Thế nào là “cuồng sữa mẹ” và là một người dịch có lương tâm?

Thế nào là “cuồng sữa mẹ” và là một người dịch có lương tâm? post thumbnail image

Chẳng hiểu từ đâu ra có cái từ “cuồng sữa mẹ“, có lẽ từ khi có cái Hội trên Facebook gọi là Hội Sữa Mẹ chăng? (Nói chung chứ không riêng một hội cụ thể nào cả). Những người ủng hộ chuyện nuôi con bằng sữa mẹ bị gọi là “cuồng sữa mẹ” (bị ai gọi thì…biết rồi đấy, tức là những người không cuồng sữa mẹ gán cho cái tên đó chứ sao!)

Sữa mẹ là điều bình thường trong cuộc sống mà. Con người là động vật có vú, nên con của con người bú vú mẹ là điều tất nhiên. Vậy vì cắc cớ gì mà phải cuồng?? Nó có phải là tôn giáo không? Nó có giáo chủ không? Nó có phải tụng kinh làm lễ mỗi ngày không? Không phải như vậy.

Tôi cũng là một người cuồng sữa mẹ. Có thể người khác gán cho tôi cái tên như vậy, hoặc chính tôi cũng tư nhận như vậy. Vì hầu như không ngày nào mà tôi không học, không đọc, không viết gì về sữa mẹ, và tư vấn cho bao nhiêu người về sữa mẹ. Chưa hết, không ngày nào tôi không nhận email của ABA về sữa mẹ, không tuần nào tôi không có những buổi thảo luận về sữa mẹ. Tôi cuồng sữa mẹ là cái chắc rồi. Tôi  thấy chẳng có vấn đề gì khi “bị” gọi như vậy.

Nhưng hiểu “cuồng sữa mẹ” thế nào cho đúng?

Tôi cũng là một người mẹ như bao bà mẹ khác thôi. Nuôi con một mình nơi xứ người có nhiều bỡ ngỡ nên cũng mắc phải những sai lầm. Tôi luôn luôn nghĩ sữa mẹ là tốt nhất, nhưng trước đây tôi chẳng biết nó tốt thế nào. Sau này, tôi nhận ra rằng sữa mẹ không phải là tốt nhất, mà nó là tiêu chuẩn phát triển của em bé.

Trích một comment của tôi ở Hội Sữa Mẹ (Bé Tí Bú Ti) được nhiều người thích:

Cái câu “Sữa mẹ không phải là tốt nhất” nghe ngược lỗ tai phải hem?

Câu này mấy ông sản xuất sct ghi trên nhãn hiệu có ý vầy nè: “Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên nếu mấy chị em không đủ sữa thì có sản phẩm sữa abc của cty tui nè, có bổ sung DHA tùm lum tà la nè. Uống 2 ly sữa đáp ứng 80{8bef5806162a3bf903fe0c56d3d07538e41a568c559a5bf0d36ffdac25ffe5bd} nhu cầu dinh dưỡng nè… Hãy mua đi mua đi đừng ngại ngần!”

Đó, móc túi ra mua, nghe đã lỗ tai quá mà! Mua xong thấy đã cái túi quá mà. Cha mẹ sợ không mua sct cho con thì con nó sẽ không lớn nổi, nên nghe hù một cái là chạy te rẹt liền à.

Nhưng trước năm 1867 (năm sct được phát minh) không biết em bé của loài người bú cái gì mà bây giờ vẫn tiến hóa thành người vậy không biết nữa. Thiệt là diệu kỳ đó mà hehe…!

Nếu sữa công thức tốt như vậy thì không có chuyện 7 bà mẹ ở Mỹ thành lập ra La Leche League International vào năm 1956 để hỗ trợ và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sữa mẹ.

Nếu sữa công thức tốt như vậy thì không có chuyện 6 bà mẹ người Úc sống tại thành phố Melbourne nổi máu nóng lên họp lại để thành lập Hiệp hội Sữa Mẹ Úc Châu vào năm 1964.

Nếu sữa công thức tốt như vậy thì WHO không có khuyến cáo cho con bú mẹ hoàn đến 6 tháng, tiếp tục bú mẹ khi bắt đầu ăn dặm cho tới năm 2 tuổi hoặc hơn.

