Một đứa bé chào đời dường như không phải là của riêng bố mẹ nữa, mà là của cả ông bà hai bên. Ông bà tuy không trải qua những ngày tháng mang thai nặng nề hay những cơn chuyển dạ đau đớn, nhưng không ít người mặc nhiên cho mình cái quyền được nhân danh tình yêu thương để tạo không ít áp lực cũng như trở ngại đối với việc nuôi dạy cháu của mình.
Bố mẹ nào mà chẳng yêu con, ông bà nào mà không yêu cháu. Thế nhưng rất nhiều gia đình xung đột chỉ vì sự khác biệt trong cách nuôi dạy trẻ nhỏ, đặc biệt là việc ông bà can thiệp quá sâu vào trách nhiệm mà lẽ ra cha mẹ của đứa bé được ưu tiên nhận lãnh.
Tôi gặp không ít tâm sự của các mẹ về những “nỗi niềm không biết tỏ cùng ai” và những bức xúc đối với ông bà:
“Bà bảo phải cho bé uống nước chị ạ. Mà em đã tìm hiểu kỹ rồi, trẻ dưới 6 tháng chỉ bú mẹ, không cần nước nhưng bà không tin. Bà bảo em không tin bà mà lại đi tin báo mạng vớ vẩn.”
“Em đã nói rằng qua 6 tháng em mới cho con ăn dặm. Nhưng ông bà ở nhà lại dấm dúi cho cháu “chấm mồm”. Em bức xúc quá nhưng nói ra thì bị giận.”
Chưa hết, có mẹ tâm sự rằng đang cho con bú thì bị bà nội đến “giật cháu ra khỏi tay em vì cho rằng bé còi do bú mẹ.” Những ông chồng ủng hộ vợ trong cách nuôi dạy con cũng bị vạ lây vì xung đột với mẹ ruột. “Bà giận, bà hờn, bà bảo bà nuôi cả chục đứa con rồi, thế mà chúng em không coi bà ra gì!”
Một cô là Chuyên viên tư vấn Sữa mẹ của Hội Sữa Mẹ Úc có lần khoe với tôi rằng mình sắp có cháu ngoại. Tôi hỏi “Ôi thế cô đang ở cùng với con gái à? Có mẹ ở bên còn gì bằng!” Cô ấy bảo “Không, nó ở cách tôi 200 cây số. Tôi sẽ đến khi nào nó cho phép tôi đến. Tôi đang rất hào hứng đây!” (No, she is living 200km away from me. I will come whenever I’m allowed to do so. I’m very exciting!”) Lý giải cho việc tại sao phải đợi “cho phép” mới đến thăm cháu, cô nói là có thể vợ chồng con gái cần thời gian để gắn bó (bonding) với con trước khi muốn người khác đến thăm, kể cả mẹ mình.
Những người chưa quen với văn hóa phương Tây hay văn hóa ở Úc có thể cho rằng tình cảm gia đình ở những nước này “không gần gũi” nhưng thực sự không phải như vậy. Tỉ lệ cha mẹ vào viện dưỡng lão khi về già không có nghĩa là bị con cái bỏ bê mà mỗi người đều có cuộc sống và lựa chọn riêng của mình, họ tôn trọng lựa chọn của người khác kể cả người thân trong gia đình. Tôi hỏi một cặp vợ chồng người Úc về lý do họ chọn nhà dưỡng lão khi về già. Họ nói rằng “Chúng tôi đã có tuổi trẻ của mình. Các con cũng có tuổi trẻ của chúng. Tại sao mình phải trói buộc tuổi trẻ của con vào việc chăm sóc mình khi về già trong khi chúng nó cũng có cuộc sống và gia đình riêng của mình nữa? Sinh con ra là trách nhiệm của cha mẹ nên cha mẹ phải lo lắng cho con là điều tất nhiên, con cái có được quyền chọn lựa cha mẹ mình đâu. Thế nên, chúng tôi không quan trọng chữ “Hiếu”, không đem chữ hiếu ra làm áp lực để con cái phải nghe lời mình.” Con cái khi trưởng thành được quyền dọn ra ở riêng và cha mẹ không can thiệp vào cuộc sống riêng của con, kể cả việc lựa chọn bạn đời. Rất nhiều bạn trẻ tự lựa chọn bạn đời, tổ chức đám cưới và cha mẹ là khách mời. Họ phải chịu trách nhiệm về bản thân và cuộc đời mình. Do đó, quyền riêng tư là quyền bất khả xâm phạm đối với văn hóa và kể cả luật pháp của các nước này.
Tất nhiên, văn hóa mỗi nơi mỗi khác và chúng ta không thể mong đợi mọi nơi đều có cách hành xử giống nhau. Nhưng sự can thiệp quá mức của ông bà Việt Nam vào cuộc sống của con cháu thực ra chỉ làm cản trở sự học hỏi và độc lập của con cháu mình mà thôi. Những ý kiến hoặc kiến thức mới thường không được ông bà tiếp nhận, thay vào đó là sự bảo thủ và thậm chí nhân danh tình thương yêu dành cho con cháu mà làm áp lực cho chúng phải nghe lời. Câu nói quen thuộc mà những bạn trẻ hay nghe là “Trứng mà đòi khôn hơn vịt sao?” Nhưng thử hỏi, nếu trứng không khôn hơn vịt thì làm sao nở ra vịt, chẳng lẽ cứ phải là trứng ung trứng hư sao?
Có một số ít các bạn trẻ may mắn khi sống cùng ông bà rất hiểu biết, tân tiến, cởi mở và hợp tác trong cách nuôi dạy con cháu. Do đó, khoảng cách giữa các thế hệ không trở thành rào cản mà thực ra là những điều kiện rất tốt để xây dựng một cuộc sống hài hòa và thân thương trong gia đình. Tuy nhiên, tỉ lệ này hiện nay vẫn còn khá ít ỏi trong cộng đồng của chúng ta.
Về phía các bạn, các cha mẹ trẻ, có 2 xu hướng: Một xu hướng ỷ lại ông bà, luôn làm theo ông bà, hoặc nhẫn nhịn chịu đựng nghe lời ông bà, trở thành những cá nhân thụ động và không cầu tiến; để rồi những người này sẽ tiếp tục đi theo lối mòn của bậc tiền bối và trở thành thế hệ ông bà tương lai không khác gì mấy với thế hệ ông bà hiện tại. Xu hướng thứ hai là mạnh dạn sống theo chính kiến của mình, chọn lọc những kinh nghiệm từ ông bà mà họ cho rằng hợp lý với thời đại và kiến thức mới, đồng thời sẵn sàng bảo vệ những gì mà họ tin rằng có sức thuyết phục và mang tính khoa học hơn. Những bạn thuộc xu hướng sau thường chấp nhận chịu áp lực và nhiều khi phải đấu tranh để được sống theo chính kiến của mình.
Sống như thế nào, theo xu hướng nào, hoàn toàn là lựa chọn của bạn!