Bài viết thể hiện quan điểm của một người mẹ từng tặng sữa, và trước đó là một người hiến máu.
Tại sao tôi lại nhắc đến sữa và máu ở đây? Mời các bạn đọc những gì tôi sắp viết dưới đây.
Theo dõi một số diễn đàn cho tặng sữa trên toàn thế giới, cụ thể là mạng lưới Sữa người cho Em bé người (Human Milk for Human Babies), tôi chưa bao giờ thấy những post đại loại như “Em có 20 bịch sữa date 1/4/2017. Mẹ nào cần có thể đến địa chỉ abc để nhận. Khi đến vui lòng đem theo túi trữ sữa hiệu XYZ để đổi. Em chỉ dùng túi trữ sữa hiệu này thôi ạ, vì hiệu khác em không quen.” Hoặc “Em dư 20 bịch sữa mỗi bịch 230ml. Mẹ nào muốn lấy thì đổi cho em tã hiệu Bla Blo.” Đặc biệt có lần duyệt bài trong nhóm Ngân Hàng Sữa Mẹ, tôi phải xóa một post tặng sữa và đòi đổi sct hiệu Ba Con Chim vì “Con em không chịu bú sữa trữ đông của em.”
Không ngạc nhiên mấy khi gần đây có một số mẹ bị tố lợi dụng cho tặng sữa để làm tiền, thậm chí có mẹ còn bị tố cho sữa kém chất lượng, sữa hết date, sữa giả. Rồi báo chí vào cuộc, phóng viên ghi lại cuộc phỏng vấn đẫm nước mắt và màn trình diễn vắt sữa 9 phút được nửa lít sữa của một mẹ gần đây.
VÌ SAO NÊN NỖI? VÌ SAO LÀM ƠN MẮC OÁN?
Vừa rồi tôi cũng post link bài báo ấy, tuy nhiên để ở chế độ bạn bè mới xem được, không phải để minh oan cho mẹ ấy, mà để nhắc nhở bạn bè mình cẩn thận hơn khi chia sẻ những thông tin có thể gây tổn hại đến nhân phẩm và danh dự của người khác, đặc biệt khi mình chưa kiểm chứng.
Việc cho tặng sữa ở các mạng xã hội, đơn giản chỉ nên thế này: MXH là cầu nối, các mẹ tự liên hệ với nhau, tự tạo dựng NIỀM TIN với nhau, trước khi TẶNG và NHẬN.
Nhiều mẹ gửi một post rất dài kể khổ (dù rằng KHÔNG BAO GIỜ được duyệt), rằng mình đã mất công hút vắt trữ sữa, tốn tiền mua tủ trữ đông, tốn tiền điện, tốn tiền mua thức ăn tẩm bổ… mà người đến nhận sữa chẳng có một tiếng cám ơn, tỏ thái độ thờ ơ, lại còn chẳng mang túi đến đổi. Một số mẹ cương quyết không tặng sữa khi người nhận không đem bình giữ lạnh, tôi ủng hộ quan điểm này, vì mỗi giọt sữa là tinh hoa từ máu mẹ, mẹ nào cũng trân quý cả, đương nhiên sợ hư rồi.
LÀM ƠN MỘT CÁCH CHÍNH TRỰC LÀ GÌ?
Là không đòi hỏi, là không thương lượng đổi chác, là không mong chờ người ta phải nhớ ơn mình lâu dài, không mong chờ họ phải nói một câu làm mình phải tự hào vì giúp được họ mà để mình cảm thấy HẠNH PHÚC vì giúp được họ.
Ai chẳng biết mẹ hút sữa mất thời gian, ai chẳng biết túi trữ sữa phải mua, ai chẳng biết tủ trữ đông phải trả tiền điện, ai chẳng biết mẹ dư sữa nên mẹ cho. Tôi không nói là các mẹ đừng than trách, nhiệm vụ các mẹ là hút sữa và tặng sữa đi, đừng đòi hỏi gì.
Hãy cho tôi hỏi: Các mẹ có thương con của các mẹ không? Câu này thừa, đương nhiên tôi thương con tôi chứ, tôi đứt ruột đẻ ra nó mà.