Nếu sữa công thức tốt như vậy thì làm gì có chuyện Liên minh Thế giới Hành động vì Sữa mẹ (WABA – World Alliance for Breastfeeding Action) thành lập năm 1991 để sát cánh cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Quyền lợi của trẻ em đó là: được bú mẹ, được nuôi bằng sữa mẹ, đồng thời bảo vệ và khuyến khích quyền của người mẹ: được nuôi con bằng sữa mẹ.

Tại sao con bò con, con chó con, con khỉ con, con ngựa con, con mèo con, con voi con và tất cả các động vật có vú đều được bú mẹ của chính giống loài đó mà con của con người phải đi bú sữa của con bò, con dê? Thật ra đâu có bú trực tiếp con bò hay con dê, mà phải qua xử lý, rồi bỏ vô hầm bà lằng chất này chất kia ĐỂ CHO GIỐNG SỮA CỦA CON NGƯỜI? Chi vậy?

Sữa mẹ không phải là tốt nhất, vì nếu nó được gọi là tốt nhất thì sẽ có cái tốt nhì (không thằng sct nào dám nói thẳng ra nhưng trên nhãn hiệu nó ngụ ý nói vậy đó). Sữa mẹ là TIÊU CHUẨN nên chỉ có thể đúng chuẩn và lệch chuẩn mà thôi. Chính vì vậy mà chúng ta phải thay đổi cách nói, để đem cái chuẩn này về lại với con người.

Tôi bắt đầu thấy nghi ngờ sữa công thức từ khi mang bầu Rơm. Khi đó Mẹ tôi ở Việt Nam kêu tôi mua sữa bầu để uống, nhưng tôi kiếm đỏ mắt không thấy nơi nào có bán sữa bà bầu. Thứ sữa duy nhất tôi có thể uống thoải mái ở Úc chính là sữa bò tươi. Tại sao một đất nước được biết đến như là một trong những nơi sản xuất sữa “hàng đầu thế giới” mà lại không có sữa bà bầu?

Tôi cũng từng nghĩ nếu không có sữa mẹ thì sữa công thức cũng chả sao, nhưng càng ngày khi tôi hiểu được những sự thật về nó, tôi càng cảm thấy hối tiếc vì ngày xưa đã không tìm hiểu kỹ về nó. Rơm bú mẹ 6 tháng đầu, và từ tháng thứ 6 trở đi tôi vẫn dặm thêm follow-on milk song song với sữa mẹ và ăn dặm! Tôi từng khổ sở vì con không chịu bú sữa công thức, cảm thấy con bị thiệt thòi quá. Vì thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức mà tôi đã biến những ngày tháng bên con thành những chuỗi ngày căng thẳng và cảm thấy bất lực vì chuyện ăn chuyện ngủ của con.

Khi tôi biết đến Betibuti cũng là lúc tôi vừa sinh Ron. Việc cho Ron bú với tôi đã trở nên dễ dàng vì tôi đã có kinh nghiệm hơn, biết tập khớp ngậm đúng và tư thế đúng cho con, biết da tiếp da, hiểu biết về trẻ sơ sinh hơn và những nhu cầu của bé và biết việc thiếu sữa phần lớn là từ nhận thức mà ra.

Tôi trở thành Admin của HSM không lâu sau đó, thông qua những đóng góp tích cực mà tôi thực tâm dành cho Hội, với mong muốn những bà mẹ khác không vấp phải những sai lầm trước đây của mình. Tôi đọc, dịch tài liệu, hoặc viết lại những gì đã được đọc và học từ khóa học Y tá của mình. Betibuti từng là ước ao của tôi cách đây mấy năm khi mình bắt đầu với ABA, nhưng tôi không thể thực hiện được khi đó. Phải nói rằng chị Hồng là người đã giúp tôi gợi lại niềm mong ước ấy, chị cũng là người đã đi trước mở đường để những người như tôi “đỡ cực” trong việc tuyên truyền những lợi ích của sữa mẹ.

Việc tuyên truyền lợi ích của sữa mẹ không thể không đi kèm với việc nói lên tác hại của sữa công thức, vì bấy lâu trong cộng đồng đã có quá nhiều ngộ nhận về “lợi ích” của nó. Tôi dịch và viết lại một bài từ trang web Vaccine Risk Awareness, link cụ thể ở đây. Đây là website đưa ra nhiều tranh cãi của việc nên hay không nên tiêm vắc-xin để phòng bệnh (mà đa phần là chống lại việc tiêm vắc-xin). Ở link đã nêu nói về tác hại của sữa công thức nhằm mục đích cho rằng tác hại của sữa công thức thật ra còn lớn gấp nhiều lần tác hại (nếu có) của việc không tiêm ngừa.

Trích dẫn:

“according to the pro vaccine information, between 1 and 3 infants a year die of whooping cough in Canada. 720 babies die from not being breast fed every year in the States. Which do you think is more dangerous?

Mothers are frightened of the diseases and so will vaccinate, but many of these mothers bottle feed, not knowing their baby’s risk from this is greater and health departments do more to promote vaccines than they do to promote breast feeding.”

Tạm dịch: “theo thông tin trước khi ngừa vắc xin, mỗi năm có từ 1 đến 3 trẻ sơ sinh chết vì bệnh ho gà ở Canada. 720 trẻ em chết vì không được bú mẹ mỗi năm ở Mỹ. Bạn nghĩ điều nào nguy hiểm hơn?

Các bà mẹ sợ bệnh và sẽ tiêm ngừa, nhưng nhiều người trong số đó cho con bú bình mà không biết nguy cơ của con từ chuyện này (bú sữa công thức) còn lớn hơn (việc không tiêm ngừa) và các Bộ Y Tế lại làm nhiều thứ để quảng bá việc tiêm ngừa hơn là khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ.”

Những thông tin mà trang web này đưa thật ra chỉ là tổng kết từ các nguồn rải rác. Đây không phải là nghiên cứu khóa học mà đơn giản chỉ là “điểm tin” thôi. Nhưng những vụ việc rùm beng về sữa công thức là có thật!

Vậy mà có người đưa có ý kiến thế này:

Nguyen Tu Anh1

Tôi không hiểu bạn này đọc hiểu tiếng Anh đến đâu mà nói tôi sai lầm về nhận thức cũng như cách đặt vấn đề? Bạn nói rằng chính WHO cũng có thông cáo và hướng dẫn về các trường hợp cần dùng thêm sữa công thức?

Phần chữ bạn ấy dịch (từ link chính bạn ấy đưa) thật ra như thế này:

Who

Nếu nói đưa dẫn chứng để phản biện, thì bạn ấy đã đưa dẫn chứng không phù hợp, và cho thấy có 2 khả năng: Một là khả năng đọc hiểu tiếng Anh của bạn có vấn đề, hai là bạn chỉ thích tìm những chi tiết có lợi cho luận điểm của mình mà thôi!

Rõ ràng là WHO có đưa ra những lý do để bổ sung sản phẩm kèm với sữa mẹ, nhưng cái ý quan trọng nhất (màu cam) lại CỐ TÌNH KHÔNG DỊCH dù nó to nhất, nổi nhất, đó là “Đối với trẻ sơ sinh mà sữa mẹ vẫn là lựa chọn tốt nhất nhưng có thể cần thức ăn khác cùng với sữa mẹ trong một thời gian nhất định,” tức là “có thể cần” chứ không phải “cần dùng thêm thức ăn thay thế sữa mẹ” và rõ ràng trong văn bản này có nhấn mạnh việc sử dụng thực phẩm bổ sung này chỉ nên thực hiện trong một thời gian nhất định. SỮA CÔNG THỨC KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ THAY THẾ ĐƯỢC SỮA MẸ!

Sữa công thức trong văn bản của WHO là sữa công thức đặc biệt, chứ không phải là sữa công thức bán phổ biến trên thị trường. WHO không nói sản phẩm thay thế sữa mẹ, mà nói sản phẩm bổ sung với sữa mẹ (in addition to breast milk), tức SỮA MẸ VẪN LÀ CHÍNH.

Nguyen Tu Anh2

Bạn này “tố cáo” tôi nói nhưng không nói hết vấn đề, bóp méo vấn đề theo hướng có lợi cho mình nhưng không hề có lợi cho cộng đồng! Chà, cái này phải dùng từ là “Gậy bà đập lưng bà đây!” Tôi nói lên tác hại của sữa công thức thì mình có lợi gì nhỉ, và cộng đồng không có lợi chỗ nào nhỉ? Tôi dịch có chỗ nào sai, chỗ nào bóp méo vậy? Rõ ràng tôi không bóp mà bạn ấy tự méo thôi. Sữa công thức không hề giảm thiểu suy dinh dưỡng ở nhiều trẻ em khác không thể bú mẹ! Trái lại, nguy cơ của trẻ khi không được bú mẹ thì nhiều lắm, nhiều đến nỗi bạn có thể tìm ở bất kỳ nguồn nào!

