Nuôi con bằng sữa mẹ với các trường hợp song sinh trở lên

Nuôi con bằng sữa mẹ với các trường hợp song sinh trở lên post thumbnail image

Bài viết này cung cấp những thông tin và kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ căn bản đối với các trường hợp sinh đôi trở lên

Nuôi con nhỏ đã là một thử thách, nuôi từ hai con trở lên đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều, nhất là khi các con cùng đến với bố mẹ cùng lúc, nói nôm na là “tụi nó đi chung cho xôm.”

Sữa mẹ rất quan trọng với trẻ sơ sinh, đặc biệt khi bạn sinh đôi trở lên, vì những lý do sau đây:

1. Sữa mẹ, đặc biệt là Sữa Đầu Tiên (colostrum) rất quan trọng vì chứa nhiều kháng thể giúp cho bé chống lại viêm nhiễm và bệnh tật. Bắt đầu từ bài viết này, mình đề nghị gọi colostrum là Sữa Đầu Tiên thay vì Sữa Non như cách gọi thông thường.

2. Sữa mẹ có ít chất thải nên thận của bé sẽ dễ dàng lọc ra hơn.

3. Sữa mẹ của bé sinh non hơi khác với sữa mẹ của bé sinh đủ tháng, chứa nhiều kháng thể hơn. Thông thường các ca sinh đôi trở lên là sinh non.

Việc tiếp da sau khi sinh rất quan trọng, mặc dù đối với các trường hợp sinh đôi hoặc nhiều hơn thì sẽ không dễ dàng.

Cho con bú mẹ có nhiều lợi ích cho mẹ và cả gia đình vì những lý do sau:

1. Tiết kiệm tiền bạc.

Nuôi con bằng sữa nhân tạo (Artificial Baby Milk – ABM) nhất là đối với con sinh đôi trở lên thì sẽ tốn gấp 2 lần trở lên, ngoài ra cho con bú ABM cũng sẽ làm chi phí khám chữa bệnh tăng vì bé không được bú mẹ sẽ không nhận được kháng thể từ sữa mẹ.

2. Tiết kiệm thời gian.

Nhiều người sẽ cho rằng cho từ 2 con trở lên bú mẹ thì sẽ tốn nhiều thời gian hơn, nhưng thực ra họ đã không nghĩ đến thời gian súc/rửa bình, tiệt trùng và pha sữa khi cho con bú ABM.

3. Hormone tạo sữa

Hormone tiết ra khi mẹ ôm ấp con và cho con bú trực tiếp rất có lợi cho việc tạo sữa, mẹ cảm thấy yên tâm hơn khi ôm các con vào lòng và các con cũng cảm thấy như vậy, được ôm ấp và chở che. Tuy nhiên đối với mẹ sinh đôi trở lên thì đây cũng là một việc cần phân chia thời gian cũng cho phù hợp để các con đều được gần mẹ.

I. CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI CON CHÀO ĐỜI

1. Những việc cần làm:

– Thu thập càng nhiều càng tốt các thông tin về việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với các trường hợp sinh đôi trở lên.

– Các kiến thức về sữa mẹ từ Hội Sữa Mẹ (Bé Tí Bú Ti)

– Hiểu về những hành vi sơ sinh thông thường, chẳng hạn như dạ dày của bé nhỏ nên bú nhanh no, sữa mẹ dễ tiêu hóa nên bé mau tiêu, do đó cần bú nhiều cữ/ngày.

– Những kiến thức cơ bản chẳng hạn như Phân biệt Đầy hơi, Đau bụng và Trào ngược thực quản 

Tầm quan trọng của việc tiếp da

– Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân & gia đình, chẳng hạn như người giúp đỡ việc nhà, giặt giũ, v.v.

– Chuẩn bị sẵn đồ ăn thức uống trong trường hợp bận rộn không đi chợ được.

– Lường trước những khó khăn có thể xảy ra khi chăm con và các biện pháp xử lý: các trường hợp con khóc, thiếu sữa do nhận thức.

