Mẹ ơi đừng đánh con đau

Mẹ ơi đừng đánh con đau post thumbnail image

Các mẹ vào Webcuame đọc một thời gian thì nhắn tin cho tôi bảo rằng sao những bài viết về Rơm Ron Rô lúc nào cũng chan chứa yêu thương, cái cách mà tôi đối xử với các con lúc nào cũng dịu dàng và bình tĩnh. Mẹ 3R có hiền thật không? Lúc nào cũng nhẹ nhàng nhỏ nhẹ với con vậy sao? Mẹ 3R đúng là một người mẹ tuyệt vời nhất thế giới. Chẳng lẽ mẹ 3R chưa bao giờ đánh con sao?

Chẳng có mẹ nào là hoàn hảo, chẳng có mẹ nào mà chưa từng bao giờ nổi khùng với con. Mẹ cũng là con người mà, cho dù mẹ có là người lớn đi chăng nữa thì cũng có những lúc mẹ muốn bùng nổ và dễ làm những việc ngoài tầm kiểm soát của bản thân.

Cái lúc mẹ giơ tay đánh con vì nóng giận, mẹ chẳng thấy đau đâu. Mẹ cảm thấy bực tức, thấy bùng nổ, thấy giận dữ. Cái giọng mẹ đổi từ phim lãng mạn sang phim ma và cuối cùng là phim hành động hoặc kinh dị. Đánh con xong, cái cảm giác giống như xem một cuốn phim thật buồn! Sự thật ngoài đời còn hơn thế nữa, đánh con xong lại ôm con, nựng con, xin lỗi con, hứa hẹn đủ điều lần sau mẹ không làm thế nữa.

Rồi lịch sử sẽ lặp lại! Lần sau mẹ đánh con, và cũng sẽ ăn năn….

Có khi, đánh con, không phải vì lỗi của con, mà của chính bản thân mình, hoặc vì đang buồn giận ai đó trong gia đình, nhất là ông chồng, bà nội hoặc bà ngoại của con.

Con bé quá chẳng chống cự lại được, chẳng nói được, lại dễ bắt nạt nên là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Con không bám, không mè nheo với mẹ, thì mè nheo ai bây giờ? Không lẽ con mẹ nheo ông bán thịt hay bà bán rau ngoài chợ sao? Mẹ là gần gũi nhất, dễ mủi lòng nhất, chăm sóc con nhiều nhất, hiểu con nhất, thương con nhất… mẹ cũng là người dễ bị con bắt nạt nhất. Nhất là thời gian đầu khi mẹ sinh em, mọi thứ dường như quá sức chịu đựng không chỉ đối với mẹ mà đối với con nữa. Trước khi giơ tay đánh con, xin mẹ hãy dừng lại vài giây: Nếu mọi việc đối với mẹ là quá tải, quá sức chịu đựng thì với con cũng thế! Mẹ sinh xong, mệt mỏi, thiếu ngủ, lại phải luôn túc trực chăm sóc cho em bé mới ra đời. Chưa hết, mẹ dễ bị tổn thương và bức xúc trước những bình luận tiêu cực về cách mẹ chăm con. Người nhà không hiểu cho thì chớ, lại còn trách móc mẹ, đổ lỗi cho mẹ chuyện này chuyện kia.

Những mẹ nuôi bú song song, dù ít hay nhiều, dù có chuẩn bị tinh thần hay không, cũng là những người dễ bị bùng nổ nhất. Tại sao không cai sữa cho bé lớn để bây giờ nó giành với em? Tại sao không tách nó ra sớm, tại sao không cho nó ngủ riêng sớm? Tại sao lại chiều con như thế, để bây giờ nó bám, nó hư?

Là một người mẹ nuôi bú song song, tôi hoàn toàn thấu hiểu những trải nghiệm của các mẹ cùng hoàn cảnh.

Nhưng cũng vì thế mà tôi muốn nhắn nhủ với các mẹ rằng: Các mẹ KHÔNG HỀ LÀM ĐIỀU GÌ SAI! Cho dù việc đúng sai có thể quan trọng hoặc không quan trọng tùy theo hoàn cảnh của từng người, nhưng việc ngưng cho bé lớn bú khi mẹ có thai em, hoặc “tách” bé ra khỏi mẹ sớm theo cái cách một số người nghĩ CHỈ LÀM CHO MỌI VIỆC TỒI TỆ HƠN. Dường như việc đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, cho rằng phải có ai đó phải chịu trách nhiệm hoặc là người có lỗi cho một sự việc là thói quen của nhiều người. Tiếc thay, trong rất nhiều trường hợp, thì những người đó chính là những người gần gũi với bà mẹ mới sinh nhất.

Sự ghen tị với em bé mới sinh là điều hầu như khó tránh khỏi cho bé lớn trong thời gian đầu khi mẹ sinh em, bởi vì, tuy là anh, là chị rồi nhưng bé vẫn là một em bé! Việc đánh phạt bé lớn vì có những hành động xuất phát từ sự ghen ti với em chỉ là cho mọi việc XẤU HƠN mà thôi.

 

Khó tránh khỏi việc bé lớn ganh tị với em

Khó tránh khỏi việc bé lớn ganh tị với em

Khi Rô được khoảng 4 tuần tuổi, một lần tôi đang cho Rô bú thì Ron bỗng từ đâu chạy đến dùng cả bàn tay đánh thật mạnh vào đầu em. Rô khóc tím cả người trong khi tôi ngồi đó không thốt lên được lời nào vì quá sốc! Nhưng lúc đó tôi cũng nhận ra rằng Ron cảm thấy sự quan tâm của mẹ dành cho mình đã bị giảm đi từ khi có em. Tuy đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng tôi không thể lường trước hành động này của Ron. Còn nhớ, khi ấy tôi ôm cả hai thằng vào lòng vừa nói vừa khóc: “Con ơi con đánh em tội em quá. Em còn nhỏ quá con ơi. Tội em quá nè, em khóc quá nè. Sao con đánh em vậy? Em nhỏ xíu nè con có thấy không? Hồi xưa con cũng nhỏ xíu giống y em bây giờ nè, em bú giống y như con hồi nhỏ nè. Hồi xưa mẹ cũng sinh con ra giống như sinh em nè. Đó, con thấy em khóc tội không con? Con đừng đánh em nữa nghen con, em đau lắm, mẹ buồn lắm đó!” Dường như bản thân Ron cũng còn thấy sốc vì chuyện mình làm nên ảnh im re, mặt mày ngơ ngác mà cũng hối lỗi vô cùng.

Biến cố đó làm tôi nhận ra rằng nhu cầu được gần mẹ của Ron lúc nào cũng thế. Con càng lớn, không có nghĩa là con bớt cần mẹ hơn và việc đánh em vì ghen tị là một tiếng chuông cảnh báo cho cha mẹ để cha mẹ điều chỉnh lại cách hành xử với con. Từ hôm đó, tuy mẹ còn mệt sau khi sinh, nhưng mỗi lần Rô bú thì Ron cũng được bú mẹ. Thật ra, đó không phải là cách “chiều con” để con “muốn gì được nấy” mà đó chính là những cơ hội để tôi nói chuyện với con nhiều hơn. “Mẹ cho con bú chung với em vì mẹ biết con thích bú mẹ. Con thương em nên muốn được gần em. Đó, con vuốt má em đi, nhẹ nhẹ thôi nha con. Nhẹ như thế này nè…” “Con có biết không, em bé còn nhỏ quá, chưa ăn được như con, nên em cần bú mẹ nhiều hơn con để em lớn và chơi với con. Con bú tí xíu thôi nhé, rồi ăn cơm cho no nhé con. Đây, con thấy không, bàn tay em nhỏ xíu à, tay con lớn hơn vì con làm anh mà…” Ban đầu ảnh không chịu nghe đâu, nhưng ngày nào mẹ cũng nói như vậy nên ảnh thấm. Đừng nghĩ con nít “không biết gì” nên coi thường khả năng tiếp nhận của con.

Đó là lần đánh em duy nhất của Ron. Kể từ đó trở đi, mỗi lần hai đứa bú chung thì cho dù thằng em có đạp có đá, có giựt tóc thậm chí móc cả ngón tay vào mắt thì Ron vẫn im re chịu đựng, tay nắm tay em trìu mến. Có khi, hai thằng cùng vỗ tay bộp bộp vào vú mẹ rồi khúc khích cười. Những giây phút đó sẽ không bao giờ quay trở lại.

Vì vậy, lời khuyên dành cho các mẹ là, hãy điều chỉnh hành vi của mình trước, rồi mới thay đổi được con. Học cách nhận ra những dấu hiệu cảnh báo là cách tốt nhất để điều chỉnh mình trước khi thiếu kiềm nén mà đánh con.

  • Bạn cảm thấy mình dễ xúc động, buồn vui không kiểm soát được.
  • Bạn hoang mang và khó đưa ra quyết định. Trong trường hợp của người mẹ mới sinh con, liệu cai sữa cho bé lớn có phải là giải pháp? Mình đã sai vì không “tách” con ra từ sớm ư?
  • Bạn dễ bực tức và cảm thấy oán trách ai đó. Sự bực tức và cảm giác oán trách khiến bạn muốn làm gì đó để những người mà bạn cho rằng góp phần đem lại cảm giác đó phải cảm thấy hối lỗi, nhưng bạn không thể làm gì họ nên phải có ai đó để bạn “xả rác”. Trong trường hợp đó, thật buồn, đó chính là bé lớn của bạn.
  • Bạn mệt mỏi và hệ miễn dịch của bạn đang suy yếu.
  • Bạn không thể thư giãn được.
  • Bạn khó ngủ, và hay thức giấc với những cảm giác ray rứt.

Đừng tự trách mình vì những cảm giác và suy nghĩ tiêu cực đó, mà trước hết, cần chấp nhận sự tồn tại của những điều mà bạn cho là tiêu cực đó. “Tôi cảm thấy bị tổn thương.” “Tôi cảm thấy tức giận, tôi cảm thấy tôi lẻ loi quá, không ai hiểu  tôi cả.” Việc trách móc bản thân hay người khác thật ra chẳng đem lại cho bạn ích lợi gì cả! Điều chúng ta cần thay đổi, là HÀNH VI của mình. “Tôi có thể tức giận, nhưng tôi không nên đánh con để bớt giận, để rồi tôi lại ăn năn vì điều đó.” Nếu không đánh mắng con, thì tôi cần làm gì đây?

Dưới đây là vài cách:

  1. Nói chuyện với ai đó. Bạn đang có một túi rác và bạn cần tìm thùng rác để xả. Xả rác không đúng chỗ sẽ làm ô nhiễm môi trường và có khả năng chính bạn lại phải đi dọn đống rác lớn hơn!
  2. Hãy viết ra giấy! Thông thường tôi viết ra, và hầu như chẳng bao giờ đọc lại. Nó chẳng vui vẻ gì, nhưng việc viết ra giấy cũng giống như việc “xả rác vào thùng rác” vậy. Chẳng ai buồn mở thùng rác ra xem sau khi đã vứt rác vào đấy.
  3. Nếu bạn cảm thấy dường như giới hạn chịu đựng của mình sắp hết, hoặc có ý định chuẩn bị đánh con, hãy lập tức tự “cách ly” mình ra khỏi con hoặc cho con vào chỗ an toàn. Nếu không có một chỗ riêng tư nào, hãy vào toilet hoặc nhà tắm, đóng cửa lại. Chẳng có gì thú vị khi vào toilet thì hãy vào nhà tắm, soi gương và xem cái bản mặt mình lúc giận nó xấu xí cỡ nào! Ôi, tôi đâu đến nỗi thế! Thậm chí khi tôi mang bầu, tôi mập ú ra và da thì rạn, tôi vẫn còn tươi tắn mà. Khi vào chỗ riêng tư rồi (toilet hoặc nhà tắm), hãy cho mình vài giây hít thở và xác định cảm giác của mình. “Tôi giận,” “Tôi buồn”. Có mẹ hỏi là trong lúc bực bội như vậy, làm sao đủ lý trí mà ngăn ngừa? Kinh nghiệm là: chuẩn bị tinh thần trước, nhận biết trước để khi gặp chuyện là làm thôi.
  4. Hãy nghĩ về những điều tích cực. Bạn oán trách ông xã hoặc bà nội bà ngoại của em bé sao? Hãy nghĩ xem họ làm điều đó xuất phát từ ý định nào? Dẫu sao, khi có chuyện gì xảy ra với bạn, thì họ vẫn sẽ là những người ở bên cạnh bạn vô điều kiện. Chuyện họ trách giận bạn vì bạn đã không làm theo điều họ mong muốn cũng là vì họ cảm thấy chính mình cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, thay vì nhận thức được điều đó, cũng giống như bạn, họ muốn ai đó phải là người chịu trách nhiệm về chuyện đã xảy ra. Vì vậy, người thân cũng đang gặp khó khăn chứ không riêng gì bạn đâu!
  5. Chăm sóc bản thân mình. Cho dù ai đó có bảo rằng bạn là một người mẹ đoảng nhưng không ai có thể thay thế vai trò của bạn đối với con. Lời nói rồi cũng qua nhưng đòn roi dành cho con sẽ là vết thương không chỉ cho con mà cho chính bạn nữa. “Tôi không nhớ bao nhiêu lần tôi đã ôm hôn con, âu yếm con; nhưng tôi nhớ rất rõ những lần tôi giơ tay đánh con và khuôn mặt thơ bé sợ hãi của con làm ruột tôi thắt lại.” Đây chẳng phải là tâm sự của nhiều mẹ đó sao?
  6. Tha thứ cho mình. Không ai là hoàn hảo cả, tha thứ cho mình, nhưng đừng quên lỗi lầm đó.

Không phải bà mẹ nào cũng đủ bản lĩnh để cư xử tốt đẹp trong mọi tình huống. Nếu đó là bạn, hãy chấp nhận sự hạn chế của bản thân. Sự học hỏi chỉ dừng lại với những người luôn tự cho mình là đúng. Làm mẹ cũng thế, nếu bạn thấy mình chưa tốt, bạn sẽ cố gắng làm sao cho tốt và nỗ lực để chăm sóc con và chăm sóc bản thân mình tốt nhất.