Nằm phè ra bú cho phẻ

Nằm phè ra bú cho phẻ post thumbnail image

Làm sao để nằm phè ra bú cho phẻ? Không có nhiều sữa làm sao nằm phè ra cho con bú?

Khái niệm “nhiều” hay “ít” thực ra không bao giờ đúng với tất cả mọi người. Nhiều với người này nhưng lại ít với người kia. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là ít hay nhiều mà là “đủ”. Nhiều mẹ than với tôi rằng “Thấy tủ sữa của các mẹ khác mà em tủi thân vì em chẳng bao giờ được nhiều như thế. Em phải làm sao đây?”

Tôi hỏi ngược lại: Em muốn NHIỀU sữa để làm gì? Em có biết là sữa trữ đông để lâu thường có mùi xà phòng, mặc dù dưỡng chất không đổi, nhưng không phải bé nào cũng chịu bú sữa trữ đông không?

Em bảo rằng em muốn trữ sữa đông để đi làm, em sợ con em bị thiếu sữa, em lo con em bú không đủ.

Tôi gọi đó là đặc điểm chung của các bà mẹ. Hễ làm mẹ rồi thì cái chữ LO nó dính ở trên trán. Trên trán tôi cũng có, nó khó chịu lắm. Nên có cách nào gỡ được thì tôi sẽ gỡ. Vì vậy hôm nay tôi viết bài này để giúp các mẹ gỡ bớt chữ “LO ÍT SỮA” để mẹ con vui bú nhé.

Tại sao có mẹ hì hục ngày đêm lo vắt hút sữa mà vẫn thiếu, nhưng có mẹ lại bảo cứ “nằm phè ra bú cho phẻ?” Muốn nằm phè ra bú cho phẻ thì phải làm sao?

Lý do ít sữa phần lớn là do nhận thức. Tức là do cái đầu của mình chưa thông suốt, giống như trong đầu mình nghĩ đến con ma thì mình sẽ sợ ma vậy đó.

Vậy em bé bú bao nhiêu là đủ, làm sao để biết bé bú có đủ không? Bài “Dấu hiệu nhận biết bé bú đủ” có thể giúp các mẹ bớt lo lắng. Tuy nhiên, không ít mẹ thắc mắc: “Tại sao một số bé có các cữ bú dài hơn (3-4h) nhưng có bé lại bú liên tục với các cữ ngắn (1 – 2h)?” hoặc “Một số mẹ bắt đầu giảm sữa khi bé ngủ giấc dài hơn trong đêm, nhưng một số mẹ khác vẫn không thấy có gì khác biệt khi con mình ngủ giấc dài, lẽ nào ít sữa là do “cơ địa”?” Câu hỏi thường gặp vẫn là “Liệu tôi có bị thiếu sữa hay không?”

Liên quan đến chuyện sữa nhiều hay ít thì có câu hỏi liệu ngực mềm hay ngực căng, ngực to hay ngực nhỏ. Có phải ngực to thì nhiều sữa và ngực nhỏ thì ít sữa không? Hãy nhìn một anh chàng vận động viên thể hình, không lẽ anh ấy có sữa hoặc nhiều sữa hơn một bà mẹ mới sinh có cup ngực là AA (nhỏ nhất)! Do đó, sức chứa sữa (breastmilk storage capacity) không liên quan đến kích thước ngực vì những người ngực to hơn thường có nhiều mỡ trong ngực hơn (không có nghĩa là họ có nhiều tuyến sữa hơn). Hãy tưởng tượng sức chứa sữa của vú mẹ như một cái ly uống nước, ly nước thì có nhiều kích cỡ khác nhau. Có ly nhỏ như ly trà (tách trà) nhưng cũng có ly to bằng ly bia. Một buổi trưa mùa hè bạn cảm thấy khát nước, nếu được uống một ly to bằng ly bia thì đã khát biết mấy, còn nếu nhà chỉ còn tách trà thì bạn phải uống nhiều lần mới đã cơn khát. Uống nhiều hay ít tùy vào nhu cầu của mỗi người. Em bé cũng thế!

