Bệnh Viêm Da (Eczema) _ Phần 1: Giới thiệu

Bệnh Viêm Da (Eczema) _ Phần 1: Giới thiệu post thumbnail image

Eczema (Chàm hay còn gọi là bệnh viêm da cơ địa) là một rối loạn về da vừa tạm thời (temporary) vừa kinh niên (chronic skin disorders) tùy thuộc vào từng loại. Tuy rối loạn này không gây nguy hiểm nhưng lại đem đến khá nhiều phiền phức cho người mắc phải cũng như người thân. Bài viết này là một món quà tôi muốn gửi tặng đến tất cả các mẹ có con mắc phải chứng rối loạn này. Cũng như những bài viết khác, mỗi bài viết trên trang web này đều xuất phát từ tình yêu thương vô bờ dành cho các con của tôi. Bài viết này là một công trình tìm hiểu khá công phu với mục đích đầu tiên đó là khống chế Eczema cho Rô, con trai thứ 3, vì Rô bị Eczema từ lúc mới sinh.

Eczema ở trẻ còn bị gọi một cách oan ức trong tiếng Việt là “chàm sữa” và sữa mẹ bị cho là nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, cái tên chàm sữa có lẽ xuất phát từ việc bé phát khởi bệnh ở độ tuổi đang bú mẹ chứ không phải do bú mẹ mà bé bệnh.

Tôi đã trải qua những ngày tháng phải nói là rất “cực khổ” vì chăm sóc da cho Rô. Có những lúc thay đồ cho con mà khóc ròng vì da bé rất khô, khô đến nỗi da chết rơi ra trắng xóa như bột dù tôi điên cuồng giữ ẩm da cho con. Phải nói là “điên cuồng” vì mỗi lần thay tã là mỗi lần thoa kem, tối ngủ tôi cũng cầm hũ kem, đang ngủ mà giật mình dậy thì việc đầu tiên là cầm lấy hũ kem. Da Rô lúc nào cũng đỏ rực và khô ráp và con quấy khóc cả ngày lẫn đêm đến nỗi có ngày tôi không thể đặt bé xuống được hai phút!

Xin lưu ý: những chia sẻ trong bài không thay thế được lời khuyên của bác sĩ và tôi xin phép không tư vấn về cách dùng thuốc nếu như những câu hỏi của bạn nằm ngoài hiểu biết của tôi.

I. TÌM HIỂU VỀ CẤU TRÚC CỦA DA VÀ DA CỦA NGƯỜI BỊ ECZEMA

Chúng ta vẫn coi thường vai trò của da cho đến khi có chuyện gì đó xảy ra. Bởi vì, nếu hỏi ai đó hãy kể ra một bộ phận quan trọng của cơ thể, hầu hết mọi người sẽ nhắc đến bộ não hay trái tim và chỉ có ít người nhắc đến da. Trong khi đó, nếu không có lớp lá chắn tối quan trọng này, cơ thể của chúng ta sẽ bốc hơi và chết trong vòng vài phút mà thôi.

Không chỉ đơn giản là lớp bọc bên ngoài cơ thể, bộ da còn có nhiều chức năng quan trọng khác. Một trong những chức năng đó là bảo vệ cơ thể bên trong chống lại những hiểm nguy từ môi trường bên ngoài chẳng hạn như nhiễm trùng, hóa chất, thời tiết khác nghiệt và ánh nắng mặt trời. Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể chúng ta. Da là bộ phận rất quan trọng đối với cơ thể vì nó đóng vai trò như hàng phòng thủ đầu tiên chống các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể,  giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể và là cơ quan cảm giác giúp phân biệt được nóng, lạnh và tiếp xúc. Da là một cơ quan cảm giác lớn có nhiều dây thần kinh liên tục truyền tín hiệu đến não về môi trường bên ngoài, nó là nơi sản xuất ra những hóa chất quan trọng cho cơ thể chẳng hạn như vitamin D đồng thời cũng là nơi đào thải độc tố. Nếu  như vì lý do nào đó mà một mảng da lớn bị mất, chẳng hạn như bị cháy nắng hoặc phỏng, thì hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng. Đối với người bị eczema,  sự rối loạn về da sẽ làm cho chức năng điều hòa nhiệt độ của da thường xuyên bị ảnh hưởng khiến họ có thể bị nóng lạnh liên tục. Da của họ cũng dễ bị mất nước, nên họ cũng thường xuyên cảm thấy bị khát nước và đồng thời da của họ cũng dễ bị nhiễm trùng/viêm.

