Bệnh Viêm Da (Eczema) _ Phần 2: Điều Trị

Bệnh Viêm Da (Eczema) _ Phần 2: Điều Trị post thumbnail image

Việc điều trị Eczema có thể phải cần nhiều phương pháp khác nhau để khống chế bệnh. Như đã trình bày ở phần 1, hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh này mà chỉ có những cách ngăn ngừa trước khi Eczema nổi lên và khống chế khi da bị viêm tấy. Vì vậy, phương pháp điều trị chia thành 2 phần: phòng ngừa mỗi ngày và điều trị khi da nổi Eczema.

I. PHÒNG NGỪA MỖI NGÀY

Vì da của người bị Eczema thiếu độ ẩm hoặc không giữ được độ ẩm lâu nên quan trọng nhất là giữ cho da luôn có độ ẩm cân bằng. Một số người cho rằng người bị Eczema không nên tắm mỗi ngày vì sẽ làm da mất độ ẩm, nhưng thực ra không phải như vậy! Em bé bị Eczema cần được tắm mỗi ngày bằng nước mát (không quá 30 độ C) để da được sạch sẽ, tế bào chết trôi đi để vi khuẩn không có cơ hội phát triển; đồng thời cần tránh những tác nhân kích ứng (nóng, khô, và châm chích).

Trẻ bị Eczema thường có da rất khô, làm cho da càng ngứa ngáy hơn. Khi ngứa bé sẽ gãi, da bị trầy xước sẽ bị viêm tấy và làm cho tình hình nặng hơn. Do đó, cần sử dụng kem dưỡng ẩm để tránh làm da bị khô. Đây chính là bước cực kỳ quan trọng trong việc khống chế Eczema. Kem dưỡng ẩm có thể sử dụng một mình, hoặc dùng kèm khi xức cortisone hoặc quấn ướt (wet dressing). Mẹ cần xức kem ẩm cho bé từ ba đến năm lần mỗi ngày, từ đầu tới chân. Đây là việc nên làm mỗi ngày như đánh răng rửa mặt vậy.

Các sản phẩm dưỡng ẩm cơ bản chia thành 3 loại như sau:

Ointment (cao) là một dạng dầu đặc (semi-solid) giúp dưỡng ẩm cho da. Ngoài petroleum jelly chỉ có một thành phần duy nhất, những loại ointment khác thường có chứa một ít nước hoặc các thành phần khác giúp cho ointment dễ thoa trên da hơn. Tuy nó giúp da giữ độ ẩm lâu hơn nhưng ít người thích vì nó làm cho da bóng nhẫy.

Cream (kem) là một hỗn hợp đặc nhưng ít chứa dầu hơn ointment, làm cho da ít bị bóng bẩy hơn khi thoa. Cẩn trọng: kem thường chứa chất ổn định (stabilisers) chất bảo quản (preservatives) để giúp các thành phần chính không bị tách ra nhưng những chất này có thể gây kích ứng hoặc thậm chí là gây dị ứng cho một số người. Do đó, một loại kem có thể hợp với người này nhưng có thể gây dị ứng/kích ứng cho người khác.

Lotion (nước dưỡng) là hỗn hộp gồm dầu và nước, nhưng nước là thành phần chính. Hầu hết các loại nước dưỡng đều không phù hợp với những người da khô vì nước bốc hơi khá nhanh.

Vậy những sản phẩm dưỡng ẩm nào an toàn cho da bị Eczema?

Việc dưỡng ẩm da không nên xem như là phương pháp điều trị Eczema mà là một phương pháp giữ độ ẩm và phòng tránh eczema. Tức là cần dưỡng ẩm da mỗi ngày, giống như ta cần vệ sinh răng miệng mỗi ngày để chống sâu răng nhưng khi răng có vấn đề thì cần điều trị chứ không chỉ tiếp tục vệ sinh răng.

