90 giây tuổi thơ

90 giây tuổi thơ post thumbnail image


Lâu lắm rồi mẹ đã định xóa cái clip này đi, vì nó làm mẹ thật buồn, và cũng lâu lắm rồi mẹ không dám mở lại để xem. Nhưng hôm nay mẹ quyết định viết lại câu chuyện này, nhân tháng sinh nhật năm tuổi của con.

Cái clip dài 90 giây này ghi lại một lần mẹ luyện cho con ngủ, sau khi từ lớp luyện ngủ trở về. Con là một trong những học sinh xuất sắc của đợt đó, chỉ khóc 2-3 lần rồi ngủ ngay, trong khi các bạn khác thì không như vậy, một số bạn phải trở về và hẹn đợt sau.

Nhắm mắt lại mẹ vẫn còn nhớ như in hình ảnh của ngày hôm đó:

Sau khi cô y tá dặn dò, tất cả các ông bố bà mẹ đều bế con của mình vào phòng, tạm biệt con, rồi đi ra đóng cửa phòng lại. Tất cả các phòng đều vang lên tiếng khóc và mỗi cánh cửa đều có một cái lỗ nhỏ để cha mẹ có thể nhìn vào. Cô y tá dặn không để cho con khóc quá 2 phút, cứ 2 phút mà con chưa nín thì mẹ lại vào với con một lát, nói với con rằng “Hãy ngủ đi con!” rồi đi ra.

Mẹ ở ngoài nhìn đồng hồ chờ 120 giây mà lòng dạ như lửa đốt, cô y tá mở cửa, mẹ bước vào phòng, con nín khóc ngay và nhào đến bên mẹ. Mẹ ôm chầm lấy con. Cô y tá nhìn mẹ rồi nhẹ nhàng nói “Chị đừng làm như vậy, vì bé sẽ ngỡ chị bế bé lên luôn và do đó khi chị đi thì sẽ khóc to hơn nữa.” Mẹ làm theo như cái máy, thả con ra, nói với con vài lời rồi lại đi ra theo lời người hướng dẫn. Con khóc đến lần thứ 3 thì lăn ra ngủ. Mẹ nghĩ là họ có phương pháp dạy thật hay.

Về nhà, mẹ áp dụng tương tự những gì được dạy. Con hợp tác và ngủ tốt. Mẹ sung sướng viết note để khoe với bạn bè. Mẹ nghĩ là mẹ đã thành công.

Được vài hôm thì mọi việc trở lại như cũ và mẹ cảm thấy thật bất lực, mẹ không hiểu tại sao lại như thế. Mẹ nói với ba là đừng xen vào chuyện mẹ làm, hãy cứ làm theo lời mẹ, hãy làm lại từ đầu, hãy kiên nhẫn.

Cái clip này quay lại một lần mẹ luyện con ngủ. Mẹ không ra khỏi phòng, mà trùm mền nằm bên cũi con. Sau này mẹ mới biết rằng vào độ tuổi ấy của con, mẹ che mặt lại hay trùm mền kín mít thì có nghĩa là mẹ đã “biến mất”.

Những hôm sau mọi việc vẫn không có gì tiến triển hơn, thật ra mẹ cảm thấy có cái gì đó không ổn về mặt cảm xúc của mẹ. Bản năng làm mẹ khiến mẹ hoài nghi những gì mình đang làm, tại sao nó không hiệu quả.

Mẹ đổi chiến thuật, thay vì đóng cửa lại và đi ra, mẹ chui vào cũi con nằm luôn! Thôi, vậy cho khỏe. Như thế có nghĩa là không nói thành lời mà mẹ quyết định không tiếp tục luyện con ngủ nữa, mẹ chấp nhận thất bại dù trong lòng vẫn ước ao có một đêm không bị đánh thức bởi tiếng khóc không rõ nguyên nhân của con.

