Giấc ngủ của bé: Phần 1: Hiểu về giấc ngủ

Giấc ngủ của bé: Phần 1: Hiểu về giấc ngủ post thumbnail image

I. Những điều cha mẹ cần biết về giấc ngủ của con:

Điều đầu tiên mà những người lần đầu có con nên biết và hiểu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh là: bé không ngủ giống như người trưởng thành hoặc trẻ lớn hơn. Hãy quan sát con ngủ: bé sẽ cau mày, cười, cựa quậy tay chân, ưỡn mình. Thật ra bé đang mơ đấy! Sau đó, hãy quan sát bé lớn hoặc người lớn ngủ: hầu như là họ nằm im khi ngủ. Chu kỳ ngủ có hai giai đoạn. Đối với người lớn, đó là giai đoạn REM (Rapid Eye Movement – Chuyển động mắt nhanh) và NREM (Non Rapid Eye Movement – Không chuyển động mắt nhanh). Đối với trẻ đó là giai đoạn ngủ động (active sleep) và ngủ yên (quiet sleep). Khi bé được tám tháng, theo sự phát triển của não thì active sleep sẽ trở thành REM và quiet sleep trở thành NREM. Bé ngủ động nhiều hơn ngủ sâu và thời gian ngủ động chính là thời gian bé nằm mơ. Một điều ít ai biết rằng thật ra bé đã biết nằm mơ từ tuần thứ 25 trong bụng mẹ, nhưng điều này giảm dần cho đến khi bé ra đời. Sau đó bé sẽ dành khoảng một nửa thời gian ngủ của mình để nằm mơ.

Cũng giống như cơ thể bé, não của bé cần “tập luyện” để phát triển. Giấc ngủ động của bé sẽ giảm dần khi bé lớn, cho tới khi bé khoảng 3 tuổi thì thời gian mơ chỉ còn 1/3 của giấc ngủ. Việc nằm mơ như vậy, khi bé còn nhỏ, giúp cho bộ não phát triển. Người lớn cũng nằm mơ, và giấc mơ của người lớn giúp duy trì trí nhớ.

Điều thứ hai chúng ta cần biết là bé chưa có nhịp điệu sinh học (circadian rhythms) đều đặn khi chào đời – điều chỉnh sinh hoạt của cơ thể con người như ăn, ngủ, thức và hoạt động. Nghiên cứu cho thấy bé chỉ bắt đầu biết phân biệt ngày và đêm vào khoảng bốn tháng tuổi.

Điều thứ ba chúng ta cần biết là: cha mẹ nào hiểu được giấc ngủ của con và điều chỉnh sinh hoạt cũng như mong đợi của mình theo con thì sẽ ít căng thẳng và sẽ tận hưởng thời gian có con nhỏ hơn cha mẹ nào cố gắng điều chỉnh giấc ngủ của con theo mình mà không đạt kết quả.

II. Một vài thông tin về giấc ngủ của bé:

– Nếp ngủ (sleep patterns) của trẻ sơ sinh cũng tương tự như nếp ăn (feeding patterns) của bé, tức là ngắn và thường xuyên.

– Trẻ dễ thức giấc hơn người lớn, nhưng hầu như điều này là do chính cơ thể của bé đánh thức bé chứ không phải do tác động của môi trường bên ngoài (bé vẫn ngủ ngon trong tiếng máy hút bụi hoặc máy giặt).

– Việc bé ngủ xuyên đêm là sự kiện chỉ xảy ra một vài lần và mỗi lần chỉ kéo dài khoảng 5 tiếng mà thôi.

– Trung bình mỗi đêm bé thức dậy từ hai đến ba lần cho đến khi sáu tháng, từ một đến hai lần từ sáu tháng đến một năm.

– Mỗi bé là một cá nhân riêng biệt và do đó nếp ngủ của từng bé cũng không giống nhau.

– Cho bé bú bình, hoặc cho ăn dặm sớm không phải là cách để giúp bé ngủ tốt hơn.

– Cho bé ngủ chung (chung phòng/giường – lưu ý những điều kiện an toàn khi ngủ chung) có thể là cách tốt nhất để cả nhà được ngủ ngon giấc.

