Khi tôi bảo với mẹ tôi rằng Rô sẽ ăn dặm theo phương pháp BLW, bà tròn mắt bảo: BLW là cái gì? Sau khi tôi giải thích cặn kẽ và thực hành cho mẹ thấy thì mẹ lắc đầu: “Mày cứ đem con ra thí nghiệm!” Tôi nói: “Mẹ à, đây là con của con. Con mang nặng đẻ đau ra nó. Con muốn đem lại điều tốt nhất cho nó. Con sinh tới đứa thứ 3 rồi, cũng bằng số con của mẹ. Con đã nghiên cứu học hỏi rất nghiêm túc. Mẹ phải tin con chứ. Chẳng lẽ con thiếu suy nghĩ và nông cạn sao?”
Mẹ im lặng, không nói gì; nhưng mỗi lần Rô ăn là mẹ cứ chăm chú nhìn ra chiều lo âu. Thằng nhỏ ăn thì ít mà quăng thì nhiều, có hôm không ăn gì. Có lần mẹ nấu cháo, múc ra một tí trước khi nêm, bảo là “Để cho thằng Rô”. Sau đó mẹ hỏi: “Mẹ đút cho nó ăn nhé?” rồi mừng vui khi tôi đồng ý. Rô ăn được chừng 3 muỗng cà phê cháo và bà ngoại hồ hởi nói: “Đó thấy chưa! Đút là nó ăn đó thấy chưa? Mẹ đã bảo mà!” Tuy nhiên chỉ được một lần đó. Những lần sau Rô đều quay mặt đi khi bà ngoại đút đồ ăn.
Đến bữa, tôi vẫn dọn đầy đủ thức ăn và Rô chỉ chọn món mình thích để ăn. Buổi sáng, khi bé được 9.5 tháng, tôi dọn một đĩa có bánh mì sandwich cắt miếng vừa tay cầm, vài miếng bơ và vài trái nho đã chẻ đôi. Bàn tay bé xíu của Rô thò vào đĩa rồi bốc ra tất cả bánh mì và bơ quăng xuống đất, chỉ chừa đúng nho và rồi ngồi bốc từng miếng ăn ngon lành. Hôm sau, tôi tiếp tục dọn đúng 3 món ấy nhưng cố tình để nho dưới cùng. Rô nhìn loáng cái là biết ngay “chiêu” của mẹ!
Nuôi con không khó! Cho con ăn không khó! Nấu cho con ăn không khó! Làm mẹ không khó!
Có đúng vậy không?
Tôi là một bà mẹ đúng nghĩa “một nách ba con” và không ít lần cũng rối lên khi xoay xở với những cơn “nổi loạn” đến cùng một lúc của các con.
Nhưng tôi chưa bao giờ phải rối lên vào những bữa ăn.
Đến bữa, tôi dọn đồ ăn ra bàn, mỗi đứa ngồi một bàn. Rô ngồi ghế ăn riêng, Rơm & Ron thì ngồi cùng mẹ. Trong khi bọn trẻ chăm chú ngồi ăn thì tôi tranh thủ…thở và lấy máy ra chụp ảnh và quay film (đương nhiên sau đó tôi cũng phải ăn).
Tôi đã thấy cảnh các bà, các mẹ làm đủ trò để cho con cháu mình ăn. Chạy theo con để đút từng muỗng cơm muỗng cháo. Thay vào đó tôi lại chụp từng bức ảnh làm kỷ niệm, lưu lại từng đoạn clip nhỏ cảnh bọn trẻ tự xúc cơm ăn, đồ ăn rơi vãi xuống sàn và những khuôn mặt trẻ thơ kia thì lem luốc. Các con rồi sẽ lớn, những muỗng đồ ăn mà bà và mẹ đút sẽ dần rơi vào quên lãng. Bọn chúng sẽ chẳng bao giờ nhớ, bà và mẹ rồi cũng sẽ quên những ngày tháng cực nhọc đó. Nhưng những giây phút lem luốc kia sẽ chẳng bao giờ trở lại. Chỉ có tuổi thơ mới có những ngày tháng vô tư hồn nhiên và đáng yêu như thế! Chỉ có những người mẹ người cha trân quý những tháng ngày thơ ấu ngộ nghĩnh của con mới ghi lại những hình ảnh đó. Tôi gặp không ít tâm sự của những người mẹ khóc ròng vì mất điện thoại, mất thẻ nhớ, hoặc bị hư máy tính; không phải vì họ tiếc tiền mua điện thoại mới mà họ tiếc vì những hình ảnh lưu trữ về con đã bị đánh cắp hoặc mất đi cùng với thiết bị ghi lại.
Những ngày thơ bé đáng yêu của con không phải là cái cân, là cây thước đo chiều cao, những đơn thuốc, những hộp vitamin, những tờ giấy xét nghiệm và trên hết đó càng không phải là những nỗi lo sợ con thiếu thứ này thứ kia về thể chất để “cao lớn vượt trội” hơn con của ai đó mà bạn thấy.