Vậy thì tôi hỏi tiếp: Thế các mẹ có ghi lại mình đã chi những gì trong quá trình nuôi con để sau này tính sổ với nó không? Các mẹ có lưu lại tiền mình trả cho máy hút sữa, tủ trữ đông, tiền điện các loại để sau này nó trở chứng mà đem ra nói với nó: “Hồi xưa mẹ đã nuôi con cực khổ, tốn chừng này tiền, mà bây giờ con đối xử với mẹ thế này sao?” Rồi khi nó cầm xấp hóa đơn và đem lại một đống tiền rồi bảo: “Đây, con trả mẹ hết.”…. thì mẹ có vui không? Có hả hê không?
Khi tặng sữa, hãy đối xử với con người khác NHƯ CHÍNH CON CỦA MÌNH! Vì rằng không có chuyện sữa con mình bú là sữa xịn và sữa cho con người ta là sữa ít xịn hơn. Cùng từ bầu vú và tình thương yêu của mẹ mà ra, nên đừng so sánh, đừng đổi chác, đừng thương lượng và cũng đừng mong chờ người khác phải trả ơn và hàm ơn của mình. Có cha mẹ nào nuôi con mà mong chờ nó phải trả lãi cho mình đâu!
Đã gọi là LÀM ƠN thì hãy làm từ trái tim của mình. Nếu mẹ tặng sữa cảm thấy không thoải mái với người đến nhận sữa, thì cách tốt nhất là ĐỪNG CHO NỮA, ĐỪNG LÀM NỮA. Người ta đến xin bạn vài trăm để làm từ thiện, bạn cảm thấy không thích, không tin tưởng thì ĐỪNG CHO, không ai bắt bạn phải cho và không ai có quyền ép buộc bạn. Đừng cho, để rồi than thở, để rồi phải gửi một cái post dài dòng kể lể về sự vô ý của người nhận. Tôi đồng ý là có một số người không biết trân quý sữa mẹ, đến nhận sữa với một thái độ thờ ơ thậm chí là đáng trách. Nhưng bạn là người cho mà, bạn có quyền không cho!
Một khi chuyện tặng-xin sữa trở thành một cuộc đổi chác và thương lượng, đương nhiên người nhận sẽ đặt trách nhiệm cho người tặng: chị có cho sữa hết date không, chị có pha sữa với nước không, chị có tặng tôi sữa giả không, tại sao con tôi bú vào bị đau bụng? Tôi đã đem đổi abc cho chị rồi, có phải nhận không đâu?
Thế là, từ ý nghĩa nhân đạo ban đầu, việc này biến thành sự đổi chác! Tôi so sánh sữa với máu, vì sữa quý như máu, và cũng từ máu mẹ mà ra. Gọi là hiến máu nhân đạo, tức là có sự nhân đạo. Tại sao những thứ vô giá như vậy, người ta không ra giá? Vì nếu nó có giá, thì nó không còn vô giá nữa. Máu cứu mạng người, nếu nó đến từ một người đưa ra giá để bán, thì ý nghĩa nhân đạo không còn nữa và người mua đương nhiên có quyền đòi hỏi và đặt trách nhiệm lên người bán. Cái giá của sự vô giá chính là ở chỗ nó không có khói, không có khói vì không có lửa. Khi bạn biến chuyện tặng sữa thành một cuộc đổi chác, thì chính bạn đã đốt lửa rồi đó! Ngọn lửa đó, một ngày kia, có thể sẽ đốt luôn cả bạn; và thực tế đã có nhiều người chết cháy vì ngọn lửa do mình gây ra.
Bạn kể khổ, bạn than tốn tiền, tốn thời gian, đòi hỏi người ta phải đổi chác, rồi muốn họ mang ơn mình nữa. Cái gì cũng vừa phải thôi! Làm quá, phơi quá, con cá cũng phải khô!
Vì vậy, hãy định nghĩa lại chuyện cho sữa của bạn đi. Nếu bạn cảm thấy KHÔNG THÍCH thì ĐỪNG LÀM, vì không ai bắt bạn phải làm. Hãy hồi phục giá trị nhân văn và nhân đạo của từng giọt sữa bạn cho.
Đối với người xin sữa vô ý thức, nếu họ thực sự cần bạn giúp, cần xin sữa cho con họ, thì tự họ sẽ phải điều chỉnh thái độ và hành vi của mình để được giúp.
Ai cũng thương cảm cho người làm ơn mắc oán, nhưng để đừng mắc oán, thì đừng đốt lửa để gây ra khói, và đừng ra giá cho sự vô giá!