Vì sao em khóc?

Vì sao em khóc? post thumbnail image

Bé khóc có nhiều nguyên nhân, và không phải lúc nào giải pháp cũng là cho bé bú! 

Bé còn nhỏ, chưa biết nói, vì vậy khóc là phương tiện giao tiếp duy nhất để báo cho bố mẹ/ông bà về nhu cầu của mình.

I. MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN LÀM BÉ KHÓC 

1. MÔI TRƯỜNG MỚI 

Các mẹ có để ý rằng thông thường những ngày đầu khi trở về từ bệnh viện, bé hay khóc không? Đó là do thay đổi về môi trường xung quanh bé. Hãy nghĩ lại mà xem, bé vừa mới rời môi trường ấm áp và bình yên trong bụng mẹ để chào đời, chưa quen với môi trường mới (trong bệnh viện) được bao lâu thì lại được giới thiệu đến một nơi khác (nhà mình). Sự thay đổi liên tục này làm bé thấy có gì đó lạ lẫm, bất an. Đối với mẹ, thời gian đầu sau khi sinh bé quả là một giai đoạn mệt mỏi và căng thẳng. Nhiều mẹ nói rằng “sữa chưa về”, “chưa có sữa” và chỉ cần thiếu cố gắng một chút, cộng với tác động của những người xung quanh, thì rất dễ thỏa thuận với việc đi pha cho bé một bình sữa công thức “bú tạm” trong khi “chờ sữa về”. Đây là một điều có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy “tai hại” về sau chẳng hạn như bé quen ti bình, chê ti mẹ, làm mẹ bị stress, mặc cảm không có đủ sữa cho con, và rồi dẫn đến việc không hoàn thành mục tiêu cho con ti mẹ hoàn toàn đã đặt ra trước đó.

Vì vậy, mẹ cần cố gắng và hiểu rằng hầu như tất cả các bà mẹ khác đều phải trải qua giai đoạn khó khăn như vậy.

2. ĐÓI

Đói là lý do mà nhiều mẹ hay nghĩ tới đầu tiên khi nghe con khóc. Mẹ cần nhận biết các dấu hiệu bé đói để có hướng giải quyết phù hợp.

Hãy quan sát bé, chứ không phải nhìn đồng hồ để xem bé đã đến cữ bú hay chưa. Nếu bé thức dậy 1-2 tiếng sau khi bạn đã cho bé bú, rất có thể bé sẽ đói tiếp. Tuy nhiên nếu bé vẫn khóc sau khi bú cả hai bên thì có thể vì một lý do nào khác. Bé bú mẹ hoàn toàn có thể bú 8-10 cữ một ngày (24 tiếng), hoặc có khi hơn.

Những ngày đầu sau khi sinh có thể bé sẽ bú rất nhiều lần trong ngày. Đây là thời điểm mà sữa non của mẹ được sản xuất để đáp ứng nhu cầu của bé. Từ ngày thứ 3-5 trở đi, sữa non sẽ dần chuyển sang sữa già và sẽ nhiều hơn.

Thời gian đầu sau khi trở về nhà từ bệnh viện, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và căng thẳng vì bé thường xuyên khóc. Tuy nhiên, hãy cố gắng nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, uống nhiều nước và thật thư giãn mỗi lần cho con bú. Nếu bạn ngồi để cho con bú, nên gác chân lên một cái ghế.

Lưu ý, bé bú càng nhiều, sữa sẽ tiết ra nhiều. Tuy nhiên, việc bé ngậm vú lâu không có nghĩa là bé bú đủ. Hãy quan sát tư thế và khớp ngậm của bé và điều chỉnh cho phù hợp.

Nếu bạn cảm thấy sữa xuống chậm, hãy để ngón tay dưới bầu vú (chỗ quầng thâm) và ngón cái ở trên, nhẹ nhàng “vắt” để giúp dòng sữa chảy xuống mạnh hơn. Hãy chắc chắn là bé bú đủ cả sữa trước và sữa sau bằng cách cho bé bú cạn một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia.

3. TÃ DƠ

Nếu tã bé đầy, bé sẽ khóc để yêu cầu “Thay tã cho con!” Các mẹ có con trai cần lưu ý khi thay tã cho con, luôn luôn chỉnh lại dương vật của con theo chiều xuống, tức là đầu dương vật hướng về phía dưới chân bé. Nhiều mẹ vội, hoặc vì con khóc to trong lúc thay tã, nên đã cuống cuồng gài tã lại trong khi “chim” của con đang ở vị trí “chỉ thiên”. Khi con muốn tè mà tè không được, nên con sẽ khóc.

4. BÉ CẢM THẤY LẺ LOI

Nếu bé nín khóc khi bạn bế bé lên và im lặng ôm bé, có thể bé cảm thấy lẻ loi nên mới khóc. Bé còn nhỏ quá nên chưa biết được mình là một cá nhân riêng biệt. Bé cảm thấy yên tâm khi bố mẹ ở bên cạnh, vì vậy khi đặt bé xuống, bé hay khóc.

5. BÉ MỆT

Một số bé thường khóc vài phút trước khi ngủ, cho thấy bé mệt. Ngày xưa ông bà vẫn hay khuyên là trước giờ ngủ, không nên kích thích bé cười nhiều quá thì bé sẽ khó ngủ, mệt mỏi, và khóc. Điều này không phải là không có lý do, vì bé quá mệt và còn bé nên hệ thần kinh trung ương của bé rất nhạy cảm.

Mỗi bé có đồng hồ sinh học khác nhau, có bé chỉ ngủ nửa tiếng/giấc vào ban ngày nhưng lại ngủ sâu vào ban đêm; có bé thì ngủ cách cữ. Những tiếng động trong nhà thật ra không phải lúc nào cũng là điều phiền phức với bé. Sự thay đổi bất ngờ về âm lượng cũng có thể làm cho bé thức giấc, thậm chí như đang ồn mà đột ngột lặng im thì bé cũng bị đánh thức. Một điều thú vị là tiếng ồn của máy hút bụi đôi khi lại làm cho bé nín khóc, đơn giản đó là âm thanh “thân quen” mà bé đã nghe khi còn ở trong bụng mẹ.

6. BÉ MỌC RĂNG HOẶC KHÔNG KHỎE

Khi bé mọc răng, nướu của bé trở nên ngứa và đau. Cho bé bú thường xuyên và rút ngắn thời gian ở mỗi cữ bú có thể làm cho bé dễ chịu hơn. Một số bé bú nhiều hơn trong thời gian mọc răng, nhưng cũng có bé từ chối ti mẹ. Lúc đó, mẹ có thể hút sữa ra và cho bé uống sữa bằng thìa/cốc.

Cơ thể mỏi mệt vì lý do về sức khỏe cũng làm cho bé khóc. Mẹ hãy kiểm tra nhiệt độ của con có ổn định hay nóng sốt gì không.

7. BÉ KHÔNG ĐƯỢC THOẢI MÁI

Mẹ có cài tã quá chật cho bé không? Bé có quá nóng hay quá lạnh không? Đối với bé sơ sinh, mẹ có quấn bé rộng quá không? Thông thường bé sơ sinh hay khóc là vì cảm thấy trống trải, vì vậy mẹ nên quấn bé sao cho bé cảm thấy an toàn.

Link video hướng dẫn quấn bé sơ sinh có thể xem tại đây

Hoặc theo hình

8. NHỮNG LÝ DO VỀ SỨC KHỎE KHÁC

a. ĐẦY HƠI

Khi bé bị đầy hơi, tức là không khí bị “nhốt” lại trong bụng làm bé khó chịu. Giải pháp đơn giản: Sau khi bé bú xong, mẹ hãy vỗ cho bé ợ hơi.

Link hướng dẫn vỗ ợ hơi cho bé

b. ĐAU BỤNG

Nếu bé nuốt nhiều không khí hoặc đầy bụng, có thể sẽ khóc vì đau bụng. Khi đó, các cơ bụng của bé sẽ co thắt làm bé đau. Rất dễ nhận biết bé đau bụng:

–          Bé vặn vẹo tay chân và cáu gắt

–          Bé mút tay và có dấu hiệu giống như khi đói

Khi mẹ nhìn dấu hiệu đói, mẹ sẽ cho bé bú, bé sẽ bú mạnh một vài phút đầu, sau đó dừng lại và vắt đầu gào khóc. Mẹ tưởng sữa không xuống, lại cho bé bú nữa, nhưng bé sẽ đẩy ra và khóc. Mỗi cơn đau bụng như vậy kéo dài chừng 4-5 phút. Sau đó bé sẽ trở lại bình thường hoặc buồn ngủ, nhưng không lâu sau đó bé sẽ gào khóc trở lại. Chuyện này sẽ lặp đi lặp lại làm cho cả gia đình lo lắng. Nhiều mẹ lầm tưởng bé đói khi thấy bé mút tay, nhưng thật ra lúc đó bé không đói, mà là một dấu hiệu cho thấy bé sắp bị một colicky attack (cơn đau bụng).

Nguyên nhân đau bụng

Không có nguyên nhân cụ thể nào để giải thích hiện tượng đau bụng của bé, tuy nhiên có vài lý do.

–          Quá nhiều lactose: Lactose là chất ngọt có trong sữa mẹ. Lượng lactose trong sữa mẹ tương đối ổn định và chiếm một phần không nhỏ trong sữa mẹ. Tuy nhiên, chế độ ăn uống của mẹ không có liên quan gì đến lượng lactose này. Nếu bé không tiêu hóa được hết lactose, vi khuẩn bình thường trong ruột sẽ tiếp tục phân hủy lactose, thải ra khí/hơi và làm bé đau bụng. Phân của bé cũng sẽ nhiều và lỏng hơn. Bé nào bú  nhiều sẽ có hiện tượng này.

