I. HỆ THẦN KINH NON YẾU CỦA TRẺ
Bộ não của trẻ sơ sinh có khoảng 100 tỉ tế bảo thần kinh. Sở dĩ hệ thần kinh của trẻ non yếu là vì những tế bào này không kết nối với nhau. Hãy hình dung trước khi có internet thì chúng ta kết nối với nhau như thế nào? Ai cũng có máy tính, nhưng không thể chat, email hoặc dùng Facebook để liên lạc với nhau, vì không có internet. Điều này tương tự như hệ thần kinh của trẻ khi trong thời gian đầu.
Sự phát triển trí não của trẻ, ngoài chế độ dinh dưỡng, còn có những tương tác với gia đình và xã hội. Hàng tỉ tỉ tế kết nối của tế bào thần kinh được sản xuất trong hai năm đầu tiên. Những tác động và giao tiếp giữa cha mẹ và trẻ, chẳng hạn như cười, ôm ấp, những lời nói êm diệu, cử chỉ và thậm chí là chọt lét, hoặc những lúc được cha mẹ trấn an khi hoảng sợ hay giúp bé bình tâm khi bị kích thích quá mức chính là những cách giúp bộ não của bé trưởng thành.
Dưới đây là hình ảnh kết nối giữa các tế bào thần kinh của trẻ theo độ tuổi:
Từ hình ảnh này, có thể thấy rằng, bé càng nhỏ thì mức độ kết nối giữa các nơ-ron thần kinh càng ít. Điều này giải thích lý tại sao bé thức giấc giữa đêm và không tự ngủ lại được, bé không lý giải được chuyện tại sao mình thức giấc và tại sao mình không ngủ lại được. Về mặt cảm xúc, bé cảm thấy lo sợ và lẻ loi. Lý do là bé không thể kết nối được các dữ kiện này. Do đó, như một lẽ tự nhiên, khi chúng ta hoảng sợ, chúng ta kêu cứu. Tiếng khóc vì thế trở thành phương tiện giao tiếp duy nhất mà bé có được.
Sự giao tiếp giữa cha mẹ và bé trở thành sợi dây kết nối. Sự có mặt của cha mẹ vào thời điểm bé cần chính là cách giúp bé học cách kết nối những thông tin với nhau, đem lại cho bé sự tự tin, yên tâm và cảm giác được yêu thương. Khi bé bị bỏ mặc cho khóc, hoặc nhiều cha mẹ lầm tưởng rằng bế con lên khi con khóc là làm hư con, thì cũng giống như tất cả các máy tính đều đang được bật lên, nhưng không thể kết nối với nhau vì không có internet, việc giao dịch (chẳng hạn như gửi email) không thể thực hiện được. Nếu việc bỏ mặc này diễn ra thường xuyên thì bộ não của bé mất đi những cơ hội được kết nối và do đó sẽ đem lại hiệu quả tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên về mặt tinh thần của bé.
Ảnh hưởng của hệ thống phản hồi stress cấp (The fight or flight response) đối với hệ thần kinh của trẻ:
Hệ thống phản hồi cấp, hay còn gọi là “the fight or flight response” (phản hồi “chống hoặc bỏ chạy”) là phản ứng sinh học trước tình trạng căng thẳng cấp tính (acute stress).
Ví dụ: Khi thấy nguy hiểm, chẳng hạn như một con rắn đang tiến đến gần, thì ta sẽ có phản ứng chống lại hoặc bỏ chạy. Những diễn biến trong cơ thể xảy ra như sau:
– Mắt mở to để mở rộng tầm nhìn.
– Tim đập nhanh để bơm máu về các cơ quan trong cơ thể.
– Hơi thở nhanh để nhận nhiều oxygen cho nhu cầu của các cơ bắp.
– Huyết áp tăng để máu được chuyển tới nhiều hơn những bộ phần cần chiến đấu chẳng hạn như cơ bắp, và giảm dần ở những nơi không có vai trò chiến đấu/phản ứng như bàng quang (bọng đái), ruột và dạ dày.
– Glycogen được gan chuyển hóa thành glucose để tiếp năng lượng chiến đấu.