Bia hay tra

Vậy làm sao tôi biết tôi là tách trà hay ly bia? Cơn khát sẽ trả lời cho bạn biết. Tương tự, em bé sẽ cho mẹ biết. Một điều mẹ cần lưu ý là, cho dù mẹ có nhiều sữa đến đâu thì những ngày đầu tiên sau khi sinh thì mỗi lần bé bú rất ít, vì kích thước dạ dày trẻ sơ sinh chỉ bằng viên bi. Bé bú ít, và bú liên tục. Tạo hóa lập trình cho dạ dày trẻ sơ sinh chỉ bằng viên bi là có lý do. Đó là, thông qua động tác bú mút của bé, sự tiếp xúc gần gũi giữa mẹ và con (da tiếp da, ôm ấp, thiết lập quan hệ thương yêu trọn đời) thì tuyến sữa của mẹ sẽ được kích hoạt để sản xuất ra sữa nuôi con. Vì vậy, việc cho con bú đúng, bú thường xuyên trong hai tuần sau khi sinh cực kỳ quan trọng để đánh thức “nhà máy sữa” của mẹ. Phụ nữ sinh ra được ban tặng thiên chức làm mẹ nên “nhà máy sữa” thực ra đã được xây dựng từ lâu nhưng máy móc cần thời gian để vận hành và hoạt động đúng chức năng của nó. Vì vậy, đặc biệt các chị em mới làm mẹ lần đầu cần chuẩn bị hành trang kiến thức trước khi sinh để không hoài nghi khả năng làm mẹ của mình khi phải cho con bú liên tục, dẫn đến việc cai sữa sớm vì cho rằng mình không đủ sữa cho con (dặm thêm sct, hoặc sợ mình thiếu sữa mà vội đi xin sữa mẹ khác là một trong những nguyên nhân làm sữa mẹ giảm).

Nếu các tuyến sữa không được kích hoạt đúng lúc thì khả năng sản xuất sữa của vú mẹ không được sử dụng tối ưu. Tuy nhiên, một điều quan trọng các mẹ cần nhớ là KHÔNG SO SÁNH sức chứa sữa của mình với mẹ khác, hoặc so sánh con mình với con của mẹ khác vì mỗi cặp mẹ con có một nhịp điệu cung-cầu khác nhau. Ngay cả anh chị em đa sinh (sinh đôi trở lên) cũng có sự khác biệt. Một thông tin cần nhớ nữa, đó là chính em bé của bạn mới là “chuyên gia” trong việc thiết lập nhịp điệu cung-cầu kể trên vì bé biết chính xác là mình cần bao nhiêu để “nhà máy sữa mẹ” đáp ứng nhu cầu đó. Muốn “nằm phè ra bú cho phẻ” thì cần dành thời gian để trang bị kiến thức thật vững vàng.

bon-laidback-sml-fuzzy

Giống như người lớn khi ăn uống, bé bú mẹ cũng cần được thư giãn và mẹ cần tự tin thoải mái để nằm phè ra cho con bú.

Không ít mẹ lầm tưởng là cần phải “đợi sữa về” rồi mới cho con bú hoặc hút/vắt sữa. Tuy nhiên, quy tắc tạo sữa là quy tắc cung cầu. Bé bú nhiều, làm trống tuyến sữa như thế nào thì cữ sau sẽ được tạo ra tương đương như vậy. Nếu cơ thể mẹ nhận được tín hiệu là sữa đã đầy thì não sẽ nhận được thông điệp ngược lại, đó là ra “chỉ thị” để lần sau sữa được tạo ra ít đi. (Thật ra sữa có đi đâu mà về?)

Làm sao tôi biết khi nào con có nhu cầu bú?

Từ sáu tuần trở đi, mẹ sẽ biết nhu cầu bú của con như thế nào thông qua các dấu hiệu đòi bú. Tuy nhiên, mẹ cũng cần biết những dấu hiệu bé bú đủ để yên tâm rằng con mình phát triển bình thường.  Ngoài ra, cân nặng của trẻ bú mẹ khác với trẻ không bú mẹ, hoặc trẻ sau 6 tháng (bắt đầu ăn dặm). Những thông tin như “Bé ba tháng đến sáu tháng có cân nặng gấp đôi lúc mới sinh, và từ mười hai tháng thì cân nặng gấp ba lúc mới sinh” chỉ là những thông tin chung. Việc bé nhà bạn nhẹ hay nặng hơn không đánh giá được mức độ phát triển toàn diện mà cần tham khảo những cột mốc vận động và phát triển theo từng độ tuổi.

Feeding cues

Dấu hiệu đòi bú (Việt hóa bởi Minh Nga Nguyen _ Admin Hội Sữa mẹ Bé Tí Bú Ti)

Nếu cho bú theo dấu hiệu đòi bú thì bé vẫn phát triển bình thường cho dù sức chứa sữa của mẹ ít hay nhiều.

Lượng sữa mỗi cữ bé bú khác nhau, do đó nhịp điệu bú của bé cũng thay đổi (giống như người lớn, buổi sáng nếu ăn ít thì trưa sẽ ăn nhiều).

Trời sinh ra người phụ nữ có thiên chức làm mẹ, và mẹ sinh ra em bé để bé được bú mẹ, được mẹ ôm ấp và thương yêu. Những trở ngại khi nuôi con bằng sữa mẹ thường do người mẹ không được hỗ trợ và mẹ không trang bị đủ kiến thức cần thiết.

Chúc các mẹ cứ nằm phè ra cho con bú nhé!

Thông tin và Tài liệu tham khảo:

  1. Breastfeeding Made Simple: Seven Natural Laws for Nursing Mothers (Kathleen Kendall-Tackett & Nancy Mohrbacher)
  2. Dr. Jack Newman’s Guide To Breastfeeding
  3. Australian Breastfeeding Association