Viết vài lời về cái gọi là “cuồng sữa mẹ.”
Từ này chắc chắn bắt nguồn từ những người không cuồng sữa mẹ, giống như những người không có tín ngưỡng nào gọi người khác là “cuồng tín” và thông thường có ý tiêu cực (negative) hơn là xây dựng (constructing).
Mình ăn cơm mỗi ngày, nhưng qua Úc và các nước khác thấy họ ăn bánh mì mỗi ngày. Lâu lâu mình cũng đổi món ăn bánh mì vài bữa, nhưng sau đó quay trở lại với cơm vì ăn cơm từ nhỏ đến lớn quen rồi. Những người ăn bánh mì cũng vậy, lâu lâu họ chuyển qua cơm để đổi món rồi lại ăn bánh mì trở lại.
Bánh mì và cơm, xét về mặt dinh dưỡng, không khác nhau mấy. Không ai nói bánh mì ngon hơn cơm hay cơm bổ hơn bánh mì. Nói cách khác, cơm và bánh mì là những món ăn bình thường hằng ngày.
Chuyện mình thích ăn cơm và chuyện một bạn người Úc thích ăn bánh mì cũng là chuyện bình thường.
Vậy chuyện bình thường như vậy có gọi là “cuồng” không?
Sữa mẹ cũng là chuyện bình thường. Cho dù bạn có màu da gì, thuộc sắc tộc nào, thì khi bạn sanh ra đời, bạn cũng bú mẹ như ai thôi. Bú mẹ là chuyện bình thường. Sữa mẹ là thức ăn tiêu chuẩn của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Khác với cơm và bánh mì, không có gì thay thế được sữa mẹ! Nếu bạn không thích ăn cơm, bạn có thể chuyển sang bánh mì vài bữa chả sao. Nhưng dạ dày con trẻ còn non yếu, nếu thay thế sữa mẹ bằng một loại thức ăn khác thì cũng đồng thời sẽ có những nguy cơ tiềm ẩn. Đã gọi là nguy cơ thì có nghĩa là không tốt, đã gọi là nguy cơ thì nó có thể đến với bất kỳ bé nào, cho dù không phải bé nào cũng gặp nguy cơ. Vậy, người làm cha mẹ, nếu nhận thức được rằng khi thay thế sữa mẹ bằng thức ăn khác thì con mình có thể gặp nguy cơ về sức khỏe, thì có dám cho con ăn không? Hay tặc lưỡi rồi bụng bảo dạ “Con mình khỏe mà, con người khác mới bị.” Hãy dừng lại một giây để suy nghĩ lại về điều này. Chỉ cần một giây thôi.
Mình nói riêng về ở Úc, không thiếu gì người chọn nuôi con bằng sữa công thức. Nhưng đây là một sự lựa chọn sau khi đã cân nhắc và thu thập đầy đủ thông tin, tức là informed choice, chứ không phải họ chọn sct vì nghĩ rằng sct tốt hơn sữa mẹ hoặc thay thế được sữa mẹ. Một điều bất ngờ, là tỉ lệ người giàu nuôi con bằng sữa mẹ cao hơn người nghèo. Họ thà bỏ tiền ra để học các lớp giáo dục về sữa mẹ (BEC – Breastfeeding Education Class) hơn là vô siêu thị mua từng hộp sct cho con. Khi có vấn đề về sữa mẹ, họ không ngại bỏ tiền ra mời Chuyên gia Sữa mẹ ( LC - Lactation Consultant), chi phí cho lần gặp đầu tiên không dưới $150/giờ. Nhìn thấy vậy, tưởng họ bỏ tiền nhiều lắm, nhưng thật ra không phải vậy! Một hộp sữa công thức dành cho trẻ dưới 6 tháng giá trung bình là $22/hộp 900gr. Số tiền họ bỏ ra cho một giờ gặp LC bằng khoảng 7 hộp sct, nhưng cái họ nhận được gấp rất nhiều lần 7 hộp sct ấy! Những lớp BEC do ABA dạy, học phí khoảng $80 cho một lớp gần 4 tiếng. Tuy nhiên, đó là giá cho những người không phải là thành viên. Giá cho thành viên là $20/người. Nhưng membership chỉ có $65/năm nên những người đi học cuối cùng trở thành member luôn (sẽ viết bài sau về membership của ABA). Nếu nhìn vô số tiền một lần bỏ ra của người giàu, thấy gấp rất nhiều lần một hộp sct mà người nghèo bỏ ra mua cho con. Nhưng nhìn về phía cuối con đường, sẽ thấy ai là người đang bước đi một cách dễ dàng. Đó là lý do tại sao người giàu cứ giàu, và người nghèo cứ nghèo (nếu người nghèo không thay đổi nhận thức).
Vì vậy, vấn đề là do nhận thức chứ không phải do giàu nghèo.
Người giàu nhận thức được sữa mẹ là một điều bình thường, người mẹ cho con bú là một điều bình thường.
Những người vận động nuôi con bằng sữa mẹ như mình thật ra đang cố gắng đem điều bình thường mà bấy lâu đã bị lãng quên trong cộng đồng quay trở lại vị trí của chính nó.
VẬY, TẠI SAO KHÔNG AI NÓI “CUỒNG CƠM” HAY “CUỒNG BÁNH MÌ” MÀ NÓI “CUỒNG SỮA MẸ” ???