Kêu gọi của WHO, UNICEF, ICRC, IFRC về việc hỗ trợ nuôi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phù hợp trong trường hợp khẩn cấp tại châu Á, và cảnh báo về việc sử dụng không cần thiết các sản phẩm từ sữa.

Trích dịch:

Có một ngộ nhận phổ biến là trong những trường hợp khẩn cấp, nhiều người mẹ không thể tiếp tục cho con bú do căng thẳng (stress) hoặc không nhận đủ dinh dưỡng, và vì thế cần cung cấp sữa công thức và những sản phẩm từ sữa khác. Stress có thể tạm thời ảnh hưởng đến sữa mẹ; tuy nhiên nó không có khả năng ngăn cản quá trình sản xuất sữa, hãy tạo điều kiện cho mẹ và con ở gần nhau và hỗ trợ đầy đủ để tiếp tục cho con bú mẹ. Những người mẹ không đủ thức ăn hoặc suy dinh dưỡng vẫn có thể cho con bú mẹ đầy đủ, vì vậy cần bổ sung thêm nước và thức ăn để hỗ trợ sức khỏe cho họ.

Nếu sữa công thức được phân phát rộng rãi, những người mẹ có khả năng cho con bú có thể bắt đầu cho con thức ăn nhân tạo. Điều này làm cho nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gia tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong, đặc biệt là tiêu chảy khi nước sạch khan hiếm. Nếu việc lau rửa khó khăn (do thiếu nước sạch) thì việc sử dụng bình sữa chỉ làm cho nguy cơ nhiễm trùng gia tăng mà thôi.

Vì thế, trong những tình huống đặc biệt khó khăn, cần tập trung tạo ra những điều kiện hỗ trợ việc cho con bú, chẳng hạn như thiết lập những góc an toàn cho mẹ và con, hoặc giúp người mẹ kích sữa. Từng nỗ lực cần được thực hiện để xác định những phương pháp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cách ly mẹ được bú sữa mẹ, chẳng hạn như bú nhờ/bú thép (nếu được chấp nhận về mặt văn hóa).

Đối với việc điều trị trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng, những thực phẩm trị bệnh có nguồn gốc từ sữa cần được sử dụng bởi các cơ quan chuyên môn và nhân sự được đào tạo theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt và bảo đảm giám sát chặt chẽ. Những sản phẩm sữa công thức thông thường đều không đáp ứng được cho mục đích này.

Vì sữa mẹ là tiêu chuẩn phát triển cho em bé của loài người, nên nếu gọi là điều cực đoan để tẩy chay và lên án thì lên án và tẩy chay ai đây? Tẩy chay sữa mẹ sao? Trước năm 1867 thì em bé của loài người bú cái gì để lớn?

Tôi là một người dịch có lương tâm, tôi dịch đúng trong khả năng của mình, không bóp méo hoặc xuyên tạc nội dung của tài liệu. Việc kêu gọi ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của sữa mẹ không thể không nhắc đến tác hại của sữa công thức. Những tác hại này là CÓ THẬT và tôi KHÔNG TỰ BỊA RA. Hãy xem một quảng cáo sữa công thức của hãng Nestle cách đây từ rất lâu:

quangcaosct

Sữa công thức làm sao thay thế được sữa mẹ???

Thật ra, lý do có người bị “ném đá” là vì cho rằng sữa công thức cũng tốt, sữa công thức chẳng có gì gây hại cả. Họ tranh cãi điều đó ngay trong Hội Sữa Mẹ. Giống như một người không phải là tín đồ của Đạo Hồi xông thẳng vào Thánh Đường của Đạo Hồi mà gào lên “Các người cuồng đạo quá!”

Tôi biết rằng đoạn đường tuyên truyền về lợi ích của sữa mẹ mà tôi đang làm còn dài lắm. Từ một người từng nghĩ rằng sữa công thức cũng “không đến nỗi”, tôi đã trở thành một người “chống” sữa công thức thương mại (commercial infant formula) ở chỗ nó “tẩy não” người tiêu dùng đến mức làm họ xem thường giá trị của sữa mẹ. Phải nói rõ ràng nhé, sữa công thức thương mại, vì nó được sản xuất vì mục đích chính là thương mại! Tôi biết không thiếu những bà mẹ cho con bú sct vì hoàn cảnh và thật sự họ không mong muốn điều đó. Họ cũng ray rứt và khổ sở, nhất là khi họ biết đó không phải là lựa chọn tốt nhất cho con mình. Những bài viết của tôi không tấn công vào những người mẹ như vậy. Nhưng thực ra, điều họ thiếu không phải vì khả năng của họ không thể có đủ sữa cho con, mà vì họ không có được sự hỗ trợ và động viên đúng lúc. Phải nói rằng, xã hội chúng ta đã thất bại trong việc ủng hộ và giúp đỡ những người mẹ như vậy. Tuy nhiên, khi nói về tác hại của sữa công thức, rất nhiều người lầm tưởng đây là sự chỉ trích dành cho họ. Đây là một khúc mắc cần có sự cởi mở và hợp tác mới cởi bỏ được.

