Năm 1964, bà Mary Paton cùng năm người mẹ khác tại thành phố Melbourne đã thành lập Hiệp hội Các bà mẹ cho con bú (Nursing Mother’s Association) với mục đích hỗ trợ cho các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Năm 2001, Nursing Mother’s Association được đổi tên thành “The Australian Breastfeeding Association” (Hiệp hội Nuôi con bằng Sữa mẹ Úc) có nghĩa là chuyện nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là chuyện của người mẹ, mà của cả xã hội, cả đất nước Úc.
Chữ “nursing” tiếng Anh có nghĩa là “nuôi một trẻ sơ sinh bằng cách cho bé bú sữa từ vú mẹ” do đó người phụ nữ có sữa cho em bé bú gọi là “nursing mother”, dịch ra là “Mẹ Sữa”. Từ “mẹ sữa” (nursing mother) hoàn toàn không liên quan gì đến từ nursing cow, tức là “con bò sữa”.
Vậy thì sao các Mẹ Sữa chúng ta lại tự gọi mình là “con bò sữa”? Con bò khác con người, và sữa bò khác với sữa người mà! Chẳng lẽ các mẹ sữa lại mất tự tin vào khả năng nuôi con bằng sữa mẹ (người) so với con bò sao?
Đọc thêm bài viết của Chuyên Gia Betibuti về Ụ Sữa và Bầu Vú để hiểu tại sao nên gọi Mẹ Sữa khi nói về việc cho em bé người bú mẹ.
Hãy gọi mình là Mẹ Sữa!
Gọi chính mình là Mẹ Sữa không có nghĩa là coi thường vai trò của con bò sữa đối với con của nó, mà là khẳng định rằng bản thân chúng ta hoàn toàn có khả năng nuôi con bằng sữa mẹ. Hơn nữa,từ “Mẹ Sữa” dễ thương….muốn chết mà, dễ nói, dễ chịu và dễ gần gũi.
Ngôn ngữ tác động đến tư duy, hãy để từ “Mẹ Sữa” tác động đến tư duy làm mẹ sữa (chứ không phải làm bò sữa) bằng cách gọi nhau bằng “Mẹ Sữa” các mẹ nhé. Tư duy cá nhân sẽ tác động đến hành động của cá nhân (mỗi Mẹ Sữa đều cho con bú, tức là Em Bé Sữa nào cũng được bú mẹ). Hành động của nhiều cá nhân sẽ trở thành hành động tập thể, của cộng đồng. Từ đó, sẽ hình thành NHẬN THỨC và GIÁC NGỘ của cộng đồng.
Điều mà chúng ta đang làm là nâng cao nhận thức của Cộng đồng Việt Nam về tầm quan trọng của sữa mẹ, đưa sữa mẹ về đúng với vị trí mà tự nhiên đã ban tặng.
Hãy xem lại cách nói, hãy nói lại cho đúng.
Đó cũng là NHẬN THỨC và GIÁC NGỘ.