– Thận tiết ra adrenaline để chiến đấu hoặc chạy, tùy theo tình thế.
Những diễn biến trên xảy ra trong vài phút, rất cần thiết để bảo vệ cho cơ thể trước hiểm nguy, và chấm dứt khi nguy hiểm đã qua. Sau đó, các chức năng sẽ quay trở lại trạng thái ổn định ban đầu.
Hệ thần kinh của trẻ còn non yếu, do đó chưa đủ trưởng thành để đối phó với các tình huống căng thẳng cấp. Việc bị bỏ mặc cho khóc để “luyện ngủ” hoặc “tập cho bé ngoan” đối với bé là những tình huống căng thẳng cấp. Nhiều bé trải qua việc luyện ngủ như là một kinh nghiệm căng thẳng quá mức (extrem stress), giống như khi người lớn gặp chuyện sợ hãi tột độ thì cơ thể sẽ run bần bật và căng cứng. Bé gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với những tình huống căng thẳng liên tục mà đối với người lớn thì không hề hấn gì. Hormone căng thẳng ở lượng nhỏ không ảnh hưởng gì lắm đến hệ thần kinh, nhưng sẽ trở thành độc tố cho não và cơ thể nếu việc tiếp xúc có tính chất lâu dài. Chúng ta không thể biết được bé có thể xử lý bao nhiêu căng thẳng khi bị bỏ mặc cho khóc mà bộ não không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Việc tiếp xúc thường xuyên với stress có thể làm cho chúng ta trở thành người nhạy cảm quá độ (hypersentivity) và lúc nào cũng ở trạng thái cảnh giác. Trẻ em ở giai đoạn này thường khó tiếp thu và thái độ của trẻ có xu hướng quá khích hoặc rút lui.
II. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP LUYỆN NGỦ GÂY TRANH CÃI
Có một đứa con ngủ xuyên đêm và không quấy khóc thường xuyên là ao ước của biết bao cha mẹ. Lẽ tự nhiên, ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng, ít gặp thử thách nhất. Tuy nhiên, làm cha mẹ không phải là một nghề nói theo nghĩa chuyên môn (professional) và có trường lớp cụ thể. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt và trong chuyện nuôi dạy con cái, không có công thức thống nhất nào cho tất cả.
Có nhiều hình thức khác nhau trong việc “luyện” cho con ngủ, dưới đây là 2 hình thức gây nhiều tranh cãi nhất:
1. Thuốc an thần:
Cho trẻ uống thuốc an thần để ngủ là phương pháp cuối cùng của một số cha mẹ, nhưng nghiên cứu cho thấy cho dù có sử dụng thuốc an thần thì trẻ vẫn tiếp tục thức giấc ban đêm. Trong lịch sử người ta cho em bé uống bất cứ thứ gì gây buồn ngủ để giúp em bé ngủ, từ rượu cho tới thuốc phiện. Trước khi yêu cầu bác sĩ kê thuốc an thần cho con, hãy cân nhắc kỹ lưỡng và tìm kiếm mọi trợ giúp có thể. Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất vẫn là việc sắp xếp lại lịch sinh hoạt cho phù hợp với con.
2. Điều khiển con khóc, để mặc cho khóc – CIO (controlled crying, control comforting hoặc Cry-It-Out)
Phương pháp này thỉnh thoảng được một số bác sĩ nhi gọi là “tuyệt chủng”, nhưng một thời đã từng là tâm điểm của một bộ phận phụ huynh và bác sĩ nhi khoa. Phương pháp này phổ biến đầu tiên vào những năm 1950 bởi Bác sĩ Spock – ông được xem là bậc tiền bối trong việc chăm sóc trẻ em vào thời ấy. Ý tưởng của phương pháp này là cha mẹ nằm quyền điều khiển tiếng khóc của con – chứ không phải con – trong một khoảng thời gian nhất định, bắt đầu bằng một giai đoạn ngắn và tăng dần thời gian cho tới khi bé buộc phải ngủ (thường là do kiệt sức và cảm giác bất lực vì biết mình có gào khóc nữa cũng không giúp ích được gì).