2. Một số kiến thức căn bản:

Nhiều người vẫn hoài nghi về khả năng nuôi con bằng sữa mẹ đối với các trường hợp sinh đôi trở lên. Tuy nhiên, có hiểu biết căn bản về cơ chế tạo sữa mẹ cũng như các kiến thức về sữa mẹ sẽ giúp bạn tự tin vượt qua những trở ngại.

Dưới đây là tóm tắt một số kiến thức căn bản:

a. Cung = Cầu

Nguyên tắc cơ bản của việc tạo sữa là Cung = Cầu, tức là càng cho con bú, càng có sữa. Đây là lý do tại sao mà mẹ sinh đôi, sinh ba, thậm chí sinh bốn vẫn có thể đủ sữa nuôi con.

Nếu cả mẹ lẫn con đều khỏe mạnh thì bạn có thể cho con bú ngay sau khi con chào đời và điều này thực ra rất tốt để khởi động “nhà máy sữa mẹ.” Khi các con lớn, lượng sữa mẹ con cần sẽ không tăng gì mấy, bạn chỉ cần duy trì nguồn sữa để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Tất cả các em bé đều có những giai đoạn biếng ăn sinh lý, hoặc đòi bú nhiều hơn bình thường và điều này hoàn toàn không có nghĩa là mẹ không đủ sữa cho con.

Các trường hợp sinh đôi hoặc sinh ba thì các bé thường nhỏ hơn bình thường, và không có lịch bú cụ thể nào cả.  Tuy nhiên, cần biết rằng trẻ sơ sinh bú từ 8-17 lần trong 24 tiếng đồng hồ (ít nhất là 8 lần và kỷ lục là 17 lần) trong vài tháng đầu (ít nhất là 8 lần/ngày trong 5-6 tháng). Thỉnh thoảng có bé bú ít hơn các bé còn lại, và cũng có khi bé này có nhu cầu bú nhiều hơn bé kia, tất cả đều bình thường. Có thể cần thời gian để bạn hiểu được nhu cầu của từng bé thông, cần biết dấu hiệu nhận biết bé bú đủ để tránh những lo lắng không đáng có.

Để duy trì sữa, cần làm một số việc sau:

– Cho con bú thường xuyên, nhiều cữ ngắn gần nhau hơn là các cữ xa và dài. Việc cho bú thường xuyên sẽ giúp sữa mẹ dồi dào và tránh cương tức ngực.

– Thay đổi vị trí cho nhau (nếu sinh đôi), bảo đảm cho mỗi bé đều được bú cả hai bên.

– Sau khi bé bú 20-30 phút mẹ có thể cho bú thêm một lần nữa được xem là “cữ dặm thêm” để bé no hơn. Sữa mẹ được tạo ra liên tục, ngực mẹ càng mềm, sữa tạo ra càng nhanh.

– Bú đêm. Prolactin (hormone sản xuất sữa) được tiết ra nhiều hơn vào ban đêm và do đó sữa sẽ được tạo ra nhiều vào ban đêm.

– Tiếp da với các con thường xuyên để kích thích hormone tạo sữa, bố và người thân cũng có thể “ấp” bé liên tục theo phương pháp Kangaroo.

– Tuyệt đối TRÁNH dùng ti giả hoặc ABM vì điều này có thể gây bất lợi cho nguồn sữa của mẹ.

– Nghỉ ngơi thường xuyên và bất kỳ khi nào có thể, việc nhà cửa có thể nhờ gia đình & người thân trợ giúp, sức khỏe và tinh thần của mẹ cực kỳ quan trọng đối với các con.

b. Khớp ngậm đúng – Chìa khóa nuôi con bằng sữa mẹ thành công

Cho dù bạn cho bé bú ở tư thế nào thì bé cần có khớp ngậm đúng để bú mút sữa hiệu quả. Sai khớp ngậm là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới việc thất bại khi nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ bị giảm sữa, con không bú đủ no và bú ít hơn trong mỗi cữ bú.

Khớp ngậm đúng

Mô tả khớp ngậm đúng:

Bé sẽ mút/kéo núm vú và mô vú vào phần mềm của vòm họng trên, lưỡi trùm lên nướu, môi dưới loe ra và cằm chạm vào vú mẹ. Ở vị trí này hàm của bé sẽ điều chỉnh lực bú/mút sữa từ các tuyến sữa (milk ducts).

