Tác giả: Bác sĩ Jack Newman
Dịch và hiệu đính: Nguyen N Dao
Có thiếu gì “ý kiến ý cò” xung quanh chuyện cho một bé lớn bú. “Nếu bé đủ lớn để nói là con muốn bú mẹ, thì tức là bé quá lớn để bú rồi đó.” “Nếu bé mọc răng, thì đó là cách tự nhiên để nói rằng đã đến lúc dứt sữa.” Và không hiếm những câu như: “Một tuổi mà vẫn còn bú à? Ghê quá.” Và những lời lẽ sau đây lại là từ một bác sĩ tâm thần nhi khoa đăng ở báo tiếng Pháp Le Soir, một tờ báo ở Bỉ vào ngày 29 tháng 11 năm 2003: “Trẻ quá 7 tháng rồi thì không dùng chung vú mẹ nữa vì chẳng khác nào mẹ bị lạm dụng tình dục.”
Làm thế nào mà những người thốt ra những lời vừa rồi lại có những suy nghĩ như vậy? Chuyện cho con bú tới lớn là tiêu chuẩn của phần lớn thế giới cho tới mới gần đây thôi.
Sau đây là trích dẫn một số tác phẩm văn học có nhắc tới chuyện cho bé lớn không phải là trẻ sơ sinh bú:
Nàng mười bốn tuổi vào đêm giao thừa Lammas
Tôi còn nhớ rõ ngày ấy nàng lên xe hoa
Mười một năm rồi từ ngày động đất
Không bao giờ tôi quên ngày nàng thôi bú
Kể từ ngày đó và tất cả những ngày trong năm
William Shakespeare. Romeo và Juliet. Đoạn I, Cảnh 3 (Juliet cai sữa năm 3 tuổi). Hãy xem nàng trở nên xinh đẹp như thế nào!
“Và cô có con không?”
“Tôi có bốn đứa; hai đứa còn sống – một trai một gái, tôi mới cai sữa cho bé gái ở lễ hội vừa rồi.”
“Bé mấy tuổi vậy?”
“Tại sao, hai tuổi.”
“Tại sao cô cho bú lâu như vậy?”
“Đó là truyền thống của chúng tôi; cho con bú ba mùa chay…”
Leo Tolstoy. Anna Karenina.
“Hiếm khi lắm mới có tiếng thút thít của một trong bốn đứa trẻ, tất cả các cháu, từ bé sáu tháng đến bé sáu tuổi là Amanda, đều được Louise cho bú.
“Không bao giờ nữa, không bao giờ có thể trở lại những ngày tháng mà chúng tôi được thỏa mãn chán chê. Chúng tôi được bú và bú. Những dòng sữa dồi dào luôn tuôn chảy. Không ai hỏi thế này có đủ không hay đừng cho con bú nhiều quá. Mẹ không bao giờ cho chúng tôi ngậm ti giả hay bảo chúng tôi phải hành xử có lý. Lúc nào chúng tôi cũng bú mẹ được.
“Hẳn là phải có lý do tại sao đàn ông chúng tôi lại phiền muộn về cặp vú như thể bị cai sữa mẹ quá sớm.”
Günter Grass. The Flounder
Tại sao điều đó lại quan trọng đối với những người nói những lời như “Nếu bé đủ lớn để đòi bú…”?
Họ nói vậy để làm gì chứ? Mặc dù ai nói gì thì nói, họ cáo buộc rằng tôi sỉ nhục những người mẹ không cho con bú (tôi không hề làm điều đó), thuyết giáo các bà mẹ ở khu mua sắm về chuyện cho con bú bình (tôi không hề làm điều đó), nói với cha mẹ tại Trung Tâm Sữa Mẹ Quốc Tế (International Breastfeeding Centre) rằng sữa công thức là thuốc độc (tôi không hề làm điều đó), thì tại sao họ không thể ngậm miệng lại khi thấy một người mẹ cho bé lớn bú?
Đây là những gì tôi suy nghĩ về tại sao điều đó lại quan trọng với quá nhiều người như vậy.
Trước tiên, bởi vì xã hội chúng ta xem bộ ngực chỉ là công cụ tình dục. Và, tất nhiên, bộ ngực có mục đích gợi dục. Nhưng cái miệng cũng thế; vậy, chúng ta cũng nên che miệng khi ra ngoài vì cái miệng cũng có mục đích gợi dục chứ? Chúng ta công nhận rằng cái miệng là để ăn và có tác dụng trong chuyện tình ái. Nhưng có vẻ chúng ta lại không thể công nhận rằng bộ ngực không chỉ có chức năng gợi dục.
