Chia sẻ kinh nghiệm giảm cân sau khi sinh (Phần 1)

Chia sẻ kinh nghiệm giảm cân sau khi sinh (Phần 1) post thumbnail image

Ngày … tháng …. Năm 2013…

Sau khi sinh Ron chừng hơn 1h, mình bước vào phòng tắm trong bệnh viện và lại gặp “con mụ ấy”. Trời ơi, không khác gì cách đây mấy năm! “Bà” này là ai chứ đâu phải tui hả trời??? Khỏi nói cũng biết tâm trạng của mình khi gặp lại “người xưa” thế nào. Cảm giác lẫn lộn lắm. Có chút tự hào vì đã vượt cạn thành công, có chút thương cảm vì trải qua đau đớn, có hạnh phúc vô bờ vì được làm mẹ và có chút tự ti vì “hệ quả” của sự thành công không hề nhỏ! Làm sao không gọi là “hệ quả” được khi đồ bầu mặc vô thì không giống ai mà đồ trước bầu còn lâu mới chui vô được. Làm sao đây?

1. Tháng đầu tiên sau khi sinh:

Đây không phải là thời gian để nghĩ đến chuyện giảm cân, mà là thời gian cần phục hồi sức khỏe. Vì vậy nên mình tranh thủ ăn ngủ theo con, việc nhà hạn chế tối đa.

Ăn thức ăn gì?

Mình ăn tất cả những món yêu thích trừ món…móng giò hầm đu đủ! Mình thích ăn canh đu đủ, nhưng thay móng giò bằng sườn heo.

Cho con bú là biện pháp giảm cân hữu hiệu nhất nên mình tích cực cho con bú, sữa hút ra trữ đông và sau đó chia sẻ cho Ngân Hàng Sữa Mẹ để dành tặng các bé không đủ sữa mẹ.

2. Tháng thứ hai sau khi sinh:

Nếu như tháng đầu tiên mình ăn uống thả ga (đời là mấy tí, tội gì không ăn hihi) thì bắt đầu từ tháng thứ hai mình bắt đầu để  ý đến khẩu phần ăn, cắt giảm dần đồ ngọt, tinh bột và tăng cường chất xơ.

3. Tháng thứ ba sau khi sinh:

Mình bắt đầu đến phòng gym để tập thể dục. Thật ra chuyện tập thể dục có thể thực hiện dần từ tuần thứ 6 nhưng nên bắt đầu thật nhẹ nhàng bằng các bài vận động chậm rãi, hít thở sâu. Đi bộ hoặc chạy bộ chậm là những bài tập an toàn dành cho mẹ mới sinh.

Phải mất 9 tháng để mang thai thì cũng cần tối thiểu chừng ấy thời gian để cơ thể quay trở lại như xưa. Vì vậy mẹ không cần phải đặt áp lực giảm cân nhanh trong thời gian ngắn, nhất là đối với các mẹ mà việc tập thể dục không phải là thói quen trước khi mang thai.

4. Từ tháng thứ tư trở đi:

Lúc này, cơ thể đã quen dần với việc vận động nên mẹ có thể chọn các bài tập có cường độ nhanh và mạnh hơn. Về phần dinh dưỡng, nhiều mẹ nghĩ rằng phải ăn nhiều để có sữa cho con. Thật ra dinh dưỡng mà mẹ tiếp nhận trước tiên là để CHO MẸ có đầy đủ dưỡng chất và sức khỏe, từ đó cơ thể mẹ mới có sức khỏe để sản xuất sữa CHO CON.

Nhiều mẹ than mình đã ăn rất nhiều thực phẩm lợi sữa, trong đó có móng giò các loại, thuốc nam lợi sữa, chè vằng, ngũ cốc; mẹ béo nhưng vẫn không đủ sữa cho con. Để minh họa cho dễ hiểu, hãy đặt một câu hỏi như sau: Muốn eo nhỏ bụng thon như các cô người mẫu thì phải làm gì? Phải tập thể dục và có chế độ dinh dưỡng phù hợp chứ không thể nhịn ăn mà có eo đẹp được. Cái eo muốn nhỏ thì phải vận động. Vì vậy, muốn nhiều sữa cho con thì phải cho con bú nhiều chứ không phải ăn cho nhiều để có sữa.

Các mẹ không cần phải theo chế độ ăn gấp 2 – 3 lần nhu cầu của bản thân để có sữa cho con vì điều này không hiệu quả nếu như con không có khớp ngậm và tư thế đúng, cho bú thường xuyên để kích thích cơ thể sản xuất nhiều sữa. Với các mẹ lỡ tăng cân quá nhiều trong lúc mang thai, ngoài việc tập thể dục và cho con bú nhiều, mình rất khuyến khích các mẹ hút sữa ra sau mỗi cữ bú với 2 mục đích: một là để trữ đông cho con dùng sau này, hai là tặng cho các bé cần sữa mẹ ở Ngân Hàng Sữa Mẹ – một việc làm vừa “đẹp đời” (giúp người khác) vừa “đẹp người” (giảm ký).

Phần 2 của bài viết mình sẽ chia sẻ một số kiến thức về các bài tập thể dục, cũng như các nhược điểm của cơ thể sau khi sinh chẳng hạn như hiện tượng sót tiểu do cơ vùng chậu bị yếu đi, hoặc chứng Diastasis Recti dẫn đến việc đau lưng và tại sao khá nhiều mẹ nói rằng mình tập bụng rất nhiều mà không thấy eo nhỏ lại.