II. KHI CON RA ĐỜI

Khả năng sinh non ở các trường hợp sinh đôi là hơn 50%. Nuôi trẻ sinh non là một thử thách, và điều  này còn khó khăn hơn khi có từ hai bé trở lên. Một vài thử thách có thể là:

– Một số bé sinh non ban đầu không biết bú/mút vú mẹ.

– Một số bé có thể gặp những vấn đề về sức khỏe khiến việc bú mẹ khó khăn. Tuy nhiên mẹ vẫn có thể hút sữa ra và đút cho bé một thời gian cho tới khi bé đủ lớn để cải thiện khả năng bú/mút.

Trong trường hợp bé phải ở lại khoa dưỡng nhi và mẹ xuất viện trước thì việc ra vào bệnh viện thường xuyên để cho con bú thật sự cần rất nhiều nỗ lực, vì vậy bạn cần tìm nhiều trợ giúp và sắp xếp trước khi các con chào đời.

Tầm quan trọng của sữa mẹ với trẻ sinh non.

Khi nào cần hút/vắt sữa?

Nên bắt đầu hút/vắt sữa càng sớm càng tốt trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi sinh.  Càng sớm kích sữa chừng nào, càng có khả năng tăng nguồn sữa chừng đó.

Sữa Đầu Tiên (colostrum) rất quan trọng đối với bé, đặc biệt là bé sinh non, thậm chí chỉ cần một vài giọt cũng rất quý giá. Vì vậy, hãy cho con tiếp da và bú mẹ càng sớm càng tốt. Sữa Đầu Tiên được xem như liều vắc-xin đầu tiên mà bé nhận được.

Hãy hút sữa thường xuyên, trung bình từ 10-12 lần trong 24h, khuyến khích các cữ ngắn và thường xuyên, có thể vắt tay hay dùng máy.

Sữa chảy hiệu quả nhất khi có phản xạ xuống sữa , mặc dù không phải mẹ nào cũng có thể cảm nhận được điều này. Một số mẹ tiếp tục vắt tay sau khi dùng máy để sữa được vắt cạn, tuyến sữa càng trống, sữa càng mau về.

Hãy giữ tinh thần lạc quan và đừng phụ thuộc vào số ml sữa bạn thu được ở mỗi cữ hút để cho rằng mình có nhiều sữa hay không. Thật ra con chính là máy hút sữa hiệu quả nhất của mẹ, máy hút sữa không thể nào mô phỏng được nhịp điệu bú mút của con và do đó không kích thích thần kinh để tiết ra hormone tạo sữa hiệu quả bằng khi con bú mẹ. Nếu sau khi đã hút sữa ra mà mẹ vẫn không thấy có sự cải thiện nào đáng kể, hoặc dưới mong đợi của mẹ, hãy cho các con bú trực tiếp. Việc ôm ấp và cho con bú trực tiếp sẽ đem lại cho mẹ cảm giác nhẹ nhàng thoải mái, giảm căng thẳng và trầm cảm, đồng thời kích thích sữa tiết ra nhiều hơn.

III. CHO CON BÚ NHƯ T HẾ NÀO

1. Đối với trường hợp sinh đôi:

Lựa chọn phổ biến nhất đó là cho hai bé bú cùng một lúc, mỗi bé một bên vú và sau đó đổi bên.

[table id=6 /]

Cho dù ở tư thế nào thì mẹ cần có chỗ ngồi/nằm thoải mái, kê gối để hỗ trợ cho lưng. Trong vài tuần đầu, có thể mẹ sẽ cần người trợ giúp để cho các con bú. Mẹ có thể mua hoặc tự làm gối hỗ trợ cho con bú như các hình sau:

goichobu

Goi cho con bu

2. Đối với trường hợp sinh ba

Nếu bạn có ba con trở lên thì bạn cần luân phiên các bé trong các cữ bú, nên có một cuốn sổ ghi lại lịch bú của con để dễ theo dõi. Dưới đây là một gợi ý.