Khi con bắt đầu nói được thành câu, có những buổi sáng con dậy và nói với mẹ rằng đêm qua con đã có một giấc mơ. Trong giấc mơ ấy, con thấy mẹ bỏ con mà đi. Con sợ lắm, con khóc, mà mẹ không quay lại. Mẹ vẫn không lý giải được tại sao con lại có những giấc mơ như vậy, mẹ nói lúc nào mẹ cũng ở bên con mà, mẹ có bỏ con mà đi hồi nào đâu.

Khi ấy, mẹ đã không nhớ rằng đã có những lần 90 giây này. Những lần mà lẽ ra mẹ nên ôm con vào lòng, thay vì cầm máy quay lại những bài học mà mẹ lầm tưởng là chiến tích của mẹ, những lần mà mẹ nên nằm bên con để biết con còn có mẹ, những lần mà lẽ ra mẹ phải để bản năng của mẹ được thực hiện vẹn toàn, đến bên con những lúc con cần có mẹ, thay vì đưa con đến một nơi hoàn toàn xa lạ và bắt ép con phải theo một chương trình luyện ngủ hoàn toàn trái ngược với mong muốn và nhu cầu của con – một đứa trẻ chưa thể nói rõ cho cha mẹ biết mình muốn gì và cần gì, ngoài tiếng khóc.

Mẹ đã đánh mất 90 giây tuổi thơ của con. Chỉ là một phút rưỡi thôi, nhưng khi nó qua rồi, thì mãi mãi sẽ không trở lại.

Mẹ tự hỏi có bao nhiều lần 90 giây đó đã qua đi, mẹ đã bỏ lỡ những gì, nhưng mẹ không dám ngồi đếm. Nó làm mẹ khóc mất con ạ, và mẹ không bản lĩnh như mẹ tưởng đâu. Mẹ có sức chơi, nhưng không có sức chịu, mẹ dở ẹc con ha.

Thỉnh thoảng mẹ nghe những câu chuyện về những em bé bị cha mẹ bỏ mặc trong bóng đêm để ngủ một mình, trong một phòng, mẹ lại thấy đau đau. Mẹ biết những cha mẹ ấy cũng thương con của họ giống như ba mẹ thương con vậy, mẹ hiểu những áp lực và lo lắng mà những người mẹ trải qua khi những đêm không yên giấc vì con dậy và khóc.

Mẹ không phán xét họ.

Mẹ chẳng có quyền gì để phán xét cách nuôi dạy con của họ. Mỗi người một quan điểm nuôi con mà, và mẹ biết cha mẹ nào cũng mong muốn đem lại điều tốt đẹp nhất cho con của mình.

Chỉ là mẹ cảm thấy đau trong lòng mà thôi, đó là cảm xúc của mẹ, không nhất thiết phải là cảm xúc của người khác.

Cuộc đời làm mẹ của mẹ không ít lần phải thốt lên hai chữ “giá như”. Mẹ biết kinh nghiệm buồn này không làm mẹ tệ hơn trong mắt con, nhưng nếu mẹ được quay trở lại 90 giây ấy, sẽ không có gì để mẹ kể lại cho mọi người.

Có đôi khi mình cần phải chấp nhận những lỗi lầm của mình, như là một bài học kinh nghiệm cho bản thân, và cũng để hoàn thiện mình hơn. Nếu không có những lần mất mát, làm sao mình biết trân quý những cái mình đang có?

Đêm đêm mẹ vẫn bên con, ngoại trừ đêm mẹ sinh em, và nhiều đêm khác nữa cho tới khi con lớn và muốn ngủ riêng. Khi đó mẹ biết con đã lớn, như một nỗi sợ mơ hồ và rất mâu thuẫn của các bà mẹ: một mặt mong con mau khôn lớn, mặt khác lại sợ con xa mình.

Mẹ không mong con mau lớn, mà mẹ mong mẹ trẻ lại cùng tuổi thơ của con, để chơi những trò chỉ có trẻ nhỏ mới chơi, để suy nghĩ những điều chỉ có trẻ nhỏ mới nghĩ.

Con năm tuổi, nhưng mẹ không thấy mẹ già đi năm tuổi là vậy.