Nhiễm nấm CANDIDA (Candidiasis) khi cho con bú

Nhiễm nấm CANDIDA (Candidiasis) khi cho con bú post thumbnail image

* Miễn trừ trách nhiệm: Bài viết được tổng quát bởi một Chuyên gia Tư vấn Sữa mẹ Quốc Tế (IBCLC) không được cấp bằng để kê toa thuốc, và do đó không thay thế được ý kiến của bác sĩ và/hoặc những người có chuyên môn về thuốc. Các thông tin về thuốc được tập hợp nhằm cung cấp những kiến thức chung để các bạn rộng đường tham khảo trước khi đưa ra quyết định điều trị cho mình.

I. CANDIDA LÀ GÌ?

Candida là tên một loại nấm. Có nhiều loại Candida trong đó những loại Candida ảnh hưởng đến con người phổ biến nhất là Candida Albicans (C. albicans, xếp hàng đầu), C. tropicalis, C. krusei và C. parapsilosis (chữ C. là viết tắt cho từ Candida). Thực ra Candida chung sống hòa bình trên cơ thể con người với một số lượng nhỏ ở vòm họng (oropharynx), đường ruột (GI tract), âm đạo và da mà không gây ảnh hưởng gì cho tới khi có sự mất cân đối của hệ khuẩn trong cơ thể. Khi Candida phát triển mất kiểm soát thì sẽ gây ra một số nhiễm trùng gọi là nhiễm nấm chẳng hạn như viêm nấm âm đạo, viêm tuyến vú (mastitis), viêm vòm họng ở em bé (bé cũng có thể gây viêm cho mẹ nếu bú mẹ) và viêm vùng tã của em bé (candidal nappy/diaper rash).

Thực tế thì Candida là nguyên nhân phổ biến nhất trong những bệnh nhiễm nấm ở con người.

Một số yếu tố dẫn đến việc Candida phát triển mất kiểm soát có thể kể đến như:

1. Thuốc kháng sinh/trụ sinh

2. Căng thẳng/stress quá mức

3. Sử dụng thức uống có cồn với số lượng nhiều

4. Chế độ ăn uống nhiều đường và tinh bột tinh luyện

5. Hễ miễn dịch suy yếu

6. Thuốc ngừa thai

7. Bệnh tiểu đường

8. Môi trường ẩm ướt và ấm/nóng.

Trong bài này, tác giả đề cập đến chứng nhiễm nấm Candida (hay còn gọi là candidiasis) ở mẹ cho con bú.

II. NHIỄM NẤM CANDIDA Ở MẸ CHO CON BÚ

Mẹ và bé đều là nguồn lây nhiễm chung cho nhau, đặc biệt vào giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó khi điều trị nấm Candida thì phải điều trị/xử lý cho cả hai mẹ con. Những tình trạng cần chú ý đó là: viêm âm đạo/âm hộ (vulvovaginitis) do nấm (thường ở mẹ trước, sau đó có thể ở bé gái), hăm tã do nấm (diaper/nappy candidiasis) hoặc viêm vú (mastitis) do nấm.

Điều quan trọng là cần đảm bảo việc thực hành cho con bú đúng để tránh những tổn thương có thể gây ra. Trong rất nhiều trường hợp, núm vú bị tổn thương (do khớp ngậm sai) rất dễ bị nhiễm nấm nếu như có môi trường thuận lợi cho nấm phát triển.

A. Dấu hiệu và triệu chứng:

Đối với mẹ:

Việc chẩn đoán nhiễm nấm không phải lúc nào cũng dễ dàng vì nhìn bên ngoài có thể không có biểu hiện gì cả. Tuy nhiên, nếu người mẹ lâu nay vẫn cho con bú bình thường, không có vấn đề gì, mà đột nhiên đau núm vú một cách bất thường thì có thể nghi ngờ nhiễm Candida. Nhiễm nấm có thể kèm theo cảm giác bỏng rát và ngứa ngáy ở núm vú và những cơn đau xung quanh quầng vú.  Nếu dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài thì có thể quan sát thấy vùng bị nhiễm nấm có màu hồng tươi, đôi khi còn kèm những mụn nước li ti.

Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu dưới đây:

Da khô (có vẩy) hoặc bóng hoặc mất màu trên núm vú/quầng thâm (màu nhợt nhạt)

Đối với bé: Mảng bám trắng ở trong hai bên má, lưỡi hoặc vòm họng và không lau/chùi sạch được (trái với cặn sữa khi bú mẹ). Nếu cố gắng lau sạch miệng bé có thể khiến vùng da bị chảy máu. Bé cũng có thể bị hăm tã do nấm, vùng mặc tã nhìn sưng đỏ, phần da mông trông giống như bị bỏng.

B. Hậu quả/tác động của việc nhiễm nấm ở cả mẹ lẫn con:

Ở mẹ: Cảm giác đau buốt và bỏng rát khiến mẹ bị căng thẳng, làm trì hoãn phản xạ xuống sữa, dẫn đến giảm sữa vì con không bú triệt để/cạn sữa.

Ở con: Khi bị nhiễm nấm miệng, tương tự như mẹ, con cũng có cảm giác ngứa ngáy khó chịu và bỏng rát, không bú đủ, do đó không bú tối ưu, dẫn đến giảm cân.

III. TỔNG HỢP CÁC BIỆN PHÁP CAN THIỆP VÀ ĐIỀU TRỊ

Vì tế bào nấm và tế bào người có cấu trúc gần giống nhau, nên việc điều trị nấm đôi khi không phải là việc dễ dàng cho tất cả mọi người. Nấm rất dễ lây, có thể kháng thuốc trị nấm và do đó tái đi tái lại nếu không điều trị triệt để.

Có 4 yếu tố cần xem xét khi điều trị nấm, gồm có:

  1. Vệ sinh
  2. Chế độ ăn uống
  3. Bổ sung vi chất kết hợp với các phương pháp điều trị tự nhiên
  4. Thuốc

1. Vệ sinh:

Candidiasis là một ‘bệnh gia đình’ vì nó rất dễ lây qua sự tiếp xúc gần gũi giữa các thành viên gia đình với nhau, đặc biệt những tiếp xúc ở các vùng ấm và ẩm của cơ thể chẳng hạn như quan hệ tình dục và cho con bú.

Để vú khô thoáng tự nhiên, cố gắng phơi trực tiếp dưới nắng vài phút, hai lần mỗi ngày.

Rửa tay sạch sẽ – một việc đơn giản và rất cơ bản nhưng rất dễ làm ‘qua loa’. Vì thế, khi đã chẩn đoán được mẹ và con bị nhiễm nấm, thì tất cả mọi người trong gia đình đều phải cần lưu ý việc này. Rửa tay thật cẩn thận sau khi thay tã cho con, đi vệ sinh và trước khi ăn, rửa tay cho em bé nữa.

Dùng khăn riêng cho mỗi người, và để riêng, giặt khăn ở 60 độ C để diệt nấm.

Giặt quần áo hay bất kỳ vật dụng nào có tiếp xúc với chỗ nhiễm bằng nước nóng 60 độ trở lên. Thậm chí bàn chải đánh răng cũng cần phải thay, hoặc nếu mẹ trang điểm thì cần rửa luôn cả cọ trang điểm hoặc tốt nhất là thay mới.

Nấm phát triển tốt ở môi trường ẩm ướt và ấm, do đó khi bị nấm thì mẹ tránh dùng miếng lót thấm sữa, hoặc nếu phải dùng thì sử dụng loại dùng một lần sẽ tốt hơn. Trong trường hợp không có miếng lót dùng một lần và phải dùng loại vải thì cần thay và giặt thường xuyên ở nước nóng từ 60 độ trở lên. Nên để cho núm vú được khô ráo.

Thay áo ngực mỗi ngày – vải cotton là tốt nhất – áo thay ra cần giặt ở nhiệt độ cao để diệt nấm.

Nếu mẹ hút sữa thì cần tiệt trùng bình sữa ngay sau mỗi cữ hút – kể cả bé sinh đủ tháng – để diệt nấm.

Đồ chơi của bé cũng cần dùng dung dịch diệt khuẩn để rửa, có thể giặt đồ chơi mềm ở nhiệt độ cao nếu đồ chơi giặt được.

