Vũ khí cuối cùng

Vũ khí cuối cùng post thumbnail image

Tưởng tượng một ngày kia bạn được “chuyển công tác” đến một hành tinh lạ, nơi mà không ai hiểu ngôn ngữ của bạn nhưng bạn có thể cảm nhận ngôn ngữ của cư dân bằng biểu hiện trên khuôn mặt của họ, ngôn ngữ cơ thể họ và mức độ trầm bổng khi họ nói. Chỉ là cảm nhận thôi vì bạn không có khả năng diễn giải bằng ngôn ngữ của bạn.

Bạn được trang bị phương tiện giao tiếp duy nhất đó chính là tiếng khóc. Đương nhiên, để tồn tại nơi hành tinh mới thì bạn cần có vũ khí. Vì tai nạn chỉ xảy ra khi ăn nên bạn có 3 vũ khí: ngậm chặt miệng nếu bạn không thích ăn, ngậm thức ăn khi bạn bị buộc phải ăn và ói ra nếu bạn vẫn bị buộc phải ăn dù sau khi đã sử dụng hai vũ khí vừa nêu. Do đó, ói là vũ khí cuối cùng của bạn.

Về sức  vóc thì bạn vô cùng nhỏ nhắn với họ nên không có chuyện bạn sẽ đánh lại họ.

Bạn hiểu tôi đang muốn liên tưởng đến vấn đề gì rồi chứ? Đó chính là chuyện ăn uống của bé.

Nếu đứa trẻ nào cũng ăn hết mọi thứ mà người lớn đưa cho ăn thì bé sẽ bị bệnh rất nguy hiểm (tưởng tượng nếu bạn thổi một quả bóng quá to, thì nó sẽ vỡ, đúng không?) Chính vì vậy mà bé phải có “chiến lược” để chống lại việc phải ăn quá nhiều thức ăn trong khi không có nhu cầu. Tôi cho rằng đây là điều may mắn.

Vũ khí đầu tiên bé sử dụng là ngậm chặt miệng và quay đi chỗ khác. Rõ ràng, bé đang giao tiếp đấy chứ. Nhưng hành động này còn to hơn gấp nhiều lần lời nói “Con không muốn ăn/Con no rồi/Con không thể ăn nữa”.

Nếu người mẹ tiếp tục cho bé ăn bằng cách khuyến khích/dọa nạt/làm trò (mở ti vi cho bé xem, làm bé mất tập trung, thậm chí tôi từng chứng kiến có người còn bịt mũi bé lại để bé phải há miệng ra để thở rồi đút thức ăn vào miệng bé) thì bé sẽ dùng vũ khí thứ hai. Đó là ngậm chặt thức ăn vào miệng mà không chịu nhai hay nuốt. Một số bé chỉ nuốt mà không nhai (hậu quả như thế nào đối với vấn đề tiêu hóa thức ăn thì thiết nghĩ tôi không cần phải nhắc đến trong bài này).

Sau bao nỗ lực để cho mẹ/người chăm sóc biết rằng mình không muốn ăn nữa mà bé vẫn tiếp tục bị cho ăn thì vũ khí cuối cùng sẽ được sử dụng. Đó chính là ói. Bằng cách này hay cách kia bé sẽ ói ra lượng thức ăn dư thừa ấy, hay thức ăn mà bé không thích nhưng bị buộc phải ăn.

Làm cha mẹ, ít có người chưa từng trải qua cảm giác chứng kiến cảnh con ói như vòi rồng chỉ sau khi ăn. Ngoài các vấn đề về sức khỏe chẳng hạn như hệ tiêu hóa suy yếu khi đang bệnh thì bé ói sau khi bị ép ăn khá phổ biến. “Hiện trường” sau vụ ói thì người dọn dẹp là ai chắc tôi cũng không cần phải nhắc, nhưng cái cảm giác mệt mỏi (thậm chí kiệt sức) là của cả hai mẹ con. Người mẹ sau bao nỗ lực nấu ăn, cho con ăn, làm mọi cách để con ăn mà bây giờ con ói ra hết; còn con sau bao nỗ lực giao tiếp cho mẹ biết rằng con không thể ăn nữa mà bây giờ đành phải ói ra hết để cảnh báo…mệt mỏi về tinh thần lẫn thể chất luôn. Bạn có bao giờ bị ói chưa? Nếu có chắc bạn hiểu sau khi ói thì mệt như thế nào chứ? Vậy sau khi bạn ói xong bạn có bị đánh, bị mắng chửi bao giờ chưa? Bạn có bao giờ bị buộc phải ăn thứ thức ăn mà bạn phải ói ra chưa?

Hãy nghĩ về bé con của bạn trong trường hợp ấy.

Đến cái mức mà con bạn phải dùng vũ khí cuối cùng là ói, thì tôi xin bạn, hãy dừng ngay lại! Bé đã cố giao tiếp để bạn hiểu mà bạn không hiểu, hoặc hiểu mà cố tình lờ đi và cho rằng điều đó là vô lý. Hãy đặt mình vào trường hợp của bé. Còn gì tuyệt vọng và tận cùng hơn khi mình không thể làm người khác hiểu điều mà mình ước ao họ hiểu!

Bạn lo lắng rằng nếu bé không “ăn đủ” thì sẽ không lớn hả? Bạn có biết thế nào là đủ hay không? Thật ra, em bé ăn nhiều hơn người lớn so với trọng lượng cơ thể của bé đấy. Tôi lấy ví dụ, một mẹ nói với tôi rằng con mẹ ấy 6kg mà mỗi ngày chỉ bú 700ml sữa là quá ít. Hãy làm một phép tính nhé. Một em bé 6kg mỗi ngày bú chừng 700ml sữa, vì vậy người lớn 60kg cũng cần uống 7 lít sữa một ngày mới đủ, không ăn gì hết. Nếu không thích sữa thì có thể thay bằng nước trái cây, nước lọc, nói chung nước gì cũng được miễn là chất lỏng.

Bạn nghĩ bạn uống nổi mỗi ngày 7 lít chất lỏng không?

Chưa kể, khi bé ăn dặm thì nhu cầu về sữa cũng giảm dần nhất là sau 12 tháng.

Vì vậy, thay vì lên FB than thở con biếng ăn, hoặc post hình con bị phạt vì ăn vạ bằng cách ói ra bằng hết thức ăn như một chiến tích của người mẹ (dù bạn có thể chẳng muốn chiến tích ấy chút nào), hãy chịu khó học hỏi và thương con đúng cách!