Nên chọn các sản phẩm càng ít thành phần càng tốt, theo Hiệp hội Eczema Quốc gia của Hoa Kỳ thì Petroleum jelly và Mineral oil (dầu khoáng, loại không có chất phụ thuộc) là hai trong những sản phẩm an toàn nhất.

Các sản phẩm tắm gội cho chất tẩy rửa hoặc xà phòng cần tuyệt đối tránh dùng cho người bị Eczema. Bé bị Eczema nên tắm ít nhất mỗi ngày một lần bằng nước không quá nóng (không quá 30 độ C) với một ít dầu (oil), chẳng hạn như olive oil (dầu oliu). Mỗi lần tắm không quá 10 phút và sau khi tắm xong thì lấy khăn mềm bằng cotton thấm nhẹ vào người bé để cho da khô ráo, tuyệt đối không chà xát làm da bị kích ứng. Sau khi tắm xong, lập tức thoa sản phẩm dưỡng ẩm lên cho bé (tốt nhất là trong vòng 3 phút để giữ lại một ít nước trong da bé, giúp da được ẩm lâu hơn).

II. ĐIỀU TRỊ KHI DA NỔI ECZEMA

Tắm:

Tùy mức độ nặng của Eczema mà bé có thể được tắm với nước có pha một tỉ lệ nhỏ thuốc tẩy (bleach). Tại Úc, loại thuốc tẩy duy nhất được khuyên dùng là White King Bleach với tỉ lệ như sau: 12ml  pha trong 10 lít nước. Tỉ lệ này thấp hơn tỉ lệ thuốc tẩy dùng trong hồ bơi và do đó khá an toàn cho bé. Ban đầu, có thể tắm bé mỗi ngày bằng nước có pha thuốc tẩy trong vòng 1 tháng, sau đó 3 lần trong 1 tuần trong vòng 1 tháng và giảm xuống còn mỗi tuần một lần trong 1 tháng. Nếu eczema nổi lại thì có thể tăng lại số lần tắm rồi giảm dần. Lý do White King Bleach được khuyên dùng vì đã có nghiên cứu trên sản phẩm này, sản phẩm này có thành phần phù hợp để điều trị khi Eczema khởi phát.

Tuy nhiên, ở Việt Nam nếu không có White King Bleach thì có thể dùng muối với tỉ lệ như sau: 100g muối pha với 10 lít nước (nhiều cha mẹ sẽ chọn cách này vì nó làm họ yên tâm hơn là pha thuốc tẩy với nước để tắm cho con).

Lưu ý: KHÔNG tắm lại bằng nước ngọt/sạch sau khi đã tắm bé bằng nước có pha thuốc tẩy hoặc muối. Bé cũng cần được gội đầu và lau mặt bằng nước này khi tắm.

Khi tắm với thuốc tẩy hoặc muối thì có thể một số bé sẽ cảm thấy da bị châm chích giống như muỗi đốt. Điều này là bình thường vì với nước tắm không pha thuốc tẩy hoặc muối cũng có thể sẽ làm bé cảm thấy như vậy. Lý do là da bé bị eczema cực kỳ nhạy cảm. Riêng nước bình thường (không pha bất cứ thứ gì) cũng có thể làm cho bé cảm thấy ngứa ngáy khi tắm.

Cortisone:

Nhắc đến cortisone khi điều trị Eczema, nhiều phụ huynh tỏ ra khá lo lắng vì những tác dụng phụ của nó. Tuy nhiên, cần hiểu đúng về cortisone để sử dụng đúng khi cần thiết. Cortisone là một hormone tự nhiên của cơ thể do vỏ tuyến thượng thận tiết ra (adrenal cortex). Thuốc này có tác dụng kháng viêm và làm cho eczema ổn định. Nhiều cha mẹ tỏ ý lo ngại rằng khi dùng cortisone thì sẽ phụ thuộc vào thuốc, rằng khi không xức thuốc nữa thì eczema sẽ quay trở lại. Thật ra không phải như vậy! Không phải không xức thuốc thì eczema quay trở lại, mà là eczema là một bệnh kinh niên, cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Do đó, khi xức thuốc mà eczema lặn đi, không có nghĩa là nó hết mà eczema “chờ thời cơ” để quay trở lại bất cứ lúc nào!

