Nuôi con theo đám đông và tư duy phản biện (critical thinking)

Nuôi con theo đám đông và tư duy phản biện (critical thinking) post thumbnail image

Viết là một sở thích của mình, mình viết để chia sẻ. Bạn có thể chia sẻ thoải mái, nhưng vui lòng trích dẫn nguồn Webcuame.com nhé.

Nguyen Dao

Ví dụ về một trong những băn khoăn thường gặp nhất trong chuyện nuôi con bằng sữa mẹ: “Chị ơi, con em bú mẹ hoàn toàn, nhưng tháng vừa rồi cháu lên cân ít quá. MỌI NGƯỜI bảo tại sữa em không tốt, sữa em nóng nên bé chậm tăng cân. Em phải ăn uống ra sao để sữa em đặc hơn vậy chị?”

MỌI NGƯỜI là ai và có quyền lực gì để một bà mẹ trẻ cảm thấy mất tự tin như vậy?

Nếu nói “Người Việt mình có văn hóa làm việc theo đám đông, đi theo đám đông và không được dạy về việc sử dụng critical thinking để phân tích mọi việc” thì mình “quơ đũa cả nắm” mất rồi. Vì rõ ràng trong “đám người Việt” ấy không có mặt mình! Và đương nhiên, không có mặt kha khá các bà mẹ/ông bố khác. Do đó, bài viết này mong muốn phân tích vài khía cạnh của việc nuôi dạy con của người làm cha mẹ thời hiện đại.

Nhớ đâu đó trong một cuốn sách mình đã đọc, đại ý nói rằng: “Hãy tin vào bản năng của bạn, những kinh nghiệm ngày xưa của cha mẹ bạn đã lỗi thời.” Hiểu sao cho đúng đây? Câu nói này không có nghĩa phủ nhận tất cả những kinh nghiệm xưa, không phải cái mới là đúng và cái cũ là sai, càng không có ý “xúc phạm” thế hệ đi trước. Nó có nghĩa rằng người tiếp nhận sau này (là chúng ta) cần đặt câu hỏi “Tại sao? Họ đã làm điều đó như thế nào? Nó có tác dụng gì?” Khi đã hiểu và chấp nhận thì chúng ta là người phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình đối với con cái, chứ không phải vì “Tại ngày xưa bố mẹ tôi làm thế, nên bây giờ tôi làm thế.” Mình gọi đó là thái độ ỷ lại và sự vô trách nhiệm đối với những lựa chọn và quyết định của mình.

Mình thường xuyên nhận được những tin nhắn “cầu cứu” đại loại như thế này: “Chị ơi, con em 10 ngày nay không ị. Bà (Ngoại/Nội) bảo do sữa em nóng nên bé bị táo bón nên đã thụt cho bé đi bằng mật ong. Em phải ăn gì để con em khỏi bị táo bón đây chị ơi?”

Người mẹ ấy thậm chí không thể đặt những câu hỏi như thế này:

1. Bé bú mẹ có bị táo bón không?

2. Sữa mẹ nóng là sao? Và tại sao như vậy? Có chuyện ấy không? Lý do gì mà sữa mẹ nóng.

3. Việc thụt cho con đại tiện có nên hay không? Tác dụng/tác hại của nó? Có lý do sức khỏe nào không?

Nếu mọi việc suôn sẻ (bé đi ngoài đều đặn) thì có nghĩa là các bà nói đúng (sữa mẹ nóng), nếu việc thụt thất bại thì có nghĩa là sữa mẹ có vấn đề gì đó, nên muôn đời các bà cũng đúng. NHƯNG THỰC SỰ CÁC BÀ CÓ ĐÚNG KHÔNG? Mình không định chỉ trích các Bà, có bà nào mà không thương cháu, nhưng về phía Người Mẹ, chị ấy có biết dùng óc phê bình của mình để phân tích mọi việc hay không, hay chỉ biết răm rắp nghe lời và rồi lại hoang mang. Những người mẹ ấy sau này rồi sẽ trở thành bà Nội, bà Ngoại; lẽ nào cứ bước theo bước chân của thế hệ đi trước kiểu như “xưa bày nay làm” mà không hề có chút mảy may tìm ra nguyên nhân và lý do tại sao mình cần phải theo?

