Khi vận động nuôi con bằng sữa mẹ, không ít lần tôi gặp phải những câu chất vấn như sau:
– Nói thế sct là thuốc độc à? Những mẹ cho con bú sct là những người mẹ hại con à?
– Thế những trường hợp cơ địa mẹ ít sữa, mẹ bị mất sữa, mẹ đang kích sữa thì sao? Không phải ai cũng dám đi xin sữa mẹ khác cho con, nếu vậy thì con ơi nhịn đói đợi mẹ kích sữa đã hay sao?
– Biết sữa mẹ là tốt nhất rồi, nhưng đừng bao giờ chê bai sct vì đó là một thành tựu khoa học của loài người, đầy người bú sct đó, có ai chết đâu!
Tôi chỉ có thể nói rằng trong khi những người như tôi đang tìm mọi cách để biến cái bị hạn chế thành cái có thể, thì có những người đi tìm lý do cho quyết định bước vào ngõ cụt của mình khi xung quanh vẫn còn những cánh cửa khác.
Theo WHO, thứ tự như sau:
1. Sữa mẹ ruột cho bú trực tiếp
2. Sữa mẹ ruột vắt/hút ra
3. Sữa mẹ xin từ mẹ khác
4. Sữa công thức
Không có chỗ nào nói sct là thuốc độc và những người làm công tác vận động nuôi con bằng sữa mẹ chưa từng khẳng định như thế.
Vậy phải hiểu sao và diễn giải ra sao cho vẹn toàn đây?
Sct là lựa chọn thứ tư khi những lựa chọn khác không có, trích một đoạn trong một bài báo tôi đã dịch:
“Baby formula was never intended to be consumed on the widespread basis that it is today. It was conceived in the late 1800’s as a means of providing necessary sustenance for foundlings and orphans who would otherwise have starved. In this narrow context – where no other food was available – formula was a lifesaver.”
(Khi tạo ra sct, người ta đã không hề nghĩ rằng ngày nay nó lại được sử dụng rộng rãi như vậy. Sct được phát minh vào cuối những năm 1800 như là một phương tiện để cung cấp thức ăn cho những đứa trẻ bị bỏ rơi và trẻ mồ côi bị đói khát. Trong bối cảnh hạn hẹp này – khi xung quanh không có bất kỳ thức ăn nào – thì sct là một phao cứu sinh.)
Tức là phải cùng đường lắm thì em bé của loài người mới phải dùng sct để không bị chết vì đói khát. Giữa một người sắp chết vì bệnh và một người sắp chết vì đói, bạn sẽ cứu ai trước?
Em bé của loài người thời hiện đại, không đói khát mà phải uống sct, kể cả các trường hợp đói khát vì thiên tai thì UNICEF vẫn kêu gọi cho em bé bú mẹ và không khuyến khích tiếp nhận các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Tại sao? Bởi vì đây là lúc cơ thể trẻ em dễ bị tổn thương nhất vì bệnh tật do môi trường ô nhiễm, và sữa mẹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng và kháng thể cho bé. Nhưng nếu không nhận thì chẳng lẽ để các con chết đói sao? Hãy nghĩ đến một bối cảnh xa hơn, sau khi cơn đói qua đi thì một đại dịch khác ập đến và con số tử vong không hề nhỏ do bệnh tiêu chảy do sữa bị nhiễm khuẩn, nhất là do nguồn nước bị ô nhiễm trong lúc thiên tai.
Quay trở lại với những câu chất vấn đã nêu, có thể trả lời như thế này:
Sct không phải là thuốc độc và không ai nói những người mẹ cho con bú sct là độc ác. Nó là lựa chọn cuối cùng, nhưng có 2 hướng như sau:
1. Nếu người mẹ cho rằng nó tốt hơn sữa mẹ, và dùng nó như một sản phẩm thay thế hoàn toàn sữa mẹ trong khi mình vẫn có khả năng đủ sữa cho con, thì đó là lựa chọn do MONG MUỐN.
2. Nếu người mẹ vì lý do nào đó mà mất sữa, đành phải chọn sct trong khi mình kích sữa, trong khi không thể chọn vị trí thứ 3 (sữa đi xin của mẹ khác) vì lý do gia đình và xã hội, thì đó là một lựa chọn BẮT BUỘC trong hoàn cảnh của họ. Ở đây, là một sự lựa chọn miễn cưỡng vì họ hoàn toàn không muốn như vậy.