Sử dụng kem cortisone thế nào?

Không nên xem cortisone là liệu pháp điều trị cuối cùng với eczema. Sử dụng cortisone đối với eczema tương tự như dập tắt một đám cháy trong rừng vậy. Ngay lập tức dập lửa khi bắt đầu nhen nhúm với nhiều nước để lửa tắt hẳn. Nếu không dùng đủ lượng nước cần thiết thì lửa sẽ cháy trở lại và có thể lan ra nhiều hơn nữa. Không nên đợi khi lửa đã lan ra hết rừng mới chữa cháy vì khi đó có thể phải dùng rất nhiều nước và mất thời gian khá lâu thì lửa mới tắt. Vì vậy, khi bôi cortisone, không nên bôi một lớp quá mỏng vì sẽ không hiệu quả (giống như xịt quá ít nước thì lửa không đủ để bị dập tắt). Cortisone dùng hiệu quả nhất là xức từ một đến hai lần khi da bị đỏ, ngưng xức khi da hết đỏ, tiếp tục khi da đỏ trở lại.

Mỗi loại cortisone có liều lượng khác nhau cho từng bộ phận trên cơ thể. Nếu eczema nổi trên mặt, bác sĩ sẽ kê toa có liều lượng thấp hơn (nó còn có tên gọi là hydrocortisone). Hiện nay, loại cortisone phổ biến được bác sĩ tại Úc kê toa cho eczema là Advantan  có thành phần là methylprednisolone (thoa trên cơ thể), loại thoa trên mặt có thành phần là hydrocortisone. Thoa sản phẩm làm ẩm trên da sau khi thoa thuốc.

Nếu Eczema đã nổi lên thành một lớp dày có vẩy thì cần phải lau sạch vẩy trên da trước khi thoa thuốc mới hiệu quả. Cách làm như sau: ngâm vùng da bị ảnh hưởng vào nước ấm có pha nước muối, dầu hoặc thuốc tẩy, sau đó dùng khăn lau nhẹ; cách khác: thấm khăn vào nước ấm và đắp lên vùng da bị ảnh hưởng vài phút, sau đó nhẹ nhàng lau vẩy đi.

Cần lau vẩy trên da của bé trước khi bôi thuốc. Nguồn ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Hoàng Gia, Australia (The Royal Children Hospital, Australia)

Cần lau vẩy trên da của bé trước khi bôi thuốc.
Nguồn ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Hoàng Gia, Australia (The Royal Children Hospital, Australia)

Nếu vùng da bị ảnh hưởng chảy dịch ra, cần dùng khăn ẩm (loại dùng một lần) để đắp lên trong vòng từ năm đến mười phút mỗi nửa tiếng để dịch hết hẳn. Không nên bôi kem lên vùng có vẩy hoặc dịch mà cần phải làm sạch vùng da đó (kể cả da bị hở/trầy) rồi mới bôi thuốc. Lưu ý: nếu da ẩm vì bị chảy dịch thì cần làm khô ráo cho da, nếu da bị khô thì cần làm ẩm.

Có nhất thiết phải dùng cortisone không?

Không ai muốn dùng thuốc nếu như chưa thực sự cần thiết. Một số loại thảo dược được quảng cáo trên thị trường là có khả năng trị eczema, không chứa thuốc. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng thuyết phục rằng một loại  thảo dược cụ thể nào đó lại hiệu quả cho tất cả các trường hợp bị eczema. Do đó, việc điều trị eczema đòi hỏi sự kiên nhẫn và tìm hiểu rõ ràng để tránh những phản ứng phụ không cần thiết (ví dụ như dị ứng/kích ứng). Hiểu về eczema cũng như cấu trúc của da khi bị eczema ở phần 1 sẽ giúp cha mẹ quyết định việc chăm sóc da của con như thế nào.

Nhiều cha mẹ thấy sau khi ngưng xức cortisone thì eczema quay trở lại, điều này không có nghĩa là khi xức thuốc thì eczema “hết” mà nó chỉ bị khống chế mà thôi. Hơn nữa, vì lo ngại những phản ứng phụ của thuốc mà khá nhiều người chỉ thoa một lớp rất mỏng, không đủ để khống chế chỗ viêm nên eczema quay lại khá nhanh sau đó.

Một trong những phản ứng phụ của cortisone mà nhiều người rất lo lắng đó là nó làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ, làm cho trẻ “không lớn nổi.” Thực ra điều này như thế nào? Phải hiểu như sau: Khi eczema khởi phát, năng lượng cơ thể bé được dùng để “chống” lại bệnh và do đó làm nó tiêu hao vào việc này hơn là những hoạt động khác. Đó là lý do tại sao “bé không lớn.” Hơn nữa, như đã trình bày ở phần 1, da là hàng phòng vệ đầu tiên của cơ thể. Nếu hàng phòng vệ đầu tiên bị tấn công và ngã gục thì đương nhiên những chiến tuyến bên trong sẽ phải tiêu hao khá nhiều binh lực.

Quấn ướt (wet dressing)

Wet dressing có lẽ còn xa lạ với nhiều phụ huynh ở Việt Nam trong việc điều trị Eczema, tuy nhiên đây là biện pháp được dùng khá phổ biến tại các nước có tỉ lệ bệnh cao như Úc và Anh. Bé cần được quấn ướt nếu như:

– Bé ngứa và gãi về đêm

– Có máu chỗ bé nằm (vì gãi nhiều đến trầy xước)

– Eczema vẫn không thuyên giảm mặc dù đã được xức thuốc cortisone và dưỡng ẩm.

Wet dressing rất hiệu quả vì:

– Nó làm MÁT da, làm da bớt ngứa.

– Nó làm ẨM da lâu hơn

– Nó BẢO VỆ da khỏi bị gãi trầy xước (càng gãi càng ngứa, dễ bị nhiễm trùng)

– Nó GIÚP bé ngủ ngon hơn vì không phải thức dậy để gãi.

Những vật dụng cần thiết để quấn ướt:

– Tubifast: là một loại băng dùng cho việc điều trị Eczema, nó có dạng vải co giãn dệt thành ống. Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam không có điều kiện thì phụ huynh có thể dùng loại băng quấn thông thường (mất thời gian hơn), hoặc bất kỳ sản phẩm nào có thể giúp tạo một lớp ngăn giữa da và lớp quần áo thông thường để vừa giữ ẩm, vừa tránh cho bé gãi gây nhiễm trùng do trầy xước.

– Thuốc cortisone (nếu bác sĩ kê toa)

– Sản phẩm ẩm da (moisturiser)

– Nước ấm

– Thau

– Dầu tắm (bath oil, loại dành cho eczema, hoặc dầu olive)

– Kéo

Clip hướng dẫn:

Hoặc bạn có thể gõ: “Wet dressing for eczema” trên Youtube để tham khảo thêm.

Chườm mát (cool compress)

Cũng như quấn ướt, chườm mát rất hiệu quả khi sử dụng đối với Eczema, đặc biệt đối với những chỗ bị đỏ, nóng và ngứa. Cách làm như sau:

  1. Cho một nắp (chừng 5ml) dầu tắm (bath oil) vào một chậu nước.
  2. Nhúng khăn vào nước cho đến khi khăn ướt.
  3. Lấy khăn lên và vắt bớt nước ra (không vắt kiệt).
  4. Đắp khăn lên vùng da bị ảnh hưởng khoảng 5-10 phút cho đến khi da bớt đỏ.
  5. Bôi sản phẩm ẩm da sau khi lấy khăn ra.

Cũng như việc bôi cortisone và quấn ướt, chườm mát không nên được xem như liệu pháp cuối cùng khi eczema khởi phát. Càng áp dụng sớm chừng nào, càng tốt chừng đó. Nếu để lâu, da càng dễ bị nhiễm trùng và việc điều trị sẽ tốn kém cũng như mất thời gian nhiều hơn.

III. NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG SẢN PHẨM LÀM ẨM DA VÀ THUỐC BÔI NGOÀI DA

  1. Vệ sinh:

– Luôn rửa tay thật sạch trước khi thoa kem và thuốc cho bé. Tốt nhất nên có một lọ sát trùng (không cần rửa nước) trong tầm tay.

– Tránh “double dip” tức là cho tay vào hũ kem nhiều lần, tốt nhất nên dùng một que tre sạch lấy một lượng đủ dùng ra cho vào một cái nắp sạch để thoa cho bé. Nếu có loại bơm ra (không cần phải nhúng tay vào lọ/hũ kem) thì rất tốt.

  1. Thoa như thế nào?

Đối với thuốc: Thoa một lượng vừa đủ hoặc nhiều hơn một chút và không thoa nhiều lần lượng thuốc đã lấy như thói quen của nhiều người vì lo sợ tác dụng phụ của thuốc cortisone. Nếu thoa nhiều lần thì vô tình thuốc sẽ thấm qua da của người thoa cho bé, đeo găng tay là tốt nhất nhưng không phải lúc nào cũng tiện lợi.

Thoa thuốc cho bé (bạn có thể nhìn thấy một lớp khá dày). Nguồn ảnh: BabyHintsAndTips

Thoa thuốc cho bé (bạn có thể nhìn thấy một lớp khá dày).
Nguồn ảnh: BabyHintsAndTips

Đối với sản phẩm ẩm da: Thoa một lớp dày hơn nếu quấn ướt cho bé. Nếu quần áo ướt hoặc băng quấn ướt bị khô, có thể dùng một bình xịt nước để xịt vào bé thay vì cởi đồ bé ra để nhúng nước rồi mặc lại.

IV. QUẦN ÁO VÀ CHĂN MỀN:

Trẻ bị Eczema nên được mặc quần áo thoáng mát bằng chất liệu 100% cotton hoặc lụa. Để tránh gãi vào ban đêm gây trầy xước da, cha mẹ nên đeo găng tay bằng chất liệu cotton cho con, hoặc cũng có thể đeo vớ bằng cotton vào tay cho con để tránh bị tuột ra nửa đêm. Một số bé cũng bị nổi Eczema trên tay nên trước khi đeo găng tay cho con, phụ huynh cần bôi kem ẩm cho con.

Len_Pinterest

Vào mùa lạnh, trẻ hay bị nổi Eczema hơn mùa hè vì độ ẩm thấp hơn và cha mẹ có thói quen mặc quá ấm cho con. Nguồn ảnh: Pinterest

Tôi hi vọng nội dung trên đây sẽ phần nào giúp phụ huynh hiểu được một số vấn đề căn bản trong việc chăm sóc sức khỏe cho con mình khi bé bị Eczema. Các bạn có thể tham khảo thêm ở một số nguồn mà tôi liệt kê bên dưới.

Phần 3 (đang viết): Liệu chế độ ăn uống có liên quan gì đến Eczem không?

Tài liệu tham khảo:

Bài viết có sử dụng thông tin và kiến thức từ các nguồn sau:

Bệnh viện Nhi đồng Hoàng Gia tại Melbourne, Australia (The Royal Children Hospital)

The Biology Behind Eczema and Psoriasis, Webmd

Eczema causes, Webmd

50 things you can do today to manage eczema, Wendy Green

Your guide to Eczema, Dr. Sarah Wakelin

The Eczema Diet, Karen Fischer.