KHI CON CÓ EM: Kinh nghiệm xử lý khi bé lớn ghen tị với em

KHI CON CÓ EM: Kinh nghiệm xử lý khi bé lớn ghen tị với em post thumbnail image

Một ngày kia bạn phát hiện mình có thai trong khi bé đầu vừa mới chập chững biết đi. Bạn sẽ có một cảm giác thật lẫn lộn: vừa vui mừng vừa lo lắng vì không biết mình sẽ làm sao để quán xuyến mọi việc với hai đứa con. Chưa hết, làm sao để bé lớn không cảm thấy tổn thương và ghen tị với em trong thời gian đầu mẹ sinh em.

Hy vọng chia sẻ dưới đây sẽ giúp các mẹ chuẩn bị tinh thần cho con và những cách xử lý khi bé lớn có những hành động tiêu cực xuất phát từ sự ghen tị với em. Trong bài mình có nhắc đến tên ba con trai của mình là Rơm, Ron và Rô.

  1. Thông báo với con càng sớm càng tốt

Nói với con “Trong bụng mẹ đang có một em bé” chưa đủ, mẹ cần đọc cho con những cuốn sách có hình ảnh về sự kiện sắp tới. Khi dạy con một điều mới mẻ, hình ảnh bao giờ cũng là cách hiệu quả nhất để con dễ hiểu. Một cuốn sách mà mình hay đọc cho Rơm khi có Ron là “Em trai của Za Za” (Za Za’s Baby Brother). Sách kể về một chú ngựa vằn tên là Za Za và những gì chú ấy trải qua khi mẹ mang thai và khi em ra đời, trong đó có phần nhắc đến khi ba mẹ bận rộn chăm em thì Za Za phải chơi một mình, cảm giác tủi thân và ghen tị ra sao. Các mẹ có thể tìm những cuốn sách tương tự trong đó có hình ảnh người mẹ đang mang thai, từ lúc bụng mẹ còn nhỏ đến lúc bụng mẹ to đến mức việc ôm và bế con trở nên khó khăn. Khi đến một thai kỳ nào đó, mình thường chỉ vào sách và nói “Đây nè, trong sách có nói nè, con thấy mẹ có giống như vậy không?” Mẹ nên nói điều này thường xuyên với con, dù có thể khi đó con vẫn còn quá nhỏ để hiểu rằng mình sắp có em. Mẹ có thể nói ngay khi mới phát hiện có thai, hoặc đợi khi nào bụng to rồi hãy nói với con.

Đây là truyện Em Trai của Za Za

  1. Nếu con đang bú mẹ, bạn không cần phải bỏ bú bé

Việc cho con bú mẹ trong thời gian mang thai là an toàn dù rằng không phải bác sĩ nào ở VN cũng ủng hộ điều này. Hãy đọc bài Tầm quan trọng của sữa non của Thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng để hiểu rõ cơ sở khoa học về sự an toàn khi cho con bú mẹ trong thời gian mang thai. Hơn nữa, về mặt tâm sinh lý, tiếp tục bú mẹ sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho bé lớn, đem lại cảm giác yên tâm cho bé. Trong thời gian cho bé bú, mẹ nên nói cho con rằng mai đây khi em ra đời, em cũng sẽ bú mẹ giống như con. Nếu có những hình ảnh mẹ mang thai cho bé lớn bú, mẹ nên cho con xem. Đồng thời mẹ cũng nên cho bé xem những hình nuôi bú song song. Nếu mẹ cần phải cai sữa cho bé lớn, hãy làm việc ấy từ từ vì việc đột ngột cai sữa sẽ làm cho con rất sốc và bị tổn thương.

  1. Lên kế hoạch cho những thay đổi khi gia đình có thành viên mới

Bé lớn có đang ngủ cùng bạn không? Nếu có bạn có thể tiếp tục cho bé ngủ chung sau khi sinh không? Nếu bạn tạm thời không thể tiếp tục cho bé lớn ngủ chung thời gian đầu sau khi sinh, hãy chuẩn bị việc đó cho con. Nói với con về những thay đổi, chẳng hạn như mẹ phải thức nhiều lần trong đêm để thay tã và cho em bú; con ngủ chung với mẹ sẽ bị đánh thức và mẹ muốn con phải khỏe mạnh để giúp mẹ.

Bạn có muốn bé có mặt khi bạn đang chuyển dạ không? Điều kiện mỗi nơi mỗi khác và hãy quyết định phù hợp với hoàn cảnh của mình. Rơm có mặt trong phòng sinh khi mẹ chuyển dạ, chứng kiến cảnh mẹ đau đớn khi lên cơn gò và có mặt ngay khi Ron vẫn còn tiếp da với mẹ. Vì vậy sau này Rơm rất hiểu và thương mẹ, thương em.