[table id=4 /]

Một gợi ý khác

[table id=5 /]

Chia sẻ kinh nghiệm của một số mẹ sinh ba:

Mẹ thứ nhất:

Mẹ này nhấn mạnh việc hút sữa sau khi cho các con bú và nhận ra rằng sau khi hút sữa thì cữ tiếp theo các con bú rất tốt. Cữ đầu tiên hút ra là vào lúc 6g sáng,  hút sau khi các con đã bú  xong. Cữ thứ hai cũng làm tương tự như vậy. Cữ cuối cùng là trước khi đi ngủ (12g) hoặc có khi trễ hơn khoảng 1g30 sáng.

Mẹ thứ hai:

Mẹ cho bú 12-34 lần trong tháng đầu. Mẹ cũng dùng dụng cụ khác để cho con bú. Thời gian ngủ mỗi ngày của mẹ này chỉ có 2-3 tiếng ban đêm và vài giấc ngắn ban ngày nhưng mẹ ấy không cho rằng việc này ảnh hưởng đến chuyện cho con bú. Đây là chia sẻ của mẹ ấy: Bé đầu tiên (bé A)  thức dậy sẽ được cho bú cho tới khi no. Nhưng nếu bé thứ hai (bé B) thức dậy trong khi mẹ đang cho bé A bú thì bé B sẽ được người nhà cho bú bằng thìa/cốc/bình bằng sữa mẹ vắt ra. Bé thứ ba (bé C) cũng có thể được cho bú trực tiếp, hoặc bú bình nhưng mẹ này nhận ra rằng cho hai bé bú cùng lúc, khi các bé lớn hơn, thì sẽ khó khăn hơn vì hai bé tự làm cho nhau mất tập trung.

Mẹ thứ ba:

Mẹ này không thích cho con bú theo cữ mà cho bú theo nhu cầu. Nếu một trong các con cần bú thì mẹ ấy sẽ cho bé bú trước cho tới khi bé ổn định.

3. Các trường hợp dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ thì sao?

Thật ra, chăm một đứa trẻ vốn đã không phải là chuyện dễ dàng, chăm hai bé trở lên thật sự là thử thách, nhất là các bé song sinh trở lên thường là sinh non. Chăm trẻ sinh non cũng không phải là chuyện dễ dàng, chăm hai trẻ trở lên đòi hỏi người mẹ cần được gia đình ủng hộ và chia sẻ tối đa. Trong một số trường hợp, cho trẻ bú sản phẩm ngoài sữa mẹ có thể là “phao cứu sinh” giúp người mẹ có thời gian ngủ nghỉ. Tuy nhiên, những mặt bất lợi của sản phẩm ngoài sữa mẹ thì không phải ai cũng tránh được, nhất là đối với đứa trẻ, đặc biệt khi hệ tiêu hóa của con vốn đã non yếu lại càng dễ bị tổn thương. Nguy cơ viêm ruột hoại tử do sử dụng sản phẩm ngoài sữa mẹ đối với trẻ sinh non gấp hơn rất nhiều lần trẻ sinh đủ tháng.

Hơn nữa, hãy biết rằng cứ một ml sữa công thức vào bụng con, thì cũng cũng đó sữa mẹ con không được hưởng và đồng thời cơ thể mẹ bị thiếu hụt chừng đó sữa vì vú mẹ không được kích thích để tạo sữa cho con.

4. Bú đêm:

Việc bú đêm rất quan trọng để tăng nguồn sữa vì prolactin sản xuất nhiều hơn vào ban đêm. Do đó, thay vì cho con bú bình vào ban đêm thì mẹ nên cho con bú trực tiếp càng nhiều càng tốt, vì bú mẹ thì không mất thời gian tiệt trùng bình và hâm sữa. Mẹ có thể nằm tại giường và cho con bú, bú xong con ngủ mẹ ngủ. Dù rằng chăm sóc cho nhiều hơn một bé làm thời gian ngủ của mẹ ít hơn, nhưng bất cứ lúc nào mẹ chợp mắt được thì nên làm như vậy.

5. Các giai đoạn “khủng hoảng” (wonder weeks) hoặc phát triển nhảy vọt (growth spurts):

Hầu như tất cả các bé đều trải qua các giai đoạn này và điều này hoàn toàn bình thường. Các con cũng có những nhu cầu khác nhau, có bé mau đói hơn các bé khác và ngược lại. Do đó mẹ đừng quá lo lắng không đủ sữa cho con. Cần biết dấu hiệu bé bú đủ để yên tâm rằng các con đều nhận đủ dinh dưỡng từ mẹ.