Tối, những câu chuyện của tôi và các con không phải hôm nay con ăn ít hay nhiều, mà là hôm nay mẹ con mình đã làm những gì. Hôm nay mẹ lỡ lời với con vì con ăn vạ, hôm nay mẹ đã không quan tâm đủ đến con như khi con cần đến mẹ, hôm nay mẹ lỡ tét vào mông con làm con đau, mẹ không thích như vậy, mẹ không muốn làm con đau vì như thế mẹ cũng đau. Rơm ơi con gần bằng mẹ rồi nè, nhưng mẹ vẫn bế con được đấy. Ron ơi con sắp ba tuổi rồi, sao nhanh quá chừng, may là con vẫn còn bú mẹ và chịu bú mẹ, dù con càng ngày càng nặng. Rô ơi con sắp một tuổi rồi, con đã biết đi và mẹ thấy nhớ làm sao cái tiếng khóc oe oe khi con mới chào đời.
Tối, khi ba thằng chó con đã ngủ say, tôi ngồi nhớ những phút giây cái nhà ồn ào như cái chợ.
Đối với tôi, làm mẹ khó nhất chỉ có một chữ. Đó là chữ NHẪN.
NHẪN NẠI: Đọc tài liệu, học hỏi kiến thức nuôi con. Sự học hỏi là vô hạn.
KIÊN NHẪN: Quan sát và chờ đợi những biểu hiện của con, hiểu những cách con thể hiện sự mong muốn của mình. Thật ra vấn đề là của mẹ hay của con? Khi áp dụng cách nuôi con mà mình tin tưởng là đúng, sau một quá trình nghiêm túc tìm hiểu, mẹ cần kiên nhẫn đối với những áp lực ở môi trường xung quanh.
Ngoài ra NHẪN ở đây còn bao gồm cả “nhẫn nhịn” ở một số hoàn cảnh nhất định chẳng hạn như những lời khuyên vô lý và sự can thiệp của người thân trong cách nuôi con của mình. Khi tôi nhắc đến “một số hoàn cảnh nhất định” có nghĩa là nhắc đến giới hạn của sự chịu đựng. Cái gì cũng có giới hạn của nó và người làm mẹ có quyền đứng lên phản kháng khi cần thiết nếu sự can thiệp đó làm ảnh hưởng và có nguy cơ đem lại những ảnh hưởng không tốt sau này đối với con mình. “Nhẫn nhịn” khác với “nhường nhịn” tức là khi người mẹ đầu hàng để thỏa hiệp với những xung đột trong khi chính bản thân mình vẫn cảm thấy có điều gì đó bất ổn khi đồng ý làm vừa lòng người thân về chuyện ăn uống và nuôi dạy con. Ví dụ, để cho gia đình êm thấm thì người mẹ đồng ý cho con uống sữa công thức (dưới áp lực của ông bà để tăng cân cho con), đồng ý cho con uống thuốc khi không cần thiết, hoặc đồng ý cai sữa cho con trong khi chính con là người thụ hưởng trực tiếp chứ không phải là những người đó.
Nhiều mẹ tìm đến tôi để than “Con em KHÔNG ĂN GÌ CẢ!” nhưng thực tế là CON CÓ ĂN. Ăn ít ăn nhiều cũng gọi là ăn, ăn một ít cũng gọi là ăn. Đối với người lớn, một nắm rau tức là bằng số rau nằm trong lòng bàn tay họ, đối với em bé, số lượng rau trong lòng tay bé cũng gọi là một nắm rau. Ít hay nhiều là tỉ lệ phụ thuộc vào nhu cầu của từng cá nhân chứ không thể áp đặt được. Các mẹ bảo “Con em LƯỜI ĂN” nhưng thực ra con ăn uống bình thường và theo nhu cầu của con. Số lượng thức ăn cần thiết đối với người lớn hoàn toàn khác với trẻ con, năng lượng cũng thế. Người lớn hoạt động thường xuyên, làm việc với cường độ cao, hàng ngày phải lái xe, quét dọn, thậm chí họ còn tiêu hao năng lượng vào những việc tiêu cực chẳng hạn như lo lắng, căng thẳng… do đó nhu cầu năng lượng nhiều hơn, họ ăn nhiều hơn. Trẻ em chỉ có việc vui chơi và không phải lo lắng cơm áo gạo tiền, không phải quan tâm bữa ăn cần phải có chất này chất kia. Vì vậy, nhu cầu năng lượng của trẻ không thể bằng nhu cầu năng lượng của người lớn.
Hãy để bữa ăn của con là những trải nghiệm thú vị và hào hứng trong tâm hồn thơ bé của trẻ. Đừng để con phải sử dụng vũ khí cuối cùng. Thay vì chạy sau lưng con và nài nỉ con ăn từng miếng, hãy thả lỏng người và ngồi nhìn ngắm con ăn, chụp lại những khuôn mặt và bàn tay lem luốc, những thức ăn rơi vãi trên sàn nhà để làm “bằng chứng tình yêu” vì tuổi thơ của con qua rồi sẽ không bao giờ trở lại!