  1. Những câu nói TỐI KỴ không nên nói với con

Thông thường, người mẹ KHÔNG phải là những người nói những câu này với bé lớn “Mẹ sắp sinh em rồi, con sẽ bị ra rìa”, hoặc “Mẹ sẽ thương em hơn thương con vì con hư quá, không nghe lời mẹ.” Tuy nhiên, mẹ nên chuẩn bị tâm lý để đối phó với những lời nói có thể làm tổn thương con từ những người xung quanh, cho dù là vô ý. Quan điểm của mình là phản ứng ngay, phản ứng kịch liệt khi nghe bất kỳ ai đùa như vậy với con. Mình lập tức nghiêm mặt với người nói những câu như vậy “Anh/chị không được nói như vậy!” và quay sang con “Bác A nói vậy không đúng. Lúc nào mẹ cũng thương con, vì con là do mẹ đứt ruột đẻ ra. Sau này mẹ sinh em có thể mẹ bận bịu với em thời gian đầu nhưng con là cục vàng của mẹ.”

Những câu nói như vậy có tác hại khôn lường đối với tâm hồn non nớt của trẻ, nhất là gần đây có vụ một bé gái đã ném em trai 2 tháng tuổi xuống đất chết thảm vì lời nói đùa tương tự của người hàng xóm.

Tuy nhiên, mẹ cũng hết sức cẩn thận với lời nói của mình, nhất là những câu nói có thể làm cho con tổn thương chẳng hạn như “Con hư quá, mẹ không thương con nữa!”, hoặc “Con đánh em đau kìa, mẹ không thương con đâu!”

Tâm hồn trẻ thơ rất non nớt và nhạy cảm, và rất tin vào những gì chúng ta nói ra. Một lời nói vô ý lúc đùa cợt có thể đem lại tác hại không nhỏ. Vì vậy mẹ hãy chú ý quan sát và lắng nghe khi cho con ra ngoài chơi. Những câu nói đùa cửa miệng của khá nhiều người lớn Việt Nam là “Con đâu phải là con của ba mẹ đâu. Ba mẹ con nhặt được con ngoài chợ đấy.”

  1. Chấp nhận những cảm xúc của con

Nên nhớ, tất cả những cảm xúc đều được chấp nhận, kể cả những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần điều chỉnh đó chính là HÀNH VI của bản thân và của con đối với những cảm xúc đó.

Có lần, mình phát hiện Rơm lén véo Ron một cái làm em khóc thét lên. Mình hỏi: “Rơm, con véo em phải không?” thì ảnh chối.

Mình: Mẹ hỏi lại, có phải con vừa véo em không? Nếu có, con hãy nhận, mẹ sẽ không đánh mắng con đâu. Mẹ hứa.

Rơm: Dạ có.

Mình: Tại sao con véo em? Có phải con jealous với em không? (Mình cố tình dùng tiếng Anh)

Rơm: Jealous là gì hả mẹ?

Mình: Jealous tiếng Việt là ghen tị.

Rơm: Ghen tị là gì hả mẹ?

Mình: À, tức là trước giờ mẹ chỉ có mình con. Giờ mẹ sinh em nên thời gian của mẹ dành cho con không nhiều như trước nữa. Con cảm thấy buồn vì điều đó, và con thấy con ghét em đúng không? Jealous là như vậy đó. Mẹ hỏi lại: Con ghen tị với em đúng không?

Rơm: Dạ đúng.

Mình: Con ghen tị là đúng rồi. Cảm xúc đó cũng là bình thường vì đôi khi mẹ cũng như vậy. Mẹ chấp nhận cảm xúc đó của con, nhưng mẹ không chấp nhận chuyện con đánh em. Em còn nhỏ xíu mà, em là em con mà, do mẹ sinh ra. Con đã thấy mẹ mang thai em, em ở trong bụng mẹ nên bụng mẹ to đó con có nhớ không? Rồi lúc mẹ sinh em nữa, mẹ phải đau đớn và mất rất nhiều máu mới sinh được em, giống như hồi mẹ sinh con vậy. Hồi nhỏ con sao thì bây giờ em giống y vậy đó.

Rơm khi đó 3.5 tuổi, đã hiểu được những gì mẹ nói. Nhưng đối với bé nhỏ hơn thì phải làm sao? Mình sẽ chia sẻ ở phần tiếp theo nhưng một điều các mẹ phải lưu ý là: Tuyệt đối không đánh mắng con khi con có những hành vi tiêu cực.

  1. Điều chỉnh hành vi của BẢN THÂN trước khi điều chỉnh hành vi của con

Dù chuẩn bị kỹ như thế nào, chuyện bé lớn ghen tị với em là điều hầu như không thể tránh khỏi! Mức độ có thể thay đổi tùy theo khả năng nhận thức và tính cách của từng bé. Rơm cũng ghen tị với Ron nhưng có xu hướng muốn che giấu cảm xúc, Ron ghen tị với Rô và bộc lộ rõ ràng nên mẹ dễ nhận biết hơn. Tuy nhiên cho dù ở mức độ nào thì người mẹ hãy luôn chủ động tìm hiểu và có những biện pháp can thiệp kịp thời, khéo léo giúp con vượt qua giai đoạn thử thách về việc phải san sẻ tình thương với em.

Tưởng tượng một ngày nào đó chồng mình đem về một cô gái trẻ trung xinh đẹp, eo thon mông ngực nở đều và nói với mình: “Đây là vợ hai, anh yêu thương cô ấy giống như yêu em vậy. Vì vậy em hãy yêu thương cô ấy nhé!