Không có gì chối cãi rằng phương pháp này có hiệu quả đối với một số gia đình, và cũng không có gì chối cãi rằng nó cũng gây ra sự tổn thương về mặt tình cảm cho tất cả những người quan tâm – nhất là cha mẹ của đứa trẻ. Tuy nhiên, một vài tuần đầu và vài tháng đầu sau khi sinh, bé khóc vì bé CẦN (chứ không phải MUỐN) được chú ý. Bé cần được cho bú, vỗ về hoặc thay tã – thậm chí là vào nửa đêm.
Nhưng chính những người có chuyên môn ủng hộ phương pháp này cũng phải thừa nhận rằng phương pháp này không phù hợp với trẻ dưới sáu tháng bởi vì đây là giai đoạn mà tình cảm của bé “phát triển mạnh mẽ nhưng lại có rất ít quyền lực” theo như lời của nhà tâm lý Penelope Leach trong cuốn sách Your Baby and Child, và hoàn toàn không có phương tiện giao tiếp nào ngoài tiếng khóc. Làm sao một đứa trẻ ở tuổi này lại có thể cho cha mẹ biết rằng con không muốn cha mẹ bước ra khỏi phòng mà không khóc? Theo Dr William Sears trong cuốn The Baby Book, luyện cho trẻ ngủ sau độ tuổi này “đi ngược lại với bản năng sinh học của người mẹ.” Bản năng của người mẹ là bảo vệ con, đến bên con những lúc con cần có mẹ.
Có nhiều chương trình và sách hướng dẫn luyện ngủ cho bé khác nhau nhưng đa phần sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên trước khi tham gia chương trình và mua sách luyện ngủ theo hình thức này, hãy cân nhắc những điểm sau:
– Bạn cần nhớ rằng khóc là phương tiện giao tiếp DUY NHẤT của con nếu không nhìn thấy cha mẹ.
– Khi bé khóc, bạn có thể “giải mã” được lý do con khóc vì đó là con của bạn; đây là tín hiệu tự nhiên bé phát ra để được cha mẹ có mặt và vỗ về. Nếu bạn cho con bú, khi nghe tiếng con khóc, bạn có thể cảm nhận được phản xạ sữa xuống – điều này hoàn toàn tự nhiên.
– Bé đang nhận thức rằng ngoài tiếng khóc ra, bé không có phương tiện nào khác để gọi cha mẹ. Dr Sears thậm chí còn cho rằng có lẽ bé “cảm nhận rằng mình là người ít giá trị” vì không thể phụ thuộc vào sự có mặt của mẹ để làm cho mình yên tâm.
– Khi áp dụng CIO, bạn đang tự làm tê liệt cảm xúc của chính mình.
Bản thân người viết bài này cũng đã từng áp dụng CIO và đây là một trong những sai lầm lớn nhất trong cuộc đời làm mẹ của mình.
III. SÁU MÓN QUÀ MÀ CHA MẸ NÀO CŨNG CÓ THỂ DÀNH CHO CON
1. Hiểu nhu cầu của bé:
Đối với bé, cha mẹ là người quan trọng nhất. Bé phụ thuộc vào cha mẹ về mặt tình cảm và cần giúp đỡ để điều chỉnh cảm xúc của mình. Hãy tưởng tượng bạn đến một chỗ làm hoàn toàn xa lạ, làm một công việc chưa bao giờ làm, biết bao bỡ ngỡ và lo lắng. Thật tốt biết bao nếu bạn có người hướng dẫn. Tuy nhiên, đối với bé, thì sự việc còn đi xa hơn điều đó nữa, bởi vì người lớn đã đủ trưởng thành và có khả năng thích nghi với môi trường mới một cách độc lập, còn đối với bé thì thế giới này quá rộng lớn và mới mẻ.
Nhiều người cho rằng bồng bế con thường xuyên sẽ dễ làm cho con phụ thuộc và “bám hơi mẹ”. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những em bé thường xuyên được mẹ địu sẽ cảm thấy yên tâm gấp hai lần những bé không được như vậy. Ôm bé vào lòng và quan tâm đến nhu cầu của bé sẽ làm giảm nồng độ của hormone stress và giúp bé vượt qua sợ hãi hay lo buồn. Cha mẹ ôm con vào lòng sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, cải thiện hô hấp, ổn định nhịp tim, làm tăng cảm giác ngon miệng giúp tiêu hóa tốt và có lợi cho giấc ngủ. Việc đụng chạm vào cơ thể con còn giúp cho hormone tăng trường hoạt động và phát triển não. Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ không được cha mẹ bồng bế và ôm ấp khóc gấp hai lần những trẻ có may mắn như vậy.
2. Hiểu bé muốn “nói” cho bạn biết điều gì:
Một trong những món quà ý nghĩa nhất mà cha mẹ có thể dành cho con đó là chú ý và suy nghĩ về hành vi của con. Nên nhớ, hành vi của bé bao giờ cũng có một ý nghĩa nào đó – hành vi đó lúc nào cũng là một dấu hiệu mà bé cần cha mẹ nhận biết.
3. Nghĩ về bản thân mình và tác động của việc làm của mình đối với bé:
Không chỉ hiểu bé muốn “nói” cho bạn biết điều gì mà bạn cần suy nghĩ về hành vi của mình đối với bé. Ví dụ, một người cha trở về nhà sau một ngày dài làm việc, rất háo hức muốn chơi với con gái của mình. Tuy nhiên, sau khi chơi với con một tiếng đồng hồ thì bé bắt đầu quấy khóc và rất khó khăn để ngủ.
Có gì không ổn trong việc này?
Người cha về nhà khi con đã bắt đầu mệt và sắp đến giờ ngủ. Tuy nhiên thời gian chơi với con quá lâu khiến con bị kích thích quá mức làm cho bé cáu bẳn và không ngủ được. Nếu người cha HIỂU nhu cầu của con, và lường trước được tác động của hành vi của mình đối với con thì thay vì chơi những trò làm thần kinh của con bị kích thích, có thể tắm, mát xa và hát ru để giúp con ngủ.
4. Học cách điều chỉnh cảm xúc cho bạn và cho con:
Chúng ta đều biết cách tự điều chỉnh thân nhiệt. Chẳng hạn như khi trời nóng, ta bật quạt hoặc điều hòa, trời lạnh thì ta bật máy sưởi hoặc mặc thêm quần áo để giữ ấm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình.
Tại sao điều chỉnh cảm xúc quan trọng đối với con?
Những trẻ biết điều chỉnh cảm xúc của mình thường có những khởi đầu vượt bậc. Trẻ có khả năng tập trung tốt hơn, trẻ giận dữ nhưng không trở nên bạo lực hoặc bùng nổ. Trẻ chỉ làm được điều đó nếu như cha mẹ nhận ra được cảm xúc và có phản hồi kịp thời với cảm xúc của con. Đến bên con khi con cần cha mẹ chính là cách cha mẹ thực hiện điều đó.
Tại sao điều chỉnh cảm xúc quan trọng đối với cha mẹ?
Để giúp con điều chỉnh cảm xúc của mình, trước hết cha mẹ phải biết tự điều chỉnh cảm xúc bản thân. Theo nhà tâm lý học Zeynep Biringen, một trong những trở ngại lớn nhất trong mối quan hệ cha mẹ – con cái chính là việc cha mẹ từ chối tiếp cận hoặc đối mặt với cảm xúc của chính mình. Bước quan trọng nhất để làm cho con cảm giác yên tâm khi ngủ chính là khả năng tự cân bằng bản thân mình trước tiên, giống như khi muốn cứu người chết đuối thì bản thân người cứu phải biết tự cứu mình trước vậy.
5. Có sự cảm thông với con:
Cảm thông là khả năng thật sự thấu hiểu và cảm nhận những gì mà con đang trải qua. Nếu bạn thông cảm được những cảm xúc của con, bạn sẽ ứng xử với tiếng khóc của con theo chiều hướng khác vì bạn nhận thấy rõ ràng rằng bé đang cảm thấy buồn, sợ hoặc giận dữ. Hãy đặt mình vào vị trí của con: việc đặt con vào giường và ngủ một mình cũng tương tự như ngày đầu tiên bạn đến chỗ làm mới vậy. Tuy nhiên, tiếc là có nhiều người hay gán cho con những tính cách như “hư”, “làm nũng” khi con trở nên không hợp tác và muốn được chú ý.
6. Hiểu bản thân mình:
Nếu không có ý thức khi suy ngấm về những trải nghiệm thời thơ ấu đã ảnh hưởng như thế nào đến cách suy nghĩ và cảm xúc của mình, bạn có khả năng sẽ hành xử như cha mẹ mình trước đây. Có bao giờ bạn tự hỏi những cư xử của mình hiện tại là do ảnh hưởng từ cha mẹ mình hay không, và bạn có thấy cách cư xử của mình có hợp lý hay không? Điều quan trọng bạn cần biết là cho dù bạn đã có một tuổi thơ đau khổ hay hạnh phúc thì việc này không có ý nghĩa bằng việc con bạn có thấy yên tâm và được bảo vệ hay không.
Tuy nhiên, biết được ảnh hưởng của thời thơ ấu của mình đến việc làm cha mẹ không phải là điều dễ dàng và nhanh chóng. Đó là một quá trình liên tục nhưng quan trọng, miễn là bạn ý thức được điều đó.
IV. NHỮNG GỢI Ý GIÚP CON NGỦ
“Giúp” con ngủ, chứ không phải “luyện” con ngủ. Vì luyện con ngủ có tính chất áp đặt và ép buộc con phải theo khuôn khổ, trong khi giúp là hỗ trợ, tạo điều kiện cho con ngủ.
Không có phương pháp nào là duy nhất và phù hợp cho tất cả, bởi vì mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Những gợi ý dưới đây chỉ mang tính tham khảo.
Dưới 12 tuần, khi bé thức dậy vào ban đêm và khóc thì thường là do đói, bởi vì dạ dày của bé còn nhỏ và bé chưa quen với việc bú nhiều để no lâu. Sau 12 tuần, khi thức giấc nửa đêm và khóc, có thể bé chưa đói nhưng đồng hồ sinh học của bé chưa đủ trưởng thành để giúp bé ngủ trở lại. Do đó bé thức vì cần được cha mẹ ôm ấp, vỗ về, hoặc bú mẹ để cảm thấy yên tâm. Một số bé có thể tự mút tay và ngủ trở lại, có bé cần vỗ lưng để ngủ và có bé chỉ ngủ khi được bú.
Khi cho bé bú vào ban ngày, hãy làm cho không khí và môi trường sinh động: hát, nói chuyện với bé, kéo rèm cửa cho ánh sáng tràn ngập phòng. Ban đêm, đừng nói chuyện hay chơi với bé khi sắp đến giờ ngủ. Trong sáu tháng đầu tiên, bạn có thể dạy cho bé cách phân biệt ngày và đêm bằng nhiều cách sau:
– Tắm và mát xa cho bé trước khi ngủ.
– Ban đêm, cho bé bú trong phòng có ánh sáng mờ và khi bé bắt đầu ngủ hãy đặt bé xuống giường, ban ngày hãy làm cho phòng sáng sủa, nhớ chuẩn bị sẵn tã và quần áo cho bé để thay khi cần.
– Nơi ngủ của bé cần ấm áp – không nóng hoặc lạnh. Ủ ấm bé quá mức là một trong những nguy cơ gây ra chứng đột tử sơ sinh (SIDS), tuy nhiên nhiệt độ lạnh cũng dễ làm bé thức giấc. Vì vậy hãy mặc cho bé những lớp quần áo mỏng, hay còn gọi là quần áo “củ hành” vì dễ cởi ra từng lớp để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Chăn đắp bé cũng vậy, hãy dùng những cái chăn mỏng đắp từng lớp lên người bé thay vì dùng chăn bông dày và nặng. Nếu bé quá nóng, bé sẽ đổ mồ hôi và nhịp thở của bé sẽ nhanh, khoảng 50 lần/phút và khi đó chắc chắn bé sẽ khóc.
– Luôn có mặt bên con khi con khóc. Bé khóc vì bé cần bạn và khi mẹ đến bên bên con khi con cần thì con sẽ cảm thấy yên tâm, do đó sẽ nhanh chóng ổn định tâm lý và ngủ trở lại. Nên nhớ, bạn không làm con hư khi chỉ đơn giản là bế con lên khi con khóc.
Tuy nhiên, quan trọng hơn hết, đó là hãy thiết lập lịch sinh hoạt đều đặn, điều chỉnh sinh hoạt của bản thân và gia đình sao cho phù hợp với việc chăm sóc bé.
Nhiều người cho rằng cho con bú để con ngủ là một thói quen không tốt. Tuy nhiên cho con bú để ngủ là một điều tự nhiên mà bình thường mà tạo hóa đã sắp đặt và giao nhiệm vụ cho người mẹ. Không có gì xấu trong việc một em bé cần mẹ bên cạnh để ngủ. Việc cho con bú để ngủ cho tới khi nào tùy thuộc vào sự sẵn sàng của hai mẹ con.
Bé thức giấc nhiều lần trong đêm là bình thường, bé cũng có thể bú mẹ nhiều lần trong đêm để ngủ và điều này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của người mẹ. Tuy nhiên, cho con bú bình bằng sữa công thức không phải là một giải pháp giúp con ngủ lâu và sâu hơn.
V. CHĂM SÓC BẢN THÂN
Chúng ta đều biết rằng đánh mắng một đứa trẻ, nhất là con mình, là một việc không ai muốn làm và tất nhiên là không nên làm. Thật ra, đó là cách mà người lớn giải tỏa bức xúc của chính mình và hoàn toàn không có tác dụng giúp con.
Nếu thực sự bạn không thể chịu nổi tiếng khóc của con, hãy giao bé cho người khác, hoặc đặt bé vào một nơi thật an toàn rồi bước ra phòng, tìm một nơi yên lặng để giúp mình bình tĩnh lại. Điều này giúp cho con không bị hại (mắng, tét vào mông, thậm chí nếu bạn không điều chỉnh được cảm xúc có thể còn làm những điều tệ hại hơn với con) và bản thân mình có cơ hội trầm lắng xuống. Không có gì bất thường nếu bạn cảm thấy có những lúc không thể nào đối phó được với tình hình, nhất là ban ngày đã mệt mỏi vì chăm con, hoặc đi làm.
Tuy nhiên, nếu biết rằng tuổi thơ của con đi qua sẽ không bao giờ trở lại, bạn sẽ thấy những ngày tháng bên con có ý nghĩa vô cùng.
Những gợi ý giúp con ngủ trên đây chỉ mang tính tham khảo, chỉ có bạn là người duy nhất có thể hiểu được con mình, bằng tình thương yêu lúc nào cũng tràn ngập dành cho con. Bất kỳ phương pháp luyện ngủ nào cũng sẽ hiệu quả với một vài người, nhưng sẽ không phù hợp với những trường hợp khác vì mỗi bé là một cá thể riêng biệt, và mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng.
Nếu biết được những biểu hiện của con là bình thường thì sự mệt nhọc sẽ được giải thích, và bạn sẽ thấy điều đó có giá trị. Nhiều người chấp nhận “Thà mệt một tí mà yên tâm vì con như vậy là bình thường, còn hơn áp dụng phương pháp này kia mà sau này có tác dụng không tốt cho con.”
Hãy dành thời gian để chăm sóc cho bản thân bất kỳ khi nào có thể, đừng cố gắng ôm đồm nhiều việc cùng một lúc, bạn cần tinh thần khỏe mạnh và cơ thể khỏe mạnh để tiếp tục chặng đường phía trước cùng với con.
Bài viết có sử dụng một số thông tin từ các tài liệu dưới đây:
1. Helping Your Baby to Sleep: Why gentle techniques work best (Anni Gethin & Beth Macgregor, 2007, Finch Publishing, Sydney)
2. Women’s Weekly Parenting Guide: Baby Sleep
3. The Sensible Sleep Solution: A guide to sleep in your baby’s first year (Sarah Blunden & Angie Willcocks, 2012, Wakefield Press)
4. 100 Ways to Calm the Crying (Pinky McKay, 2002)
5. Breastfeeding Management in Australia (Wendy Brodribb, 2012)
6. Parenting Science website
7. Australian Breastfeeding Association website
8. SIDS and Kids website
9. ABA Webinar, Dr Carlos Gonzalez
10. Raising Children Network website