Duy trì nguồn sữa sau khi con ăn dặm

Duy trì nguồn sữa sau khi con ăn dặm post thumbnail image

Viết là một sở thích của mình, mình viết để chia sẻ. Bạn có thể chia sẻ thoải mái, nhưng vui lòng trích dẫn nguồn Webcuame.com nhé.

Nguyen Dao 

Hôm nay tạm thời để các bài dịch và nghiên cứu sang một bên để chia sẻ một số kinh nghiệm với các mẹ về việc duy trì nguồn sữa sau khi con đã ăn dặm (từ 6 tháng trở lên). Như các mẹ đã biết, sau 6 tuần thì sữa mẹ sản xuất theo cơ chế cung-cầu, số lượng sữa tạo ra tỉ lệ thuận với số lần bé bú và hiệu quả của những lần bú đó (tức là bé có bú cạn hay không, hoặc sữa có được hút/vắt cạn hay không).

Khi bé bắt đầu ăn dặm, lẽ tự nhiên là sữa mẹ sẽ không còn dồi dào như trước nữa. Điều đó không có nghĩa là sữa mẹ “ít đi” hoặc “không đủ”, vì đến giai đoạn này bé đã bắt đầu làm quen với những thức ăn khác ngoài sữa mẹ nên cơ thể mẹ tiếp nhận tín hiệu đó và bắt đầu điều chỉnh lượng sữa để phù hợp với giai đoạn phát triển này của bé. Đồng thời, khi qua cột mốc 6 tháng thì mẹ đã bắt đầu đi làm, hoặc quay trở lại với nhịp sống bận rộn trước đây. Đặc biệt đối với các mẹ có từ 2 con trở lên (như mình) thì việc duy trì nguồn sữa cho con không phải là điều “dễ như trở bàn tay” nếu như không có thời khóa biểu và chế độ phù hợp. Chỉ cần giãn cữ, bớt hút, hoặc có gì đó bận rộn/căng thẳng một vài ngày là sữa giảm xuống ngay. Tuy nhiên, chỉ cần sớm nhận ra các dấu hiệu này và kịp thời điều chỉnh thì nguồn sữa sẽ nhanh chóng trở lại.

Phần lớn các mẹ sắp đi làm trở lại đều muốn trữ sữa cho con càng nhiều càng tốt để trong trường hợp bận rộn không thể cho con ti trực tiếp thì người nhà có thể dùng sữa trữ đông để cho con bú.

Dưới đây là một vài cách để duy trì nguồn sữa sau khi con ăn dặm:

1.  Tiếp tục duy trì việc s2s (da tiếp da) với con để giúp các hormone tạo sữa hoạt động.

Nhiều mẹ hỏi tư thế s2s nào là phù hợp. Câu trả lời là tư thế nào mà cả mẹ lẫn con cảm thấy thoải mái dễ chịu nhất thì làm. Có mẹ cho con nằm sấp trên ngực trần, mẹ khác lại chọn tư thế ngồi và cũng có mẹ thích bế con áp vô ngực rồi đi vòng khắp nhà.

2. Cho con bú thường xuyên. Nếu bé dưới 12 tháng, mẹ cho bú trước khi ăn. Nếu bé trên 12 tháng, mẹ cho ăn rồi bú.

Theo bản năng, hầu hết các bé khi thấy vú mẹ đều muốn tìm tới để bú, ngoại trừ trường hợp bé được giới thiệu bình quá sớm (trước 6 tuần) hoặc vì lý do nào đó mà mẹ chọn cho con ti bình 100{8bef5806162a3bf903fe0c56d3d07538e41a568c559a5bf0d36ffdac25ffe5bd} từ sữa mẹ.

Lưu ý trong thời gian đầu ăn dặm, không nên thay hoàn toàn một cữ bú bằng một bữa ăn của bé. “Dặm” là “phụ” thêm, tức là “giới thiệu” thức ăn cho bé. Nguồn dinh dưỡng chính cho bé dưới 12 tháng vẫn là sữa mẹ. Nhiều bé vẫn chưa thích thú với thức ăn cho tới 9 – 10 tháng và đây là việc hoàn toàn tự nhiên. Cân nặng của bé, từ tháng thứ 3 trở đi, bắt đầu có dấu hiệu chững lại vì thời điểm này bé bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, hoạt động nhiều hơn và vì thế lanh lợi hơn. Cho ăn dặm trước 6 tháng vì thế không phải là cách để bé tăng cân nhanh như nhiều người vẫn ngộ nhận.