Lựa chọn duy nhất và lựa chọn tốt nhất khác nhau. Lựa chọn duy nhất tức là không thể có cái thứ hai để cân nhắc, vì hoàn cảnh nó buộc mình phải như thế. Lựa chọn tốt nhất, tức là hiểu rằng xung quanh nó còn có cái thứ 2, thứ 3 và thứ 4 nữa.
Trong rất nhiều trường hợp, lựa chọn thứ 4 được xem là lựa chọn tốt nhất, trong khi thực tế không phải như vậy, vì cộng đồng chúng ta ngộ nhận quá nhiều về lợi ích của sữa mẹ. Đây chính là điều mà những người làm công tác vận động nuôi con bằng sữa mẹ đang cố gắng thức tỉnh cộng đồng. Bởi vì nó không còn là lựa chọn cá nhân mà có liên quan đến sức khỏe của cả cộng đồng.
UNICEF nhấn mạnh cần thay đổi cách tuyên truyền và vận động nuôi con bằng sữa mẹ, đó là phải nói lên sự thật về sct đồng thời với việc vận động nuôi con bằng sữa mẹ. Không thể chỉ nói với người mẹ rằng “Sữa mẹ là tốt nhất, và đây là những lợi ích abcd của sữa mẹ” mà không kèm theo phần “Nếu như chị không cho con bú sữa mẹ thì đây là những tác hại 1-2-3-4…” vì nếu chỉ nói “Sữa mẹ là tốt nhất” thì có nghĩa chúng ta chấp nhận một “ngộ nhận mặc định” dù không nói ra thành lời “Sct tốt nhì” hoặc “Không có sữa mẹ thì sct cũng chả sao.”
Khi ta nói “Sữa mẹ có đặc tính chủng loài” và đưa ra ví dụ rằng em bé người bú sữa người, con bê bú mẹ bò, con cá voi bú sữa mẹ của nó thì y như rằng có người vào bắt bẻ “Nói vậy con người bú sữa con bò thì thành con bò hay sao, chỉ có bú sữa mẹ mới gọi là người hay sao?”
Tôi chỉ có thể nói rằng, đó là suy diễn của người đó, không nhất thiết phải là suy nghĩ của tôi và những người vận động nuôi con bằng sữa mẹ. Khi bạn hiểu vấn đề theo cách của bạn, bạn chịu trách nhiệm về cảm xúc của bạn do cách hiểu vấn đề đó. Đương nhiên, cảm xúc đó không nhất thiết phải là cảm xúc của người khác.
Một ví dụ khác, “Tây nó uống sct đầy kia kìa, có sao đâu!”
Bạn lầm! 95{8bef5806162a3bf903fe0c56d3d07538e41a568c559a5bf0d36ffdac25ffe5bd} trẻ em sinh ra tại Úc được bú sớm trong vòng 1 giờ đầu, tỉ lệ mẹ Úc nuôi con bằng sữa mẹ cao hơn rất nhiều lần mẹ Việt, kể cả mẹ Việt sống tại Úc. Vấn đề không phải là Tây hay Ta, vấn đề là nhận thức.
Một giả thuyết (chỉ là suy đoán không có cơ sở) là: Sct do “Tây” tạo ra, “Tây” sản xuất, phải chăng chúng ta muốn con “bự như Tây” nên cho con bú sct? Hãy suy nghĩ về điều này: Con bự, con to… để làm gì?
Dẫu sao, tôi không mong tôi có thể thay đổi cả cộng đồng vì công việc bé nhỏ của mình, nhưng tôi vẫn mong những con sao biển mà tôi đã nhặt được trong tầm tay trở về với biển, để rồi thì thầm với bạn bè chúng: “Đừng mải chơi ở gần bờ biển, sẽ bị sóng đánh dạt vào bờ đấy.”
Những gì bạn thấy trên tivi và báo chí, với những tính năng vượt trội abcd của sữa này sữa kia, chính là bờ biển đấy. Nếu không cảnh giác, bạn sẽ bị đánh vào bờ.