Kết quả là, chúng ta chấp nhận, một cách miễn cưỡng, rằng một em bé bú mẹ là đủ rồi, còn bé lớn thì sao? Điều đó hơi quá phiền toái. Điều đó giống như làm tình với trẻ em vậy. Và những bình luận ở đoạn văn đầu tiên cũng từ đó mà ra, cái suy nghĩ cho con lớn bú giống như làm tình với trẻ em thật là tởm.
Freud đã giúp cổ súy ý kiến cho rằng cho bé lớn bú có gì đó không đúng. Freud tin rằng trẻ em phát triển qua nhiều giai đoạn, bắt đầu từ 0 đến 1 tuổi gọi là giai đoạn môi miệng (oral stage), tiếp theo là giai đoạn hậu môn (anal stage). Dù chẳng có cơ sở thực tế nào, ông vẫn tin rằng bạn không thể cùng lúc phát triển ở hai giai đoạn, và đây là một dấu hiệu của sự “phát triển lệch” (misdevelopment) nếu một đứa trẻ vẫn còn thể hiện các dấu hiệu của giai đoạn môi miệng sau một tuổi. Nói cách khác, là khi vẫn còn bú mẹ. Các bác sĩ tâm thần học biết điều này vì họ có học Freud, nhưng phần còn lại của chúng ta căn bản đã quên tuyên bố này của Freud nhưng đồng thời lại tin tưởng điều đó.
Tiếp tục cho con bú qua một tuổi chẳng có vấn đề gì cả, cứ cho bú cho đến khi bé có thể nói được để đòi bú mẹ và thậm chí nói là bé yêu thích điều đó như thế nào, điều đó chẳng có gì là ghê tởm cả. Phần ghê tởm duy nhất ở điều này ở chỗ là quá nhiều người thấy rằng chuyện cho bé lớn bú là ghê tởm.
Nhiều bác sĩ (và chuyên gia dinh dưỡng) tin rằng sữa mẹ sau một năm chẳng còn chất gì cả (một số người bảo 6 tháng).
Nếu sữa mẹ mất chất sau một năm vậy thì cho con bú để làm gì? Đây là chính là điểm người mẹ bị đổ tội. “Cô ấy làm như vậy chỉ để cho bản thân mình thôi,” tức là muốn con mình là em bé hoài, và không ngờ là họ ngụ ý rằng cho bản thân tức là trong đó có một phần là để thỏa mãn chuyện tình dục.
Vấn đề nằm ở chỗ cho con bú không chỉ vì sữa mẹ. Đó là một mối quan hệ, một mối quan hệ gần gũi thân thiết về thể xác và tình cảm giữa hai người yêu nhau nói chung.
Mặc dù có hằng hà sa số bằng chứng cho rằng sữa mẹ vẫn chứa các chất đạm, béo, tinh bột sau một năm và sau 3 năm và thậm chí lâu hơn; nhiều bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng vẫn khăng khăng cho rằng sữa mẹ chẳng còn gì cả vào một thời điểm cố định sau khi sinh. Hơn nữa, sau một năm, sữa mẹ vẫn chứa acid béo không bão hòa đơn mà các hãng sữa ngụ ý rằng họ sản xuất ra. Các kháng thể và nhiều yếu tố miễn dịch khác giúp chống viêm nhiễm vẫn còn đó, một số chất còn tăng hơn về số lượng so với vài tháng sau khi sinh. Các yếu tố dinh dưỡng khác nhau (kích thích sự phát triển của các hệ cơ quan khác nhau) vẫn có mặt trong sữa mẹ. Các yếu tố dinh dưỡng trong sữa mẹ hỗ trợ sự trưởng thành của não, ruột, và hệ miễn dịch, cũng như những hệ thống khác. Sữa mẹ luôn luôn chứa tế bào gốc, alpha lactabulbumin, khi tiếp xúc với acid dạ dày sẽ chuyển thành HAMLET (human alpha lactalbumin made lethal to tumour cells) và rất nhiều thứ nữa.
Làm thế nào mà bác sĩ lại kết luận rằng sau một năm thì sữa mẹ chẳng có gì cả? Tôi chỉ có thể đoán, nhưng tôi nghĩ một trong những phỏng đoán đó thực ra là có lý do.
