Nhiều cha mẹ nghĩ rằng ban đêm nên cho bé bú sữa công thức để bé ngủ ngon hơn. Dưới đây là sáu lý do mà Belly Belly cho rằng nên từ bỏ thói quen này.
1. Lý do thứ nhất: Cho con bú sct sẽ ảnh hưởng đển lượng sữa của mẹ
Cho con bú sct vào ban đêm, hoặc thậm chí là sữa mẹ hút ra và cho vào bình để bé bú, có nghĩa là vú mẹ ít được kích thích để tạo ra sữa. Nguyên lý hoạt động của “nhà máy sữa mẹ” là cung = cầu, tức là sữa càng được bé bú, tuyến sữa càng trống càng kích thích tạo sữa. Khi bé không mút vú mẹ, tức là vú mẹ không được kích thích thì não sẽ không nhận được tín hiệu để chỉ thị việc tạo ra các hormone sản xuất sữa thì điều dễ hiểu là vú mẹ sẽ ngưng sản xuất.
2. Lý do thứ hai: Lượng Prolactin (hormone tạo sữa) của mẹ cao hơn về đêm
Tức là ban đêm vú mẹ sản xuất nhiều sữa hơn ban ngày vì lượng prolactin cao hơn. Nếu bé không bú mẹ trực tiếp mà bú sữa mẹ từ bình, hoặc sữa công thức thì lượng prolactin được sản xuất ra chỉ có tác dụng…để đó ngắm chơi. Do đó ban đêm con nên được bú mẹ trực tiếp để nguồn sữa của mẹ được dồi dào.
3. Lý do thứ ba: Sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn, phù hợp với dạ dày của bé
Bất kỳ sản phẩm ngoài sữa mẹ nào cũng có thể phá vỡ cấu trúc cân bằng mong manh trong hệ tiêu hóa của bé. Đường ruột của trẻ bú mẹ có những vi khuẩn có lợi cho cơ thể bé – đây cũng là “hosting site” của hệ miễn nhiễm đang phát triển của bé, tức là đường ruột của bé khỏe thì hệ miễn nhiễm của bé mới phát triển tốt. Tuy nhiên, sữa công thức thay đổi những vi khuẩn có lợi này nên có nguy cơ phá vỡ sự hoạt động của hệ tiêu hóa. Ngoài ra, sữa mẹ cực kỳ dễ tiêu hóa trong khi đó sữa công thức làm cho cơ thể bé phải làm việc nhiều hơn. Đó là lý do tại sao trẻ bú bình có vẻ no lâu hơn nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến bé khó chịu vì đầy hơi.
4. Lý do thứ tư: Bé ngủ càng sâu (deep sleep) càng có nguy cơ bị SIDS (Sudden Infant Death Syndrome – Chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh)
Đây là một trong những lý do khá phổ biến cho việc cha mẹ cho con bú sữa công thức để giúp con “ngủ ngon hơn” về đêm. Điều này hoàn toàn trái tự nhiên bởi vì cơ thể non yếu của trẻ sơ sinh cần được thức dậy thường xuyên để đáp ứng các nhu cầu của cơ thể chẳng hạn như điều hòa hô hấp và nhịp tim. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc cho con bú (trực tiếp) ban đêm giúp cơ thể bé thực hiện được điều này vì sữa mẹ dễ tiêu hóa, bé mau đói cũng là cách cơ thể bé đáp ứng với những nhu cầu này bằng việc thức giấc thường xuyên để điều hòa những hoạt động thiết yếu đã nêu. Do đó, các mẹ vừa mới sinh con đừng quá lo lắng khi con thức giấc thường xuyên vì đây là những biểu hiện hoàn toàn bình thường của trẻ sơ sinh.
5. Lý do thứ năm: Tránh việc “bối rối núm ti” (nipple confusion)
Một số bé không có vấn đề gì giữa việc bú mẹ và bú bình. Tuy nhiên có bé phân biệt rất rõ giữa sữa chảy từ vú mẹ và sữa chảy ra từ bình và có xu hướng chọn một trong hai. Khi bé đã thích bú bình thì tập ti mẹ lại rất khó.
6. Lý do thứ sáu: Bạn có thể vô tình “cai sữa” cho bé mà không mong muốn
Nếu vì lý do đó mà bạn cảm thấy sữa của mình sụt giảm, có thể đó là do nhận thức, bạn sẽ tìm cách “bù” vào phần thiếu hụt. Có thể là sữa mẹ xin từ mẹ khác và cũng không ít người chọn sữa công thức. Tuy nhiên, cứ một ml sữa công thức vào bụng con thì cũng chừng ấy ml sữa mẹ con không được bú. Cho con bú sữa công thức, đặc biệt về đêm, càng làm cho tình hình tệ hơn.
Vậy tôi phải làm gì?
– Ngủ gần con, tốt nhất là nằm chung phòng, kê cũi/giường của bé sát bên giường của bạn. Ngủ gần con về đêm có nhiều lợi ích: tạo cảm giác yên tâm cho con vì được gần mẹ, mẹ cũng yên tâm vì con ở gần bên, nếu con khóc thì mẹ có thể đáp ứng ngay, thay vì phải chạy sang phòng khác để bế con.
– Tranh thủ ngủ khi con ngủ, hoặc nếu không ngủ được thì ít nhất cũng nằm xuống để nghỉ ngơi.
– Thay đổi mong đợi của mình – hãy nhìn lại những thói quen khi ngủ của mình – bạn cũng có những lúc thức giấc để uống nước, đi tiểu, hoặc quay sang rúc mình vào chăn với bạn đời của mình. Trẻ sơ sinh cũng có những nhu cầu đó, nhưng bé chỉ có phương tiện giao tiếp duy nhất là tiếng khóc mà thôi.
– Điều quan trọng nhất, đó chính là hãy chấm dứt việc so sánh con mình với con người khác. Mỗi đứa trẻ có những bước phát triển riêng biệt, không bé nào giống bé nào. Con của bạn sẽ ngủ sâu hơn và dài hơn khi cơ thể và não của bé đã sẵn sàng cho việc này.
Tuổi thơ của con qua đi sẽ không bao giờ trở lại, vậy cứ hãy tận hưởng những ngày tháng được bế bồng và ôm ấp con mẹ nhé.