Việc một bà mẹ cho con uống một hai bình sữa công thức đối với tôi không đáng sợ bằng việc qua đó, nó tước mất niềm tin của người mẹ rằng mình có thể sản xuất ra những dòng sữa mẹ có giá trị gấp tỉ tỉ lần những bình sữa mà con mình uống. Nó làm cho người mẹ mất niềm tin vào khả năng nuôi con mà tạo hóa đã ban cho mình. Cái cảm giác được ôm con trong lòng, cho con bú, và nhìn ngắm thiên thần bé bỏng của mình là cảm giác thiêng liêng, xúc động và không gì có thể thay thế được. Sữa công thức được tạo ra với mục đích ban đầu là dành cho những trẻ mồ côi không có sữa mẹ để bú. Tại sao nhiều trẻ có cha có mẹ mà lại bị đối xử như trẻ mồ côi vậy? Tại sao một người mẹ sinh con mình ra, và mình hoàn khỏe mạnh, lại không thể cho con bú? Tại sao họ lại mất niềm tin vào bản thân như vậy? Vì quảng cáo, vì tuyên truyền, vì rằng sct đòi ‘soán ngôi’ sữa mẹ! Nhưng tôi cũng đồng ý với quan điểm cho rằng, tuyên truyền sữa mẹ qua việc gieo rắc nỗi sợ và hạ thấp người khác thông qua những câu  nói như “cho con bú sct là không thương con” hoặc “sct là thuốc độc” thì hiệu quả của nó còn tệ hại hơn cả việc đừng nói gì cả!

Nhận thức về tầm quan trọng của sữa mẹ trong cộng đồng Việt Nam quá thấp, rất thấp, cực kỳ thấp; điều đó cũng đồng nghĩa với sự tự tin của các bà mẹ Việt Nam về khả năng nuôi con mà tạo hóa đã ban tặng cho mình cũng thấp. Ngay cả cộng đồng người Việt sống ở Úc cũng vậy (ở các nước khác tôi không biết nhưng tôi nghĩ cũng không khá hơn gì đâu). Nói chuyện với vài cô y tá hồi tôi mới học khóa breastfeeding counselling của ABA, mới biết rằng hầu như người phụ nữ Việt nào cũng đem theo một hộp sữa công thức khi vào bệnh viện sinh con.

Tôi may mắn sống ở Úc, sinh con ở Úc, đội ngũ y tá bác sĩ và các bệnh viện Úc không quảng cáo sữa công thức, không pha 30ml sct cho trẻ sơ sinh bú. Hơn nữa, Hiệp hội Sữa mẹ của Úc là một tổ chức đi đầu trong việc tuyên truyền lợi ích của sữa mẹ. Nếu không tiếp cận, hoặc chủ động tiếp cận những nguồn hỗ trợ quý giá như vậy thì đúng là tôi đã bỏ lỡ đi những gì quý giá nhất của con và bản thân mình. Giống như một người nhận ra rằng mình đã bị tẩy não (bởi sữa công thức), tôi từng cảm thấy như mình đã bị lừa và bị ma mị bởi những quảng cáo ra rả về sữa công thức mà tôi đã xem trước khi qua Úc cách đây 7 năm. Bây giờ, tôi biết nó còn kinh khủng hơn thế!

Đây chính là lời giải thích cho việc “cuồng sữa mẹ” của tôi, và rằng thông qua những bài viết và bài dịch về sữa mẹ, tôi mong muốn góp phần thức tỉnh nhận thức của cộng đồng Việt (nghe có vẻ to tát quá, nhưng mong ước mà) về tầm quan trọng của sữa mẹ, vì nó làm cho người mẹ cảm thấy tự tin hơn, lạc quan hơn và mạnh mẽ hơn để đem lại phúc lộc cho con.