Nấm không phát triển được ở môi trường acid, do đó có thể dùng ½ – 1 cup dấm trắng cho vào đợt xả/vắt cuối cùng của máy giặt, dấm cũng có thể được pha vào nước tắm.

2. Chế độ ăn uống

Cần hạn chế các thực phẩm/đồ uống chứa nhiều đường và tinh bột vì chúng có thể làm cho tình trạng viêm nhiễm nấm nặng hơn. Điều trùng hợp là những người hay bị nhiễm nấm lại rất thèm đồ ngọt, nên điều này có thể vừa là một thử thách (kiêng đồ ngọt) đồng thời là cơ hội (điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng hơn). Lưu ý trái cây và nước ép trái cây cũng chứa đường.

Một số người nhận thấy những thực phẩm có chứa men (yeast – cũng là một loại nấm) có thể khiến tình trạng viêm nấm của họ lâu hơn chẳng hạn như bánh mì, cơm rượu, chất uống có cồn, nấm (mushroom) và kể cả các sản phẩm từ sữa bò.

Về chuyện cho bé bú thì sao? Có 2 điều cần lưu ý:

1. Đây không phải là thời điểm để mẹ tiếp tục hút/vắt và trữ sữa, vì sữa đông lạnh không diệt được nấm và hai mẹ con sẽ bị tái nhiễm nếu dùng sữa trữ đông vắt trong thời kỳ nhiễm nấm. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ đang có nhiều sữa, con không bú hết thì hãy tiệt trùng sữa trước khi trữ đông.

2. Đây càng không phải là thời điểm cho con bú sữa công thức để thay thế. Tuy nấm có thể phát triển được trong sữa mẹ, nhưng trong sữa mẹ có các chất làm hạn chế sự sinh sôi của nấm. Hơn nữa, lượng sắt có trong sct khá nhiều và là môi trường lý tưởng để nấm phát triển.

3. Bổ sung vi chất kết hợp với các phương pháp điều trị tự nhiên

Bệnh nấm thường xảy ra ở những người bị stress hoặc có hệ miễn dịch suy yếu. Thông thường những người bị stress lại có xu hướng tiêu dùng đồ ngọt hoặc đồ hộp, ăn uống thiếu lành mạnh. Do đó, đây là thời điểm mà mẹ cần xem lại chế độ ăn uống và quản lý sức khỏe tinh thần. Bác sĩ Nhi khoa và đồng thời cũng là một Chuyên gia Tư vấn Sữa mẹ Quốc tế (IBCLC), Christina Smillie, xem Candida giống như một loại flora (thuộc hệ thực vật) bình thường và việc điều trị nên tập trung vào việc cân bằng lại hệ sinh thái của da để người mẹ tránh được việc tái nhiễm nhiều lần.

Pha dung dịch rửa núm vú/vú:

Cách 1: Pha 1 phần dấm/giấm trắng chưng cất (distilled white vinegar – khác với white vinegar là dấm trắng nhé) vào 4 phần nước ấm ngâm vú sau mỗi cữ bú.

Cách 2: Cho 5ml (1 muỗng cà phê) sodium bicarbonate (baking soda – muối nổi) vào 240ml (1 cup nước) và rửa một hoặc hai lần mỗi ngày.

Cẩn trọng:

KHÔNG NÊN bôi xức thảo dược hoặc tinh dầu lên núm vú vì tính an toàn của những sản phẩm này đối với em bé chưa được kiểm chứng, đặc biệt là bé dưới 3 tháng tuổi.

Dinh dưỡng bổ sungLiều lượng
Men vi sinh Lactobacillus acidophilusSử dụng theo hướng dẫn ghi trên bao bì cho tới các triệu chứng ngưng được 2 tuần
Chiết xuất hạt bưởi (Grapefruit seed extract)250mg mỗi ngày hoặc 5-15 giọt vào 150ml nước 2 – 5 lần mỗi ngày.
Zinc acetate hoặc zinc gluconate (kẽm) *Mỗi ngày 45mg
Các loại Vitamin B *Mỗi ngày 100mg từng loại (tránh nấm men dinh dưỡng – nutritional yeast)

(*) Trong danh sách LLL GB đưa ra còn có thuốc tỏi không mùi. Các sản phẩm ở bảng trên đây thường được quảng cáo dưới dạng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, các bạn hãy ưu tiên bổ sung chất từ thực phẩm tự nhiên. Nếu quyết định mua thì hãy tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm.

