Văn hóa Sữa nhái đã “đô hộ” ý thức hệ của chúng ta như thế nào?

Văn hóa Sữa nhái đã “đô hộ” ý thức hệ của chúng ta như thế nào? post thumbnail image

Mình sống ở Úc, nơi có quá đầy đủ những điều kiện để mình nuôi con và hoàn toàn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết. Nhưng nghĩ về thứ “văn hóa” mà sữa nhái đã gieo rắt vào ý thức hệ của người Việt mình thì mình không chịu nổi! Ban đầu mình cũng dị ứng với từ “sữa nhái” này lắm. Là một người mẹ từng cho con bú sữa nhái, hơn ai hết mình hiểu cảm giác của những người vì lý do nào đó mà cho con dùng sữa nhái. Nhưng nếu bình tĩnh lại mà suy xét “Vì đâu mà nó bước vào tiềm thức của mình như một điều tự nhiên vậy?” thì sẽ nhìn nhận sự việc dưới góc độ khác.

Một người mẹ gặp khó khăn khi cho con bú, thì giải pháp họ nghĩ đến ngay lập tức là: hãy mua sữa nhái cho con! Trong khi đó, phải nghĩ đến những điều như: “Tôi đã làm gì sai? Tôi cần ai đó có chuyên môn để giúp tôi cho  con bú. Tôi cần chồng và gia đình hỗ trợ tôi. Tôi cảm thấy mất tự tin vì tôi không cho con bú được. Tôi cần được giúp đỡ để làm mẹ!”

Đã làm mẹ, thì cho dù là mẹ giàu hay mẹ nghèo, đều có quyền được cảm nhận sự thiêng liêng và tự hào về thiên chức trời ban cho mình. Mẹ giàu hay mẹ nghèo đều cũng phải mang thai 9 tháng 10 ngày, chịu bao đau đớn và kể cả rủi ro khi con ra đời. Nhưng vì sữa nhái đã tự nhiên bước vào tiềm thức của chúng ta, nên mẹ nghèo sẽ nhìn mẹ giàu mà tủi thân vì mình không mua được hộp sữa xịn cho con. Bà nội bà ngoại sẽ nhìn con hàng xóm để so sánh với cháu mình và trực tiếp hay gián tiếp làm cho người mẹ cảm thấy áp lực và tủi thân.

Sữa nhái tước đi ưu tiên mà người mẹ lẽ ra phải có khi cho con bú, được ôm ấp và nâng niu đứa con, nhìn ngắm khúc ruột của mình và tin tưởng rằng con mình đang được hưởng những gì quý giá nhất mà bản thân mình có thể đem lại cho con: nuôi con bằng sữa mẹ.

Một ml sữa nhái vào bụng con là cũng chừng đó sữa mẹ con không được hưởng. Nếu mẹ vì lý do nào đó mà hút sữa ra cho con bú bình và người nhà giúp con bú bình bằng sữa mẹ, ít ra cũng sẽ yên tâm rằng tuy con không gần mẹ nhưng con đang nhận được tất cả những dinh dưỡng quý báu mà mẹ đã tạo ra cho con, mẹ ăn uống và chọn lọc cẩn thận để sữa mẹ lúc nào cũng tốt nhất dành cho con của mẹ.

Tất cả những bà mẹ dư sữa và đem sữa tặng đều cảm thấy bị tổn thương khi bị nghi ngờ là sữa của mình “có bệnh gì”, hoặc “không tốt” bằng sữa họ cho con bú. Khi ngồi hút/vắt sữa, có bao giờ họ ngồi suy xét: “À, phần sữa này là sữa tốt hơn, mình sẽ để dành cho con mình; phần kia không tốt bằng nên mình sẽ đem cho.”

Thế sữa nhái thì sao? Nó được tạo nên từ cái gì? Quy trình chế biến ra sao? Vì đâu mà nó có mùi thơm như vậy, tại sao nó có thời hạn sử dụng lâu và nó đem lợi nhuận vào túi ai? Tốn bao nhiêu tiền để hãng sữa quảng cáo nó ra rả hằng ngày và họ tính vào giá bán sản phẩm của họ như thế nào?

