Trở về từ một buổi tiệc cuối năm mà lòng trĩu nặng. Vậy là người bạn thứ năm mà mình biết có con bị autism (tự kỷ). Mặc dù không ngạc nhiên gì mấy vì bằng linh cảm của người mẹ, cộng với những thông tin mình tìm hiểu được, mình đã cảm thấy thằng bé có gì đó không được bình thường như những đứa trẻ khác cùng tuổi, nhưng mình vẫn không tránh khỏi cảm giác xót xa và thương bạn vô cùng.
Nuôi một đứa con bình thường không phải là một chuyện lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi con đau bệnh hoặc ương bướng (theo cái cách mà người lớn nghĩ). Càng thử thách biết bao khi con “không được như con người ta”, phải kiên nhẫn và tốn nhiều thời gian hơn để nuôi dạy con, chưa kể phải tốn nhiều tiền hơn để đưa con đi can thiệp nhiều mặt, trong đó có phần ngôn ngữ. Mình hiểu rằng người mẹ người cha có lúc chỉ muốn buông xuôi tất cả, hay cầu mong có một lúc nào đó mà đầu óc và thể xác được tự do không phải suy nghĩ, chăm sóc và lo lắng cho đứa con không may của mình. Nhưng con là núm ruột của mình, làm sao dứt bỏ dễ dàng được. Con có như thế nào, có hơn thua gì con người ta thì đối với cha mẹ lúc nào con cũng là vật báu cả.
Nhưng viết ra những lời này, mình không muốn nói nhiều về những đứa trẻ không may mắc phải chứng autism hay những căn bệnh khác, mà muốn nói về những em bé hoàn toàn bình thường nhưng bị xem là không bình thường.
“Con em tháng này chỉ lên có nửa ký, tháng trước là một ký rưỡi.”
“Con em không ăn, con em lười ăn.”
“Con em bú mẹ hoàn toàn mà sao nay bệnh mai đau, con nhà hàng xóm uống sữa công thức mà khỏe mạnh. Sữa em nóng hay sao vậy chị?”
“Em chết mất chị ơi, con em không chịu ngủ thẳng giấc, thức dậy đòi bú hoài. Hay sữa em không đủ hả chị?”
“Con em 5 ngày nay không ị, mọi người bảo phải thụt cho con đi…”
Mỗi ngày mình nhận không ít những lời thở than như vậy qua tin nhắn riêng. Nỗi niềm cùng với những người lần đầu làm mẹ, nhưng quả thật có những lúc chỉ muốn thốt lên “Trời ơi con em như vậy là bình thường, em muốn con em phải như thế nào nữa mới được? Nếu em so sánh con em với con người ta, hãy nhìn những em bé bị tự kỷ kia kìa, hãy nhìn những em bé bị ung thư kia kìa, hãy nhìn những em bé bị bệnh hiểm nghèo kia kìa, và hãy nhìn vào ánh mắt của những bà mẹ của các em bé ấy, có thấy nỗi đau, sự thất vọng, nỗi buồn và sự tủi thân vì con họ không bằng con em kia…”
Không người mẹ nào có lỗi vì con bị bệnh này bệnh kia, cả những bệnh chữa được và những căn bệnh nan y, nhưng đừng nhìn cái cân để so sánh con mình và “con nhà người ta”, đừng lấy “con nhà người ta” làm thước đo cho sự phát triển của con mình. Mỗi em bé có những giai đoạn phát triển riêng, con nhà người ta 6 tháng mọc răng không có nghĩa là con mình phải mọc răng vào thời điểm ấy. Muốn biết con mình có bình thường hay không, hãy tìm hiểu như thế nào là bình thường, chứ không phải nhìn vào “con nhà người ta” để so sánh.
Trong khi cha mẹ của những đứa trẻ không được bình thường đang tìm mọi cách để con mình hòa nhập vào cuộc sống bình thường và phát triển bình thường, thì có những cha mẹ có con hoàn toàn bình thường lại xem con mình không được bình thường và có những can thiệp không cần thiết để biến cái bình thường thành bất thường.
Con đổ mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, ngủ hay uốn éo… thì lập tức cho rằng con mình không được bình thường, thiếu canxi, thiếu D rồi mù quáng tin theo những lời quảng cáo ngon ngọt để mua những sản phẩm mà chính mình cũng không thực sự hiểu rõ để cho con uống. Con sinh thiếu tháng, sữa mẹ là sản phẩm tối ưu cho con, nhất là sữa mẹ ruột vì có nhiều kháng thể hơn để bù đắp thiệt thòi cho con vì không may chào đời sớm, nhưng lại có sữa công thức làm từ sữa bò “dành cho trẻ sinh non”, sữa non của bò dành cho trẻ sinh non. Con đã chào đời vội vàng thì mẹ cần phải chậm lại để chờ con, cũng như mất 1h để dạy một đứa trẻ bình thường nói một từ thì cha mẹ của em bé bị autism phải dành 10h để giúp con nói được từ đó. Đừng bắt cơ thể non yếu của con phải phát triển bằng một em bé sinh đủ tháng, hoặc nhồi nhét cho con ăn nhiều, ăn dặm sớm để “cứng cáp”.
Làm mẹ cần bản năng, nhưng cũng cần kiến thức và cần óc phản biện để đặt những câu hỏi “tại sao”. Có ai làm mẹ mà chưa từng âu lo về con, cho dù con có phải là một đứa trẻ bình thường hay không. Có ai làm mẹ mà chưa đêm nào trực giấc vì tiếng con trở mình, cho dù đó là nhịp ngủ bình thường của con hay do con đang ốm.
Khi hiểu thế nào là bình thường và có kiến thức căn bản để chăm con, mẹ sẽ cảm thấy con đường làm mẹ của mình tự tin hơn và nhẹ nhàng hơn. Khi con bệnh mẹ sẽ hiểu là cơ thể của con sẽ trưởng thành và mạnh mẽ hơn sau khi bệnh, chứ không chỉ ngồi ước “Giá mà mẹ bệnh thay con!”
(Mẹ ngã xuống rồi, ai sẽ chăm con?)
Nuôi dạy con không phải là một trào lưu vì sẽ có lúc thoái trào, càng không phải để hơn thua người ta và vì thế không thể nuôi con theo đám đông và chạy theo truyền thuyết.