Nếu bé ị và tè nhiều lần trong ngày, có thể do bé có quá nhiều lactose trong hệ tiêu hóa.

–          Chất béo:  Chất béo làm sữa vận chuyển chậm, làm quá trình tiêu hóa cũng chậm phân hủy lactose. Lượng chất béo trong sữa thay đổi khi bé bú, ngực càng căng chất béo càng ít và ngược lại. Mẹ nào để ngực quá căng mới hút sữa sẽ để ý thấy sữa có màu nhạt hơn. Nếu bé bú phần sữa trước (foremilk) nhiều hơn vì chưa kịp bú cạn một bên ngực mẹ đã chuyển sang bên kia thì có nghĩa là bé bú phần sữa có ít chất béo (low-fat foremilk) nhiều hơn. Lượng sữa này di chuyển khá nhanh nên lactose không được tiêu hóa và hấp thụ kịp, và vì nó ít năng lượng hơn nên bé sẽ mau đói và đòi bú nữa. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì tình hình sẽ càng tệ hơn. Nói cách khác, nếu bé bú nhiều sữa trước thì sẽ xảy ra hiện tượng này. Do đó, mẹ nên để bé bú cạn một bên vú, rồi mới đổi bên, để bé hưởng trọn phần sữa trước (ít chất béo) và sữa sau (nhiều chất béo). Mẹ nào nhiều sữa có thể chỉ cần cho bé bú một bên vú là đủ. Nếu mẹ bị over supply (dư sữa), có thể chỉ cho bé bú một bên vú nhiều lần để giải quyết vấn đề. Ví dụ như mẹ có thể cho bé bú một bên vú trong vòng 4 tiếng đồng hồ, tức là trong 4 tiếng đó, chỉ bú một bên thôi; sau 4 tiếng có thể đổi sang bên vú kia cho cữ kế tiếp. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý nếu bên còn lại (bên bé chưa bú) có dấu hiệu căng tức thì nên hút bớt sữa ra để tránh tắc tia sữa.

–          Một số bé có phản ứng với một loại thức ăn nào đó của mẹ. Tuy nhiên điều này là tạm thời vì chỉ cần mẹ ngưng thức ăn đó thì bé sẽ không bị nữa.

II. LÀM THẾ NÀO KHI BÉ KHÓC?

Ngoài những cách đã nêu ở trên, sau đây là một vài gợi ý:

–          Cách đầu tiên cần nghĩ tới đó là da tiếp da (s2s) vì nó rất hiệu quả. Bé có thể tiếp da với bất kỳ ai chứ không chỉ có mẹ. Khi bé tiếp da với mẹ, bé sẽ ngửi được “mùi” của mẹ, cảm nhận được nhịp tim và hơi thở của mẹ, được mẹ ủ ấm. Bản năng sẽ kích thích bé tìm đến vú mẹ. Bé bú mẹ cũng đem lại cho mẹ cảm giác thư thái và bình yên, làm mẹ đỡ lo lắng hơn.

–          Bế và rung nhẹ bé (rocking): Bé rất cần hơi ấm, cần đụng chạm. Được bế và đong đưa nhẹ theo một bài nhạc nào đó không những làm cho bé cảm thấy thư giãn mà còn giúp mẹ đỡ căng thẳng. Có thể đưa bé đến một căn phòng khác, ra ngoài môi trường mới có thể làm bé thoải mái hơn.

–          Tiếng ồn đều đặn: Thật thú vị là nhiều bé có vẻ rất thích tiếng ồn từ máy hút bụi hoặc máy giặt, bởi vì âm thanh trong bụng mẹ rất giống những âm thanh này.

–          Đặt bé nằm xuống sàn (mẹ nhớ lót một miếng vải thấm bên dưới), cởi tã bé ra và để bé “đá” thoải mái. Điều này có thể làm cho bé nín khóc.

–          Kê đầu bé nằm hơi cao hơn một chút có thể giúp bé ợ hoặc xì hơi.

III. CHĂM SÓC CHO MẸ 

Không chỉ có bé, mẹ cũng là người cần được chăm sóc và nghỉ ngơi.

–          Mẹ cần chia sẻ công việc với gia đình, hãy dành chuyện dọn dẹp nhà cửa cho bố hoặc người nhà.

–          Hãy nghỉ ngơi bất kỳ khi nào có thể. Chợp mắt sau khi bé ngủ có thể giúp mẹ hồi phục năng lượng.

–          Ăn uống phù hợp, uống nước đầy đủ.

Tham khảo:

1. Hiệp Hội Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ Australia

2. ABA Booklet Series: Why is my baby crying? (2009)

1 thought on “Vì sao em khóc?”

Comments are closed.