– Bạn không thể bắt buộc bé ngủ.

Bé ngủ như thế nào mới gọi là bình thường?

Dưới đây là một vài số liệu nghiên cứu về giấc ngủ bình thường của trẻ:

– Vào 3 tháng, khoảng 80 % bé thức dậy vào ban đêm và cần ba mẹ giúp để ngủ trở lại, con số này giảm xuống 75% khi bé 6 tháng.

– Cho tới khi 1 tuổi thì 50%bé vẫn thức dậy vào ban đêm và cần giúp đỡ để ngủ trở lại.

– Cho tới 4 tuổi, khoảng 1/3 trẻ vẫn thức dậy vào ban đêm và cần giúp đỡ để ngủ trở lại.

– Nhiều bé đã ngủ xuyên đêm sẽ bắt đầu thức dậy trở lại và khóc đòi ba mẹ, cụ thể là vào khoảng chín tháng tuổi (thời điểm bé bắt đầu sợ người lạ hoặc sợ ở một mình – separation anxiety).

– Một số bé mà cha mẹ cho rằng đã ngủ xuyên đêm thực ra lại thức giấc và khóc nhưng lại bị bỏ mặc.

Vì vậy, khi ai đó nói “ngủ như em bé” thì nên hiểu là “thức dậy nhiều lần” chứ không phải ngủ êm và sâu như ta tưởng. Tiến sĩ Margot Sunderland cho rằng: “… trẻ em là những người ngủ kỳ cục. Khi chúng ta chấp nhận điều này, có lẽ chúng ta sẽ chấm dứt nhìn một đứa trẻ hay thức giấc như là một thất bại của việc làm cha mẹ” (“…. babies are awful sleepers. When we accept this, maybe we will stop seeing a wakeful baby as some kind of parental failure”).

Rõ ràng rằng có một khác biệt lớn lao giữa việc mà cha mẹ cho rằng bình thường và thực tế bé ngủ ra sao. Dưới đây là một vài ví dụ:

 Trẻ từ 0 đến 3 tháng:

0_3 m Exp 0_3 Reality

Trẻ từ 3 đến 6 tháng:

3_6m Exp  3_6 Reality

Trẻ từ 6 đến 12 tháng:

6_12m Exp 6_12m Reality

 

III. Tại sao bé thức giấc thường xuyên?

Bé thức giấc là một điều hoàn toàn bình thường và hết sức tự nhiên. Người lớn cũng có những lần thức giấc khi đang ngủ. Tuy nhiên chúng ta thường không nhận ra điều này bởi vì cơ thể người lớn đã biết cách điều chỉnh và có thể ngủ lại một cách dễ dàng. Bé thức giấc thường xuyên bởi vì bé ngủ động nhiều hơn, và vì dạ dày của bé nhỏ nên cần được cho bú thường xuyên. Nhiều bé không biết cách làm sao để ngủ trở lại, và đây là một kỹ năng mà cơ thể bé cần thời gian để “học hỏi”.

Có nhiều lý do tại sao bé thức giấc:

– Giai đoạn thức giấc tự nhiên sau giai đoạn ngủ động/ngủ REM.

– Đói

– Đầy hơi

– Tã ướt/đầy

– Cần được dỗ dành hoặc gần gũi với mẹ

– Tác động bên ngoài như tiếng ồn hoặc nhiệt độ (nóng/lạnh)

– Lý do sức khỏe (đau, mọc răng, hoặc bệnh)

Nhiều người cho rằng việc bé thức dậy thường xuyên về đêm là do bé ngủ không đủ, hoặc do bé không bú đủ nên tìm cách cho bé bú nhiều hơn và thậm chí dùng sữa công thức để hi vọng bé ngủ sâu hơn. Tuy nhiên, dưới đây là những lợi ích của việc thức giấc về đêm của bé:

– Bé ngủ động (active sleep) có lợi cho việc phát triển trí não.

