Thiếu sữa do nhận thức (Perceived Low Milk Supply)

Thiếu sữa do nhận thức (Perceived Low Milk Supply) post thumbnail image

Viết là một sở thích của mình, mình viết để chia sẻ. Bạn có thể chia sẻ thoải mái, nhưng vui lòng trích dẫn nguồn Webcuame.com nhé.

Nguyen Dao

Mẹ Sữa có biết?

Một trong những lý do khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ thất bại, mẹ bị giảm sữa, phải “dặm” thêm sữa công thức, cho ăn dặm sớm vì lo lắng con chậm lên cân… chính là thiếu sữa do nhận thức hay còn gọi là “perceived low milk supply” hoặc “perceived insufficient milk”.

I. THIẾU SỮA DO NHẬN THỨC LÀ GÌ?
Thiếu sữa do nhận thức xảy ra khi người mẹ tin rằng mình không đủ sữa cho con, trong khi khả năng vẫn đang sản xuất đủ sữa cho con bú. Nói cách khác, người mẹ bị nhầm lẫn giữa các hành vi sơ sinh thông thường (normal infant behaviours) và nhu cầu năng lượng thực sự của con; hoặc thiếu kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ, hoặc không được hỗ trợ về mặt tinh thần từ gia đình và người thân. Cụ thể, người mẹ thấy con đòi bú liên tục và các cữ bú cách nhau dưới 3-4 tiếng và cho rằng con bú không đủ.

II. HẬU QUẢ CỦA VIỆC THIẾU SỮA DO NHẬN THỨC
Vì tin rằng mình không đủ sữa cho con nên nhiều mẹ đã tìm đến sữa công thức, càng sử dụng sữa công thức, mẹ càng thiếu sữa do bé không được bú mẹ nhiều và bú hiệu quả đồng thời bé không đói do đã được bú sữa công thức. Cứ một ml sữa công thức mẹ cho con bú thì cũng đồng nghĩa với từng đó ml sữa mẹ không đến được với con.

Hậu quả là, vú mẹ không được kích thích đúng và đầy đủ thông qua động tác bú mút hiệu quả của con, cơ thể không nhận được tín hiệu sản xuất sữa và do đó sữa mẹ ít dần đi. Khi sữa mẹ ít dần, mẹ lại dùng sữa công thức để con no, dẫn đến việc thất bại của mục tiêu nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn mà mẹ đã đặt ra trước đó.

III. GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

Phải hiểu rằng:
– Sữa mẹ có đặc tính giống loài (species specific, tức là loài – có vú – nào thì phù hợp cho con của loài đó) và dễ tiêu hóa.
– Dung tích dạ dày trẻ sơ sinh thì nhỏ, sữa mẹ mau tiêu nên bé thức dậy thường xuyên để bú là điều bình thường.
– Mỗi mẹ có khả năng trữ sữa khác nhau: mẹ có ngực nhỏ cho con bú thường xuyên hơn để làm trống tuyến sữa, mẹ có ngực lớn thì mất nhiều thời gian hơn để ngực căng đầy.
– Chu kỳ ngủ của bé chỉ bằng khoảng một nửa chu kỳ ngủ của người lớn, bé “ngủ động” (active sleep) và có nhiều chuyển động mắt nhanh (REM – Rapid Eye Movement) giúp bé dễ dàng thức giấc để được bú và được bố mẹ ôm ấp.
– Mỗi cặp mẹ con (mother and baby dyad) là riêng biệt, không phải cặp nào cũng giống nhau nên cần chấp nhận những khác biệt khi so sánh với cặp mẹ con khác.
– Những lời nhận xét đại loại như “Sao bé nhà bạn cứ bú hoài vậy?” hoặc “Nó nhai ti mẹ như núm vú giả!” hoặc “Vú mẹ sao xẹp lép, mềm oặt!”… là những lời nhận xét không có giá trị xây dựng và động viên người mẹ. Do đó người mẹ không cần phải dựa vào những lời này để tránh hoang mang cho bản thân.

Mẹ phải làm gì?

Mẹ cần hiểu về Giấc ngủ của bé
Mẹ cần Tìm hiểu cách cơ thể bé sử dụng năng lượng.
Mẹ cần quan sát Những dấu hiệu nhận biết bé bú đủ
Mẹ cần cho bé bú mút theo nhu cầu, thường xuyên tiếp da.
Mẹ cần đọc bài, tìm hiểu các kiến thức khoa học.
Mẹ có thể nuôi con theo bản năng, nhưng đừng làm theo truyền thuyết.

ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT, đó là mẹ cần TỰ TIN VÀO KHẢ NĂNG MẸ SỮA CỦA MÌNH!