Hiểu đúng về biểu đồ phát triển của con theo WHO

Hiểu đúng về biểu đồ phát triển của con theo WHO post thumbnail image

Nhận thấy có nhiều ngộ nhận về biểu đồ phát triển/tăng trưởng của con nên mình viết bài này để giải thích rõ hơn cách đọc và hiểu nhằm các biểu đồ tăng trưởng của WHO.

Dưới đây là một video clip nói về thực trạng béo phì của trẻ em Việt Nam

1. Biểu đồ tăng tưởng nói lên điều gì?
Nhờ biểu đồ tăng trưởng, cha mẹ có thể hình dung được tổng thể của sự phát triển về thể chất của con, bằng cách so sánh các chỉ số của con so với các bạn cùng giới tính và lứa tuổi. Các chỉ số/số đo đó là: chiều dài/cao, trọng lượng và vòng đầu. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ đã nhầm lẫn biểu đồ tăng trưởng của con với bảng xếp hạng học tập ở trường nên đã có những lo lắng thái quá về sự phát triển thể chất của con.

Do đó, biểu đồ tăng trưởng không phải là công cụ duy nhất đánh giá được sự phát triển toàn diện của bé. Điều quan trọng nhất là bé phát triển theo mức độ đều đặn và phù hợp với độ tuổi cũng như giới tính của bé, chứ không phải là bé đạt được những con số “kỳ diệu” nào đó chẳng hạn như bé X tuổi phải nặng Y ký.

2. Đường phân phối (Percentile Chart) có nghĩa là gì?

Để dễ hiểu, mình sẽ giải thích từ ví dụ.

Ví dụ: Con trai 3 tháng tuổi của bạn có trọng lượng nằm ở mức 40th (mức thứ 40) không có nghĩa là “dưới trung bình” mà là:  có 40 % bé trai có cùng độ tuổi nặng bằng hoặc ít hơn con của bạn, và 60% bé trai 3 tháng nặng hơn con của bạn. Cùng độ tuổi có nghĩa là độ tuổi tính từ lúc bé sinh đủ tháng, không so so sánh bé 3 tháng sinh đủ tháng với bé 3 tháng sinh non. Bé nào sinh trước 37 tuần mới gọi là sinh non.

Con số càng lớn có nghĩa là bé nặng cân hơn nhiều bạn bè cùng giới tính và cùng độ tuổi. Nhiều ông bà cha mẹ cứ muốn con mình phải “hơn người”, có nghĩa là phải nặng hơn con của người khác thì mới gọi là bé được người “mát tay” nuôi.

Lấy một ví dụ khác về chiều cao, nếu bé trai 3 tháng của bạn nằm ở mức 80th có nghĩa là có 80 % bé trai có cùng độ tuổi cao bằng hoặc thấp hơn bé của bạn, và 20% bé trai 3 tháng cao hơn con của bạn.

3. Có phải chỉ số thấp tức là bé có vấn đề gì đó về sự phát triển không?

Như đã nhắc ở phần 1, chỉ số phát triển của bé không hề giống với bảng điểm xếp hạng ở trường. Do đó, chỉ số thấp không có nghĩa là bé chậm phát triển hay bé có vấn đề gì đó.

Chỉ số cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác trong đó yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng không kém với các yếu tố khác chẳng hạn như dinh dưỡng, môi trường và thể trạng của bé.

Ví dụ: Cha mẹ thấp thì không thể mong chiều cao của con nằm ở mức 80th được. Đương nhiên yếu tố dinh dưỡng cũng góp phần rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, tuy nhiên điều này không có nghĩa là cứ hễ được chăm sóc ăn uống không thiếu thứ gì (thậm chí dư thừa) mà chiều cao của con lại phát triển tăng vọt so với bố mẹ.

Biểu đồ tăng trưởng giúp cho cha mẹ biết được con mình phát triển NHƯ THẾ NÀO chứ không phải chỉ phát triển BAO NHIÊU (mà biết “bao nhiêu” cho đủ?), tức là đường biểu đồ đi lên hay đi xuống, có biến chuyển gì đặc biệt không. Bé nhỏ tháng thường có những bước phát triển nhảy vọt (growth spurts) nên chỉ số tăng trưởng có khi tăng vọt, tuy nhiên sau đó chỉ số tăng trưởng tăng ít dần nhưng điều đó không có nghĩa là bé bị chậm phát triển. Những con số tăng vọt không phải là những con số quyết định tất cả mà tổng thể đường phân phối (percentile chart) mới quan trọng.

4. Khi nào cha mẹ cần lo lắng?

Cha mẹ lo lắng khi tổng thể đường phân phối có những biến đổi lớn, chẳng hạn như bình thường cân nặng của bé ở mức 50th nhưng đột nhiên giảm xuống còn 10 – 15th thì cần phải quan tâm xem bé có vấn đề gì đó về sức khỏe hay không, bé có đau ốm gì không. Thông thường khi bé ốm thì đường phân phối sẽ giảm đi một ít (trong thời gian bé ốm) nhưng sau đó sẽ quay trở lại mức cũ hoặc trên mức cũ khi bé đã khỏe và ăn uống bình thường trở lại.

Nếu bé hoàn toàn khỏe mạnh không đau ốm gì nhưng chậm lên cân trong khi chiều dài vẫn phát triển bình thường thì bố mẹ nên xem lại chế độ dinh dưỡng của bé, có thể tăng cữ ăn/bú của bé cho phù hợp và điều chỉnh lại cách tiêu hao năng lượng của cơ thể bé. Bé nào thích hoạt động, hay chạy nhảy, đương nhiên sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn bé ít năng động hơn.

Một trong ba chỉ số phát triển cần quan tâm đó là chỉ số vòng đầu. Đa số cha mẹ đều ít quan tâm đến chỉ số này mà phần lớn chỉ lo về cân nặng. Chỉ số phát triển vòng đầu cho thấy sự phát triển về não bộ và sự phát triển về não phản ánh qua kích cỡ vòng đầu của bé. Nếu vòng đầu của bé phát triển nhanh bất thường, cần theo dõi kỹ và có những biện pháp chẩn đoán phù hợp với một số bệnh tiềm ẩn chẳng hạn như bệnh não úng thủy (hydrocephalus).

Kết luận:

Điều cha mẹ quan tâm nhất đó chính là sự phát triển bình thường của con, đó là sự phát triển không chỉ về thể chất mà còn về trí não và tâm sinh lý. Trong đó, việc bé nhẹ cân hơn hay thấp hơn các bạn cùng giới tính và độ tuổi thật ra vẫn dễ chịu hơn nếu bé có vấn về trí não và tâm sinh lý so với bạn cùng độ tuổi và cùng giới tính. Nếu bé nhẹ cân hơn thì giải pháp là tăng cữ bú, tăng cữ ăn một cách phù hợp (có nghĩa là không nhồi nhét con ăn) và xem lại cách cơ thể bé tiêu hao năng lượng xem có hợp lý chưa. Nếu bé nặng cân và có nguy cơ béo phì thì cần giãn cữ bú/ăn hoặc xem lại chế độ ăn uống ít năng lượng hơn và khuyến khích bé vận đồng nhiều hơn.

Thông thường áp lực về cân nặng sẽ làm cho các bà mẹ mệt mỏi và cảm thấy rất căng thẳng, nhưng nếu suy nghĩ vấn đề một cách đơn giản hơn – cái gì thiếu thì mình bù, và cái gì dư mình điều chỉnh lại – thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn, cách nhìn nhận vấn đề cũng nhẹ nhàng hơn.

Nuôi con là một chặng đường dài, cần có kiến thức, sự bình tĩnh và nhẫn nại. Trong 9 tháng mang thai con hẳn mẹ đã trải qua nhiều quá trình mệt mỏi, nghén ngẩm và lo lắng – đó chính là sự “luyện tập” để chuẩn bị cho hành trình làm mẹ, một hành trình chỉ có bắt đầu mà không có kết thúc.

Vì vậy, mẹ cần bình tĩnh và kiên nhẫn tìm hiểu để có phương cách nuôi con tối ưu nhất và làm cho những ngày tháng ấu thơ của con trôi qua thật nhẹ nhàng và ấm áp bên tình yêu thương của cha mẹ và gia đình.