IV. CHĂM SÓC BẢN THÂN:

Có con là một bước ngoặc lớn cho bản thân người mẹ. Trong trường hợp này, mẹ có nhiều hơn một con nên dễ hiểu sự lo lắng, cực nhọc và thập chí hoang mang như thế nào. Do đó, bất kỳ sự trợ giúp nào cũng đều quý báu và mẹ nên tận dụng mọi thời gian để được ngủ nghỉ cùng con, đặc biệt trong tháng đầu tiên vì thời gian này rất quan trọng giúp mẹ con quen nhau và tạo nên nhịp sinh hoạt ổn định sau này.

Thiếu ngủ, mệt mỏi, căng thẳng… là những lời than phiền của bất cứ bà mẹ nào. Tuy nhiên dưới đây là vài cách mẹ thư giãn:

– Tranh thủ lúc cho con bú để thư giãn: Mẹ có thể nghe nhạc, xem ti vi, nhớ chọn vị trí ngồi/nằm thật thoải mái.

– Nếu có bất kỳ thời gian rảnh rỗi nào, hãy tận hưởng nó và đừng cảm thấy mặc cảm hay có lỗi gì với con vì mẹ xứng đáng được thưởng những giây phút cho riêng mình, chẳng hạn như ra tiệm gội đầu, mát xa, làm móng tay/chân, làm đẹp.

– Tắm vòi sen khi có ai đó trông chừng các con, mẹ có thể dành thời gian này để thư giãn, chăm sóc bản thân.

– Ăn uống đủ chất, ăn khi đói.  Tuy nhiên mẹ cần chọn thức ăn lành mạnh, không quá nhiều chất béo, có thể để đồ ăn vặt xung quanh trong tầm với. Mẹ không cần phải ăn quá nhiều và “ăn cho ba, bốn người” đâu.

– Uống nước khi khát, có thể uống nhiều ngụm nhỏ trong ngày, không cần uống mỗi lần một ly lớn, nhưng đảm bảo rằng mẹ cần uống nước đủ.

– Có những lúc mẹ sẽ cảm thấy trầm cảm, hoặc lo lắng và điều này không có gì bất thường. Tuy nhiên, đừng ngần ngại chia sẻ lo lắng của mình cho người khác.

– Bất kỳ những gì mẹ làm đều được ghi nhận, đừng đòi hỏi quá nhiều ở bản thân để khiến mình căng thẳng thêm.

V. VỚI BẠN ĐỜI:

Có nhiều hơn một đứa trẻ không đồng nghĩa với cuộc sống vợ chồng trở nên tẻ nhạt vì mải chăm con. Vợ chồng nên có những phút giây riêng tư với nhau cho dù là một khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngày. Hãy chia sẻ với chồng những công việc hàng và ghi nhận sự chung sức của anh ấy.

Chuyện con cái là một chủ đề dễ dàng để mở đầu bất cứ một cuộc đối thoại nào của vợ chồng, cho dù mối quan hệ vợ chồng có thể gặp một số thử thách trong thời gian đầu sau khi có con.

VI. LỜI KẾT:

Bài viết tổng kết những kiến thức và kinh nghiệm cơ bản trong chuyện chăm con sinh đôi trở lên. Tuy nhiên mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh và có sắp xếp riêng để phù hợp với hoàn cảnh của mình. Cho dù bạn chọn phương pháp nào, thì bạn cũng đã làm tốt nhất trong khả năng có thể. Nuôi con là một quá trình nỗ lực và học hỏi, có những bước thăng trầm và khó khăn, nhưng không gì hạnh phúc khi nhìn các con lớn lên mỗi ngày và khỏe mạnh.

Chúc hành trình nuôi con của bạn thật nhiều ý nghĩa và trọn vẹn yêu vui.

Tài liệu tham khảo: 

1. ABA Special Situation Information Series: Breastfeeding: twins, triplets and more

2. Breastfeeding Management in Australia, Wendy Brodribb.

3. Breastfeeding …. Naturally, Jill Day.