Chuyện một số trẻ bú mẹ lâu mà vẫn không lên cân không hề hiếm. Thường điều này xảy ra là do người mẹ bị giảm sữa khá nhiều. Bé mút vú mẹ và không bú được nhiều sữa lắm. Đa số các bác sĩ không biết cách xem bé bú như thế nào để biết là bé có bú đủ sữa hay không. Họ tin rằng nếu bé ngậm khớp và có những cử động như vậy thì phải bú được sữa. Vì vậy, họ cho rằng sau một năm hoặc bất kỳ thời điểm tùy nghi nào sau sinh thì sữa mẹ chẳng có chất gì cả. Nhưng điều này không đúng. Trong đoạn phim đầu, em bé bú được nhiều sữa. Bạn có thể nói như vậy vì quãng nghỉ ở cằm khi bé há miệng hết cỡ. Mỗi lần bé mút là mở miệng-nghỉ-mở miệng. Đoạn bé nghỉ có nghĩa là “Con mới ngậm đầy sữa trong miệng.” Quãng nghỉ càng dài tức là bé bú được càng nhiều sữa.
Trong đoạn phim thứ hai này, mặc dù bé ngậm và mút nhưng hầu như không bú được bao nhiêu sữa. Không có quãng nghỉ ở cằm.
Trong một số trường hợp, bé bú mẹ lâu, nhưng bú không nhiều, không lên cân, thậm chí có lẽ còn sụt cân nữa, và còn không chịu ăn nữa. Làm sao có chuyện đó? Làm sao mà một đứa trẻ rõ ràng là không bú đủ để lên cân hoặc rõ ràng đang sụt cân lại không chịu ăn? Những người đói, kể cả trẻ em, thì phải ngấu nghiến thức ăn chứ.
Tôi tin rằng sữa mẹ bị giảm tới mức mà những em bé này, thực ra, bú và ăn theo thực đơn calorie thấp. Không phải là sữa mẹ không có chất gì, mà là bé không bú sữa, hoặc ít nhất là không nhiều sữa lắm. Vì vậy, cơ thể bé sẽ gặp phải tình trạng ketosis, một tình trạng mà nhiều chế độ ăn kiêng không lành mạnh cố gắng thuyết phục người ăn kiêng. Đừng ăn nhiều, cơ thể bạn sẽ tiết ra ketones và bạn sẽ không thấy đói.
Tại sao em bé lại bú lâu nếu bé bị ketosis? Bởi vì cho con bú không chỉ vì dinh dưỡng và năng lượng. Cho con bú đem lại cho con sự an tâm, dễ chịu và tình thương yêu. Vì vậy bé bú lâu, mút và mút và không nhận được nhiều dinh dưỡng, nhưng bé có được sự dễ chịu.
Đa số bác sĩ nhi sẽ bảo người mẹ phải ngưng cho bú và bé sẽ bắt đầu ăn. Thực tế, điều đó không phải cần thiết phải đúng. Nó chỉ đúng với vài trường hợp chứ không phải là tất cả, vì vậy điều này nguy hiểm bởi vì bé có thể bị mất nước một cách nguy hiểm. Và rồi sau đó có thể bé phải nhập viện để được ăn bằng ống xông và rồi bé sẽ bắt đầu ăn một khi được nạp calories. Nhưng bệnh viện không nhất thiết phải là một nơi an toàn cho một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng. Và biện pháp này kết thúc chuyện cho con bú và đó là một cái giá khá đắt để trả.
Làm sao để bé bú được nhiều hơn? Khi bé bú được nhiều sữa từ vú mẹ, tình trạng ketosis bị giảm và biến mất và bé bắt đầu cảm thấy đói và bắt đầu ăn cũng như tiếp tục bú. Giải pháp này tốt hơn chứ. Chúng tôi thường dùng domperidone trong trường hợp này và khá hiệu quả. Lượng sữa của mẹ tăng lên, bé bú được nhiều, không còn bị ketosis nữa, và bé bắt đầu ăn thức ăn cũng như bú mẹ.
Cần phải chỉ ra rằng kể cả khi mọi chuyện đều thuận lợi khi cho con bú, các bác sĩ sẽ thường xuyên bảo những bà mẹ cai sữa cho con vì “chẳng có lợi ích gì thêm cho em bé.” Điều này tất nhiên nói lên được mức độ hiểu biết của bác sĩ không những về việc nuôi con bằng sữa mẹ nói chung mà còn chuyện cho bé lớn bú nữa.