Sữa nhái không phải là thuốc độc! Nó là lựa chọn thứ tư. Tức là khi sữa mẹ bú trực tiếp, sữa mẹ hút ra và sữa mẹ đi xin không có thì nó mới được cân nhắc sử dụng. Sở dĩ phải cân nhắc là vì không phải bé nào cũng hợp với sữa nhái. Chưa nói đến dị ứng, nhiều bé bú sữa nhái bị táo bón, và bạn có biết không, chỉ cần 40ml sữa nhái thì một em bé cũng có thể bị táo bón!

Nếu bạn chưa từng đi học các khóa về sữa mẹ, chưa từng dự các hội thảo về sữa mẹ, thì mặt bạn đã không nóng lên, tim bạn không đập loạn xạ vì biết rằng con bạn đã không được hưởng những tinh túy và lợi ích abc từ sữa mẹ. Bạn sẽ không cảm thấy tiếc nuối vì trước kia đã bỏ lỡ nhiều thứ cho con, vì sự thiếu hiểu biết của mình. Bạn sẽ không khát khao nói cho tất cả các bà mẹ mà bạn biết về tầm quan trọng của sữa mẹ, và mặt trái của sữa nhái.

Nếu bạn dị ứng vì sữa công thức bị gọi là sữa nhái, hãy thử đặt cho nó tên gọi khác xem sao. Sữa…thiên nga chăng? Ừ, cứ cho là sữa thiên nga, hoặc bạn muốn giữ tên sữa công thức cũng chả sao. Nhưng bản chất của nó vẫn không thay đổi, vẫn là một hỗn hợp nhiều chất nhân tạo cố bắt chước cho giống sữa mẹ mà thôi.

Vấn đề không chỉ nằm ở cái tên, dù cái tên chỉ là cái tên.

Những bài viết nói lên sự thật về sữa nhái không phải là để chỉ trích sự chọn lựa của bạn, càng không phải để làm cho bạn tổn thương. Nói về sữa nhái, tức đối tượng chính là sữa nhái. Việc bạn nuôi con bằng gì không đem lại cho bạn huy chương, hay đánh giá rằng bạn làm cha mẹ có tốt không. Nhưng vì bạn là cha mẹ, bạn có quyền và có trách nhiệm biết được sản phẩm mà bạn dùng để nuôi con có những thứ gì.

Ngôn ngữ tác động đến tư duy, dù đôi khi không cần phải nói điều trái với sự thật mà người ta vẫn cảm thấy như bị xúc phạm. Sự thật là, sữa công thức là loại sữa bắt chước sữa mẹ. Chẳng phải các hãng sữa đã quảng cáo rằng sản phẩm của họ “giống với sữa mẹ” hay sao? Cái gì bắt chước cho giống một nguyên mẫu khác thì gọi là gì nếu không gọi là “nhái”, là “copy”? Sữa nhân tạo dành cho trẻ em, Artificial Baby Milk, viết tắt là ABM – Đây là tên gọi thực sự của cái gọi là “sữa công thức” mà hiện nay các nước khác trong đó có Úc vẫn dùng.

Bạn thích tên nào hơn? Sữa nhân tạo dành cho trẻ em hay sữa nhái? Nếu dùng từ “sữa nhân tạo dành cho trẻ em” mà cảm thấy ít offensive hơn thì bạn cứ dùng, hoặc bạn thích từ “sữa công thức” cũng chả sao. Đó là quyền gọi tên của bạn.

Nhưng về bản chất, cái thứ bột trắng trắng đóng vai “sữa” đó không có gì khác biệt!

Bài viết này không nhằm chỉ trích những ai cho con bú sữa công thức (nếu bạn thích cái tên ấy) mà chỉ muốn nói về ý thức hệ mà cộng đồng chúng ta bị ảnh hưởng quá sâu đậm bởi thứ văn hóa quảng cáo và sặc mùi tiền, làm cho những ông bố bà mẹ dần quên đi bản năng làm cha mẹ của mình để tìm đến sản phẩm nhân tạo như một cứu cánh, như một lẽ tất nhiên.

Điều đó cần phải được thay đổi!

Nhưng, với mình, vì mình có quyền chọn tên, mình vẫn không thay đổi gọi tên sản phẩm ấy là SỮA NHÁI.

Thông tin về hình minh họa có thể tham khảo tại đây.

Chú thích ảnh (có thể xem ở link trên): Ảnh này là một trong những nội dung của tờ rơi trong chiến dịch tẩy chay vào năm 1983 nhằm các hãng sữa đã quảng cáo về sữa công thức ở các nước nghèo, đồng thời để khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ.