Cho bú một bên, hay hay bên? Một số bé chỉ thích ti một bên thì sao?

Cho bú một bên, hay hay bên? Một số bé chỉ thích ti một bên thì sao? post thumbnail image

Viết là một sở thích của mình, mình viết để chia sẻ. Bạn có thể chia sẻ thoải mái, nhưng vui lòng trích dẫn nguồn Webcuame.com nhé.

Nguyen Dao 

Nhiều mẹ thắc mắc không biết liệu bé ti một bên có đủ hay không. Sau khi con ti xong thì một số mẹ sờ bụng con rồi than “Sao xẹp lép, không căng tròn gì hết trơn.” Vậy thế nào mới gọi là “căng tròn”?

Nhưng, một đứa trẻ thông minh là một đứa trẻ không bao giờ tự bỏ đói mình! Bé chỉ bú khi có nhu cầu, và khi đói. Em bé như tờ giấy trắng, đói no giận hờn gì thì cũng tỏ quan điểm rõ ràng hết, là tại mẹ chưa/không hiểu con thôi chứ không phải con không muốn cho mẹ biết.

Khi cho bé bú, hãy để bé bú cạn một bên vú rồi mới chuyển sang vú bên kia để bảo đảm rằng bé bú đủ cả sữa trước và sữa sau. Phần sữa sau nhiều chất béo và năng lượng hơn, nếu bé không bú đến phần sữa này thì bé sẽ không đủ no và mẹ có nguy cơ bị tắc tia sữa (blocked ducts) hoặc viêm tuyến vú (mastitis).  Điều này cần thực hiện đặc biệt ở 6 tuần sau khi sinh khi quan hệ bú mẹ đang được thiết lập. Khi qua mốc 6 tuần, bé bú theo nhu cầu và “nhà máy sữa mẹ” sẽ sản xuất tương ứng với nhu cầu của con. Bé càng lớn, càng mút mạnh và hiệu quả hơn nên thời gian bú sẽ ngắn hơn.

Hầu hết các bé sẽ tự nhả ti mẹ ra khi no. Việc bé bú bao lâu tùy thuộc vào nhiều yếu tố:
– Tuổi của bé – bé lớn thường bú nhanh và hiệu quả hơn.
– Dạ dày của bé – bé càng đói sẽ bú càng lâu
– Khớp ngậm và tư thế – Bé có khớp ngậm đúng và tư thế đúng sẽ bú nhanh hơn, hiệu quả hơn.
– Động tác mút vú của bé – Bé nào mút vú dinh dưỡng (nutritive sucking, tức là hút ra sữa) nhiều hơn sẽ bú nhanh hơn bé nào mút vú không dinh dưỡng (non-nutritive sucking, tức là hút không ra/ít ra sữa – thường do khớp ngậm không đúng hoặc bé chưa thực sự đói).
– Tốc độ dòng sữa của mẹ – mẹ nào có sữa chảy ra mạnh thì bé sẽ bú nhanh hơn, mau no hơn mẹ nào có tia sữa yếu hơn
– Khả năng trữ sữa của vú mẹ – phụ thuộc vào kích cỡ vú mẹ, mẹ nào ngực nhỏ có thể cho con bú nhiều lần hơn với các cữ ngắn. Lưu ý: ngực nhỏ ngực to không quyết định một người mẹ có nhiều sữa hay ít sữa. Những mẹ có ngực nhỏ thường xuyên cho con bú với các cữ ngắn vẫn có thể có lượng sữa tương đương với mẹ có ngực lớn.

Nếu mẹ bị giảm sữa hoặc nếu bé không lên đủ cân, mẹ có thể chuyển đổi ngực hai lần hoặc hơn trong một cữ bú (gọi là switch feeding) để núm vú được kích thích nhiều hơn và giúp có nhiều sữa hơn. ĐÂY CHÍNH LÀ LÝ DO TẠI SAO CHO BÉ BÚ TRỰC TIẾP BAO GIỜ CŨNG TỐT HƠN DÙNG MÁY HÚT SỮA. Con chính là máy hút sữa hiệu quả nhất, đáng yêu nhất và đặc biệt là không bao giờ hết pin!

Để bé tỉnh táo khi đang bú, mẹ nên thay tã hoặc cho bé ợ ở giữa cữ bú.

Một số bé không muốn bú bên vú còn lại, thậm chí mẹ đã tìm cách “dụ dỗ”. Mẹ có thể cho bé bú bên còn lại khi bé thức dậy. Nếu không, mẹ có thể hút sữa bên vú đó ra, để tránh bị tắc tia sữa và đồng thời kích thích sữa được tạo ra thêm.

Thực tế, có một số bé chỉ thích một bên vú (trái hoặc phải). Lý do có thể là mẹ bị giảm sữa, hoặc sữa bên bé thích chảy chậm/nhanh hơn bên kia, kích cỡ núm vú khác nhau hoặc không rõ nguyên nhân. Mẹ có thể xử lý bằng cách cho bé bú bên mà bé không thích trước, hoặc khi bé còn buồn ngủ, hoặc thay đổi tư thế. Nếu bé vẫn không hợp tác, mẹ có thể yên tâm rằng bé vẫn bú đủ khi được bú theo nhu cầu. Trong trường hợp đó, mẹ nên vắt sữa bên vú còn lại.

Hai bầu vú mẹ hoạt động độc lập với nhau, vú nào bé bú nhiều thì sẽ có nhiều sữa. Đây cũng chính là lý do tại sao mà mẹ có con sinh đôi vẫn có đủ sữa cho cả hai con vì cả hai bầu vú đều được kích thích để tạo sữa.

Hi vọng những bài viết nho nhỏ như thế này sẽ giúp các Mẹ Sữa tự tin vào khả năng nuôi con của mình.