Cảm giác của “vợ lớn” ra sao thì bé lớn cũng y như vậy khi mẹ sắp sinh em.

Mang thai Rô vào thời điểm cực kỳ bận rộn nên thực sự mình không chuẩn bị nhiều cho Ron bằng Rơm trước đây. Tuy nhiên mình vẫn cố gắng tiếp tục những việc mà trước đây vẫn làm, tiếp tục cho Ron bú. Vì một phức tạp sau khi sinh mà mình phải nhập viện cấp cứu hai lần và lần thứ hai phải gây mê để mổ. Tuy nhiên, mình vẫn cố gắng cho Ron bú để con không cảm thấy bị bỏ rơi. Có thể cảm nhận rõ rệt sự khác biệt giữa Rơm và Ron như sau:

– Rơm đã nói và hiểu được nhiều khi mẹ mang thai em trong khi Ron thì chưa.

– Mẹ chuẩn bị cho Rơm kỹ hơn và những hành vi của Rơm cũng không bộc phát như Ron, một phần cũng do tính cách của từng bé.

Dù đã cố gắng duy trì những sinh hoạt trước đây nhưng vẫn không tránh khỏi những lúc Ron khóc đòi mẹ, kiên quyết đẩy em Rô ra để giành bú mẹ; hoặc mỗi lần bú mẹ thì bú rất lâu và mỗi lần mẹ nói “không” thì Ron bắt đầu gào khóc ăn vạ.

Một lần kia, khi đang cho Rô bú thì Ron bỗng từ đâu chạy đến đánh thật mạnh vào đầu em. Lúc ấy mình cực kỳ sốc và chỉ kịp la lên “Sao con đánh em?” Ron lúc đó ngơ ngác vô cùng và không hiểu tại sao mình bị la như vậy.

Các mẹ lưu ý, càng đánh mắng con trước những hành vi tiêu cực như vậy sẽ càng làm tổn thương con. Điều mà chúng ta cần điều chỉnh đó chính là hành vi của BẢN THÂN trước khi thay đổi con. Mình nhận ra rằng Ron đã không thấy được mình đã cố gắng duy trì những sinh hoạt hằng ngày. Đối với con, nhiêu đó chưa đủ và con thấy bị hụt hẫng.

Khi sinh con tiếp theo, bản thân mẹ cũng cần phải thích nghi với hoàn cảnh mới, nhưng bé lớn VẪN LUÔN LUÔN CẦN CÓ MẸ và do đó bé cũng cần thời gian để quen với việc có thêm em.

Sau sự cố đánh em vừa kể trên. Mình lập tức điều chỉnh hành vi của mình. Khi Rô ngủ thì mình tranh thủ ôm ấp, kể chuyện cho Ron nghe, gần gũi với con hơn. Có những lúc Rô đang bú mà Ron nhào tới giành với em thì ba mẹ con cùng lên giường, mỗi đứa một bên, thay vì đẩy Ron ra và bảo con đợi.

Có thể người thân của bạn có những cách xử lý khác nhau khi bé lớn ganh tị với em, nhưng hãy luôn luôn là chỗ dựa đầu tiên cho con. Có thể bạn không thể giám sát hết được người khác đối xử với con như thế nào, nhưng hãy cho con biết rằng lúc nào mẹ cũng ở bên con và là người con luôn luôn tin cậy. Bất kỳ khi nào có thể, mình đều ôm Rơm vào lòng và nói “Mẹ thương con lắm con có biết không? Con là big boy của mẹ, là big brother của các em. Mẹ rất tự hào về con. Mỗi lần mẹ cho em bú, thay tã cho em, cho em ăn… mẹ đều nhớ tới Rơm hồi nhỏ. Con giống Ron và Rô y chang luôn đó.” Thỉnh thoảng, mình đùa và chọc cho ảnh nói: “Con là cục c*t bự của mẹ, em Ron là cục c*t nhỏ hơn và em Rô là cục c*t nhỏ nhất”, Rơm vừa cười vừa nói “Mẹ nói sai rồi, không phải cục c*t đâu, CỤC VÀNG mà!” “Ừ, mẹ quên, cục vàng chứ. Mẹ sinh em xong hay quên vậy đó. Khi nào mẹ quên thì con nhắc mẹ nghen!”

Ông bà ta có câu “Con hư tại mẹ”. Mình thấy rất đúng. Con hư là do mẹ chưa biết cách dạy con, do mẹ chưa điều chỉnh hành vi của mình đối với con, chứ không có đứa trẻ nào tự nhiên sinh ra mà “hư” cả.

Vì vậy, để dạy con trở thành đứa trẻ ngoan, cha mẹ hãy học hỏi và điều chỉnh bản thân mình trước. Khi con có những biểu hiện ngoài ý muốn, hãy xem lại hành vi của mình và giúp con vượt qua những thử thách đó, không riêng gì về chuyện đối xử với em, mà những sự kiện khác mà con sẽ phải đối mặt trong cuộc đời.