– Bé ngủ động nhiều tức là giảm nguy cơ của chứng  Đột Tử Sơ Sinh (Sudden Infant Death Syndrome) vì dễ thức giấc khi có bất thường về môi trường trong và ngoài cơ thể. Một ví dụ về bất thường môi trường bên trong cơ thể bé có thể là: chứng ngừng thở khi ngủ (sleep apnea). Khi gặp vấn đề về hô hấp thì bé khỏe mạnh  – tức là bé ngủ động – sẽ thức dậy dễ dàng hơn; trong khi đó nếu bé ngủ sâu mà gặp vấn đề hô hấp thì khó thức dậy, rất nguy hiểm (những bé bú sữa công thức có nguy cơ này nhiều hơn bé bú mẹ). Ví dụ về bất thường ở bên ngoài cơ thể bé có thể là nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Chính vì lẽ đó, giấc ngủ động được cho là giấc ngủ “an toàn”.

Không giống như người lớn, chu kỳ ngủ của bé ngắn, khoảng 50 đến 60 phút trong chín tháng đầu tiên. Thứ tự như sau:

– Giai đoạn ngủ động (active sleep) thể hiện bằng cử động mắt nhanh (REM), hơi thở nhanh và không đều, thỉnh thoảng cơ thể di chuyển (uốn mình, vặn vẹo), tạo âm thanh (ọ ẹ, khóc nhỏ).

– Giai đoạn ngủ yên (quiet sleep) thể hiện bằng hơi thở sâu và đều đặn hơn, ít cử động cơ thể và mắt.

Khi giai đoạn ngủ yên kết thúc, tức là chu kỳ ngủ của bé chấm dứt; bé có thể quay trở lại giai đoạn ngủ động (ngủ tiếp) hoặc thức giấc. Do đó, việc bé chỉ ngủ chưa tới một tiếng là điều hết sức bình thường và tự nhiên.

Nếu biết rằng chu kỳ ngủ của bé chỉ từ 50 đến 60 phút, có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi làm sao lại có những bé có thể “ngủ xuyên đêm”. Chu kỳ ngủ của người lớn là từ 90 đến 100 phút. Trong thời gian ngủ từ đêm đến sáng, cũng giống như bé, chúng ta thức giấc nhiều lần nhưng cơ thể trưởng thành giúp chúng ta có thể ngủ lại một cách dễ dàng.

Chính vì lẽ đó, chuyện bé ngủ xuyên đêm là một điều huyền thoại; bởi vì không ai có thể ngủ xuyên đêm cả! Ngay cả đối với những bé được cho là ngủ xuyên đêm thì thời gian mà cha mẹ tưởng là bé ngủ liên tục (thật ra bé dậy và tự ngủ trở lại) cũng hiếm khi quá 5 tiếng.

IV. Tại sao bé cần giúp đỡ về đêm để ngủ lại?

Để hiểu tại sao em bé thức dậy về đêm và khóc đòi ba mẹ, chúng ta cần quay trở lại với quá khứ. Thật ra một em bé ra đời vào thời điểm hiện nay với một em bé chào đời vào thời kỳ đồ đá, về mặt sinh học và tình cảm, hoàn toàn không có gì khác biệt. Trong chiều dài của lịch sử loài người, trẻ cần ở cạnh mẹ để được bú, giữ ấm và để bảo vệ khỏi nanh vuốt của các động vật ăn thịt chẳng hạn như hổ, báo, cá sấu và chó sói. Trẻ thơ đặc biệt cực kỳ dễ bị tổn thương và dễ bị tấn công. Trong thời kỳ xa xưa, tách rời con khỏi mẹ đồng nghĩa với cái chết. Do đó, sự gần gũi giữa cha mẹ và con cái trong thời kỳ này là vấn đề của sự sống còn. Đối với bé, nhu cầu được biết rằng cha mẹ sẽ đến bên cạnh mình khi khóc đã trở thành một dấu ấn sinh học trong bộ não, cũng như người mẹ có thôi thúc muốn chạy đến bên con khi nghe tiếng con khóc đã trở thành một bản năng không thể tách rời. Tuy nhiên, sự phát triển về mặt tư duy của con người, trong chừng mực nào đó, đã ngăn trở hoặc làm cho người mẹ hoài nghi về bản năng của mình.

Một lý do khác khiến trẻ cần được giúp đỡ để ngủ lại là vì kỹ năng ngủ trở lại của bé phát triển rất chậm. Khi nói về những chương trình luyện ngủ hay dạy ngủ cho bé, ấn tượng ban đầu có vẻ như là bé được dạy về một kỹ năng cụ thể, chẳng hạn như kỹ năng gọi tên đồ vật hoặc kỹ năng cột dây giày. Tuy nhiên nghiên cứu về quá trình xử lý thông tin của não cho thấy ngủ không phải là một kỹ năng mà hầu hết các bé đều có thể tự học được một cách nhanh chóng. Bé cần thời gian cũng như sự kiên nhẫn của cha mẹ để giúp não của bé trưởng thành đủ để tự ngủ trở lại.

Lý do tiếp theo giải thích cho việc bé cần được giúp để ngủ trở lại là nhu cầu về mặt tình cảm hoặc thể chất. Nhu cầu về tình cảm có thể là bé cảm thấy cô đơn, lẻ loi, sợ hãi, bé nhớ mùi quen thuộc của mẹ và giọng nói của cha chẳng hạn. Như cầu về thể chất có thể là những vấn đề sức khỏe như viêm tai giữa, nóng sốt, khó chịu trong người.

Ngoài ra, một lý do quan trọng không kém đó là những cột mốc phát triển của bé, chẳng hạn như lật, bò, trườn và đi. Điều đó giải thích bởi thay đổi về mặt thần kinh của bé. Đối với cha mẹ hoặc những người xung quanh thì mọi việc vẫn không có gì thay đổi, nhưng đối với bé thì những thứ bé nhìn thấy, cảm nhận, ngửi hoặc nếm có thể khác. Những thay đổi về mặt thần kinh này có thể giải thích tại sao bé thức đêm trở lại (dù trước đó hầu như ngủ yên) khi bé đạt đến những cột mốc phát triển nào đó. Bản thân người lớn chúng ta, mỗi khi có thay đổi gì đó trong cuộc sống chẳng hạn như chuyển nơi ở, có một việc làm mới hoặc ốm đau thì cũng cần người thân ủng hộ và chia sẻ. Điều này cũng tương tự đối với bé.

V. Nhịp điệu sinh học và sự phát triển của giấc ngủ đêm:

Giấc ngủ được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống trong cơ thể. Một trong những hệ thống quan trọng nhất đó là hệ thống sinh học ngày đêm (circadian system). Hệ thống này giúp chúng ta buồn ngủ khi mệt mỏi và đóng vai trò quan trọng trong nhịp điệu thức và ngủ của con người.

Sự phát triển của hệ thống sinh học ngày đêm ảnh hưởng một phần từ  môi trường xung quanh (ngày và đêm), các yếu tố văn hóa xã hội và quan trọng nhất là sự phát triển của bộ não. Điều đó có nghĩa rằng bộ não của trẻ sơ sinh chưa sẵn sàng để phân biệt ngày và đêm, hoặc để hiểu rằng ban đêm là thời điểm phù hợp để ngủ giấc dài và sâu

Nghiên cứu cho thấy hệ thống sinh học 24h của bé chưa phát triển cho tới khi bé khoảng mười đến mười hai tuần tuổi sau khi sinh. Tuy nhiên, có nhiều cách mà cha mẹ có thể giúp con thiết lập nhịp điệu này. Đó là giúp con phân biệt ngày và đêm và rằng ban đêm là thời gian mà loài người chúng ta ngủ dài nhất. Một khi nhịp sinh học của bé phát triển thì tự nhiên bé sẽ ngủ dài về đêm.

Làm thế nào để khuyến khích sự phát triển của nhịp sinh học của bé?

Hãy đem bé ra ngoài khi bé thức giấc vào ban ngày, tức là thời gian mặt trời mọc. Đương nhiên bạn sẽ muốn bảo vệ bé không tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời. Ban ngày bé ngủ không cần phải kéo rèm kín mít hoặc đi nhẹ nói khẽ. Thậm chí, bé vẫn có thể ngủ rất ngon trong tiếng ồn của máy hút bụi hoặc máy giặt.

Hãy bắt đầu thiết lập một lịch sinh hoạt đều đặn bằng cách cho bé ngủ vào một thời điểm nhất định vào ban đêm và cho bé dậy vào cùng một giờ vào ban ngày (buổi sáng). Không phải bé nào cũng sẵn sàng “đi vào nếp”, nhưng tập trung vào nhịp điệu sinh học để bắt đầu luyện nếp cho bé là một điều mà ba mẹ cần lưu ý.

VI. Bé cần ngủ mỗi ngày bao nhiêu và làm sao để ghi lại lịch ngủ của bé?

Từ 0 đến 3 tháng: Bé ngủ từ 16 đến 20 tiếng trong một ngày. Khoảng 10% bé ở giai đoạn này sẽ “ngủ xuyên” đêm vào 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp thì điều này không kéo dài hoặc ổn định.

Từ 3 đến 6 tháng:  Bé ngủ từ 14 đến 15 tiếng một ngày. Nhiều bé thức giấc ít nhất một lần trong đêm và có thể cần được dỗ để ngủ trở lại. Cho tới khoảng 3 tháng, hầu hết các bé đều ngủ vào buổi sáng (thường vào khoảng 10 giờ) trong khoảng từ 1 đến 2 tiếng; và một giấc ngủ vào buổi chiều (xế) bắt đầu khoảng 3 – 4 giờ trong khoảng 1 – 2 tiếng.

Từ 6 tháng đến 12 tháng: Khoảng 50% bé sẽ ngủ liên tục 6 – 8 tiếng một đêm (bé dậy và tự ngủ lại được). Khoảng một nửa trong số này sẽ bắt đầu giảm dần số giờ ngủ liên tục và bắt đầu thức dậy trong 6 tháng kế tiếp mặc dù một số bé sẽ tự ngủ lại được.

Nếu bé ngủ mỗi đêm 12 tiếng (không cần ngủ liên tục 12 tiếng), sau đó khoảng 2 – 3 tiếng vào ban ngày thì có thể xem như bé ngủ đủ.

Từ 12 đến 24 tháng: Bé sẽ bỏ dần giấc ngủ ngắn buổi sáng và ngủ trưa sau khi ăn trưa và giấc ngủ có thể kéo dài cho đến 3 tiếng. Khoảng 1/3 trẻ có thể thức đến 8 giờ tối và sau đó ngủ, nhiều bé mất nửa tiếng để bắt đầu ngủ.

 

Ghi lại lịch này trong 10 ngày, ngày thứ 11 hãy cộng lại số giờ ngủ của mỗi ngày và chia cho 10 sẽ ra trung bình mỗi ngày bé ngủ bao nhiêu tiếng.

Thông qua bài viết này, tác giả hi vọng cung cấp những kiến thức cơ bản và quan trọng về giấc ngủ của bé để giúp cha mẹ có cái nhìn tổng quát trước khi áp dụng các phương pháp hỗ trợ để con ngủ tốt hơn.

Phần 2: Hệ thần kinh của bé và Những gợi ý giúp con ngủ

Bài viết có sử dụng một số thông tin từ các tài liệu dưới đây:

1. Helping Your Baby to Sleep: Why gentle techniques work best (Anni Gethin & Beth Macgregor, 2007, Finch Publishing, Sydney)

2. Women’s Weekly Parenting Guide: Baby Sleep

3. The Sensible Sleep Solution: A guide to sleep in your baby’s first year (Sarah Blunden & Angie Willcocks, 2012, Wakefield Press)

4. 100 Ways to Calm the Crying (Pinky McKay, 2002)

5. Breastfeeding Management in Australia (Wendy Brodribb, 2012)

6. Parenting Science website

7. Australian Breastfeeding Association website

8. SIDS and Kids website

9. ABA Webinar, Dr Carlos Gonzalez

10. Raising Children Network website

 

1 thought on “Giấc ngủ của bé: Phần 1: Hiểu về giấc ngủ”

Comments are closed.