Khi mẹ sữa đang gặp khó khăn trong việc cho con bú, cụ thể là đang gặp những sự cố như tắc sữa, viêm tuyến sữa, cương sữa sinh lý thì bất kỳ can thiệp nào khiến mẹ đau thêm thì là những can thiệp SAI LẦM. Đó là những can thiệp như nhồi ép, bóp vú, mát xa mạnh bạo, điều trị bằng sóng siêu âm từ những người không có chuyên môn khiến mẹ đau đớn thêm.
Bất kỳ nhà trị liệu hay cung cấp dịch vụ nào nói rằng mẹ hãy ráng chịu đau để ‘thông tia’, để có sữa cho con thì đó là những người chưa được đào tạo đúng chuẩn hoặc chưa cập nhật.Những hậu quả có thể xảy ra khi nhồi ép vú trong những trường hợp trên có thể kể đến:
1. Tổn thương mô vú – làm tế bào vú bị hoại tử.
2. Áp xe
Chưa kể, khi đau và căng thẳng, lượng cortisol tăng cao sẽ làm ức chế oxytocin, khiến mẹ không thể nào thư giãn và tạo sữa được. Hãy đối xử với cái vú mẹ như cái…mắt cá chân của bạn! Khi bạn bị trật mắt cá chân, bạn có nhồi ép xoa bóp không? Bạn chườm lạnh hay chườm ấm? Bạn có đứng lên chạy nhảy không?
Dưới đây là một clip quay lại cảnh nhồi ép vú do một người tự xưng là chuyên gia xử lý tắc tia sữa thực hiện, clip được mẹ sữa cho phép sử dụng.
THÔNG TIN CHUNG
Sữa được trữ trong các nang sữa gọi là alveoli. Các nang sữa có kết cấu như những chùm nho. Dưới tác động của oxytocin thì sữa sẽ được đưa ra ngoài qua hệ thống các ống dẫn sữa gọi là ductal system (giống như hệ thống ống nước ở nhà mình vậy). Do đó, bị tắc sữa là khi các nang sữa quá đầy nhưng không thể được dẫn ra các ống, chứ không phải là ống sữa bị tắc. Vì thế, cách dùng từ cho rằng ‘thông tắc ống dẫn sữa’ là không đúng và việc bóp nặn cũng không giúp được gì. Viêm vú (mastitis) là viêm (inflamation) tuyến sữa. Dấu hiệu chung là vùng vú bị viêm bị đỏ, nóng, đau và sưng. Trong hầu hết các trường hợp thì viêm vú KHÔNG CẦN đến kháng sinh (kháng sinh điều trị nhiễm trùng – tức là có vi khuẩn tấn công).
ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI NHỒI ÉP, MÁT XA VÚ VÀ HÚT SỮA?
Như đã đề cập ở trên, sữa được trữ trong các nang sữa có hình dạng giống như những chùm nho. Khi chùm nho bị nhồi ép thì nho sẽ dập và sản phẩm thu được là…nước ép nho. Khác với chùm nho khi được đưa vào máy ép nước trái cây sẽ bầm dập, bẹp nhẹp và…tan nát, chùm nho trong vú mẹ khi được làm cạn sữa một cách tự nhiên thì sẽ giữ nguyên hình dáng của trái nho để rồi sẽ đầy lên khi sữa được làm đầy. Do đó, việc nhồi bóp vú thô bạo khi nho đang căng mọng thì chùm nho sẽ bị bầm dập, tổn thương và gây đau đớn. Từ đó, con đường từ tắc sữa đến áp xe vú là rất gần!Khi bị tắc sữa/viêm tuyến vú, phải chấp nhận một sự thật là sữa sẽ bị giảm tạm thời. Cũng giống như khi mình bị trật mắt cá chân, thì thời gian đầu mình không thể nhảy tưng bừng các thể loại nhạc ở phòng trà được, mà mình phải nằm nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, và tập đi lại một cách thận trọng và chậm rãi. Mình thà đi chậm hơn một tí, còn hơn bị…què, đúng không?
Dưới đây là hình ảnh giải phẫu học, giải thích kỹ hơn về những gì xảy ra khi nhồi ép vú.
ĐIỀU TRỊ/XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Cách xử lý khi bị tắc sữa, viêm tuyến vú cũng tương tự như khi bạn bị trật mắt cá chân vậy. Có nghĩa là:
1. Bạn không mát xa chỗ chân đau
2. Bạn không chườm nóng chỗ chân đau
Thay vào đó, bạn sẽ nghỉ ngơi, chườm lạnh và hạn chế di lại.
Dưới đây là 4 NGUYÊN TẮC được khuyến nghị, được viết tắt là BAIT:
1. Breast rest: Cho vú nghỉ ngơi, TRÁNH MÁT XA, không kích thích vú, không bơm hút hoặc cho bú quá mức cần thiết.
2. Avil*: Một loại thuốc có thành phần hoạt tính là Ibuprofen chống sưng viêm và giảm đau.
3. Ice: Chườm lạnh 10 phút mỗi 30 phút (tức là cứ 30p chườm một lần, mỗi lần 10 phút)
4. Tylenol*: Một loại thuốc có thành phần hoạt tính là paracetamol giúp giảm đau.
Lưu ý: (*) Tư vấn viên sữa mẹ không có thẩm quyền kê toa không được tự ý mua thuốc cho mẹ mà đề nghị mẹ tham vấn ý kiến của bác sĩ. Can thiệp không dùng thuốc đối với (*) có thể được áp dụng tùy vào chuyên môn của tư vấn viên.Nếu vắt/hút sữa không ra sữa thì NGƯNG. Hãy ưu tiên GIẢM SƯNG ĐAU.
Tóm lại, hãy nâng niu bầu vú mẹ và nhớ đối xử với cái vú bị đau như đối xử với cái chân đau của bạn vậy.
Tài liệu tham khảo:
1. Tips for lumpy, painful breasts: https://tinyurl.com/3avfbrry
2. ABM Protocol #36: https://www.bfmed.org/protocols