3. Không giãn cữ quá lâu.

Giãn cữ lâu một vài ngày đầu có thể làm tắc tia sữa gây đau nhức, đồng thời báo hiệu cho não rằng con không bú ra hết nên không cần phải tạo thêm sữa làm gì! Nên nhớ, volume (thể tích) sữa trong bầu vú càng nhiều thì càng ức chế các hormone tạo sữa, vì vậy muốn duy trì lượng sữa, hãy làm ngược lại.

Lượng sữa mẹ sản xuất, thực ra phụ thuộc vào bé chứ không phải vào mẹ! Bé càng bú nhiều, tuyến sữa càng trống thì sữa mẹ càng được kích thích sản xuất nhiều. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mẹ phải “ép” bé bú hơn nhu cầu cần thiết của bé mà là mẹ cần cho bé bú hiệu quả bằng cách đảm bảo tư thế và khớp ngậm đúng, hút sữa ra sau khi bé bú nếu mẹ muốn trữ sữa trước khi quay trở lại làm việc. Do đó, các mẹ không nên tự ti vì mình không có nhiều sữa “như người ta” nhé.

4. Mẹ có chế độ ăn uống và ngủ nghỉ phù hợp.

Thời gian mẹ quay trở lại với nhịp sống bận rộn là thời gian mẹ dễ bị áp lực nhất! Thiếu ngủ, stress, ăn uống thất thường, bỏ cữ, giãn cữ, … là những nguyên nhân góp phần làm suy giảm nguồn sữa mẹ. Vì vậy, ngoài việc uống đủ nước, ăn uống đa dạng và phù hợp, sức khỏe tinh thần của mẹ cực kỳ quan trọng trong việc duy trì nguồn sữa cho con. Thời gian đầu khi quay trở lại làm việc và vắt trữ sữa tại nơi làm việc, hãy chuẩn bị tinh thần rằng sữa sẽ có suy giảm chút đỉnh. Điều này hoàn toàn bình thường vì cơ thể mẹ đang thích nghi dần với thời khóa biểu và lịch sinh hoạt mới sau khi có con.

Khá nhiều mẹ gửi con đi trẻ, hoặc để con cho ông bà/người giúp việc chăm sóc rất lo lắng về lượng sữa của mình dường như đang sụt giảm, nhất là người nhà phản ảnh là con mình khóc nhiều hơn, quấy nhiều hơn khi mẹ vắng nhà. Thực ra điều này lại hầu như không liên quan đến việc bé bị “đói” hoặc “không đủ sữa để bú” nhé các mẹ. Bé khóc có nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ vì đói đâu. Một trong những lý do đó là bé phải xa mẹ, thiếu hơi mẹ; mẹ cũng lo lắng và nhớ con khi quay trở lại làm việc. Vì vậy, khi mẹ về nhà, hãy ôm con và cho con ti trực tiếp càng nhiều càng tốt và lưu ý rằng cữ bú đêm cũng rất quan trọng. Hơn nữa, con ti trực tiếp sẽ hiệu quả hơn máy hút sữa rất nhiều do đó các mẹ có thể yên tâm rằng con bú đủ bằng các dấu hiệu rất dễ nhận biết.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục khi ăn dặm cho đến 2 tuổi hoặc hơn. Bây giờ các mẹ nhìn “quãng đường” 2 năm thấy dài, nhưng một khi 2 năm đã qua (khi con 2 tuổi) thì sẽ thấy sao nó trôi đi nhanh quá!

Tài liệu tham khảo, dưới đây là một số nguồn tham khảo tin cậy mà các mẹ có thể tìm hiểu.

Tài liệu của Hội Sữa Mẹ (Bé Tí Bú Ti)

My Child Won’t Eat!: How to Enjoy Mealtimes Without Worry (Carlos Gonzalez)

Nursing Mother, Working Mother: The Essential Guide for Breastfeeding and Staying Close to Your Baby After You Return to Work (Gale Pryor)

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.