4. Thuốc (Tây dược)

Thuốc là thứ tự cuối cùng trong những đề nghị điều trị nhiễm nấm. Có nghĩa là việc điều trị bằng thuốc sẽ giảm hiệu quả nếu không thực hiện/kết hợp với 3 yếu tố đã nêu là Vệ sinh, Chế độ ăn uống, Bổ sung vi chất kết hợp với các phương pháp điều trị tự nhiên.

Dưới đây là thông tin một số loại thuốc điều trị đề nghị:

Tên thuốcDạng thuốcLiều lượng sử dụng
Clotrimazole (Lotrimin, Mycelex)Kem, dung dịch, kem bôi hoặc viên đặt âm đạoKem: Thoa/bôi mỗi ngày 2 lần Kem bôi/viên đặt âm đạo: 100mg/ngày trong 7 ngày hoặc 200mg/ngày trong 3 ngày.
Fluconazole (Diflucan)Thuốc uốngNgười lớn: 400mg liều nạp, sau đó 100mg hai lần mỗi ngày cho tới tối thiểu 2 tuần cho đến khi hết đau trong một tuần. Trẻ em: Liều nạp 6-12mg/kg; sau đó 3-6mg/kg
Miconazole (Monistat)Kem bôi da hoặc viên đặt âm đạoKem bôi hoặc viên đặt: 100mg/ngày trong 7 ngày Kem bôi: 3 – 4 lần/ngày
Nystatin (Mycostatin)Thuốc uống, kem, bột, thuốc mỡ, viên đặt âm đạoUống/bôi theo toa bác sĩ.
Kem Thoa núm vú Đa dụng theo Toa của bác sĩ Jack NewmanThuốc mỡ do dược sĩ điều chế theo toa của bác sĩ Jack Newman.Thoa một lượng vừa đủ sau mỗi cữ bú. Không lau/chùi kể cả khi bé đòi bú lại sớm hơn.

Một số lưu ý:

• MICONAZOLE (Daktarin Gel) được khuyến cáo là thuốc điều trị nấm đầu tiên cho trẻ dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, nhà sản xuất đề nghị không sử dụng cho trẻ dưới 4 tháng do nguy cơ mắc nghẹn. Bạn sẽ cần cắt ngắn móng tay và vệ sinh sạch sẽ trước khi bôi cho bé.

* NYSTATIN (Nystan): dung dịch uống này được đề nghị là thuốc điều trị nấm thứ hai khi Miconazole không hiệu quả hoặc đem lại tác dụng phụ không mong muốn. Hãy sử dụng đúng liều lượng được kê toa bằng cách đổ ra muỗng. Dung dịch uống không có tác dụng khi bôi lên da. Một số chủng nấm Candida trở nên kháng Nystatin.

Có một đề nghị là nếu bạn muốn đổi phương pháp/thuốc điều trị thì trước hết hãy đổi ở một bên vú thôi, và xem hình thức/thuốc điều trị mới so với thuốc điều trị hiện tại có gì thay đổi/tiến bộ hay không trước khi quyết định sử dụng một loại điều trị/thuốc.

Bạn đã áp dụng những gợi ý nào trong những gợi ý trên đây để trị nấm vú? Hoặc bạn có thông tin hay kinh nghiệm nào để chia sẻ để xử lý việc này không? Hãy nhắn tin cho mình ở Fanpage hoặc email nhé.

Tài liệu tham khảo:

1. Thrush and Breastfeeding (LLLGB) 

2. Antifungal Resistance (CDC)

3. Wambach and Spencer, Breastfeeding and Human Lactation (6th Edition, 2021), Jones & Bartlett Learning

4. Hale’s Medications & Mothers’ Milk™ 2021, Kindle version

5. All Purpose Nipple Ointment (APNO), Canadian Breastfeeding Foundation, 2009.

6. Difference Between White and Distilled vinegar

7. The dietary modification and treatment of intestinal Candida overgrowth – a pilot study (S Otašević,S Momčilović,M Petrović,O Radulović,N M Stojanović,V Arsić-Arsenijević) https://doi.org/10.1016/j.mycmed.2018.08.002