi quăng nguyên một món đồ chơi vào người tôi đau điếng. Giận quá tôi quát: “Mẹ đã nói rồi mà sao con cứ chạy nhảy hoài vậy? Giờ làm mẹ đau quá nè thấy chưa? Xin lỗi mẹ mau lên!”

Thằng nhỏ thấy mẹ vừa đau vừa giận, sợ quá nên lập tức nói: “Con xin lỗi mẹ!”

Để rồi chỉ 10 phút sau ảnh lại nhảy nhót tưng bừng.

Nhưng sau mỗi lần lớn tiếng với con, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Thật ra vấn đề là ở tôi, chứ không phải ở con. Lâu nay chỉ có những lớp học làm cha mẹ (parenting classes) chứ có ai dạy làm con đâu, vì con đã có cha mẹ dạy rồi!

Thật ra nói lời xin lỗi không phải là một chuyện dễ dàng với bất kỳ ai, nhất là một lời xin lỗi thực sự. Tiến sĩ tâm lý Justin Coulson kể lại rằng hồi mới lớn, có lần ông đã mắng chị mình là “Đồ ngu!” nên bị mẹ bắt phải xin lỗi chị. Ông bèn nói: “Em xin lỗi vì chị là đồ ngu!” và rốt cuộc bị buộc phải nói xin lỗi cho lời xin lỗi của mình.

Xin lỗi là một câu nói để sửa sai. Nói một cách sâu xa hơn, chúng ta xin lỗi để bày tỏ sự tiếc nuối cho một chuyện đã xảy ra không đúng như mong đợi, và mong chờ hàn gắn mối quan hệ.

Khi chúng ta bắt buộc con cái phải nói lời “xin lỗi” vì một việc làm sai trái mà không cho con cơ hội để được giải thích, hoặc không giải thích cho con vì sao mình phải xin lỗi thì việc xin lỗi chỉ là một hình phạt chứ không phải là một bài học. Từ đó, lời “xin lỗi” thốt ra từ cửa miệng trở nên vô nghĩa và không có tác dụng để giúp con biết đúng sai, và nó không nói ra để được tha thứ. Trong tình huống đó, chúng ta vô tình đã dùng vị trí “người lớn” của mình để buộc con mình phải làm điều mà con bắt buộc phải làm vì không có một sự lựa chọn nào khác. Nói cách khác, chúng ta buộc con làm cho chúng ta hài lòng.

Vì vậy, thay vì bắt con phải nói lời xin lỗi vì một việc làm sai trái, hãy dạy con biết nói lời xin lỗi chân thành.

Justin Coulson đề nghị như sau:

Thứ nhất, nên dành thời gian cho con (nhất là sau khi “vụ việc” xảy ra), giúp con hiểu được cảm giác của người bị con làm tổn thương hoặc giận.

Thứ hai, sau khi con đã hiểu được rồi, nên HỎI con làm thế nào để giúp cải thiện tình hình, khuyến khích con đưa ra ý kiến.

Thứ ba, gợi ý cho con những cách để con thực hiện những ý kiến của mình để hàn gắn mối quan hệ hoặc sửa chữa sai lầm của mình.

Một điều mà tôi từng thấy rất khó khi tham gia chương trình HIPPY (sẽ viết ở bài khác) là làm sao để tránh nói “Không” với con mà vẫn đảm bảo việc dạy con hiệu quả (không nói “không” không có nghĩa là chiều chuộng tất cả những gì con muốn đâu nhé). Khi con đưa ra những ý kiến của mình (ở bước thứ hai nêu trên), có thể sẽ có những ý kiến mà chúng ta thấy không phù hợp nhưng thay vì nói “không” thì chúng ta nên phân tích cho con hiểu hơn là phủ nhận, từ đó hướng con chọn phương pháp phù hợp hơn với tình hình.

Sau khi con đã hiểu được chuyện thì việc nói lời xin lỗi sẽ chân thành và là một bài học thực sự chứ không phải là lời nói vô nghĩa nữa.

Thật ra làm cha mẹ có những thử thách, nhưng cũng nhiều điều thú vị lắm. Tôi cảm thấy mỗi ngày học được một điều gì đó là một niềm vui, sự khám phá và mở mang.

 

Tags: