“Chị ơi em bị đau răng, bác sĩ cho thuốc uống và dặn phải vắt sữa bỏ đi hoặc cai sữa cho con. Em phải làm thế nào?”
Một điều khá nhức nhối đối với tôi đó là những lời khuyên “cai sữa,” “vắt sữa bỏ đi” khi mẹ uống thuốc vì bệnh. Đương nhiên, trong những trường hợp bất khả kháng mà việc điều trị cho người mẹ có thể thực sự gây nguy hại cho con thông qua thuốc truyền qua sữa mẹ, bác sĩ vẫn phải cân nhắc là liệu việc cai sữa hay vắt sữa bỏ đi có thực sự cần thiết hay không. Tiếc rằng, đó vẫn là chuyện “ở những nước khác”, nơi mà mẹ sữa được giải thích cặn kẽ và được hỗ trợ nhiệt tình về mặt tinh thần cũng như những lời khuyên từ những người có chuyên môn thực sự và hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ. Nếu bạn tra thông tin thuốc trên LACTMED, bao giờ cũng có phần “Alternate Drugs to Consider” tức là những loại thuốc có thể thay thế cho thuốc (có khả năng) ảnh hưởng không tốt đến sữa mẹ và em bé.
Mẹ cũng có những lúc bị bệnh và cũng cần uống thuốc.
Bài viết dưới đây trích từ ý kiến của bác sĩ Jennifer Rebecca Thomas. Bà còn có tên thân mật là Dr. Jen, một bác sĩ nhi khoa và là chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm trong thời gian cho con bú tại Lakeshore Medical Clinic ở Franklin, Wisconsin (USA) và là một Trợ lý Giáo sư tại Trường ĐH Y Khoa Wisconsin. Hiện nay bà làm việc tại Viện Hàn Lâm Nhi Đồng Hoa Kỳ (AAP: American Academy of Pediatrics). Bà là tác giả của cuốn sách “Dr. Jen’s Guide to Breastfeeding” (Hướng dẫn của Bác sĩ Jen về Nuôi con Sữa mẹ.)
Đồng thời, theo một nghiên cứu vào năm 2013 của Tiến sĩ Hari Cheryl Sachs thuộc Viện Hàn Lâm Nhi Đồng Hoa Kỳ, hầu hết các loại thuốc hiện nay đều tương thích cho việc nuôi con bằng sữa mẹ khi người mẹ cần phải dùng thuốc. “Thông tin chung là hầu hết các loại thuốc đều tương thích với việc cho con bú, và rằng người mẹ không cần phải cai sữa cho con để uống thuốc. Trên nhãn thuốc cần phải ghi chính xác như vậy. Đây quả thật là một tin vui cho các mẹ sữa.” Bà Diana West, một chuyên viên tư vấn sữa mẹ và phát ngôn viên của La Leche League International, đã phát biểu như vậy.
Quá nhiều phụ nữ liên tục được khuyên là cần phải vắt sữa bỏ đi khi uống thuốc. Thường thì thông tin này là sai lầm một cách khá nhức nhối, việc cho con bú bị gián đoạn một cách không cần thiết, làm ảnh hưởng đến nguồn sữa cũng như sự tự tin của người mẹ cũng như làm phát sinh ra những chi phí không đáng có.
Sữa mẹ được tách biệt với máu thông thường bởi một loại máu gọi là: hàng rào sữa (milk barrier). Để cho một loại thuốc được tiết vào máu rồi vào sữa mẹ thì nó phải thông qua loại máu đó, tức là hàng rào sữa.
Vài ngày đầu sau khi sinh, chỗ hở ở những khớp nối (gap junctions, tức là khoảng trống giữa các tế bào) mở ra và “hở” để cho các chất từ máu được tiết vào sữa. Điều này thật ra chẳng có gì ghê gớm vì em bé đã được tráng ruột bằng sữa non. Bất kỳ loại thuốc nào mẹ uống ít có khả năng đem lại ảnh hưởng đáng kể cho bé bởi vì em bé không bú vào một lượng lớn sữa non (dung tích dạ dày trẻ sơ sinh trong vài ngày đầu chỉ từ 5-7ml). Những chỗ hở này sẽ khép lại vào khoảng ngày thứ 4 sau khi sinh, có nghĩa là kể từ lúc này bất kỳ loại thuốc nào cũng cần phải thẩm thấu qua 2 lớp hàng rào lipid kép (lipid bilayers) để vào sữa. Sau khi những kẽ hở này đóng lại thì thuốc cần một số tính chất nhất định mới tiết được vào sữa. Những phân tử nào mà dễ dàng vào sữa mẹ là những phân tử nhỏ và ưa béo (lipophilic, có nghĩa là chúng có thể dễ dàng tương tác với chất béo.) Những chất như alcohol nằm trong phân loại đó. Bởi vì chúng ưa béo nên chúng có thể đi thẳng vào hàng rào máu sữa (milk barrier) nhưng sau đó lại quay trở ra ngay (xem minh họa trong phần “khuếch tán đơn giản”). Những phân tử khác có những chất dẫn truyền đặc biệt để vào sữa.
Để cho một loại thuốc đem lại sự khác biệt so với khi không uống thuốc đối với mẹ đang cho con bú thì:
Nó cần phải có dạng uống được (orally available): nghĩa là nếu em bé tiếp nhận thuốc từ sữa mẹ thì thuốc đó cần phải có hiệu quả khi uống. Nhiều loại thuốc không có tác dụng khi uống. Chẳng hạn như Heparin, Aminoglycosides và cephalosporins thế hệ thứ ba (hai loại sau là thuốc kháng sinh), và thuốc phản quang (radiocontrast agents dùng trong việc chụp MRI và CT) không uống (bằng miệng) được. Thường thì người ta tiêm thuốc hoặc truyền.
Nó cần thẩm thấu qua hệ dạ dày-đường ruột (GI tract): Thuốc chỉ có tác dụng nếu nó có thể vào đường máu của người mẹ. Nếu nó không thấm qua GI tract để vào máu thì cũng không thể vào sữa được. Vài ví dụ của một số loại thuốc thấm qua GT tract và không vào được máu với số lượng đáng kể là morphine và sumatriptan (chúng chỉ ẩn ở gan), gadolinium salts (dùng trong MRI), thuốc phản quang (iodinated contrast agents dùng trong CT) và Vancomycin (một loại kháng sinh). Lưu ý: Có thể chụp MRI và CT hoàn toàn an toàn mà không cần cai sữa.
Nó cần phải tiết vào sữa: Những protein có phân tử lớn và nặng như insulin và interfero không thể vượt qua hàng rào bảo vệ dày đặc này và do đó không tiết vào sữa.
Nó cần ở dạng uống cho trẻ: Liệu em bé có uống được không?
Nó cần thấm qua hệ dạ dày-đường ruột của trẻ: Em bé có tiêu hóa nó được không?
Nó cần có liều lượng đáng kể: khi thuốc vào máu của bé, nếu có, thì bao nhiêu?
Chúng ta cũng cần cân nhắc:
– Liều lượng chuyển vào bé
– Tuổi của bé
– Tác dụng của thuốc đối với bé
– Tác dụng của thuốc đối với nguồn sữa mẹ
Những điểm cần nhớ:
Cho con bú là quan trọng!
Bạn có thể tham khảo thông tin ở nhiều nguồn.
Tốt nhất là cho rằng thuốc tương thích (hơn là cho rằng thuốc an toàn) hơn là bảo người mẹ hút sữa bỏ đi mà không giải thích lý do vì sao.
Hướng dẫn chung:
- Chúng ta không vứt sữa đi mà không có một lý do thật sự chính đáng. Chẳng hạn như bạn chuẩn bị hóa trị hay quyết định hít heroin.
- Hầu hết các thuốc đều tương thích với việc cho con bú (tránh nói “an toàn”)
- Hầu hết các dược sĩ hoặc những bs khác đều không biết lời khuyên số 1, số 2 hoặc mhs loại tốt rất là đắt tiền. Đôi khi họ cũng cố ý đưa ra những lời khuyên không đúng. Xem lại mục số 1 và 2.
- Nếu bạn không thật sự cần phải uống (chẳng hạn như thuốc trị cảm) thì đừng uống.
- Hầu hết thuốc kháng sinh đều được (cho con bú).
Thông tin tham khảo:
DrJen4Kids, Medication transport into breastmilk.
Dr. Thomas Hale, Medication and Mother’s milk
Dr. Hari Cheryl Sachs, The Transfer of Drugs and Therapeutics Into Human Breast Milk: An Update on Selected Topics