Một ví dụ khác là về việc cho con uống thuốc khi con ốm. Có lần nhận được tin nhắn như thế này: “Em đã mua một loại thuốc về cho con em uống. Thuốc Ngoại nên em không nhớ tên”, hoặc “Em đang uống một loại thuốc do người nhà là bác sĩ ở bệnh viện, em rất tin tưởng chị ạ. Thuốc này của Mỹ/Campuchia….”

Có bao giờ người mẹ ấy tự hỏi thế này: “Tên thuốc là abcd, mình không rõ đó là thuốc gì, vì mình không đọc được tiếng Anh, nhưng mình sẽ tìm hiểu xem sao.” NÓ LÀ CÁI GÌ?

Có những thứ quái dị nhưng nhiều người làm thì nó thành bình dị. Chẳng hạn như đợt mình về VN thì Rơm ốm, đi bác sĩ quen, bác sĩ cho thuốc về uống (không phải tốn tiền mua). Đó là một bịch thuốc gồm những viên được bẻ nhỏ ra, chia thành từng liều. Rất chân thành, vị bác sĩ bảo: “Cầm lấy mà uống, cháu sẽ khỏi.”

MÌNH KHÔNG BAO GIỜ CHO CON MÌNH ĂN/UỐNG BẤT KỲ THỨ GÌ MÀ MÌNH KHÔNG BIẾT TÁC DỤNG/TÁC HẠI CỦA NÓ NHƯ THẾ NÀO!

Họ có thể gào vào mặt mình “Ở đây trẻ con đứa nào cũng phải uống thuốc này mới khỏi bệnh!”

Nhưng mình cũng có thể quát lại “Con tôi không nhất thiết phải nằm trong số đó!”

Mình có thể trở thành quái dị, vì làm chuyện không giống với đám đông. Nhưng thực tế là, ĐÁM ĐÔNG KHÔNG SINH RA CON MÌNH!

Ngày xưa, khi việc tiếp cận thông tin còn hạn chế, người làm cha mẹ có thể nhắm mắt đi theo những người có kinh nghiệm. Nhưng cha mẹ ngày nay không thể đi theo mà nhắm mắt. Họ cần phải tỉnh táo, dùng óc phán đoán, nhận xét, đặt câu hỏi tại sao mình phải đi theo, có lý do nào không, họ cần phải chịu trách nhiệm và tự tin với quyết định của mình.

Nhiều bà mẹ trẻ sợ làm mất lòng mẹ chồng/mẹ ruột/người đi trước nếu không làm theo lời khuyên của họ, đó là vì họ không có đủ tự tin để làm “khác người”. Lý do ở đâu? Lý do nằm ở sự lười biếng tìm tòi, thái độ ỷ lại, trông cậy vào sự giúp đỡ của người khác. Họ muốn đi theo người cầm đuốc mà quên rằng chính mình cũng đang cầm ngọn đuốc trên tay và có thể đốt đuốc để tự soi đường cho mình.

Nhiều người cũng sợ nếu phản kháng lại thì sẽ làm ông/bà phật ý, thế nên cứ làm theo dù trong lòng vẫn chưa thõa mãn với những lời khuyên ấy.

Phải làm như thế nào? Có 3 bước:

1. Acknowledge (ghi nhận): Cần ghi nhận những lời khuyên của ông bà (Con cám ơn bố/mẹ đã góp ý) vì rằng những lời khuyên đó xuất phát từ sự lo lắng và tình thương dành cho con cháu mình.

2. Critical thinking (phân tích/phê bình): Đặt ra những câu hỏi: Vì sao như vậy? Nên hay không nên? Có lý do để làm như vậy không?

3. Decision (quyết định): Theo những gì mình đã tìm hiểu, thì đúng là mình phải làm a/b/c để có x/y/z.

Nếu chúng ta (cha mẹ) không học cách tự chịu trách nhiệm với bản thân thì cũng không thể dạy con trở thành những người độc lập. Không phải sinh con ra, cho con ăn uống ngủ nghỉ bú mớm là đủ, trách nhiệm của người làm cha mẹ còn nhiều thứ cần phải học hỏi, tiếp thu và áp dụng nữa. Đương nhiên, con cái không phải là để cho cha mẹ “thí nghiệm” và không ai sinh con ra mà có sẵn kinh nghiệm, sai lầm (nếu có) là dễ hiểu. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta học được gì qua những sai lầm đó, hay lại tặc lưỡi đi theo đám đông hoặc theo truyền thuyết?