Da gồm có 3 lớp gọi là thượng bì (epidermis), trung bì hoặc bì (dermis) và hạ bì (hypodermis).

Epidermis là lớp ngoài cùng của da, là hàng rào chống thấm nước và cũng là nơi thể hiện sắc màu của da.

Dermis nằm dưới Epidemis, chứa các mô liên kết chặt chẽ (tough conective tissues), các nang lông và tuyến mồ hôi.

Hypodermis gồm có lớp mỡ và các mô liên kết.

skin anatomy

Cấu trúc da

Để hiểu rõ hơn về da của người bị Eczema, chúng ta sẽ tìm hiểu về 2 lớp da trên cùng là Epidermis (Thượng bì) và Dermis (bì). Người viết sẽ nhấn mạnh những cấu trúc có liên quan đến eczema chứ không đi sâu vào cấu tạo của da.

Thượng bì

Lớp thượng bì được hình thành bởi hàng triệu tế bào da nhỏ gọi là “keratinocytes” có chứa một loại protein gọi là “keratin”. Những tế bào này liên tục phát triển về phía ngoài mặt (da) và sau đó chúng sẽ chết và rơi đi. Quá trình “lột da tự nhiên” này thường diễn ra mà chúng ta không hề hay biết và mất khoảng 4 tuần để một lớp tế bào keratinocytes hoàn tất “vòng đời” của mình. Nếu bạn thử dùng một miếng băng keo trong và dán vào da, sau đó gỡ ra thì bạn sẽ thấy miếng băng keo bị đục vì nó kéo theo những tế bào chết của da. Lớp đục này gọi là “stratum corneum” (hay còn gọi là “horny layer” tức là lớp sừng) và chỉ mỏng bằng một lớp khăn giấy. Lớp tế bào này có chức năng làm rào cản cho da và đóng vai trò cho phép hoặc không cho phép các chất xâm nhập vào da. Độ dày của lớp sừng tùy thuộc vào sự bố trí của các bộ phận trong cơ thể, chẳng hạn như nó sẽ dày hơn ở lòng bàn chân và mỏng hơn ở những khu vực nhạy cảm như cổ và mặt.

Đối với những người bị Eczema thì lớp sừng dễ bị hư tổn do đó không giữ được độ ẩm của da, da sẽ bị khô và nứt giống như đồng ruộng bị hạn hán.

Dưới lớp sừng là những lớp tế bào da được sắp xếp rất chặt chẽ và rải rác là các tế bào sắc tố và các tế bào có chức năng bảo vệ cho da. Những tế bào của lớp thượng bì được gắn kết với nhau bằng một loại keo đặc biệt là một hỗn hợp chất béo (lipids). Hỗn hợp này gồm có cholesterol, fatty acids (acid béo) và ceramides. Nếu lớp mỡ tự nhiên này được sản xuất không đủ (chẳng hạn như bị eczema), hoặc  ảnh hưởng bởi hóa chất như xà phòng hoặc bột giặt thì lớp mỡ này sẽ bị trôi đi dễ dàng hơn. Điều này làm da mỏng đi và do đó da dễ bị khô, nứt và eczema. Những chỗ nứt này sẽ tạo điều kiện cho những vi khuẩn có hại xâm nhập vào da và làm eczem nặng hơn.

Lớp bì

Lớp bì nằm dưới lớp thượng bì và hai lớp này gắn kết rất chặt chẽ với nhau. Lớp bì có kết cấu chặt chẽ bởi vì nó chứa collagen và elastin đem lại sự săn chắc cho da. Càng lớn tuổi thì lớp collagen càng mỏng đi, do đó người già rất dễ bị tổn thương về da. Việc uống steroid thời gian dài hoặc dùng thuốc bôi có chứa steroid trong thời gian dài ở những vùng da nhạy cảm cũng sẽ làm lớp collagen mỏng đi. Nằm sâu dưới lớp bì là những nang lông (hair follicles), tuyến mồ hôi (sweat glands) và tuyến bã nhờn (sebaceous glands). Lớp bì  chứa một mạng lưới các dây thần kinh và thụ thể (điểm tiếp nhận hay còn gọi là receptors) có nhiệm vụ ghi nhận và vận chuyển tín hiệu tiếp xúc (touch), lực (pressure), cảm giác (nóng, lạnh, đau và ngứa) đến não. Lớp bì cũng chứa các mạch máu (blood vessels), dịch mô (tissue fluid) và mạch bạch huyết (lymph vessels) đem các chất dinh dưỡng cho da và đào thải các chất thải. Lượng máu chảy đến da thay đổi tùy theo nhiệt độ cơ thể. Ví dụ như khi tập thể dục, lượng máu đến da sẽ nhiều hơn, giúp cơ thể thải bớt hơi nóng qua da.

Máu trong các mạch máu vận chuyển oxy và dưỡng chất đến da cũng như các tế bào bạch cầu (white blood cells) có nhiệm vụ chống lại sự nhiễm trùng. Do đó, khi bị viêm thì da sẽ đỏ và sưng lên. Khi  hết viêm thì da sẽ trở lại bình thường.

Nếu lớp bì bị tổn thương nặng thì trong quá trình lành (healing process) thì lớp collagen mới sẽ được hình thành. Chính vì vậy mà chúng ta mới bị sẹo. Tuy eczema có ảnh hưởng đến bề ngoài của da nhưng phần lớn lại không để lại sẹo, ngoại trừ trường hợp bị khá nặng.

Lớp elastin (đem lại sự đàn hồi cho da) sẽ bị hư tổn nếu tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài, làm giảm sự đàn hồi của da và da sẽ sớm bị lão hóa và nhăn. Do đó, những người bị eczema cần tránh ánh nắng trực tiếp, nhất là trong những ngày có tia bức xạ (tia cực tím) cao.

II. ECZEMA LÀ GÌ?

Eczema hay còn gọi là dermatitis là một trong những bệnh phổ biến nhất về da. Eczema tiếng Hy Lạp có nghĩa là “sôi bỏng”, dermatitis có nghĩa là “viêm da”. Eczema là một bệnh viêm da. Thông thường, khi bị thương hay bị bỏng, các kháng thể (antibodies và cytokines) được sản xuất để chống lại các tác nhân viêm nhiễm để giúp da hồi phục, chính vì lý do này mà da bị đỏ, sưng và nóng lên. Vì vậy, nhiệm vụ của antibodies và cytokines được xem như là những “chiến sĩ” chống lại quân xâm lăng (vi khuẩn/virus). Giải thích thêm: antibodies là những chất do tế bào máu trắng (white blood cells) tạo ra có chức năng chống lại nhiễm trùng, cytokines là những chất dẫn truyền tự nhiên do các tế bào trong cơ thể sinh ra (kể cả tế bào máu trắng và tế bào da), chúng có nhiệm vụ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ quá trình làm lành da. Tuy nhiên, ở những người bị eczema, những “chiến sĩ” này vẫn chiến đấu khi không có quân thù, và do đó gây ra những hư tổn không cần thiết cho môi trường xung quanh chúng, trong trường hợp này đó chính là da. Đây là cách đơn giản để giải thích về eczema và đồng thời giải thích tại sao những loại thuốc kháng viêm như steroids lại giúp cho việc điều trị khi bệnh khởi phát.

Khi eczema khởi phát, tức là khi da bắt đầu bị viêm, thì các tế bào da (keratinocytes) bị  phồng rộp và sưng lên, làm cho chúng tách rời nhau. Lớp thượng bì (epidermis) lúc này giống như một miếng xốp chứa đầy nước, lượng nước dư thừa đọng lại thành những mụn nhỏ li ti. Khi các tế bào da không còn bị kết dính nữa thì lớp da sẽ càng dễ bị bong ra, làm cho da bị khô. Khi da bị khô nứt, tức là nó không còn là lớp rào cản hiệu quả nữa và sẽ làm cho da dễ bị mất nước, vi khuẩn dễ xâm nhập vào da hơn. Khi vi khuẩn xâm nhập vào da thì da sẽ bị viêm, nóng, đỏ và ngứa.

eczema-8-728

Da bình thường và da bị eczema

III. NGUYÊN NHÂN GÂY RA ECZEMA

Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra eczema. Tuy nhiên, nếu trong gia đình có tiền sử về eczema, asthma (hen suyễn) hay dị ứng phấn hoa thì em bé sinh ra có nguy cơ sẽ mắc phải một trong những chứng này, dù rằng một số ít trường hợp bị eczema khi không có yếu tố gia đình.

Nghiên cứu cho thấy một biến đổi về gene (genetic mutation) đã khiến một loại gene tên là filaggrin bị thiếu hụt. Filaggrin là một loại gene giúp tạo một rào chắn trên bề mặt da để giữ ẩm cho da và ngăn không cho tác nhân bên ngoài xâm nhập vào da, làm cho da có nguy cơ bị eczema.

Tại Úc, 30% trẻ em mắc eczema. Mặc dù có các cách để khống chế eczema, cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị bệnh này. Khoảng 50% trẻ em sẽ giảm bớt eczema vào tuổi lên 2 và 80% các em sẽ giảm bệnh vào tuổi lên 5.

Những nơi bị eczema điển hình ở trẻ:

Typical sites of Eczema

IV. NHỮNG TÁC NHÂN GÂY KÍCH ỨNG ECZEMA VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH

Các tác nhân gây kích ứng Eczema có thể chia thành 3 nhóm: NÓNG, KHÔ và CHÂM CHÍCH (PRICKLE).

NÓNG (HEAT)

Nhiệt độ nóng là một trong những tác nhân hàng đầu làm kích ứng Eczema.  Thông thường, trẻ ngứa ngáy hơn khi về đêm vì chăn nệm làm nhiệt độ da tăng. Hơn nữa, thói quen ủ ấm của cha mẹ vì sợ con lạnh thật ra đem lại khá nhiều phiền phức đối với trẻ bị eczema.

Số liệu cho thấy trẻ em bị nổi eczema nhiều hơn vào mùa đông vì mùa đông cha mẹ có xu hướng mặc nhiều quần áo cho con. Tuy nhiên đối với trẻ có làn da đặc biệt nhạy cảm như trẻ bị eczema thì đây chính là nguyên nhân làm cho bệnh nặng hơn vào mùa đông. Theo khuyến cáo của Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia (Royal Children Hospital) thì nhiệt độ ban đêm lý tưởng trong phòng là không quá 15 độ vào ban đêm và không quá 20 độ vào ban ngày.

Tốt nhất chỉ nên cho trẻ mặc một hoặc hai lớp quần áo bằng vải cotton. Nếu trẻ tham gia vào các hoạt động thể thao, hãy cởi bỏ bớt quần áo trước khi chơi, hoặc cho trẻ mặc một cái áo lót (singlet) ẩm bên trong quần áo thể thao.

Trẻ bị eczema cần tránh mặc quần áo bằng len vì len sẽ làm cho nóng và do đó sẽ khiến bệnh nặng hơn.

KHÔ (DRYNESS)

Trẻ bị eczema có da khô, da càng khô thì càng bị ngứa và dễ bị viêm. Có nhiều thứ khiến da trẻ bị khô thêm, chẳng hạn như máy sưởi thổi trực tiếp vào người bé, các sản phẩm tắm gội có chứa xà phòng. Da bé sẽ bị khô hơn vào mùa đông vì độ ẩm thấp. Vì vậy, cần thoa kem dưỡng ẩm cho bé hàng ngày từ đầu đến chân. Tránh sử dụng khăn ướt sẵn (baby wipes) để lau chùi cho bé vì sẽ làm cho da bé bị khô và gây kích ứng da bé.

CHÂM CHÍCH (PRICKLE)

Quần áo có thể làm cho eczema tệ hơn nếu như nó có cảm giác “châm chích” (prickle). Đặc biệt là len, đường chỉ may, chỉ thêu, mác quần áo… rất dễ kích ứng da bé. Vải cotton và lụa là lựa chọn lý tưởng cho quần áo cũng như chăn mền dành cho bé. Nếu bạn sờ vào vải và thấy cảm giác “châm chích” tức là nó sẽ làm cho bé rất ngứa ngáy. Nếu đường chỉ may bị cứng, hãy lộn quần áo ra (mặc ở mặt trái), cắt nhãn mác quần áo (thường ở cổ áo).

Chất liệu len gây kích ứng với trẻ bị Eczema. Nguồn ảnh: Craftsy

Chất liệu len gây kích ứng với trẻ bị Eczema.
Nguồn ảnh: Craftsy

Phần 2: Điều trị